Chữ An


(Trích dẫn tác phẩm Tìm Hiểu Việc Ðời Ðã Qua 1 của Gs Nguyễn Phú Thứ)

Cứ mỗi lần Tết đến, tôi lại nhớ xuân sang ở quê hương mình, nhứt là những ngày cận Tết thật là vui nhộn không đâu bằng, để nhà nhà lo sửa soạn mừng xuân, đón Tết, thật đẹp, thật mới và thật dân tộc. Ðó là, những đôi liểng viết bằng mực tàu, trên giấy hồng điều do các cụ đồ nho viết, với lời hay, ý đẹp thật thâm sâu, chân thành, đẹp đẻ để chúc tụng nhau, để cầu cái may mắn, cái hên cho năm mới, cho mọi nhà, trong khi đó thì cũng có những cánh thiệp đầu xuân, cũng chúc tụng bằng những với ý nghĩa nào là: Bá An, Vạn Phúc... cho trọn cả năm. Ðây là phong tục của dân-tộc Việt-Nam của Tổ Tiên Ông Bà xa xưa để lại trên 4000 văn hiến, đáng tự hào. Ngoài ra, còn thấy mấy ông thầy đồ viết những đôi liễn như sau :

Phước dư Ðông Hải
Tứ hải giai huynh đệ
Xuân đáo hoan hỷ
Phúc thọ khang ninh
Công thành danh toại.
Thịt mở dưa hành câu đối đỏ
Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh...

hoặc là :

Tân niên hạnh phúc bình an tiến,
Xuân nhật vinh hoa phú quí lai.
(Năm mới hạnh phúc bình an đến,
Ngày Xuân vinh hoa phú quí về)


Ðịa sanh tài thế nghiệp quang qui,
Thiên thủ phúc gia thanh hiện thái.
(Ðất sanh tài nghiệp đời sáng lạng,
Trời ban phúc nhà tiếng tốt tươi.)


Thiên tăng tế nguyệt niên tăng thọ,
Xuân mãn càng khôn phúc mãn đường.
(Trời thêm năm tháng tuổi thêm thọ,
Xuân khắp đất trời phúc khắp nhà)


Môn đa khách đáo thiên tài đáo,
Gia hữu nhân lai vạn vật lai.
(Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến,
Nhà có người vào lắm vật vào.)


Sơn thủy thanh cao xuân bất tận,
Thần tiên lạc thú cảnh trường sanh.
(Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi,
Thần tiên vui thú cảnh đời đời.)


Khi viết đến đây, tôi lại nhớ nhà thơ Vũ Ðình Liên thời xa xưa ở miền Bắc Việt Nam, đã làm bài thơ như sau :

Mỗi năm hoa Ðào nở,
Lại thấy ông đồ già,
Bày mực tàu giấy đỏ,
Bên phố đông người qua... v.v


Và khi nhắc đến chữ An, để chúc tụng cho nhau, thì ý nghĩa rộng rãi vô cùng, nếu chữ An ghép thêm với từ ngữ đứng trước hoặc đứng sau, thì nó sẽ thêm một ý nghĩa khác thật đậm đà thêm hơn, ví như : Bình An, Phước An, Trường An, Vạn An ...hoặc là An Cư, An Lạc, An Khang, An Vui, An Giấc ...v.v. Do vậy, mọi người rất thường dùng chữ An để chúc Tết cho nhau trong dịp năm hết Tết đến, hoặc khi bà con, bạn bè, thân hữu có dịp đi làm ăn xa cũng chúc thượng lộ bình An. Hơn nữa, còn dùng chữ An để đặt tên cho các con, các cháu. Nhưng chúng ta thử đặt câu hỏi, mọi người trong chúng ta sống trên cõi hồng trần này, có mấy ai được hưởng trọn vẹn và thật sự đúng ý nghĩa chữ An mà mọi người thường chúc tụng hoặc đặt tên dùng chữ An cho chúng ta. Quả thật khó ai thực hiện cho bằng được? Bởi vì, chúng ta còn nặng nợ trần ai chưa dứt, nên chúng ta phải tích cực làm việc, tranh đấu để đem lại cái bả danh và lợi ở trên cõi đời tạm bợ này, mặc dù chúng ta đã biết khi chúng ta còn tiếp khí trời bằng hơi thở, thì chúng ta còn sống và được gọi là con người. Nếu chẳng may, chúng ta không thể thở được, thì chúng ta sẽ chết và được gọi là thi hài, giống như đống thịt không hơn không kém, thật hôi tanh, thì dù chúng ta giàu có, tiền dư bạc để hơn mọi người, thì chúng ta cũng không bao giờ hưởng hết hoặc đem theo được khi chúng ta không còn hơi thở để sống trên cõi hồng trần tạm bợ này. Thế mà, mọi người trên đời này, lúc nào cũng cố tranh giành cái danh, cái lợi, để rồi gây nên cảnh tương tàn điêu linh cho nhau và mọi người lúc nào cũng phải mang cái đau khổ vào thân.
Nếu mọi người ý thức cương quyết tiêu diệt cái đau khổ bằng cách : "Thương người như thể thương thân, xem mọi người như họ hàng thân tộc từ đời đời kiếp kiếp luân hồi với nhau, cho nên lúc nào cũng tận tình giúp đở từ vật chất đến tinh thần và cũng đừng bao giờ làm những gì mà mình không thích cho mọi người, mà nên làm những gì mình thích cho mọi người. Có vậy mới chấm dứt sự đau khổ triền miên ở trần gian này nữa"
Nếu mọi người có tấm lòng như thế, tôi tin tưởng rằng thế giới chúng ta đang sống sẽ trở thành thiên đàng đúng nghĩa của nó và mọi người sẽ thoát cái đau khổ. Mong lắm thay!
Nhớ lại thuở còn tuổi học trò ở quê nhà, tôi cũng phải tranh đấu với bạn bè cùng lớp từ bậc tiểu học, rồi trung học và đại học, cứ tưởng khi ra trường đi dạy làm thầy sẽ thoải mái và sung sướng hơn tuổi học trò đầy mơ mộng. Nhưng than ôi! khi đến tuổi lập thân, nên người và có sự nghiệp trong tay rồi, thì tôi cũng tiếp tục tranh đấu vì sự sống hằng ngày, mà chẳng thực hiện được chữ An, nhớ lại cái tuổi học trò, sống với Cha Mẹ, thì thật là sung sướng vô cùng, mỗi ngày chỉ vui chơi, rồi đi học, về nhà thì được Cha Mẹ nuông chiều, lo cơm áo đầy đủ, duy chỉ có cái lo học cho được điểm cao ở nhà trường và mỗi lần có cuộc thi làm bài trúng và được chấm là xong, chớ nào có hay biết Cha Mẹ phải tranh đấu để làm ra tiền của, để nuôi dưỡng cho mình ăn học đâu? Thành ra cuộc đời tuổi học trò thật là An vui, mà tôi không bao giờ hay biết, mà tôi còn cứ than Khổ mỗi khi phải lo học hành, đến ngày nghỉ cuối tuần mới được rông chơi với bạn bè hoặc vào dịp nghỉ hè được nhà trường tổ chức đi thăm viếng danh lam thắng cảnh quê hương mình và nhìn lên bục giảng bài của những vị thầy, những vị giáo sư, thì tôi cũng không An, với tuổi học trò đầy mơ ước sau này sẽ trở thành những vị ấy, sẽ sung sướng và hảnh diện và An vui hơn cái tuổi học trò. Thế rồi, nước chảy ngày tới, thời gian cứ trôi qua, tôi đã thật sự thành công cái mơ ước của mình, thì tôi lại thấy cái tuổi học trò quả thật An vui hơn, mà tôi không chịu An hưởng cái An hiện có của mình, cho nên cái tuổi học trò tôi vẫn mất An là thế đó. Vì thế, tôi mới tiếc rẻ cái An của cái tuổi học trò, vì nhứt nhứt sự sống, từ cái ăn, cái mặc đều do Cha Mẹ lo lắng đầy đủ cả, chớ đâu phải như ngày hôm nay.
Sau năm 1975, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác đến xứ người, khi còn ở trại tỵ nạn ở đệ nhị quốc gia, thì tôi lại không An, vì không biết nước nào nhận, nên lại lo lắng vô cùng. Khi gia đình tôi đến được đệ tam quốc gia, thì lại không An, vì đến xứ người bắt buộc phải nói tiếng nước người, cho nên bắt buộc phải lo lắng học tập từ ngôn ngữ cho đến nếp sống mới, để có đầy đủ điều kiện hội nhập với người bản xứ, để rồi đi làm và tạo dựng tương lai.
Ðời sống ở nước Tây Phương, hàng hóa sản xuất tràn ngập, cạnh tranh tự do, cho nên chúng ta không tự dằn lòng An tâm là:
Tri túc, tri chỉ (Biết đủ, biết thôi)
hoặc là:
Tri túc tiện túc, hà thời túc
Tri nhàn tiện nhàn, hà thời nhàn
(Biết đủ thì đủ - Biết nhàn thì nhàn)
thì chúng ta sẽ lọt vào quỷ đạo đầy cám dỗ văn minh vật chất lúc nào không hay, vì mỗi tháng, mỗi năm đều có cái hay, cái mới sản xuất tung ra thị trường tiêu thụ. Nếu chúng ta không can đảm biết An với sự sống, mà cứ bám vào cái bả vật chất để thụ hưởng theo thời, theo kiểu mới, thì chúng ta phải cố gắng làm việc cho thật nhiều tiền mới mong đáp ứng cung phụng cho vật chất đầy đủ. Nhưng than ôi! chúng ta không bao giờ tự mãn là những vật chất đó xem là đủ, cho nên chúng ta lúc nào cũng đau khổ triền miền, ngoài ra đời sống gia đình chúng ta lúc nào cũng không An, hạnh phúc gia đình không được trọn vẹn, bởi vì các con của chúng ta không được chăm sóc chu đáo, học hành không đem lại kết quả như ý, đôi khi vợ chồng không có thời giờ để gặp nhau để tâm tình hoặc bàn những công việc trong ngày hay tương lai, bởi vì mỗi những ngày làm việc trong tuần ông làm một nơi, bà làm một nẻo, có khi làm hai ba công việc trong tuần, nhưng giờ giấc lại khác nhau như trường hợp ở Hoa Kỳ, để mới có đủ tiền sắm sửa cho thật sang trọng, đôi khi đau cũng cố gắng đi làm, chỉ vì vật chất mà hại đến sức khỏe, Cha Mẹ càng ngày xa con cái, đôi khi những cặp vợ chồng thật hạnh phúc nay bắt buộc phải ly dị, mặc dù vợ chồng đã có nhiều tiền để cung phụng như ông hoàng bà chúa thật sự, nhưng chúng ta phải đau khổ về tinh thần, vì gia đình của chúng ta không còn được An cư hạnh phúc như xưa, cho nên đời sống lúc nào cũng bất An, đôi khi phải tan nát gia đình, vì vợ chồng mỗi người có một lối sống, một công việc riêng, một lý tưởng không đồng nhứt và lại có tiền lương riêng, rồi nếu có sự bất hòa thì lại kể vật chất, tiền ông, tiền bà cũng vì cái bả danh lợi mà tạo nên cảnh bất An đưa đến trong gia đình đã có hạnh phúc từ xưa, nay phải bị tan rả. Nếu chúng ta nhìn vào các cuộc chiến vừa qua, cũng do danh lợi mà ra, các nước lớn lúc nào cũng tìm cách đánh chiếm các nước nhỏ để làm thuộc địa, ngõ hầu vơ vét đem tài nguyên về cho mẫu quốc, qua 2 cuộc đại thế chiến 1914 -1918 và 1939-1945 đã chứng minh cho chúng ta thấy một cách rõ ràng. Riêng đất nước Việt-Nam của chúng ta cũng không thoát khỏi qui luật này, nhưng rất may là đất nước chúng ta đã anh hùng chống giặc ngoại bang và giữ gìn toàn vẹn lảnh thổ là đáng tự hào cho dân tộc mình. Ðó là, cái hạnh phúc cho con Rồng cháu Tiên, đáng cho chúng ta hảnh diện, tôi hy vọng rằng đất nước mình sẽ giàu đẹp trong tương lai không xa.
Khi nói về chữ An, thì cũng có người nói rằng: Những người sống ở trên đời này không thể An được khi sống ở các nước văn minh, vật chất tràn ngập quá hấp dẫn, làm sao dằn lòng cho được để giữ chữ An cho trọn vẹn, nghĩa là phải sống "Liệu Cơm Gấp Mấm", vì Ông Bà mình thường nói: "Lớn thuyền, lớn sóng" mà, cho nên những người đó cứ hưởng thụ vật chất tỉnh bơ như Ông hoàng Bà Chúa, muốn có đời sống như vậy, thì ngày làm việc hai ba việc, đôi khi ngày nghỉ cuối tuần cũng đi làm luôn, có như vậy mới có đủ tiền trả nợ ngân ngàn, bởi vì đã vay nợ trước để mua sắm cung phụng cho vật chất. Trái lại, những người "An phận thủ thường" thì bị những người sống theo vật chất cho là quê mùa, vì không sống theo văn minh vật chất. Nhưng, những người này có nhiều thì giờ để dạy dỗ con cháu, học hành tấn phát, cho nên con cháu được tốt nghiệp đại học, có bằng cấp cao làm cho những bản xứ kính phục. Hơn nữa, những người này giữ được phong tục tập quán của người Việt-Nam thuần túy, nhà cửa trang hoàng đơn sơ nhưng sạch sẽ và trang trọng của gia đình Việt-Nam đáng ngưỡng mộ ở xứ người, không khác Hoa Sen khoe sắc trong ao bùn vậy.

(Trích Nguyệt San THẾ GIỚI, Houston, TX - E-mail Thegioi@houston.rr.com từ trang 34 đến trang 36 số Tân Niên Ất Dậu tháng 3- 2005 do Ông Ðặng Phương Linh Chủ nhiệm / Chủ Bút)