Quy luật nhân quả


Quy luật số 1 (Luật Cơ Bản): Gieo nhân nào, gặt quả nấy (As you sow, so shall you reap)
Lời giải thích đơn giản cho quy luật này là: trong suy nghĩ cũng như hành động của chúng ta đều chứa đựng các hậu quả: tốt hoặc xấu. Nếu chúng ta muốn có bình yên, tình yêu, sự hài hòa, sung túc, chúng ta phải có những hành động tương thích phát huy những nhân tố tích cực nêu trên như tinh thần hòa bình, không cố ý gây tranh cãi, xích mích, tự tìm kiếm niềm vui và chăm chỉ lao động. Quy luật nhân quả cơ bản này đôi lúc không được tin tưởng bởi xã hội vẫn chứng kiến những người tốt phải chịu khổ đau và người không tốt hưởng thành quả. Tuy nhiên, những điều trên chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn bởi tự nhiên và xã hội luôn vận động không ngừng, vật đổi sao dời và quy luật nhân quả sẽ luôn xảy ra sớm hay muộn tùy thuộc vào chính suy nghĩ, thái độ, hành xử của mỗi người. Mọi hành động của chúng ta đều để lại hậu quả, tốt hay xấu, tức thời hay lâu dài về sau. Cách duy nhất để có cuộc sống hạnh phúc là chúng ta cũng phải mang hạnh phúc tới cho cuộc sống.

Quy luật số 2 (Luật Kiến Tạo): Chúng ta muốn đạt được gì thì phải thật sự bắt tay vào làm (What we desire comes through participation)
Phép mầu không tự nhiên xuất hiện. Chúng ta phải bắt tay thực hiện thì phép mầu mới xảy ra. Những gì xoay quanh chúng ta rồi cũng sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta. Chính vì vậy, điều chúng ta nên làm là sống với những điều mình thật sự muốn. Cuộc sống xung quanh chúng ta được tạo ra bởi ý định của từng người. Khi chúng ta và vũ trụ là một, những ý định của chúng ta sẽ quyết định những sự tạo dựng của vũ trụ và cuộc sống. Nếu muốn nắm giữ cái gì, chúng ta phải đảm bảo chắc chắn rằng đó thực sự là cái chúng ta muốn và phải làm việc hết mình để xây dựng và gìn giữ điều mình mong muốn. Muốn có thành tích học tập tốt cần chăm chỉ sách đèn, muốn có cuộc sống sung túc cần chăm chỉ lao động, muốn có tình yêu cần phải trao đi yêu thương.

Quy luật số 3 (Luật Khiêm Tốn): Để thay đổi thực tại, trước tiên phải học cách chấp nhận thực tại (Refusal to accept what is will still be what is)
Những điều chúng ta từ chối tiếp nhận sẽ tiếp tục quay lại với chúng ta. Nếu tất cả những gì chúng ta thấy ở một con người là sự tồi tệ, điều đó có nghĩa là chúng ta chưa nhìn thấy mức độ cao hơn của sự tồn tại. Chấp nhận thực tế là một quy luật của vũ trụ trong rất nhiều hệ tư tưởng. Nói một cách đơn giản, chúng ta cần phải chấp nhận hoàn cảnh thực tế để có thể cải thiện nó. Nếu chỉ tập trung vào mặt tiêu cực, lảng tránh hoặc che giấu sự thật, chúng ta không thể tạo ra sự thay đổi để cải thiện tình hình mà thậm chí còn làm cho tình hình ngày càng tồi tệ hơn.

Quy luật số 4 (Luật Trưởng Thành): Chúng ta luôn trưởng thành mặc cho nghịch cảnh (Our own growth is above any circumstance)
Bất cứ nơi nào chúng ta đi qua, nơi đó sẽ để lại những dấu ấn bên trong tâm trí của chúng ta mỗi lúc một nhiều hơn. Thời tiết đổi thay, sinh vật và con người cũng dần thay đổi để thích nghi và lớn mạnh. Do đó, dù lúc này hay lúc kia chúng ta gặp phải những gian nan, bất trắc trên đường đời, hãy nhớ đến quy luật Trưởng Thành bởi trong ta luôn có một nguồn lực, giúp ta mạnh mẽ và vươn lên trong nghịch cảnh. Thay đổi bản thân là chìa khóa cho mọi thay đổi tích cực. Nếu muốn cải thiện cuộc sống, điều đầu tiên chúng ta phải thay đổi là chính bản thân mình, chứ đừng cố thay đổi con người hay môi trường xung quanh. Con đường nào chúng ta chọn đi cũng là con đường đúng. Khi chúng ta thay đổi những yếu tố trong nội tại của mình, thế giới xung quanhchúng ta sẽ tự động thay đổi theo.

Quy luật 5 (Luật Trách Nhiệm): Cuộc sống của chúng ta là tập hợp mọi hành động của chính chúng ta (Our lives are of our own doing, nothing else)
Trách nhiệm là thứ tạo nên bản lĩnh của một người. Chúng ta phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta rủ bõ hay trốn tránh mọi trách nhiệm của bản thân, chúng ta chỉ có thể sống cuộc đời vô vị của một kẻ hèn nhát. Nếu có điều gì đó trong thế giới quanh chúng ta không đúng, nghĩa là bản thân chúng ta cũng có chỗ không đúng. Chỉ có một điều duy nhất chúng ta có thể kiểm soát được là chính bản thân chúng ta. Nếu muốn có sự thay đổi, chúng ta phải hành động để thay đổi chính những gì đang diễn ra trong tâm trí và xúc cảm của mình với người, sự vật, sự việc xung quanh hơn là ngồi một chỗ và than thở vì sao cuộc sống của tôi buồn tẻ và chán nản; vì sao tôi gặp toàn người xấu và vận rủi. Hãy rẽ sang hướng đi khác, hãy gặp gỡ những người khác và hãy thử những cách khác.

Quy luật số 6 (Luật Liên Đới): Mọi điều trong vũ trụ đều liên quan và kết nối với nhau dù lớn hay nhỏ (Everything in the Universe is connected, both large and small).
Mọi thứ trong cuộc sống, dù lớn hay nhỏ, dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bước khởi đầu và bước kết thúc đều có ý nghĩa quan trọng như nhau, Chúng ta cần cả hai để đạt được thứ mình muốn. Nếu chúng ta muốn có sự thay đổi, chúng ta phải dốc sức mình thay đổi những kết nối này nếu chúng ta thực sự muốn điều khác biệt xảy ra trong cuộc đời mình. Bắt đầu từ con số không, bước khởi đầu, bước tiếp theo và bước cuối cùng, không có bước nào quan trọng hơn bước nào trong quá trình trưởng thành. Tất cả các bước đều cần thiết. Thế nên, đừng buồn khi mình chưa thành công hay hạnh phúc vì có thể bạn mới đang ở giai đoạn bắt đầu của sự kết nối với thành công và hạnh phúc mà thôi.

Quy luật số 7 (Luật Tập Trung): Không ai có thể được chú ý chỉ bằng một động tác (One cannot direct attention beyond a single task)
Một người không thể cùng lúc suy nghĩ đến hai chuyện, và đều hoàn thành tốt cả hai. Nếu toàn tâm toàn nghĩ đến những chuyện có ích, tâm trí chúng ta sẽ không bị vướng bận bởi lòng tham, đố kỵ, sợ hãi… Nói về sự phát triển tinh thần, chúng ta không thể chỉ suy nghĩ tiêu cực hay hành động liều lĩnh và mong đợi sự phát triển. Chúng ta phải thực sự nỗ lực, cố gắng bằng nhiều hoạt động và phương pháp khác nhau để có thể hoàn thành được những công việc mình yêu thích và đạt được những thành tích mình mong muốn.

Quy luật số 8 (Luật Nhân Từ): Biểu lộ lòng nhân từ chính là việc thể hiện những mục đích thực sự của con người (Demonstrating our selflessness show true intentions)
Lòng nhân từ, vị tha chính là một phẩm hạnh đẹp khi chúng ta quan tâm tới con người và sự vật khác ngoài bản thân mình. Nếu không có lòng nhân từ, chúng ta không thể trường thành về thể chất cũng như tinh thần và tâm linh. Nếu chúng ta tin điều gì đó là đúng thì trong cuộc đời, thế nào cũng có một lúc chúng ta phải chứng minh niềm tin ấy. Nếu chúng ta tin chắc mình đã học được kinh nghiệm gì, thế nào cũng có một lúc chúng ta bị buộc phải dùng kinh nghiệm đó vào thực tế. Những điều chúng ta tin tưởng, phải chuyển hóa chúng thành hành động.

Quy luật số 9 (Luật Hiện Tại): Hiện tại là tất cả những gì chúng ta có (The Present is all we have)
Quá khứ là một bài học, Tương lai là một bí ẩn, nhưng Hiện tại là một món quà chúng ta nên trân quý. Nếu quá đắm chìm trong hào quang hay ám ảnh quá khứ, chúng ta sẽ không thể nào tiến xa hơn được. Nhìn lại quá khứ với sự ân hận tiếc nuối hay nhìn về tương lai một cách vô định sẽ vô tình lấy đi của chúng ta cơ hội phát triển. Những suy nghĩ cũ và những hành xử cũ sẽ phủ nhận cơ hội phát huy khả năng của mỗi chúng ta. Vì vậy, cách tốt nhất để mỗi chúng ta phát huy và phát triển là hãy sống trong hiện tại và hãy quan tâm những việc đang xảy ra tại đây, bây giờ bởi đó là tất cả những gì chúng ta có.

Quy luật số 10 (Luật Thay Đổi): Quá khứ sẽ tự động lặp lại, nếu chúng ta không làm gì để thay đổi hiện tại. (History repeats itself unless changed)
Năng lượng từ những suy nghĩ tích cực chính là chìa khóa giúp chúng ta không đi vào vết xe đổ của chính mình. Nhận thức về sự đổi thay là phương pháp duy nhất giúp chúng ta tác động đến suy nghĩ về quá khứ. Lịch sử sẽ tiếp tục lặp lại con đường đi đến sự sụp đổ nếu chúng ta không suy nghĩ tích cực và có những hành động tích cực để lịch sử diễn ra theo một con đường khác tốt đẹp hơn.

Quy luật số 11 (Luật Nhẫn Nại): Chẳng có phần thưởng nào được trao cho người có hành xử và tư duy thiếu kiên nhẫn (Nothing of value is created without a patient mindset)
Niềm vui thật sự sẽ xuất hiện khi chúng ta toàn tâm toàn ý làm việc mình muốn, và biết rằng thành quả sẽ đến vào lúc phù hợp nhất. Nhẫn nại, kiên trì sẽ đưa chúng ta đến đích, trong khi sự hấp tấp sẽ đưa chúng ta tiến nhanh hơn...ra xa khỏi cái đích ấy. Chúng ta không thể làm giảm mức độ vất vả trong công việc qua sự mơ mộng mà phải bằng sự kiên trì, kiên nhẫn, không gì khác hơn được. Khi chúng ta không nhìn thấy phần thưởng hiện hữu bằng vật chất hay thái độ hãy luôn nhớ rằng: Phần thưởng không phải là kết quả cuối cùng mà đến từ niềm vui vô tận của quá trình thực hiện những việc làm có ý nghĩa tích cực và từ việc thu lượm được kiến thức và kinh nghiệm từ những việc làm hữu ích cho cuộc sống.

Quy luật số 12 (Luật Cảm Hứng): Phần thưởng tốt nhất là phần thưởng góp phần vào Toàn Thể (The best reward is one that contributes to the Whole)
Giá trị thực sự của mỗi hành động nằm ở nhiệt huyết, năng lượng tích cực mà chúng ta đặt vào đó. Dù chúng ta tác động thế nào vào sự vật hoặc hiện tượng, chúng ta đều nhận được năng lượng đáp trả từ nó. Giá trị của một vật phản ánh trực tiếp năng lượng và ý chí của người tạo ra nó. Mọi đóng góp của một cá nhân đều có ý nghĩa cho một tập thể. Đóng góp yêu thương từ một cá nhân có thể góp phần tạo nên tập thể đầy yêu thương. Thành quả cuối cùng sẽ chẳng có ý nghĩa gì, nếu nó không đóng góp vào sự phát triển của bản thân chúng ta và môi trường xung quanh.

Theo Raven Emrys Aurlineus