THƠ KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

ÐÀO NGỌC PHONG
Nhà xuất bản Tôn Giáo – Hà Nội -2007





Trong lời nói đầu , tác giả quyển “ Thơ kinh Diệu Pháp Liên Hoa “ Ðào Ngọc Phong viết : “Những dòng chữ trong sách nầy, chúng tôi tạm gọi là những câu thơ diễn tả một số cảm nghĩ cá nhân sau nhiều năm nghiền ngẫm về bộ kinh Ðại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa “
Ðây là một công trình khá công phu của tác giả . Gần 230 trang sách , đã được diễn đạt thành những dòng thơ 8 chữ rất thi vị nhưng cũng rất trang nghiêm .
“ Một âm thanh ứng hòa muôn giọng tiếng
Một pháp thân thị hiện vạn hình hài
Một hạt mầm nảy sinh ngàn hạt giống
Một mặt trời tỏa vô lượng nắng ban mai “( tr.49 )


Chúng ta hãy theo dòng thơ của tác giả để tìm hiểu quyển kinh nầy .

Diệu Pháp Liên Hoa kinh cũng được gọi ngắn kinh Pháp Hoa, là một trong những bộ kinh Đại thừa quan trọng nhất, được lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng và Việt Nam. Thiên Thai Tông lấy kinh này làm giáo pháp căn bản. Kinh được Phật giảng vào lúc cuối đời, được kết tập trong khoảng năm 200.
Ðọc qua bản thơ kinh của tác giả Ðào Ngọc Phong chúng tôi thấy lời diễn giải khá minh bạch những ý thâm sâu của Phật dạy .
Trong đời tu học , thiền giả có 2 điều cốt yếu cần suy nghĩ :
- Lúc sống phải thực hành tâm trí và lượng từ bi để thực sự sống hạnh phúc cho chính mình và giúp đỡ tha nhân
- Sẵn sàng một sự ra đi cô độc có ích cho mình và cho người ở lại
Nếu hai vấn đề trên được giải quyết là con người đã sống thật với tâm mình ,đã nhận được vấn đề tối quan trọng , nhưng sống nhuần nhuyễn với nó lại là một việc vô cùng khó khăn. Ở đây, nếu tâm chúng ta xuất hiện một ḷòng thành cầu nguyện thì sẽ được ứng hiện.
“Tâm tướng nổi trôi theo giòng tan hợp Dukkha : tâm khổ từ ý thức hợp tan Lênh đênh giữa biển đời không bờ bến Bồ tát là thuyền trưởng hướng la bàn “( tr. 41)

Kinh Pháp Hoa đặt lại giá trị của mọi đường lối tu tập và nhất là giá trị tâm thức hướng thiện, hướng thượng của mọi người . Sự tồn tại của pháp chân không là vĩnh cửu, mọi hiện tượng dưới con mắt người giác ngộ đều là biểu hiện chân lý. Kinh Pháp Hoa được trình bày dưới hình thức một vở kịch có nhiều màn, nên nó mang tính đại chúng dễ hiểu. Đó là cách truyền đạt chân lý cao siêu qua cái bình thường thông tục. Vì vậy ngôn ngữ Pháp Hoa diễn đạt mục tiêu không phải là sự kiện mà chính là sự thật chứa ở bên trong. Nói cách khác, ngôn ngữ Pháp Hoa mang tính biểu tượng. Chân lý thì toàn diện, siêu việt, trong khi đó, ngôn ngữ thì phiếm diện, giới hạn, cho dù sử dụng ngôn ngữ tinh xảo cách mấy cũng không chuyển tải hết sự thật, vì vậy Pháp Hoa chọn cách sử dụng ngôn ngữ biểu tượng để chuyển tải sự thật đến mức tối đa.
“Gieo hạt giống bồ đề mười phương khắp
Vun trồng cây giác ngộ mỗi chúng sinh
Lấy trí huệ làm tháng ngày chăm sóc
Tuỳ căn cơ rọi chiếu ánh quang minh” ( tr.41)


Ðọc kinh Pháp Hoa chúng ta sẽ thấy đó là một kho báu giúp chúng ta những lợi ích sau đây :

1/ Giúp tâm chúng ta trở nên thanh tịnh , và chúng ta sẽ có cơ hội khơi dậy cái thấy và biết chân thật . Đức Phật khuyên chúng ta trên bước đường tu cần phải tịnh hóa tự tâm .Tâm của chúng ta có hai loại: tâm vương và tâm sở.
Chính tâm sở mới gây ra nhiều việc rắc rối, khổ đau cho con người. Tâm vương, hay chơn tâm thì muôn đời không thay đổi; ở trong chúng sinh thì tâm vương không mất, mà khi thành Phật tâm này cũng không tăng. Trong khi tâm sở thì có tăng có giảm, mà Duy Thức học nói rằng có đến 51 tâm sở. Ðại để đó là các sự phiền não khiến con người tạo ra vô số tội lỗi .
“Tâm phàm phu chính là tâm mê chấp
Chấp mình mình nắm chân lý độc tôn
Chấp ý hệ khác mình là rơm rác
Tự mình lấp kính nẽo về bản môn “ ( tr.72 )


2/ Giúp cho con người rèn luyện được chí kiên trì, tâm nhẫn nhục, một đức tính tối quan trọng để con người có thể thoát khỏi khổ đau . Bất luận làm việc gì, sự thành công đều nhờ tâm nhẫn nại. Chuyện lớn phải nhẫn nại nhiều, chuyện nhỏ nhẫn nại ít. Người không có tâm nhẫn nại, làm việc không thể thành tựu. Nhất định phải có tâm nhẫn nại !
“ Chí niệm vững vàng , không lười giải đãi
Không sân , không hận , lòng rất bình an
Thiền định vào sâu , không còn sợ hãi
Bừng lên trí sáng , mê tưởng tiêu tan .” ( tr.186 )


3/ Giúp cho tâm linh của mỗi người hoà đồng với nhau và với vũ trụ. Do đạo Phật quan niệm vạn vật đồng nhất thể, nên bản thể vũ trụ cũng tiềm ẩn trong mỗi con người. Bởi vậy khi làm cho bản thể trong mỗi cá nhân hoà đồng với bản thể vũ trụ, thì ta và thế giới là một.
“Pháp phương tiện tùy nghi đều chân thật
Như muôn cánh quạt một trục xoay vòng
Dù đối tượng là trời , người , thú vật
Ðều dẫn về một Tuệ Giác viên toàn ( tr.98 )


4/ Giúp cho mình biết về tâm của mình ngày một rõ rệt hơn, từ đó sẽ phát triển sự hiểu biết tâm của người khác và thấu hiểu sự huyền bí của vũ trụ. Trong đạo Phật tu học là làm sao để cho bản thân chúng ta ngày mỗi trở nên an lạc hơn và thánh thiện hơn . Một ngày tu tập đúng pháp, thực hành đúng pháp sẽ giúp ta thấy rõ mình hơn, thấy rõ những người xung quanh hơn và làm cho đời sống của ta có ý nghĩa hơn .
“Ðiều khó nhất là giữ lòng tĩnh lặng
Khi người đời sỉa sói , mắng như mưa
Trụ vững pháp không , lòng trong im vắng
Nhìn sâu thật tướng vạn pháp hư vô “ ( tr.156 )


5/ Giúp tăng cường sức khoẻ cho thể xác và tinh thần. Năng lực mà chúng ta có được bằng sự yên lặng có thể dùng để khai triển sự tỉnh thức và chánh niệm (ý thức những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại). Sự lặng thinh trong ngôn ngữ sẽ dẫn đến sự lặng thinh trong tâm hồn, cùng với sự lặng thinh không hoạt động, sẽ đưa đến sự thay đổi về tâm lý, vật lý vô cùng rõ rệt trong ta. Quan tâm đời sống tâm linh , sẽ phát triển khả năng nhận thức, giải trừ căng thẳng, thoải mái trong hoàn cảnh khó khăn, gia tăng sức khỏe, đi sâu vào hạnh phúc “kỳ diệu” .
“Thành, Trụ, Hoại , Diệt lòng không chấp
Tâm không vướng mắc , nhìn đời thong dong
Phá chấp ngã tha , niềm vui tràn ngập
Hành trang tu chứng Tam Minh Lục Thông ( tr.66 )


6/ Giúp chúng ta mỗi ngày một tiến đến trí tuệ giải thoát , xa những ham muốn và yêu ghét tầm thường. Tự mình giải thoát và giác ngộ, đây là công việc của trí tuệ soi thấy tánh không hay vô tự tánh của tất cả các hiện tượng , của tất cả không gian và thời gian. Công việc này được gọi là tích tập trí tuệ , sống tỉnh thức để không bị tâm bình thường lôi kéo theo thất tình lục dục, cân đo đong đếm, tính toán thiệt hơn ... mà sống gần với bản tâm thanh tịnh , nhìn mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc đời như một tấm gương trong sáng , phản ánh trung thực ‘như-nó-là’ ( as-it-is) không thêm bớt, vẽ vời, suy diễn ...
“Ái dục , si mê, thai bào thành tạo
Xoay lăn sinh từ bao kiếp nổi trôi
Ngũ dục đắm chìm , mù sương tâm não
Rừng rậm tà kiến , che khuất mặt trời “ ( tr.80 )


Tâm nguyện của Phật là tâm nguyện độ chúng sanh đạt giác ngộ. Bởi thế nên ngay quyển đầu của kinh về phẩm phương tiện đã nói: (Phật ra đời là vì một nhơn duyên lớn duy nhất là khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật). Thế nghĩa là Phật rộng mở phương tiện pháp môn , chỉ bày chơn tâm Phật tánh để chúng sanh tin tưởng khả năng thánh thiện của mình mà tiến tu đến Phật quả. Hiểu sâu xa hơn nữa, trong suốt 49 năm giáo hóa, Đức Phật đã đưa ra vô số pháp phương tiện nhằm dìu dắt mọi người thâm nhập pháp chân thật trên lộ trình tiến đến Chân Thật .
“Ta giảng pháp bằng muôn ngàn tỉ dụ
Bằng muôn ngàn phương tiện khéo diễn bày
Như vừa rồi vầng hào quang hiển lộ
Không ngôn từ, hiện thần lực Như Lai
Ðồ chúng thấy muôn pháp tu hiện rõ
Chẳng cần ngôn luận , nhạo thuyết , biện tài ( tr.72 )


Phan Khôi trước đây có viết : “Tôi thấy như người mình tưởng sự dịch kinh Phật là dễ lắm, hễ ai biết chữ Hán và biết làm văn quốc ngữ thì cứ nắm nguyên bổn mà dịch ra được ngay. Tưởng như vậy là lầm. Mới đây có một ông cậy người hỏi tôi thử, như dịch bộ Diệu pháp liên hoa ra thì ăn bao nhiêu tiền. Nếu chịu dịch thì nói giá cả đi, và dịch thử cho ông ấy xem một ít, rồi hễ vừa ý ông thì bắt đầu làm. Tôi thấy nói thì hiểu ý ông ấy hình như đã tin tôi là có thể dịch kinh ấy được. Nhưng, xin thú thật, việc đó có phải là việc một mình tôi làm đặng đâu. Tôi vẫn tự tin rằng cái trình độ học chữ Hán của tôi là khá cao, sự ấy tôi chẳng phải đem mà khoa thị với ai, cũng chẳng nên khiêm tốn làm gì. Có điều cái trình độ Hán văn có cao tới đâu đi nữa cũng không có thể coi nó là cái giấy chứng nhận vững vàng rằng dịch kinh Phật được, nếu chẳng có tinh thông Phật học. Tôi từ nhỏ tới lớn chưa hề thọ giáo cùng ông thầy nào về Phật học, và cũng chưa từng nghiên cứu nó mà có sở đắc gì, thì làm sao tôi dám mũng lấy việc dịch kinh? Sau khi tôi đọc sơ qua bộ Pháp hoa – Pháp hoa gồm có ba kinh, Diệu pháp liên hoa là một – tôi thấy rõ ràng sự tôi nghĩ từ trước thật chẳng sai; nghĩa là tôi không thể lấy sức một mình mà dịch được nó. “
Tác giả Ðào Ngọc Phong cũng viết : “ Chúng tôi tự coi những dòng thơ sau đây chỉ như bèo bọt , biểu lộ một ít cảm nghĩ của một người có kiến thức Phật học ít ỏi và không được huấn luyện trong một thiền viện chính thống nào “
Kinh Pháp Hoa rất cao siêu qua 28 phẩm giáo để tu trì , không dễ gì nắm được cương lĩnh toàn bộ kinh . Tác giả bằng tất cả sự hiểu biết, trải nghiệm trong công phu và lòng chân thành, đã chia sẻ trọn vẹn những gì mà tác giả nắm được để hoàn thành quyển thơ kinh . Ðọc hết bản thơ kinh, độc giả phải rung động vì lời thơ diễn giải trong sáng , dịu dàng . Những lời Phật dạy như ngọc sáng lưu ly, soi tỏ muôn dặm đường xa, khiến cho kẻ ly hương tìm được lối về, nhận ra tánh Phật nơi chính mình. Thôi thì, xin trả cuộc phiêu lãng lại cho kiếp nhân sinh , riêng sống một đời tĩnh lặng nguyện cùng với tác giả không quá chấp vào chữ nghĩa văn tự để nghiền ngẫm lời Phật , đợi ngày vĩnh thoát trầm luân .

Lê Tấn Tài
Ðầu thu 2008