Những hạt vi trần
Nhân Phúc




Thời tiết chuyển qua thu bắt đầu hiu mát lạnh, vẫy tay rồi những tia nắng nóng bức của hạ buồn. Ánh sáng mặt trời từ trên cao xuyên qua khung cửa kiếng, rọi vào phòng ngủ tôi thành một vệt dài. Không khí có vẻ tĩnh lặng, nhưng nhìn kỹ qua vệt nắng, tôi thấy những hạt bụi trần đang ngao du lay động giữa hư không. Làm tôi nhớ lại Đức Phật đã dùng hình ảnh này ví dụ dạy trong kinh Thủ Lăng Nghiêm.
Hạt bụi bay bay...,biết đâu một trong những hạt vi trần này là những thân xác tôi từ vô lượng kiếp trước, nay còn đang lởn vởn bay đâu đây. Và rồi những hạt bụi nào trong hiện tại, đã hóa kiếp thân tôi như lời của một bài ca?
Xuyên qua vệt nắng, tôi thấy bài học vô tướng của Đức Phật bàng bạc trong các kinh Kim Cang, Bát Nhã, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm..v..v..đang hiện hữu...Nếu chia thật nhỏ các hạt vi trần và cứ tiếp tục chia đến lúc không còn chia được nữa, thì không có một thứ gì có hình tướng trên vũ trụ này có riêng một tự thể của nó; đó là vô tướng. Vô tướng chính là thật tướng của nhà phật, Đức phật đã nói điều này trên hai ngàn năm trăm năm về trước.
Đến bây giờ khoa học mới đang mò mẫm hiển bày sự thật này. Những nghiên cứu nơi phần nhỏ nhất của một vật chất, không thể chia cắt được nữa, để còn giữ được lý và hóa tính của nó, khoa học gọi là nguyên tử. Trong một nguyên tử gồm những hạt electron mang điện âm, chạy theo quỹ đạo quanh nhân là những hạt proton mang điện dương, cùng với những hạt neutron trung hòa. Sự chia cắt một nguyên tử ra nhỏ hơn nữa, để có thể minh xác tận cùng lời của Đức Phật, thì khoa học đã đi đến đâu vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến với thế gian để dạy chúng ta làm một con người cho đúng nghĩa. Hơn hai thiên niên kỷ trôi qua, người ta vẫn bái lạy Ngài, vì chân lý của Ngài luôn đứng vững trước thời gian và không gian. Ngay cho dù trong thập niên này, sự ra đời của CLONING, tức sự sanh sản bằng phôi mầm, đang làm rúng động những học thuyết của tôn giáo khác.
Chúng ta ai cũng từng được sanh ra, ai cũng từng già đi thấy rõ qua ngày tháng, ai cũng từng nếm mùi vị bệnh nặng nhẹ, và ai cũng đang đi trên con đường còn lại của cửa tử đang mở ra chờ đón một ngày không xa, vì thời gian trôi qua trong nháy mắt, để ta trỡ thành những hạt bụi bay...Vậy mà không hiểu sao, người và người chỉ vì cái tham, đang mải mê dùng mọi thủ đoạn với nhau, ôm về những cặn bã nào danh, nào lợi, để rồi ra đi với ba tấm ván! Xa hơn nữa, họ đang chém giết nhau, với mọi hình thức thô hoặc tế. Từ thuở đồ đá đến nay, những trận chiến tranh xảy ra trên mặt đất này vẫn liên tiếp chưa ngừng nghỉ; thì đâu là sự tự hào của nền "văn minh nhân loại", so với đoàn thể của đàn ong, đàn kiến.
Thiền sư Vĩnh Minh có nói: "Ví như có một người đứng trên đỉnh núi Tu Di thòng một sợi chỉ xuống dưới, mong xỏ qua lỗ kim của một người thứ hai đang cầm đứng dưới chân núi, mà xung quanh là cuồng phong gió lốc. Thì cơ hội xỏ lỗ kim vô cùng khó khăn, thế nhưng làm được thân người còn khó hơn điều đó. Từ khi hiểu đạo, tôi thấy trân quí khi được làm thân người, và hạnh phúc được sanh ra trong giai đoạn còn có phật pháp. Nếu không, làm sao mình có thể sống còn với cái nhìn thế gian thật ê chề ngao ngán, trong cảnh oằn oại khổ đau của cảnh đời ngũ trược ác thế, mà không một lối thoát."
Mỗi đêm tôi quì lạy đấng Thế Tôn với những giọt nước mắt âm thầm chảy tri ân, cho tôi hiểu rõ giá trị của Ngài. Mà giá trị của Ngài là nơi chân lý vô tướng Ngài đã truyền trao cho nhân loại, từ trước nay chưa từng có một tôn giáo nào trên thế gian này hiểu tới. Cái chân lý mà mình không là gì cả, ngay cho dù chỉ là những hạt bụi bay, để không an trụ trong tự ngã nhỏ nhoi buộc ràng. Và trong một phút tiêu dao nào đó, hành giả thấu triệt được huyễn sắc ngay tức chân không, thì mình như hòa nhập vào không gian, vì mình chính là hư không.
Hoặc giả mỗi khi ngã chấp nổi lên, thấy mình thấy người, thấy đúng thấy sai, mình cảm thấy xấu hổ khi đứng trước Ngài. Giáo lý của Đức Phật thật cao cả vĩ đại, dẫn dắt chúng ta đi qua bên kia bờ giải thoát. Nhưng sao trên con đường đi toàn là vực thẳm hố sâu, dễ trợt chân để rơi vào ba ác đạo; nên một vị cổ đức có căn dặn: nếu chúng ta hoằng pháp không bằng tâm vô trụ, không vì lợi ích ích cho chúng sanh, mà nhờ vào giáo lý của Phật để tìm danh lợi cho cõi đời này, thì Phật sự mình làm, chính là ma sự mà thôi.
Hình ảnh cánh nhạn bay qua bờ hồ không có tâm để dấu, nước không có ý lưu bóng, là một ấn tượng sâu sắc mà thiền sư Hương Hải ngẩu hứng đề thơ để lại cho đời, đáng cho ta suy ngẫm. Tâm sao như mặt nước, mặc cho cảnh đến hay đi, bát phong lay chẳng động. Đó là con đường liễu ngộ được tánh không," không" ở chỗ tức cảm nhận vạn vật bình đẳng là chính mình, sống trong tinh thần vô ngã phát khởi được lòng từ bi rộng lớn, từ đó đưa đến dứt trừ mọi phiền não nhiễm ô.Tuy nhiên sức người trong một đời không dễ gì mấy ai đạt tới thấy tánh, khi mạng người ngắn ngủi như bọt bóng, như ánh chớp, như sương mai.
Mặc dầu vậy, ta không tuyệt vọng, vẫn có cách đạt đươc không lưu bóng như cánh nhạn, tức thực hành sao rong rêu đừng bám vào mảnh đất tâm của mình. Đức Phật đã dạy không gì hơn là nhờ tha lực của câu Phật hiệu Adiđà, luôn luôn không ngừng nghỉ, không gián đoạn trong tâm của mình, thì cỏ không còn chỗ trống để mọc.Vì thói thường tâm của chúng ta như một mảnh đất phì nhiêu, dù ta có dọn cỏ sạch sẽ xong đâu đấy, nếu để đất trống thì cỏ vẫn tiếp tục mọc trở lại.
Tổ Triệt Ngộ có dạy, nếu chúng ta huân tập niệm Phật lâu ngày thuần thục, uy lực bất khả tư nghì phước báu lẫn trí huệ của câu Phật hiệu Adiđà, đương nhiên làm cho tâm tư người niệm Phật xoay chuyển hóa dần, tự động họ vẫn hiển bày được lý bát nhã và họ xuyên suốt tánh không của vạn vật, mà không nhất thiết phải dùng phương tiện nào khác. Đó là sự huyền diệu của bốn chữ A di đà Phật không thể nghĩ bàn, khiến hành giả bên trong không còn cảm thấy thân tâm, ngoài tan ngoại cảnh, tức tâm được thanh tịnh cùng tần số trở về tâm Phật .Nếu cho dù sự thực hành của mình chưa đủ chứng được niệm Phật tam muội hiện tiền, thì câu vạn đức hồng danh có uy lực bạt đi sức gió nghiệp từ vô lượng kiếp của mình. Và nhờ nguyện lực của Phật Adiđà ta thoát khỏi tam giới ( dục giới, sắc giới, vô sắc giới ) đi về Cực Lạc, đạt được địa vị Bất Thối Chuyển, từ đó tiến tu đến thành quả vị Phật.Trong khi nếu không có tha lực của Phật Adiđà, muốn tự đạt đến cấp bậc không còn thối chuyển trong sanh tử, ta phải tiến lên theo chiều dọc trải qua vô số kiếp mới thoát khỏi tam giới.
Nói theo danh từ hiện đại thì nguyện lực của Phật Adiđà là một chiếu khán nhập cảnh cõi Cực Lạc có bảo chứng, ta như con ong bị kẹt trong ống tre, thay vì đục theo chiều dọc của ống tre, ta đục theo chiều ngang để thoát vòng sanh tử luân hồi. Làm được thân người mà không biết chụp lấy cơ hội trước khi quá muộn màng. Còn trái lại, sống buông trôi....,chết đi theo nghiệp trầm luân, ngụp lặn lên xuống trong trùng điệp kiếp để chịu khổ, thì than ôi uổng đi kiếp phù sinh. Tôi cám ơn tác giã một bài hát nào đó,để văng vẳng bên tai tôi một lời ca...ta là cát bụi, cát bụi là ta...xin người nhớ cho, xin người nhớ cho...ta là cát bụi, cát bụi là ta.