NGẪU LÝ


Tất cả những gì hiện tồn đều làm nên sự sống. Thế nhưng, con người vẫn luôn muốn chọn lựa giữa những thứ ấy sao cho đúng với tất cả mọi thời, hợp với tất cả mọi người, nhưng không được. Vì sao vậy? Vì con người luôn sống trong tương đối, trong tương phản, trong tương quan.
Thật vậy, không thể xác định được chiều nào đúng chiều nào sai của hai chiếc đủa để ngược nhau, hoặc không thể biết được cục nam châm nào đẩy cục nam châm nào khi hai cục nầy có cùng cực được đặt đối diện nhau và tạo ra ngẫu lực. Những gì đúng với một số người nầy thì sai với một số người khác và ngược lại. Chính vì lẽ Đúng Sai, Sai Đúng không có cơ sở để dựa mà sinh ra NGẪU LÝ.
Khi đối trước lẽ Đúng Sai - Sai Đúng, Sắc Không - Không Sắc thì không tìm đâu ra cách lý giải vừa ý nhất cho bằng cốt tuỷ của Phật giáo. Đó là Tâm Kinh Bát Nhã mà thế giới Phật giáo không ai mà không biết từ ngàn xưa đến nay, ngay cả các học giả, các hiền triết, các thiền sư, các nhà khoa học đều đã lưu tâm. Trọng tâm của kinh nầy nhầm giải trừ vô minh của con người khi gặp phải NGẪU LÝ: ĐÚNG SAI / SẮC KHÔNG. Trong Tâm Kinh có câu: 'Tam Thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa Cố, đắc A Nậu Đa La Tam Muội Tam Bồ Đề'. Câu kinh nầy đủ chứng minh sự chấn động duy nhất của ánh sáng đạo vàng đã và đang xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
Tuy nhiên, chấn động duy nhất kia đã bị giảm đi ít nhiều vào thời mạc pháp do 3 nguyên nhân:
1- Tâm Kinh Bát Nhã không được lan truyền vào quần chúng để đem duyên lành đến với mọi người.
2- Nhiều ý tưởng cá nhân xuất hiện qua truyền thông hiện đại như internet, radio và bảo đó là lời Phật dạy khiến chánh pháp lu mờ dần.
3- Căng thẳng vì sinh kế là nguyên nhân khiến nhiều người tìm đến với những ý tưởng cá nhân nói trên mà quên đi ánh đạo vàng của Đấng Giác Ngộ.
Sở dĩ các ý tưởng mới ở thời mạc pháp nầy được nhiều người tìm đến vì chúng mang tánh tâm lý nhằm xoa dịu phần nào tâm trạng bất an của người khác trong nhất thời hơn là khai thông trí tuệ để từ đó có thể tự hóa giải tâm lý mình.
Có tìm học các kinh tạng Phật giáo nguyên thủy như Tâm Kinh Bát Nhã, Viên Giác, Lăng Nghiêm, Kim Cang, Trung Bộ Kinh, Trường Bộ Kinh, Duy Thức Luận, Lăng già Tâm Ấn, Đại Bát Niết Bàn kinh...thì mới phân biệt được đâu mới thật là lời Phật dạy rút từ kinh điển. Tuy nhiên, những ý tưởng mới của thời đại nếu đem lại lợi ích cho những ai thấy hợp với mình thì vẫn đáng được trân trọng và vẫn mong họ thực chứng được những điều đã thu nhập. Bởi, theo Phật giáo có đến tám muôn bốn ngàn pháp môn tu, nói khác đi là có vô lượng pháp môn. Phật pháp tùy duyên biến hiện và tùy vào căn tánh nên mỗi người đều có thể thích hợp với mình một pháp tu nào đó ở kiếp nầy. Khi các ý tưởng mới không đủ năng lực hóa giải những ngẫu lý khiến tâm lý rơi vào mâu thuẩn thì đó là lúc giá trị bất khả tư nghì của Tâm Kinh Bát Nhã được biết tới như một CHẤN ĐỘNG DUY NHẤT của Phật giáo.

Trần Thế, T², pd. Huệ Trí