An tử theo quan niệm Phật giáo


An tử (hay chết êm dịu) có thể định nghĩa là được chết một cách thoải mái, hành động chấm dứt sự sống để giảm đau đớn khổ sở. (Ở đây có thể hiểu an tử như là... quyền được chết?)
Trợ tử (hay tự tử được trợ giúp) là việc tự sát với sự trợ giúp từ những người khác, thường là để chấm dứt một bệnh tật trầm trọng để không kéo dài những đau đớn vô ích. (Ở đây có thể hiểu trợ tử như là ...giết người hợp pháp?)
Quyền được chết, hoặc "tự sát êm ái", là một thuật ngữ pháp lý dùng để chỉ việc lựa chọn cái chết một cách tự nguyện nhằm giải thoát khỏi đau khổ, bệnh tật hoặc các lý do khác. Ở góc độ nhỏ hơn, quyền được chết là một hành vi chọn cái chết của người đã thành niên đang phải chịu sự đau đớn về thể chất hoặc tinh thần kéo dài và không thể chịu đựng được sau một tai nạn hay một bệnh lý không thể cứu chữa, rơi vào tình huống y tế không lối thoát.
Trên thế giới chưa có văn bản pháp luật nào cũng như chưa có quốc gia nào công nhận "quyền được chết" mà chỉ có một số văn bản pháp luật ở một vài quốc gia cho phép sử dụng an tử trong một vài trường hợp nhất định. (Argentina chỉ công nhận việc chấm dứt điều trị nếu do chính người bệnh đề nghị để chết một cách tự nhiên do chính căn bệnh đó. Ở Đức và Thụy Sĩ, cấm bác sĩ kê toa và trao thuốc độc cho bệnh nhân, nhưng cho phép bệnh nhân tự nguyện uống thuốc độc mà không có sự trợ giúp của người khác. Hà Lan cho phép trợ tử với điều kiện là phải mắc bệnh hiểm nghèo, không thể chữa trị, vô cùng đau đớn, người bệnh phải đồng ý hoàn toàn và hiểu rõ quyết định của mình.)
Lý luận bênh vực cho việc hợp pháp hoá tự tử là: việc tự nguyện đi tìm cái chết là một vấn đề do cá nhân tự chủ và tự quyết định. Nếu có một cá nhân nào muốn tìm cái chết như là một giải pháp hợp lý để chấm dứt đau đớn, nên cho phép họ làm điều đó, hay giúp họ làm điều đó để chấm dứt đau đớn.
Đối với Phật giáo, cách suy nghĩ này không đúng.

Đạo Phật chủ trương tôn trọng sự sống, đức hiếu sinh luôn được đề cao. Giới luật đầu tiên của Phật tử là không được sát sanh (avihimsa). Nhưng đạo Phật không coi sự sống là một điều thiêng liêng bất khả xâm phạm: sống cũng như chết nằm trong một vòng sinh tử rộng lớn, cũng như lão - tử chỉ là một chiếc vòng trong dây chuyền 12 nhân duyên. Chết chỉ là một giai đoạn, sinh ra cũng chỉ là một giai đoạn.
Đạo Phật quan niệm Nghiệp (kamma) như là hành động có ý thức. Hành động kiếp trước tạo ra đời sống kiếp này; nghiệp kiếp này chi phối đời sống kiếp sau. Phật nói: "Này các tỳ kheo, ý muốn (cetana) chính là nghiệp; sau khi muốn, người ta hành động bằng thân, khẩu, ý... Sát sinh do duyên sát sinh tạo ra sợ hãi hận thù ngay trong hiện tại và tạo ra sợ hãi hận thù trong tương lai, khiến tâm cảm thọ khổ ưu" (Tăng Chi Bộ Kinh - Anguttara Nikaya).
Đạo Phật là đạo diệt khổ. Cuộc đời hiện tại là một đoạn ngắn của chuỗi dài luân hồi kết bằng đau khổ. Bệnh hoạn chỉ là một khía cạnh của khổ - tập đế số một trong "tứ diệu đế". Như vậy, trong quá trình luân hồi, cái chết hiện tại chỉ là một biến cố gián đoạn tạm thời của khổ, và sẽ tiếp diễn trong kiếp sau. Không có gì đảm bảo được kiếp sau của ta sẽ tránh được đau khổ, vì đau khổ do nghiệp tích lũy từ muôn đời trước tạo ra. Một chuỗi “liên tồn sinh diệt" được lập lại. Do đó, chết không phải là chấm dứt, và đau khổ không thể chấm dứt, khi thân xác tan rã, mà vẫn tiếp tục cho đến khi nào giải được nghiệp ác. Tất cả quả tốt hay xấu mà chúng ta đang thọ hiện nay, gốc từ cái nhân chúng ta gây thuở trước. Quá khứ, hiện tại, vị lai đều liên hệ mật thiết tùy theo nghiệp của mỗi người. Chết không giải trừ được nghiệp, mà chỉ sinh ra nghiệp mới cho bản thân và xã hội. An tử tạo nghiệp cho mình, trợ tử tạo nghiệp cho xã hội, và nghiệp cứ thế chồng chất mãi lên, sau này chính xã hội phải gặt lấy quả xấu. Cha mẹ muốn ông bà bệnh tật phải tự sát để đỡ tốn công chăm sóc, rồi con cháu cũng sẽ theo cách hành xử như vậy với cha mẹ. Dần dần qua vài thế hệ, xã hội sẽ quên đi thế nào là đức hiếu sinh, đạo hiếu nghĩa mà Phật đã dạy. Đó là chưa nói đến những biến thái vô nhân và vi phạm y đức của cái gọi là "quyền được chết" trong xã hội. (Có thể bệnh nhân đòi chết - thật tâm họ không muốn chết - do sự đau đớn hành hạ vì chưa được chữa trị đúng mức, chứ chưa hẳn là vô phương cứu chữa. Trợ tử có thể bị lạm dụng và trở thành sát nhân, vì với quyền nầy, một bác sĩ bất tài hay sai lầm trong chẩn đoán bệnh có thể xóa hết dấu vết sai lầm của họ.)
Vì nhân quả đó: "Nếu một người bệnh đang chờ chết, nếu có một cơ hội nào để cho họ hoặc người thân có những ý nghĩ an lành và đạo đức, thì vẫn phải cố cho họ sống thêm dù chỉ thêm 5 phút, bởi 5 phút đó đủ để vãng sinh một vong linh và gieo thêm mầm thiện nghiệp cho xã hội."

Lê Tấn Tài