NỤ CƯỜI GIẢI THOÁT


Mùa thu đang ngự trị trên đỉnh núi Yên tử, thời gian cũng như không gian như đang chậm lại, báo hiệu có một chuyện gì bất thường xắp xẩy đến...trên đường ven sườn núi đến chùa Trúc Lâm, một vị Thiền Sư chầm chậm ung dung tiến từng bước như một người đang ngoạn cảnh...Quốc Sư Tuệ Trung viếng thăm Quốc tự Trúc Lâm.
Viên Chân một vị tướng đời nhà Trần phục vụ dưới trướng của Hưng Đạo Đại Vương và đại tướng Tuệ Trung Thượng Sĩ, ngoài trận địa người đã xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Sau khi đánh đuổi quân Mông Cổ chạy về tàu, ngài bèn xin vua Trần Nhân Tôn được tạm dứt bỏ đời binh nghiệp, để tu Thiền ...Vua chấp nhận và cho ông trụ trì tại Quốc Tự Trúc lâm. Sau nhiều năm tu tập, Viên chân đã trở thành một vị thiền sư nổi tiếng trong dân gian cũng như đã nổi tiếng trong những trận đánh kinh hồn với quân Mông cổ trong thời chiến.
Hôm nay Viên Chân, vị Thiền Sư trụ trì đang hấp hối trên giường bệnh. Sự sống đang rời dần trên thân xác của ngài . Thầy của Viên Chân là Thiền Sư Tuệ Trung hay được và đến thăm:
Bên giường bịnh, Thiền Sư Tuệ Trung hỏi:
- Ta biết nhà ngươi đang đi dần về cỏi chết. Ta có thể giúp được gì cho ngươi ?
- Con người ta sinh ra, ai thoát khỏi: sinh, lão, bệnh, tử ?.... Sinh, Trụ, Hoại, Diệt là định luật của tạo hóa, không có một ai có thể thay đổi được. Cái chu kỳ sinh, trụ, hủy, diệt cứ tiếp nối nhau, không ngưng nghỉ. Ðời người sống trong bể trầm luân, cõi thế gian đầy những ưu tư phiền não. Vạn vật đều bị chi phối bởi luật vô thường.. - Thưa thầy - Con Đến không đem theo vật gì, ra Đi cũng không mang theo vật gì, phải tuân theo định luật Vô Thường thì thầy nghĩ, thầy có thể giúp được gì cho con ? "
Nếu thực sự ngươi nghĩ " Có Đến, Có Đi " thì ta sẽ giúp chỉ cho ngươi con đường " Một con đưởng Không có điểm Đến, Không có điểm Đi ".....Những lời nói đó đã đưa Viên Chân nhẹ nhàng đi vào cõi Hư Vô với nụ cười giải thoát trên môi.

Cái gì xảy ra khi bạn chết ? Bất thình lình, bạn mất đi cái thân xác dấu yêu này; bất thình lình bạn không còn khả năng suy tưởng được gì nữa cả; bất thình lình, bạn thấy bạn bị tách xa ra khỏi những người thân yêu; bạn thấy bạn không còn là bạn nữa và những gì trước kia là của bạn cũng không thể nắm giữ được nữa. Điều đó, đối với bạn thật đớn đau vô cùng, vì bạn cảm thấy bạn như đang bị chới với hụt hẫng trong khoảng hư không vô cùng vô tận. Bạn không biết rồi sẽ đi đâu, về đâu; tất cả như xa lạ, hững hờ; ngay cả cái thân xác dấu yêu mà trước kia bạn đã từng ấp ủ, nâng niu, lo lắng thì giờ đây cũng nằm đó, im lìm, bất động, không lên một tiếng nói. Trong từng bước chân tiến dần về cái chết, bạn phải chạm trán một sự thực phũ phàng và khắc nghiệt của kiếp nhân sinh là: "Tại sao không ai tránh được cái chết ? Đời sống thực sự có giá trị gì nếu cặp mắt kia có lần đã sáng tỏ trong niềm vui, có lần rực rỡ trong tình thương, giờ đây đã mãi mãi khép lại, im lìm như ngọn lửa hết củi....lửa tắt . Cái "Tôi" yêu dấu của bạn đang tàn nhẫn giã từ. Bạn run sợ hãi hùng bên bờ vực thẳm của hư không. Bạn sẽ không còn. Bạn sẽ biến mất.
Đối với người thường, Chết không phải là một đề tài hấp dẫn, dầu để thảo luận hay để thuyết trình. Chết là một cái gì buồn thảm, thê lương, ảm đạm, là áp bức, là cái gì thật sự giết chết mọi niềm vui. Hạng người thường, co rút trở vào nằm bên trong cái Ta của mình, luôn luôn chạy đi tìm dục lạc, luôn luôn rượt bắt những gì kích thích và thỏa mãn dục vọng mà không bao giờ dừng chân lại để bình tĩnh ngồi xuống và nghiêm chỉnh suy gẫm rằng chính những thú vui vật chất và những thỏa mãn dục vọng kia rồi sẽ phải chấm dứt . Chỉ đến khi nào cái Chết thực sự xảy ra dưới mái nhà của họ, cho người thân yêu của họ hay chính bản thân họ thì lúc đó họ mới mở mắt bừng tỉnh dậy và đau khổ hãi hùng.
Theo đường lối suy tư của người Tu Trí Tuệ ( không mê tín, tà kiến ), Chết không phải là một đề tài phải lẫn tránh hay xua đuổi, mà là cái chìa khóa để mở cánh cửa đưa vào những gì được xem là bí ẩn của cuộc đời. Chính nhờ hiểu biết cái Chết mà ta hiểu được Sự Sống; bởi vì hiểu theo một chiều hướng, Chết là một phần trong tiến trình Sống. Theo một lối hiểu khác, Sống và Chết là hai giai đoạn khởi đầu và tận cùng của một tiến trình, hai đầu của một luồng trôi chảy, và nếu hiểu biết được đầu này thì cũng hiểu biết được đầu kia. Do đó, khi hiểu được ý nghĩa của sự Chết, ta cũng hiểu được ý nghĩa của kiếp nhân sinh. Chính nhờ suy niệm về cái Chết mà ta có thể diệt được tánh ngã mãn. Chính nhờ suy niệm về cái Chết mà ta có thể tìm lại được thế quân bình cho cái tâm qúa nhiều tạp niệm của ta. Chính nhờ suy niệm về cái Chết mà ta có thể Bất Phân Nhân Ngã, thắt chặt lại dây thân ái giữa người này với người kia, để phá tan những hàng rào giai cấp hay tôn giáo.
Cái Chết có khả năng san bằng rất vĩ đại. Tự cao tự đại vì sanh trưởng trong một gia đình giàu sang, quyền quí, lắm tiền nhiều của; hống hách vì quyền cao chức trọng, địa vị ăn trên ngồi trước hay kiêu căng hợm hĩnh vì sắc dẹp tài năng... tất cả đều phải nhường bước cho Sự Chết, tất cả đều phải sụp đổ trong cát bụi - và trong đám cát bụi vô tình đó, tất cả đều bình đẳng, ngang nhau khi xuôi tay nằm xuống.
Giác Ngộ cũng tương tự như vậy. Giác Ngộ có khả năng san bằng rất mầu nhiệm. Giác ngộ san bằng Tham, Sân, Si, đạp đổ thành trì Nhân Ngã, xô xập hàng rào Vô Minh, chế ngự Tham Vọng Khát Ái và đưa hành giả thẳng bước về miền đất tâm linh vi diệu. Vì thế, nếu bạn đã chuẩn bị, đã thực tập thiền định, đã suy niệm về cái chết......thì bạn không e sợ, lo buồn, hốt hoảng gì cả khi đối diện với sự thật và bạn cũng không tiếc nuối than phiền. Trái lại, bạn sẽ an nhiên tự tại Đón Nhận cái chết như một cuộc rong chơi.
Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ lầm lẫn ý nghĩa "Đón nhận" và "Chấp nhận" . Hai danh từ đó mang hai nghĩa khác nhau hoàn toàn. Khi bạn dùng danh từ "Chấp nhận" có nghiã là bạn không muốn nhưng vẫn phải nhận sự việc đó hay một vật gì đó. Nó hàm ý bắt buộc, chịu đựng, miễn cưỡng, ép bức. Còn "Đón nhận" chứng tỏ một sự đón chào, hồn nhiên, tự tại hơn. Như thế, nếu bạn không lãnh hội được ý nghĩa sâu sắc đó và phải chấp nhận cái chết thì trong bạn dâng trào lên một luồng đối kháng mãnh liệt giữa bản năng tham sống và sự chết. Chính luồng đối kháng đó sẽ đưa bạn đến những vùng tăm tối của tâm thức và đau khổ.. O K với Sự Chết thì bạn sẽ thản nhiên tự tại. Song, dù Đón Nhận hay Chấp Nhận thì tất cả chúng ta và mọi chúng sanh cũng đều phải đi qua đoạn đường cuối cùng này, thế thì tội gì chúng ta phải chống đối phản kháng lại cho uổng công, đau khổ ...an nhiên tự tại đón nhận có sướng hơn không ?

Người ta kể lại rằng Thiền Sư Tuệ Trung là một vị đại sư kỳ đặc, phóng khoáng, không câu nệ giới luật hay tiểu tiết . Một ngày kia, Thiền Sư đi ngang qua một ngôi chùa và ghé vào xin trọ lại một đêm. Đêm đó, trời trở cơn thật lạnh và trong chánh điện không có gì để sưởi ấm, và chỉ có ba tượng Phật gỗ. Thiền Sư Tuệ Trung chẳng nói chẳng rằng, leo lên rinh một pho tượng Phật xuống, chẻ ra chụm đốt sưởi ấm. Lúc đó, thầy trụ trì chợt thức giấc và cảm thấy như có cái mùi gì khác thường, nên ông đi chung quanh chùa xem xét. Đến cửa chánh điện, thầy trụ trì, tá hỏa tam tinh khi thấy thiền sư kia đang ung dung tự tại chẻ tượng Phật ra, đốt và hơ ấm đôi taỵ Thầy trụ trì nổi giận quát lớn :
"Trời ơi, ông làm cái gì vậy ? Tại sao ông dám chẻ tượng Phật ra chụm lửa mà sưởi ? Bộ Ông điên rồi hả ? Tôi thấy ông là một thiền Sư lở độ đường, nên tôi mới cho ông vào trú chân qua đêm, nào ngờ ông lại dám làm cái chuyện kinh thiên động địa thế này, ông đã phạm một tội tài trời là dám phá hủy tượng Phật ?"
" Nhưng ông Phật trong tôi lạnh lắm. Tại sao lại hy sinh ông Phật sống này để bảo vệ mấy ông Phật tượng gỗ kia chứ ?" Thiền Sư Tuệ Trung trả lời.
Thầy trụ trì tức giận nên nào có nghe thấy những gì Tuệ Trung nói. Ông ta nói như hét : "Trời ơi, đúng là thằng điên, thôi thôi, ông xéo đi cho khuất mắt tôi !"
Thiền Sư Tuệ Trung lặng thinh, lấy cây que khều khều, bươi bươi đống tro, có vẻ như muốn tìm kiếm cái gì. Thầy trụ trì lạ lùng, hỏi: " Này ông kia, ông lại muốn bày trò gì nữa đó ?"
Thiền Sư Tuệ Trung không ngước lên và nói: " Ồ, tôi muốn tìm xá lợi Phật cho ông đấy ."
Thầy trụ trì đang giận mà cũng phải bật cười: " Ông thật đúng là một thiền sư khùng, nếu mà không khùng thì cũng mất trí, tượng Phật gỗ làm gì có xá lợi mà ông tìm ?"
Thiền Sư Tuệ Trung phá lên cười : " Thế thì rinh nốt hai pho tượng kia xuống đốt luôn đi cho ấm. Trời còn lâu lắm mới sáng mà đêm nay thì lạnh lắm đó ông thầy trụ trì ơi và ông đã làm thật ."
Vị thiền sư lạ lùng đó , ông ta có đến hàng trăm, hàng ngàn đệ tử khắp nơi trên đất Việt và trong số đệ tử đó có cả Đức Vua Trần Nhân Tôn, ông tổ của phái thiền Trúc Lâm Yên Tử.. và Thiền Sư tuệ Trung không ngừng đi hoằng pháp hết nơi này đến nơi kia để dạy dỗ đệ tử..

Thiền sư Viên Chân đang mấp mé bên bờ " Bến Giác " có nghĩa là sẽ vượt qua , mà cũng có nghĩa là không. Viên Chân đã tu hành suốt cả một cuộc đời còn lại sau thời binh lửa, nhưng vẫn còn vướng mắc, chưa thông suốt. Ông ta còn kẹt vào kinh điển, văn tự, giới cấm, lục tự di đà, hướng về Tha Lực; và đang loay hoay chưa biết tháo gỡ ra sao mà về.
Thật khó mà thoát ra được ngục tù chữ nghĩa, kinh điển, giới cấm, dựa vào tha lực. Điều đó chỉ xảy ra khi bạn đã liễu đạo được mà thôi; và chỉ khi đó bạn mới thấy rằng danh tự kinh điển chỉ là danh tự kinh điển; không có gì cả, sách vở kinh điển chỉ là những phát minh của con người sáng tạo ra làm phương tiện mà thôi; chúng chỉ là tiếng vang trong tiềm thức. Chúng không phải là Chân Lý; chúng không phải là Giải Thoát; chúng không phải là Cứu Cánh. Ông Thiền sư Viên Chân đó đã tu tập, đã chiến đấu với chính bản thân mình, đã thiền định, đã sử dụng nhiều pháp môn gồm Mật Tông và kể cả pháp môn Tịnh Độ, nhưng Viên chân vẫn không thể gỡ thoát ra được sức kềm hãm của kinh điển, lý thuyết và tha lực. Cho đến ngày Viên Chân hấp hối, ông vẫn còn loay hoay với rừng rậm đạo pháp và vô minh . Đúng lúc đó, Thiền Sư Tuệ Trung đến thăm ông. Đây là giai đoạn sanh tử; đây là giai đoạn quyết liệt, đây là lúc phải đạp Viên chân mạnh một cái, xô Viên chân mạnh một cái vào trong cỏi hư vô, hụt hẩng để Viên Chân không còn một ai, hoặc một nơi nào để nương dựa ...Giải Thoát....
" Ta có thể giúp được gì cho ngươi ?"
" Con đến đây một mình và ra đi cũng một mình... Vậy Ngài giúp được gì cho con ?"
Tất cả mọi người đều sanh ra một mình và chết cũng một mình; đó là sự thật hiển nhiên không thể chối cãi; tuy nhiên, giữa hai sự Sống Chết đó, con người đã vô minh đã tự dối gạt mình là ta sống chung với người nào đó, chồng vợ, con cái, bạn bè, thân hữu, xã hội v.v...và nghĩ chúng sẽ dính chặc vào đời sống của ta và sẽ bên ta, nhưng thật ra đó chỉ là vọng tưởng. Cô đơn chính là bản chất thực sự của con người. Đến một mình và ra đi cũng một mình. Cô đơn hoàn toàn. Hoàn toàn cô đơn. Đó chính là lời Phật dạy. Đó chính là vì sao Phật phủ nhận Thượng Đế, một ngôi vị tối cao do con người đặt ra để nương dựa; vì có Thượng Đế thì con người làm sao cô đơn được ? Con người vẫn còn có một điểm tựa để bám víu, để dựa dẫm. Từ tinh thần nương dựa nhờ cậy đó, con người đâm ra hèn yếu, sợ sệt, do dự, hoài nghi, không dám nhìn thẳng vào sự thật. Sự nương dựa, ràng buộc bám víu vào nhau từ đó cũng hình thành, dẫn đến luân hồi sanh tử.
Viên Chân trả lời Tuệ Trung : " Con đến một mình và ra đi cũng một mình. Thầy giúp được gì cho con ? " Câu nói đó của Viên Chân tuy mang âm hưởng như đã thấy đạo; nhưng thực ra Viên Chân chưa đạt được phần cốt tủy của Đạo. Nếu thực sự Viên chân không cần sự giúp đỡ của Thầy thì Viên chân cứ mặc nhiên cười và giản dị nói "Cám ơn." Không cần phải nói rườm rà lễ mễ như vậy. Không cần phải vay mượn những ngôn từ trong nhà Phật như vậy. Một khi bạn không chắc chắn, một khi bạn trống rỗng nội tâm thì bạn phải vay mượn, bạn phải nương nhờ Tha Lực, Phật, Chúa, Thượng Đế, bởi vì đằng sau những bức bình phong vĩ đại đó, bạn sẽ tự che dấu sự vô minh, trống rỗng, hay nông cạn tâm linh của bạn . Bất cứ khi nào bạn sử dụng càng nhiều danh từ tu học, kinh điển bạn càng tỏ ra sự vô minh, sự không thông hiểu của bạn càng nhiều. Viên Chân đã lập lại những ngôn từ rỗng tuếch đó, nên Thiền Sư Tuệ Trung mới phang thẳng cho một cú :
" Nếu ngươi nghĩ có đến có đi, Ta sẽ chỉ cho ngươi con đường Không có điểm Đến cũng như Không có điểm Đi! "
Một cú sấm sét giáng lên đầu Viên Chân, Một trái bom nổ tung càn khôn vủ trụ. Một câu nói xé tan màng vô minh của nhân sinh. Một ngọn sóng thủy triều dâng cao dập xuống tràn bờ. Đó là tinh túy; đó là cốt tủy của nhà Phật, chỉ một câu thôi, chỉ cần một câu thôi đã bao gồm trọn vẹn 50 năm thuyết pháp của Đức Phật; chỉ cần một câu thôi gói trọn tinh hoa của trời đất.
" Con đường Không có điểm Đến, Không có điểm Đi ,".
Thiền Sư Tuệ Trung muốn nói: " Nếu ngươi nghĩ có đến có đi, đó chỉ là vọng tưởng của ngươi mà thôi... "
Thật tuyệt diệu .......
" Nếu ngươi nghĩ là có đến có đi, thì ai đến ai đi ? Cái nào của ngươi đến, cái nào của ngươi đi ? Cái tâm của ngươi đến hay cái thân của ngươi đến; cái tâm của ngươi đi hay cái thân của ngươi đi. Nếu ngươi không lý giải được, có nghĩa là ngươi chỉ lập đi lập lại lời nói của chư Phật như con vẹt mà thôi."
Chúng sanh , con người , cái tôi , chỉ là những danh từ, những chữ không diển tả được một cái gì đơn thuần nguyên vẹn, thật sự hiện hữu. Không có cái gì như một thực thể đơn thuần, hiện hữu trong thực tế mà có thể gọi như vậy.
Nói rằng Tâm là sự phối hợp của nhiều tư tưởng, không có nghĩa rằng những tư tưởng ấy đồng thời hiện hữu, cùng tồn tại trong một lúc. Đây là sự nối tiếp liên tục của những luồn tư tưởng; một tiến trình không gián đoạn của những tư tưởng — khi là những tư tưởng sân hận, lúc thì tư tưởng từ bi, khi thì tư tưởng phiền não, lúc lại là tư tưởng an vui.. v.v..; một sự nối tiếp liên tục không gián đoạn, vô cùng tận. Mỗi luồn tư tưởng phát sanh, tồn tại rồi hoại diệt, nhường chỗ cho một luồn khác, những luồn tư tưởng liên tục nối tiếp nhau, luồn này đến luồn kia, tiếp nối tiếp nối đến đỗi ta có một cảm tưởng như có một cái gì là đơn thuần, là nguyên vẹn, bất biến gọi là "Tâm". Nhưng trong thực tế, không có cái gì trường tồn bất biến mà chỉ có sự trôi chảy của những luồn tư tưởng kế tiếp nối tiếp nhau, có thể sánh với sự trôi chảy của một dòng sông. Từng phân tử nước kế tiếp nối đuôi nhau và trôi chảy nhanh chóng đến đỗi ta có cảm tưởng như có một cái gì nguyên vẹn, một thực thể gọi là con sông. Nhưng đó chỉ là một vọng tưởng. Trong thực tế, dòng sông luôn luôn trôi chảy, luôn luôn biến đổi. Cũng vậy, không có một cái gì là một thực thể nguyên vẹn không thay đổi gọi là cái tâm mà chỉ có sự liên tục nối tiếp của những dòng tư tưởng, một dòng tư tưởng phát sinh rồi hoại diệt. Nếu tôi nói rằng buổi sáng tôi băng qua con sông và buổi chiều tôi băng trở lại, cũng qua con sông ấy; trên thực tế có phải tôi băng qua và băng trở lại cũng một con sông ấy không ? Con sông mà tôi băng qua buổi sáng và con sông mà tôi băng qua buổi chiều có phải là một không ? Nước sông mà tôi băng qua buổi sáng có phải là nước sông mà tôi băng qua buổi chiều không ? Vậy nước buổi sáng hay nước buổi chiều là con sông hay có hai con sông, một con sông buổi sáng và một con sông buổi chiều ? Và nếu tôi băng qua con sông vào lúc buổi trưa, vậy lại còn có một con sông buổi trưa chăng ? Suy luận như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây, mỗi khoảnh khắc đều có một con sông khác biệt. Như vậy thì đâu là cái trọn vẹn mãi mãi tồn tại gọi là con sông ? Như thế, con sông chỉ tồn tại như một danh từ. Bằng một cách qui ước để được tiện lợi trong sự thông cảm với nhau, chúng ta đồng ý gọi là con sông những giọt nước riêng biệt nối tiếp nhau trôi chảy vô cùng tận. Cái Tâm cũng y hệt như thế. Tâm chỉ là một luồng trôi chảy của những tư tưởng nối tiếp vô cùng tận. Chúng ta không thể nào chỉ riêng một tư tưởng đang thóang qua và nói: "đây là cái tâm của tôi, đây là cái tâm thường còn không biến đổi của tôi". Nếu tư tưởng ấy là cái tâm thường còn không biến đổi thì làm sao trong một lúc có những tư tưởng tốt đẹp, và chớp nhoáng thay đổi tư tưởng xấu. Vậy nếu tư tưởng tốt đẹp này là cái tâm thưòng còn và không biến đổi của tôi và cái tư tưởng xấu cũng vậy, thì ra tôi có hai cái tâm thường còn và không biến đổi, và hai cái tâm đó đối nghịch nhau. Nếu tự đặt ra những câu hỏi dài dài như vậy theo chiều hướng này, ta sẽ đi đến một kết luận là không có một cái gì tương tợ như cái tâm bất di bất dịch mà chỉ có một danh từ, một phương tiện để diễn đạt sự liên tục nối tiếp của những tư tưởng.
Thế cho nên Thiền sư Tuệ Trung nói: " Nếu ngươi cho là có đến có đi, thì đó là vọng tưởng của ngươi mà thôi. Không có một ai đến, một ai đi và cũng chẳng có nơi nào để đến để đi. Vì không có người đến đi và cũng chẳng có nơi nào đến đi thì con đường cũng không thực sự hiện hữu. Như thế để ta chỉ ngươi con đường Không Đến Không Đi"...không còn gì để dính mắc...Giải thoát.
Với những lời nói sắc bén đập thẳng vào tâm thức, Thiền Sư Tuệ Trung chỉ thẳng vào Vô Ngã.....thấy được Niết Bàn, giúp cho đệ tử Viên Chân an nhiên tự tại với nụ cười giải thoát trên môi. Nụ cười Giải thoát là nụ cười của Phật, một nụ cười giác ngộ.

Câu chuyện thật đẹp; thật tuyệt vời, thật cảm xúc. Câu chuyện đó là một ẩn dụ cho sự giác ngộ rốt ráo, tột cùng.. Cái chết của Viên Chân không phải là cái chết vật lý tầm thường, đó là một chuyến viễn du, một cuộc hành trình, một bước chân đi vào thế giới Hư Không, và bắt đầu một cuộc hành trình mới. Nếu bạn có thể chết với nụ cười tự tại trên môi thì bạn đã Giác ngộ được sự chết; và tinh hoa của đạo Phật nằm gọn trong cái biết của sự Chết đó.