Quan niệm hạnh phúc của Einstein



Hạnh phúc đơn sơ là quan niệm sống suốt đời của Einstein. Các phát biểu của ông từ thời trẻ cho đến những năm gần mất đều cho thấy nội dung bút tích về một cuộc đời “tĩnh lặng và khiêm tốn” là hoàn toàn nhất quán với triết lý sống của ông. Cho nên câu nói trên mảnh giấy chính là thông điệp về quan niệm cuộc sống hạnh phúc của ông chứ không phải một câu nói bình thường. Vì vậy nó có sức hút.
Cả đời, Einstein chỉ muốn có một cuộc sống đơn giản. Lúc còn là học sinh, ông đã từng viết trong một bài essay bằng tiếng Pháp: "Một người hạnh phúc sẽ quá hài lòng với hiện tại để nghĩ nhiều về tương lai. Nhưng mặt khác, bao giờ thanh niên cũng chính là những người bận rộn với những dự định táo bạo. Ngoài ra, cũng là một điều tự nhiên đối với một thanh niên nghiêm túc, rằng anh ta nên hình thành cho mình một ý tưởng rõ ràng như có thể về mục tiêu của những mơ ước của mình."
Được hạnh phúc quá sẽ làm cho con người dễ quên đi những lý tưởng tương lai. Em gái Maja của Einstein đã từng kể về sự thờ ơ của Einstein đối với của cải vật chất mà những người khác thường coi trọng. Bà kể: “Khi còn trẻ anh tôi thường nói: ‘Tất cả những gì anh sẽ muốn có trong phòng ăn của anh là một cái bàn gỗ thông, một cái ghế dài, và vài chiếc ghế dựa.’” Thế thôi. Khi nổi tiếng rồi, Einstein vẫn còn “mơ” về một “vị trí của người giữ hải đăng” cho những người hoạt động khoa học, xem đó là nghề lý tưởng nhất. Ông chẳng màng vật chất lẫn danh vọng. “Mỗi sở hữu đều là một cục đá ở dưới chân. Không có gì tôi không từ bỏ được, bất cứ lúc nào” như ông viết.
Người ta có thể tìm thấy rải rác những câu nói khẳng định quan niệm hạnh phúc đơn sơ của ông. Vào những năm cuối đời, khi được hỏi về sự tự do của giới khoa học gia tại Mỹ trước chủ nghĩa McCarthy, ông đã trả lời: “Nếu tôi còn trẻ và đứng trước sự lựa chọn trong việc kiếm sống thì tôi sẽ không làm một nhà khoa học, bác học hay sư phạm, mà muốn trở thành một thợ ống nước hay một người bán hàng rong, trong hy vọng để giữ được sự độc lập khiêm tốn có thể còn tìm thấy được trong những điều kiện xã hội hiện nay.” Ông không hề biết sợ. Hay chẳng hạn những lần phát biểu khác của ông dưới đây: "Ở đâu mà thế giới thôi là sân khấu của hy vọng, mong ước và ham muốn cá nhân, ở đâu chúng ta đối diện với thế giới với tư cách là những con người tự do của tạo hoá để chiêm ngưỡng, tìm hiểu, và quan sát, ở đó chúng ta bước vào vương quốc của nghệ thuật và khoa học. Tôi tin chắc rằng không tài sản nào trên thế giới có thể đưa nhân loại đi xa hơn, cho dù từ bàn tay của một người thật tận tụy với mục đích. Chỉ có tấm gương của các nhân cách vĩ đại và trong sáng mới có thể đưa đến những suy nghĩ và hành động cao cả. Tiền bạc chỉ thu hút cái vị kỷ và luôn dẫn tới sự lạm dụng không cưỡng lại được."
Nhà sử học Fritz Stern, bằng ngòi bút sắc bén, đã vẽ lên tính cách của Einstein rất sinh động: "Thực tế, chính tính đơn giản của ông, sự thanh thoát, gây ấn tượng lên con người. Quần áo ông đơn giản, diện mạo ông đơn giản đến từng chi tiết. Sự khiêm tốn ở ông là nổi tiếng – và đích thực, cũng như tính không vị kỷ. Có bao nhiêu nhà khoa học, hàn lâm (chỉ) yêu cầu một tiền lương thấp hơn lương được đề nghị? Ông là con người cô đơn, dửng dưng với các sự vinh danh, “vô gia cư” như chính ông thú nhận, lo lắng cho số phận của nhân loại… . Có lúc, ông xuất hiện như thánh Francis ở Assisi – một vị thánh cô đơn – lái thuyền buồm với vẻ ngây thơ, đôi mắt đượm buồn đăm chiêu và bối rối nhìn xa xăm."
Có lẽ chính trong “cuộc sống tĩnh lặng và khiêm tốn” ông mới thấy khao khát chân lý, và đi tìm, một cách kiên trì: Thuyết tương đối hẹp ông tìm 10 năm, Thuyết tương đối rộng 8 năm, thuyết trường thống nhất 30 năm vẫn chưa kết thúc, nhưng trở thành di chúc mãi mãi cho nhân loại. Một người đầy những ham muốn vật chất và danh vọng giống như một tách nước đầy, sẽ khó có thêm chỗ cho chân lý. Nghe giống như chuyện thiền. Thực tế, làm khoa học là một dạng thiền với những mantra khoa học, cho nên cần một cuộc sống “tĩnh lặng và khiêm tốn”. Cuộc sống khác đi sẽ che lấp đi tầm nhìn đích thực, đưa ta đi xa khỏi cội nguồn sáng tạo bên trong.
Nhưng xa hơn, đằng sau “cuộc sống tĩnh lặng và khiêm tốn” có điều gì quan trọng mà Einstein muốn đạt tới không? Có, đó chính là hai chữ tự do – khát vọng sâu thẳm và cao cả xuyên suốt cuộc đời ông. Vâng, tự do đối với ông là mệnh lệnh cho cuộc sống. Einstein sẵn sàng đánh đổi tất cả để có cuộc sống tự do. Tự do để có nhân phẩm, để phát triển những phần thiên phú trong con người mà tạo hóa đã ban cho. Tự do để có khoa học, có nghệ thuật, để có chân, thiện, mỹ. Tự do là thiêng liêng. Ông là “người tự do nhất”, như nhà vật lý Mỹ Gino Segrè viết. “Chính tự do này đã đưa ông đến vị trí vinh dự và kính trọng mà thế giới dành cho ông như nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi và một trong những con người vĩ đại. Ông thực ra là chủ nhân của số phận ông, cũng như là một lực lượng định dạng số phận của chúng ta”. Đúng như thế, “Không có tự do kia, sẽ không có Shakespeare, không có Goethe, Newton, không có Faraday và Pasteur. […] Vì chỉ con người tự do mới làm ra những khám phá và giá trị tinh thần, những thứ làm cho cuộc sống chúng ta, những con người hiện đại, trở nên đáng sống” như Einstein viết năm 1933.
Chúng ta sẽ không hiểu Einstein nếu không cảm nhận được tầm quan trọng của hai chữ tự do đối với Einstein là thiết yếu dường nào cho cuộc sống tinh thần – bao gồm tự do nội tâm và tự do đối với bên ngoài xã hội: "Để phát triển khoa học và hoạt động sáng tạo nói chung cần phải có một thứ tự do khác, người ta có thể gọi là tự do nội tâm. Đó là cái tự do của tinh thần thể hiện qua sự độc lập của tư duy trước các trói buộc của thành kiến, của quyền lực và xã hội, cũng như trước những trói buộc của suy nghĩ lệ thường và thói quen không phê phán. Tự do nội tâm này là một món quà hiếm có của thiên nhiên ban cho và là một mục tiêu đáng giá cho cá nhân. Cộng đồng cũng có thể đóng góp rất nhiều vào việc giáo dục tự do nội tâm này, bằng cách cộng đồng ít nhất không ngăn cản sự phát triển của nó. Trường học, bằng ảnh hưởng gia trưởng và bằng gánh nặng trí óc thái quá cho những cá nhân trẻ, có thể ngăn cản sự phát triển của tự do nội tâm, hoặc ngược lại bằng khuyến khích tư duy độc lập, sẽ tạo thuận lợi cho nó. Chỉ khi tự do nội tâm và tự do bên ngoài được vun xới một cách có ý thức và lâu dài thì mới có được điều kiện cho sự phát triển tinh thần, cho sự hoàn thiện và cải thiện đời sống nội tâm và bề ngoài."
Cuộc sống đơn giản là đi liền với tự do nội tâm. Nhưng để có tự do bên ngoài, xã hội cần phải có khoan dung, và không được gây không khí sợ hãi: "Loại khoan dung quan trọng nhất vì thế là sự khoan dung của xã hội và nhà nước đối với cá nhân. Nhà nước dĩ nhiên là cần thiết, để bảo đảm cho cá nhân sự an toàn cho sự phát triển của nó, nhưng nếu nhà nước trở thành chính yếu, và từng cá nhân trở thành công cụ mù quáng của nó, thì những giá trị tinh túy hơn sẽ mất đi. Như ghềnh đá trước hết phải dạn dày sương gió để cây có thể mọc trên đó, cũng như miếng đất canh tác trước nhất phải được làm xốp đi, để nó có thể tạo nên sự mầu mỡ, thì tất cả những thành tựu giá trị chỉ đâm chồi từ một xã hội con người, khi nó đủ thông thoáng để tạo điều kiện cho từng con người sự phát triển tự do cho những khả năng của nó."
Cho nên Einstein mới chấp nhận cuộc sống cô đơn, sự cô đơn có thể làm ông đau khổ trong thời trai trẻ, nhưng “trong những năm tuổi về chiều lại ngọt ngào”, như ông tự nói.
Chốc chốc Einstein lại lên tiếng như muốn nhắc nhở con người về ý nghĩa của một “cuộc sống tĩnh lặng và khiêm tốn”, và để cảnh báo trước sự ám ảnh và cám dỗ của sự thành công, quyền thế và vật chất, những thứ giết chết tự do, kềm hãm sự phát triển lành mạnh. Không có tự do nội tâm, con người sẽ cằn cỗi; và không có tự do đối với bên ngoài, con người sẽ èo ọt tinh thần. Xã hội, thế giới, không thể phát triển lành mạnh với những con người mà tâm thức bị sụp đổ, hay khô héo.
Nếu như khoa học của Einstein giống như một “nghi thức truyền tâm ấn, khoa học như một sự thỏa mãn tâm linh”, như nhà vật lý học Marcelo Gleiser nhận xét7, thì câu nói “cuộc sống tĩnh lặng và khiêm tốn” có lẽ cũng có thể được xem như một dạng “truyền tâm ấn” cho một cuộc sống hạnh phúc đích thực.
Einstein không muốn làm một người “truyền giáo”, nhưng thông điệp toát ra từ những gì ông viết, gần như có tính “truyền giáo”, cho một “tôn giáo” của đời thường. Ông không sống khổ hạnh như Thánh Francis, mà sống một cuộc đời “tĩnh lặng và khiêm tốn” bình thường. Có lẽ trong cậu bé, ông nhìn thấy một tâm hồn hồn nhiên và đơn giản, chưa bị che lấp bởi sương mù dục vọng. Chỉ có những đứa trẻ hồn nhiên mới dễ là những nhà triết học thơ ngây, mới dám đặt những câu hỏi táo bạo mà chưa cần những câu trả lời. Einstein đã từng đặt câu hỏi về ánh sáng lúc 16 tuổi mà chưa biết câu trả lời cho đến mãi mười năm sau ông tìm thấy nó trong thuyết tương đối hẹp. Người lớn đã mất đi tính hồn nhiên và tự phát. Họ đã trở thành những người “tuân giáo”, conformist, thuần thục của xã hội, mất đi con mắt tò mò để nhìn vượt khỏi khuôn khổ xã hội họ đang sống.
Einstein là một người sống đơn giản nhưng phong phú, như một “người nghèo mà rất giàu có”. Gandhi, người Einstein ngưỡng mộ suốt đời, cũng từng cổ xúy cho “đạo sống đơn giản”: “Hãy sống đơn giản để cho những người khác sống đơn giản.” Thánh Francis là người cũng từng dạy cho con người sống giản đơn bằng kinh thánh: Tôi kể cho quý vị chân lý, trừ khi quý vị thay đổi và trở thành những đứa trẻ nhỏ, quý vị sẽ không bao giờ bước vào vương quốc của Trời. Với Einstein, giữ được sự hồn nhiên và nhạy cảm của tâm hồn để ngưỡng mộ thế giới là điều kiện để bước vào vương quốc của vũ trụ, của “đạo vũ trụ”. Đối với ông, ai không biết rằng cái đẹp nhất là cái bí ẩn nhất của tạo hóa, nếu ai “không còn khả năng ngạc nhiên, sửng sốt trước nó, người đó coi như đã chết, ánh mắt đã tắt lịm đi.”
Ngân Hà là mái nhà của 400 tỉ vì sao, trong đó có mặt trời và thái dương hệ chúng ta. Nó là môt thiên hà có hình xoắn ốc (spiral) với đường kính khoảng 120.000 năm ánh sáng. Ngân Hà thu hút không biết bao nhiêu sự chú ý của con người, từ nhà thơ đến các nhà thiên văn học và nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hay tài tử.
Chúng ta nhớ lại, cái gì cuối cùng đã khai sáng con người? Cái gì đã tạo nên lý tính? Cái gì đã tạo ra khoa học hiện đại? Cái gì đã giải phóng chúng ta khỏi u mê? Cái gì đã tạo ra hình hài của con người? Đó chính là các tinh tú trên trời và vũ trụ. Chúng ta là một phần của vũ trụ, hay nói vui như một nhà hóa học ví dí dỏm, “sản phẩm tái chế từ bụi tinh tú”, nhưng biết tư duy. Ngạc nhiên, sửng sốt, wonder, là mở rộng trái tim trước vũ trụ, để học, suy ngẫm, nhìn thấy. Ngạc nhiên là con đường để thành người của chúng ta. Thế giới không phải để cho chúng ta tiêu pha, mà để chúng ta giải các bài toán, như ý tưởng tuyệt vời của Kant. Ngạc nhiên là mở rộng trái tim để nhận thêm năng lượng trí tuệ của vũ trụ, như cây cỏ, sinh vật nhận ánh sáng mặt trời, và để đánh thức trong chúng ta ý thức về một sự liên thông của đại gia đình vũ trụ mà con người là một thành viên. Và ngạc nhiên để chúng ta khỏi quên làm “những vị khách tốt, đi nhẹ nhàng trên hành tinh như các sinh linh khác của nó cùng sống chung trên đó” (Chỉ một trái đất của Hội nghị Môi trường Stockholm năm 1972).

Theo Nguyễn Xuân Xanh