Tất cả chúng ta đều chiêm bao khi ngủ. Nhưng khi thức dậy thì có người nhớ, có người quên, có người mơ êm đềm, có người mơ ác mộng. Có giấc mơ thoáng qua, có giấc mơ ám ảnh chúng ta suốt đời. Chiêm bao có ý nghĩa gì không? Liệu có thể hiểu được giấc chiêm bao để biết trước vận mệnh của mình? Do đâu mà có giấc chiêm bao và nó có ảnh hưởng gì đến đời sống của chúng ta. Chúng ta cần nghiên cứu đầy đủ về chiêm bao để từ đó con người có thể điều chỉnh cuộc sống sao cho có định hướng và tốt đẹp hơn .

Chiêm bao là gì?

Các khoa học gia Nhật Bản khi nghiên cứu chiêm bao sử dụng máy quét hình ảnh cộng hưởng từ (MRI - Magnetic Resonance Imaging) để xác định vị trí phần não đã hoạt động trong những khoảnh khắc đầu tiên của giấc ngủ. Sau đó, họ đánh thức những người đang chiêm bao và hỏi về những hình ảnh được nhìn thấy. Những câu trả lời này được so sánh với sơ đồ bộ não do máy quét MRI đưa ra, sau đó họ xây dựng cơ sở dữ liệu dựa trên những kết quả đó. Với những nỗ lực tiếp theo, họ có thể đoán được những hình ảnh mà các tình nguyện viên nhìn thấy với tỷ lệ chính xác là 60%.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu có thể chụp được bộ não người khi họ đang ngủ, do đó chúng ta biết nhiều hơn về khoa học của các chiêm bao.
Trong thập niên 1950, các nhà khoa học có những khám phá mới về giấc ngủ. Theo đó, giấc ngủ gồm 2 giai đoạn: Ngủ Thật ( NREM = Non Rapid Eye Movement = "Không-Cử-Động-Mắt-Nhanh") và Ngủ Mơ (REM = Rapid Eye Movement = "Cử-Động-Mắt-Nhanh"). Một đêm thường có khoảng 4 đến 5 chu kỳ như vậy. Mỗi chu kỳ kéo dài 90-120 phút. Giai đoạn ngủ thật chia làm 4 phần: 1/Ngủ thiếp, giấc ngủ chập chờn - 2/Ngủ nhẹ, không còn cảm giác đang thức - 3/Ngủ sâu, nhịp thở chậm lại - 4/Ngủ rất sâu, sóng não rất chậm. Bốn phần nói trên của giai đoạn ngủ thật chiếm khoảng 80% thời gian ngủ mỗi đêm. Cuối giai đoạn NREM, chúng ta chuyển sang giai đoạn REM. Khi đó, não của chúng ta trong trạng thái kích thích, mắt chớp liên tục, huyết áp và hô hấp tăng trong khi cơ thể thì bất động. REM thường diễn ra 4 - 5 lần trong một đêm. Đây chính là giai đoạn của những giấc chiêm bao. Chiêm bao có thể xuất hiện vào những giai đoạn khác, nhưng đó chỉ là những hình ảnh mơ hồ, rời rạc và phần lớn là trừu tượng. Khi thức giấc, chúng ta thường không nhớ được các giấc mơ diễn ra trong phần 3 và phần 4 của giai đoạn ngủ thật. Ngược lại nếu thức dậy vào giai đoạn REM, hầu như chúng ta đều nhớ lại được giấc mơ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, còn một chặng đường rất dài để con người hiểu hết về cơ chế của chiêm bao cũng như những ý nghĩa của nó.
Tóm lại, chiêm bao, giấc mơ, cõi mộng ... là những hình ảnh, những ảo tưởng xuất hiện trong trí óc con người khi đang ngủ. Hiện tượng mơ cũng xảy ra ở một số động vật và loài chim, nhưng các nghiên cứu nầy chưa chính xác và rõ ràng. Riêng đối với con người thì hiện tượng nầy rất phổ biến và được nghiên cứu khá tỉ mỉ.
Chiêm bao có quan hệ chặt chẽ với mỗi cá nhân bởi vì khi ngủ các đường liên hệ tạm thời của vỏ não nối kết với nhau nhưng đứt đoạn, không liên tục và rất ngẫu nhiên. Có chiêm bao chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng 80% chiêm bao có thể dự báo trước bệnh tật, tai nạn hay vận may của chính người chiêm bao. Người ta nói ma quỷ ở chính trong lòng ta, trong tâm ta. Người tốt, ngay thẳng, khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc, … chiêm bao thường tốt đẹp và ngược lại.
Hiện nay, giấc mơ về tương lai xuất hiện ngày càng nhiều. Xảy ra thường xuyên ở các bạn trẻ 14-20 tuổi. Họ mơ thấy tương lai của mình, hay quá khứ trước đây mà họ đã quên. Để giải thích cho trường hợp trên có khá nhiều giả thuyết tuy nhiên chưa có giả thuyết nào thuyết phục.
Một số quan điểm cho rằng chiêm bao là sự lặp lại những hình ảnh, âm thanh mà con người đã gặp trong ngày hoặc những chuyện người ta đã trải qua trong quá khứ. Hoặc theo nghĩa của từ ngữ thì mơ là biểu hiện của một sự thèm muốn, ao ước một điều gì đó mà chưa đạt được trong thực tế. Do chúng ta ao ước nên đầu óc hằng suy nghĩ đến điều đó. Dần dần những thông tin mong muốn đó ăn sâu vào bộ não chúng ta và chúng sẽ được não bộ tái tạo lại khi ta mơ ngủ. Tuy nhiên những điều này không thể giải thích cho những giấc mơ tiên tri, vốn có nội dung không hề liên quan đến mơ ước hay hiện thực cuộc sống của người chiêm bao.
Nội dung các dử kiện chiêm bao bao gồm những việc làm, hành vi tốt xấu, thiện ác, lành dữ. Nó luôn luôn đeo bám, lúc ẩn lúc hiện gắn liền với cuộc sống của chúng ta. Thỉnh thoảng chúng hiện ra trong giấc mơ, khi thì mộng lành, lúc thì mộng dữ, hoặc không lành không dữ, như tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về chúng. Nó là một phần của cuộc sống chúng ta.
Chiêm bao còn chứa những điều kỳ bí khác, như những chiêm bao báo điềm lạ (mộng triêu), có chiêm bao tiên tri chính xác. Chiêm bao lại thông qua cả quá khứ và tương lai và có thể thông đến những thế giới khác... Tâm con người qua trung gian của chiêm bao thật bao la và đa dạng.
Có thể nói tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta đều được đưa vào chứa đựng trong kho dữ liệu cùng với tư liệu của nhiều đời trước, trừ trường hợp rất hiếm hoi có những giấc chiêm bao như là sự tiên tri báo trước những gì sắp xảy ra.
Và những giấc mơ liên tục lập lại trong nhiều đêm thì như thế nào? Tình trạng này không lạ, khi khó khăn của cuộc sống chưa được giải quyết, chúng tiếp tục ám ảnh ta khi ta ngủ. Đồng thời, trong một chừng mực nào đó, những sảng khoái trong đời cũng có thể trở về trong đêm, dưới hình thức những giấc mơ nhẹ nhàng và tươi đẹp.
Điều mà ta phải nhớ là ý nghĩa của các chiêm bao thay đổi tùy người và nơi ở của mỗi người, tùy thời điểm. Không có một tự điển giải mã chiêm bao nào mà ta có thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Vã lại, mỗi chi tiết trong chiêm bao có thể độc lập với nhau và nhà phân tâm học có thể giúp ta phân tích từng chi tiết riêng lẻ hay phối hợp các chi tiết với nhau thành một tổng hợp có ý nghĩa riêng cho mỗi cá nhân.

Vô thức

Theo Freud, chiêm bao xuất phát từ cõi vô thức. Tùy theo tầm quan trọng của chiêm bao mà người ta nhớ hoặc quên đi khi tỉnh dậy. Nếu chiêm bao có ý nghĩa quan trọng người ta nhớ rành rọt và theo đó để hành động. Sở dĩ con người nhớ được giấc mơ là vì các thông tin được truyền tải qua một cầu nối từ cõi vô thức sang cõi hữu thức và được đưa vào bộ nhớ. Khi cầu này đóng thì giữa vô thức và hữu thức không còn liên lạc. Freud cho rằng các căn bệnh tâm thần đều do những ước muốn, thèm khát bị dồn nén bởi đạo đức, tập tục xã hội, giáo huấn gia đình. Bị dồn nén, nhưng không biến mất và vẫn tồn tại trong tiềm thức. Vì vậy mà nó thường thể hiện qua chiêm bao, mộng mị, hoặc qua những triệu chứng trầm cảm, trăn trở, ám ảnh, khắc khoải… Có hai khái niệm giải thích xung đột tâm thần, đó là: khoái cảm tính dục thời thơ ấu và mặc cảm Œdipe (con trai thì gần mẹ, con gái thì gần cha).
Học thuyết của Freud là "con đường rộng lớn dẫn vào cõi vô thức ẩn náu trong mọi người chúng ta". Nhờ đó mà tâm thần không còn là một lãnh vực hoang dã bất khả xâm phạm. Ở châu Âu và châu Mỹ, nó được các nhà phân tâm học nổi tiếng như Alfred Adler (1870-1937), Carl Gustav Jung (1875-1961) hay Wilhelm Reich (1897-1957)… nghiên cứu theo phương pháp "giải mã chiêm bao" do S. Freud đề xướng, để trị bệnh tâm thần. Riêng ở Pháp, phải kể một số nhà phân tâm học tên tuổi đã triển khai, cập nhật học thuyết và phương pháp nầy một cách có hệ thống, như Jacques Lacan (1901-1981), hay Françoise Dolto (1908-1988)…
Chiêm bao là hình ảnh xuất hiện không có đầu đuôi, diễn ra một cách rời rạc, lộn xộn, khúc mắc khó chắp nối một cách trọn vẹn rõ ràng bằng suy diễn thông thường. Dưới mắt Freud, các hình ảnh thiếu liên tục đó chỉ là những nhân tố riêng rẽ của một thực tế nội tâm mạch lạc, chặt chẽ, cho dầu đã biến dạng ít nhiều, nhưng vẫn có thể chắp nối lại được.
Con người thường mơ 1-2 giờ và có thể có từ 4-7 giấc mơ mỗi đêm. Mọi người đều mơ nhưng chỉ một số người nhớ được giấc mơ của họ, tỷ như Friedrich II Đại Đế nước Phổ (ở thế kỷ 18) có kể lại rõ ràng về các chiêm bao của mình.
Chiêm bao thường bao gồm các tri giác, các hình ảnh, các âm thanh, các màu sắc, mùi vị, các đồ vật, mọi thứ mà chúng ta có thể cảm nhận. Thỉnh thoảng chúng lặp đi lặp lại trong cùng một chiêm bao. Các chiêm bao này thường khó chịu, đôi khi khủng khiếp, được coi như là ác mộng.
Các nghệ sĩ, các nhà văn và các nhà khoa học đôi khi cũng nói rằng họ nhận được các ý tưởng từ trong giấc mơ. Ví dụ, ca sỹ Paul Mc Cartney của The Beatles nói rằng ông đã tỉnh giấc với nhạc phẩm "Yesterday" trong đầu. Nữ văn sĩ Mary Shelley nói bà đã có một giấc mơ mạnh mẽ, sinh động về một nhà khoa học sử dụng một máy móc để tạo ra một loài sinh vật sống. Khi tỉnh dậy, bà bắt đầu viết cuốn sách về một nhà khoa học tên là Frankenstein đã tạo ra loài quái vật khủng khiếp.
Trong tâm chúng ta luôn tồn tại hai mãng: Ý thức và Vô thức. Ý thức là những gì chúng ta thấy rõ nét nhất, là những hoạt động thường xuyên, là những suy nghĩ và nhận thức ta biết rất minh bạch. Còn vô thức là lớp sâu bên trong tâm hồn chúng ta, là những gì rất mơ hồ nhưng tiềm tàng những động lực sẵn sàng trồi ra ngoài ý thức.
Trong cuộc sống hằng ngày nhiều khi chúng ta không biết được tại sao lúc đó mình lại có những quyết định hay những lời nói, những hành động khác thường.... Vâng, lúc đó chúng ta đã làm theo vô thức. Theo Freud, vô thức là những bản năng sinh tồn, bản năng tính dục (libido), những ám ảnh, dồn nén hình thành trong suốt quá trình cuộc sống hoặc có thể có nguồn gốc xa xôi mãi từ thời ấu thơ. Vô thức có nhu cầu của nó, nếu không được thõa mãn nó có thể gây nên bệnh lý tâm thần hoặc bệnh lý cơ thể.
Khi học thuyết Freud đầu tiên xuất hiện rất nhiều người chống đối, bởi lẽ học thuyết này phơi bày những gì đen tối nhất trong tâm hồn mỗi người. Dần dà người ta dường như hiểu ra: trong tâm hồn thánh thiện của chúng ta cũng có chút gì của quỷ. Quỷ lớn hay quỷ nhỏ là tùy mỗi người. Lời nói, hành động của chúng ta trước đám đông xã hội thường được ý thức kiểm duyệt, tô vẽ. Còn sau đó hành động có thể ngược lại do vô thức xúi dục.

Phân tâm học

Để hình thành học thuyết vô thức, Freud lắng nghe tất cả những chiêm bao của bệnh nhân, kể cả chiêm bao của chính mình. Tất cả ẩn ức, ám ảnh, dồn nén, lo lắng, sợ hãi, thèm muốn, yêu ghét.... trong đời sống đều đi vào chiêm bao (Sống làm sao, chiêm bao như vậy).
Theo Jung (học trò của Freud) vô thức còn chứa những thứ xa lạ không phải của ta. Theo mật tông Tây Tạng, chiêm bao còn chứa những gì của tiền kiếp. Có một cách tập Yoga bằng giấc mộng gọi là Yoga Giấc Mộng. Theo cách này chúng ta tập sao cho có được tỉnh giác trong giấc mộng. Giấc mộng trở nên rõ ràng như thực. Phật giáo gọi là mộng ão tam muội. Khi tập thành thục, chúng ta có thể sống trong thế giới mộng như một thế giới thực sự (bardo dreaming).
Muốn hiểu rõ ý nghĩa ẩn núp đằng sau các biểu tượng hiện hình trong chiêm bao, Freud giải mã chúng qua các điểm sau:
1/ Chiêm bao bao giờ cũng thể hiện những ước muốn, thèm khát bị dồn nén từ thời thơ ấu.
2/ Nó được hình thành bằng những chất liệu rút từ các mộng tưởng (Tages phantasie) chưa quên trong cuộc sống hằng ngày.
3/ Nó chuyển biến các chất liệu ấy qua một quá trình đặc biệt cho phép tiềm thức vượt khỏi mọi cấm cản, kiêng kị, tập quán gia đình, xã hội…
Người chiêm bao khi đã tỉnh táo cần được các nhà phân tâm học trợ giúp, lần lượt lẩn vào mọi ngõ ngách sâu lắng, kết hợp mọi ý tưởng thầm lặng chìm nghỉm trong vô thức để vào tới tận nguồn gốc của nó. Nói cách khác, phân tâm học mở rộng cánh cửa che khuất vùng bí ẩn sâu kín, phơi bày mọi thèm khát chôn vùi và ước muốn thầm kín của con người. Tình dục, dưới con mắt soi mói của phân tâm học, xâm chiếm mọi hoạt cảnh không chỉ trong phòng the mà ngay trong ý nghĩ, trong cử chỉ, trong suy luận. Khiến cho con người suốt cuộc sống hằng ngày không ngừng bị nó vây bủa, không ngừng bị tiềm thức chi phối, cai quản.
Thế giới tâm linh, theo Freud gồm 4 bình diện từ cao xuống thấp: - Tầng Siêu Thức (hay Tâm linh) - Tầng Ý Thức - Tầng Tiềm Thức (Vùng tiếp cận giữa ý thức và vô thức) - Tầng Vô Thức. Freud định nghĩa Chiêm Bao là "Hoạt động của các lực lượng Vô Thức". Do đó, Chiêm Bao xuất hiện trong khi ngủ là lúc Ý Thức đã ngừng hoạt động.
Các thuộc tính của chiêm bao là:
- Chỉ chứa những hình ảnh thuộc Vô Thức. Hình ảnh thị giác chiếm tỉ lệ đa số.
- Lộn xộn bề mặt (các hình ảnh liên tục xuất hiện một cách bất hợp lý).
- Chủ thể sống thực trong mơ. Chủ thể có cảm xúc thực sự với các biến cố trong mơ, đổ mồ hôi, tay chân run lẩy bẩy, tim đập dồn dập. Có thể ý lực mạnh đến mức chủ thể động tác như nghiến răng, nói ú ớ, thậm chí di chuyển (= mộng du). Câu chuyện “Hoàng Lương Nhất Mộng” (Giấc Mộng Kê Vàng) kể rằng: "Đời nhà Đường có một thư sinh nghèo họ Lữ đi thi bị rớt. Trên đường trở về, vừa buồn vừa mệt lại vừa đói nên ghé vào một quán trọ. Lúc đó chủ quán trọ đang nấu một nồi cháo Kê Vàng. Chàng thư sinh mệt quá nằm ngủ thiếp đi. Chàng mơ thấy mình thi đậu Trạng Nguyên, được vua gả cho công chúa, phong làm phò mã, tận hưởng vinh hoa phú quý và cử đi làm quan Thái Thú ở một nơi. Rồi quân giặc đến đánh, Lữ bị thua trận, bị bắt... Lữ hoảng hốt giựt mình thức dậy, nhìn thấy nồi cháo kê lúc đó vẫn đang sôi chưa chín". Ở đây chủ thể sống thực với hai cuộc đời cùng một lúc.
- Chủ thể sống với 2 bản ngã. Chủ thể vừa là diễn viên vừa là quan sát viên, như câu chuyện Hồ Điệp sau đây: "Có lần Trang Chu nằm mơ thấy mình là bướm, cảm thấy thích chí vì bay lượn với thân bướm, không còn nhớ đến Chu nữa. Lát sau thức giấc, ngạc nhiên thấy mình lại là Chu, chẳng biết Chu nằm mộng hóa bướm hay bướm mộng làm Chu". Trong truyện nầy, Trang Chu là quan sát viên, còn Bướm là diễn viên.
Theo Phật Giáo thì thế giới tâm linh có 8 thức, trong đó 7 thức đầu (Lục Thức + A Lại Da Thức - Tiếng Việt gọi là Tàng Thức) thuộc về Ý Thức, còn Tàng Thức thì thuộc về Vô Thức. Tàng Thức là nơi chứa những chủng tử, tức hạt giống, thuộc nhiều loại có cường độ và tốc độ Sinh - Trưởng - Suy - Diệt khác nhau. Tàng thức là cả một thế giới mà chúng ta mang trong mình, sinh ra lớn lên rồi chết đi trong im lặng. Chiêm bao là lúc Ý Căn chỉ sinh hoạt trong Tàng Thức mà thôi. Do đó, mọi tâm tình sâu kín nhất của chủ thể đều hiện ra trong chiêm bao. Chúng là con người thực của chúng ta khi nó thoát khỏi ràng buộc của ý thức để trở về sống thực với chính mình, trong đó không có gì gọi là cao cả mà cũng không có gì gọi là tội lỗi. Các chủng tử được tạo tác bởi Nghiệp. Khi mới ra đời, con người được "thiên bẩm" một số chủng tử làm vốn cho cuộc sống nhân gian. Chúng là điểm khởi đầu cho phản xạ, bản năng, những tài năng thiên bẩm, khả năng học hỏi và hình thành tập quán. Một số các tổ hợp chủng tử tạo nên cá tánh, tánh khí, nhân cách v.v... Nhiều chủng tử là di truyền theo gen, một số theo gen nòi giống, một số theo gen dòng tộc v.v... Cũng có ngẫu nhiên vài chủng tử mà nếu gặp hoàn cảnh hay môi trường thích hợp sẽ là điểm khai sinh ra những thiên tài. Còn lại thì đa số các chủng tử được tạo tác từ cuộc sống. Như vậy, không có cuộc sống của Nghiệp nào rõ hơn Cuộc Sống Trong Mơ.
Với nhà thiên văn Mikolaj Kopernik (1473-1543), trái đất không còn xuất hiện như trung tâm của vũ trụ nữa, hay với nhà bác học Charles Darwin (1809-1892), nhân loại chỉ còn là một bộ phận nhỏ trong guồng máy sinh vật mà thôi, thì với Sigmund Freud, con người không còn tự lập tự chủ trong hành động, luôn luôn bị chi phối, cai quản bởi tiềm thức, hay vô thức của mình.
Phân tâm học làm mưa làm gió suốt cả thế kỷ 20. Nhưng viện nghiên cứu Inserm (Viện nghiên cứu y tế quốc gia Pháp) gần đây khẳng định rằng phương pháp TCC (thérapies cognitives-comportementales), hay nói một cách nôm na là phương pháp chẩn đoán chữa bịnh tâm thần bằng thuốc hữu hiệu hơn phương pháp phân tâm kiểu giải mã chiêm bao qua những lời bệnh nhân kể lể dài dòng. Bà Cathérine Meyer, tiến sĩ khoa tâm lý, nói:
"Chúng tôi cho rằng phân tâm học không chỉ gồm có mỗi một S. Freud. Cần phải xét lại học thuyết phân tâm từ đầu cho tới cuối. Tôi liền tìm đọc mọi chuyên đề phân tâm học và, đặc biệt qua các tác phẩm của nhà sử học phân tâm Mikhel Borch Jacobsen, tôi hết sức ngạc nhiên được biết S. Freud thường hay tán phét và lừa lọc một cách trắng trợn".
Thế rồi, một tập sách được phát hành dưới tựa đề "Le livre noir de la psychanalyse - Vivre et aller mieux sans Freud" (Sổ đen về nạn phân tâm - Sống khỏe và bình thản không cần có Freud, NXB Les Arènes) do bà Cathérine Meyer đứng chủ biên quy tụ nhiều tác giả không thần phục ông tổ phân tâm học và các đồ đệ của ông. Tập sách gồm 80 tham luận của các nhà khảo cứu hoặc giáo sư tâm lý, chuyên đề, với rất nhiều chú thích và trích dẫn đã gây chú ý quần chúng.

Những điều không làm được trong chiêm bao

Không phải việc gì mà trong mơ chúng ta cũng đều làm được hết, dù trong thế giới chiêm bao có voi biết bay, xác chết chạy đầy đường...
- Theo một nghiên cứu do Kelly Bulkeley - chuyên gia về giấc mơ người Mỹ thực hiện, chỉ có 3,55% phụ nữ và 2,69% nam giới thấy được điện thoại thông minh trong mơ. Nguyên nhân được cho là vì điện thoại thông minh và các thiết bị công nghệ hiện đại chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, và não bộ chưa kịp làm quen với chúng. Mơ thường liên quan đến các mảng tâm trí cũ hơn, gắn với người xưa nhiều hơn, mà người xưa thì không có điện thoại thông minh.
- Chúng ta không thể viết, đọc, nói. Lý do đơn giản thôi, các phần não bộ chịu trách nhiệm cho việc phân tích ngôn ngữ của chúng ta hoạt động kém hơn khi đang ngủ. Bởi vậy, việc thể hiện khả năng ngôn ngữ trong mơ trở nên rất khó khăn. Tuy nhiên, sẽ có sự khác biệt đối với những ai có công việc hàng ngày liên quan đến ngôn ngữ. Phần não bộ chịu trách nhiệm cho ngôn ngữ của những người này vốn hoạt động mạnh hơn, nên họ có thể phân tích một phần ý tưởng xuất hiện trong mơ, và để lại một số thông tin hữu dụng ngay cả sau khi thức dậy.
- Nhiều thuyết cho rằng não bộ không thể "tạo" ra người mới, vì vậy nên những người gặp trong mơ - dù lạ lẫm đến đâu - thì vẫn phải là người đã từng gặp ở ngoài đời, nhưng đây cũng chỉ là giả thuyết vì không kiểm chứng được. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn tin rằng giả thuyết này là đúng. Bởi lẽ, đa số các giấc mơ của con người được tạo thành từ các yếu tố ngoài đời, thậm chí kể cả khi não bộ thực sự có thể nghĩ ra một gương mặt mới, nó cũng phải dựa trên các đường nét mà chúng ta từng thấy trước đây.
- Có nhiều giấc mơ thấy mình đang cố gắng chạy, nhảy, chiến đấu nhưng đều bất thành. Mọi thứ như một thước phim quay chậm dù chúng ta cố gắng đến mức nào. Khoa học xác nhận rằng chúng ta mơ khi giấc ngủ tiến vào giai đoạn REM (mắt chuyển động nhanh). Trong lúc này, các cơ bắp vừa bị tê cứng, vừa thả lỏng. Bằng cách này, não bộ bảo đảm cơ thể chúng ta sẽ không hành động gì trong lúc mơ, và vô tình tạo cảm giác bản thân trong mơ trở nên vô dụng, hoạt động kém hơn hẳn.
- Trong mơ không thấy soi gương. Gương và ảnh phản chiếu là một khái niệm vẫn còn bí ẩn trong mơ. Trong thực tế, ảnh phản chiếu phải tuân theo các quy luật vật lý, nhưng giấc mơ lại đến từ ký ức và sự mong đợi của tiềm thức - hay nói cách khác là nơi không có thật. Vậy nên nếu tình cờ soi được gương trong mơ, các hình ảnh hiện ra sẽ rất mờ, không thể phân biệt, hoặc chúng ta sẽ thấy khuôn mặt của mình trở nên hết sức dị dạng.
- Jeremy Taylor, một chuyên gia giấc mơ cho biết con người thực sự không nếm được đồ ăn trong mơ (trừ trường hợp các giấc mơ siêu thực - lucid dream - tức là những giấc mơ mà chúng ta biết là mình đang mơ, đồng thời có thể kiểm soát giấc mơ ấy bằng sự tưởng tượng của mình). Trong trường hợp mơ thấy được ăn một món gì đó, nó sẽ có hương vị giống như những gì bạn đã từng được ăn trong quá khứ, và khiến việc xác định đó là món ăn gì trở nên rất khó khăn.

Chiêm bao tiên tri

Từ hàng nghìn năm trước, con người đã cố gắng lý giải về chiêm bao và tìm ra ý nghĩa của chúng. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại tin rằng chiêm bao là các thông điệp của chư thần. Người Babylon xưa cũng có niềm tin như vậy, do đó họ coi các giấc mộng là vô cùng quan trọng đối với tương lai của họ. Thời Ai Cập cổ đại những người giải đoán chiêm bao được cho là có khả năng đặc biệt. Trong Kinh Thánh có hơn bảy trăm chú giải và các câu chuyện về các giấc mơ. Vào thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên, các câu chuyện về sự ra đời của nhà tiên tri Hồi giáo Muhammad ẩn chứa nhiều sự kiện quan trọng.
Trong thế kỷ 18, văn hào Pháp Diderot cũng có một giấc mộng diệu kỳ như sau: ông thấy mình được đưa đến một tòa nhà đồ sộ treo lơ lửng trên không trung, trong đó có những lão già bệnh tật, yếu ớt. Bỗng dưng một đám trẻ kéo đến, chúng hóa thành người khổng lồ và đạp đổ luôn cái tòa nhà cao chót vót kia. Khi Diderot tỉnh giấc thì ông giải thích rằng tòa nhà lớn là nơi chứa đựng những trắc trở, những lão già kia là những kẻ vượt khỏi các thử thách gian nan, và đám người khổng lồ là kinh nghiệm.
Xã hội thời xưa cũng như thời nay, các chiêm tinh gia giải mã chiêm bao theo chiều hướng đự đoán tiên tri. Đơn cử sau đây vài giả mã tiên tri trong lịch sử được ghi chép lại.
* Trong đêm trước trận đánh quyết định giữa Constantinus I Đại Đế và Maxentius. Constantinus I nằm mộng thấy Chúa Giêsu hiện lên với cây thánh giá và Chúa khuyên ông nên cho các chiến binh vẽ hình thánh giá lên khiên của họ. Trên đường hành quân, ông cho vời vài giáo sĩ Kitô giáo ra hỏi và họ lý giải rằng nhà vua đã tận mắt chứng kiến Đức Ki-tô và đó là biểu hiện của sự vinh quang và chiến thắng trước cái chết. Thế rồi, trong trận đánh ở cầu Milvian, Constantinus I Đại Đế thân chinh kéo binh mã tinh nhuệ xông lên đại phá tan nát quân địch và Hoàng đế Maxentius bại vong, kết thúc cuộc nội chiến La Mã . Người ta kể rằng nhờ có đại thắng này mà Constantinus I ban hành tự do tôn giáo cho Ki-tô giáo ở nước La Mã cổ.
* Xưa kia Phật giáo chưa truyền vào Trung Hoa. Theo Cao Tăng Truyện, có câu chuyện "Hán Minh cảm mộng, sơ truyền kỳ đạo". Khi Hoàng đế Hán Minh Đế chiêm bao thấy một nhân vật toàn thân bằng vàng ròng, thân hình tỏa sáng rực rỡ, bay khắp Hoàng cung. Lúc tỉnh giấc, nhà vua triệu các quan đại thần vào hỏi cho ra lẽ, thì quan Thông Nhân là Phó Nghị tấu rằng đó là Đức Phật thần thông quảng đại ở nước Thiên Trúc, nhà vua nghe theo liền sai sứ bộ sang Thiên Trúc để lấy tượng Phật về, mở rộng giai đoạn đầu của Phật giáo ở Trung Hoa.
* Sử gia Herodotos (Hy Lạp) cũng kể về những giấc mộng của Hoàng gia các nước Media và Ba Tư thời đó như Quốc vương Astyages nước Media chiêm bao thấy Công chúa Mandane con gái ông đi tiểu và nước tiểu tràn lan khắp châu Á. Khi nàng sắp kết hôn, Ông lại chiêm bao thấy một cây leo mọc lên và bao trùm toàn bộ châu Á từ bộ phận sinh dục của nàng. Những giấc mơ này được một tăng lữ giải đáp rằng đứa cháu ngoại sắp ra đời của ông sẽ soán ngôi. Ít lâu sau, con của Astyages là Cyaxares (tức vua Darius) gả con gái cho Cyrus Đại Đế. Quả nhiên Cyrus Đại Đế, sau đó đã thân chinh khởi binh lật đổ Astyages, chinh phạt toàn bộ Đế quốc Media xưa và lập Đế quốc Ba Tư.
* Một chiêm bao khác, khi Hoàng đế Xerxes I nước Ba Tư từ bỏ kế hoạch đánh Hy Lạp vì vấp phải sự đối kháng quyết liệt của Hoàng thúc Artabanus, nhà vua nằm mộng thấy một hồn ma cao lớn lạ thường hiện ra, khuyên ông hãy điều động binh mã đánh Hy Lạp trở lại. Xerxes I do dự và ông lại nằm mơ thấy con ma này, nó nói gay gắt hơn và cảnh báo nhà vua sẽ hứng chịu số phận bi thảm nếu không thân chinh đánh Hy Lạp. Hôm sau, Xerxes I trao hoàng bào cho Artabanus và lệnh cho ông nằm ngủ ở long sàn. Quả nhiên, đêm hôm đó Artabanus đã gặp con ma ấy, nó bắt ông phải đổi ý và cũng nói cả Ông và Hoàng đế Xerxes I sẽ chết thảm nếu không nghe. Trong buổi thiết triều sáng hôm sau, dù vẫn có thái độ phản đối thường thấy, nhưng Hoàng thúc Artabanus phải tán thành với Hoàng đế Xerxes I về việc điều động binh mã tinh nhuệ đánh Hy Lạp để rồi cuộc Chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư lần thứ hai bùng nổ.
* Plutarchus (người La Mã gốc Hy Lạp) - từng là một thầy tu - cũng đề cập đến nhiều chiêm bao. Tỷ như giấc mộng của Quốc vương Philippos II nước Macedonia khi Hoàng hậu Olympias có mang, mơ thấy ông đắp lên tử cung của Hoàng hậu một tấm vải có in hình một con sư tử. Theo một tăng lữ có tên tuổi, đây là thông điệp mà thần linh gửi gắm cho nhà vua, rằng Hoàng nam sắp sinh sẽ có tính cách của loài mãnh sư. Quả nhiên, nàng đã hạ sinh Hoàng thái tử Alexandros - tức Alexandros Đại Đế lỗi lạc trong lịch sử thế giới cổ đại.
* Thời chúa Trịnh Sâm, có nàng phi Ngọc Hoan nằm mơ thấy một vị thần hiện lên trao cho tấm đoạn dệt bằng tơ hồng, bên trên có vẽ đầu một con rồng. Thức dậy Ngọc Hoan chưa biết giấc mơ báo điềm gì, mới đem kể cho viên hầu cận là Khê Trung Hầu nghe. Khê Trung Hầu theo chiêm mộng tinh đoán biết đây là điềm Ngọc Hoan sẽ sinh thánh chúa. Sau đó Ngọc Hoan mang thai sinh được một trai và là con trai trưởng của chúa Trịnh, đặt tên là Tông (tức Đoan Nam vương Trịnh Khải).

Vài giải mã chiêm bao của các chiêm tinh gia

Nhiều nhà tâm lý học chuyên khoa giấc ngủ cho rằng những hình ảnh không xuất hiện trong giấc mơ một cách vô tình mà nó là sự phản ánh của nội tâm, ước mơ và tương lai của người chiêm bao. Do đó nhiều chiêm tinh gia xuất hiện và đưa ra một số giải mã chiêm bao như sau.
*Trường hợp nằm mộng thấy mình đang khóc trước mặt người khác, là điềm sẽ gặp chuyện vui mừng, dẫn đến chỗ tác hợp hôn nhân như ý muốn. Nếu người nằm mộng ấy đang toan tính làm ăn thì “giọt nước mắt” trong chiêm bao chính là điềm báo trước những “ly rượu mừng” vì sẽ đắc lợi trên thương trường.
* Nếu mơ thấy mình bị toát mồ hôi ướt đẫm cả người hãy chuẩn bị đón nhận những điều không may sẽ xảy đến trong đời sống tình cảm, hoặc giận hờn, hoặc gây gỗ, cãi vã, đến nỗi “không nhìn mặt nhau” một tuần, một tháng, hoặc lâu hơn.
* Nếu mộng thấy cỏ lau tự dưng mọc xanh um trên hai mái nhà của mình đang ở thì hãy cẩn thận nhẫn nhịn, đừng nóng giận, đề phòng có chuyện rắc rối to.
* Mơ thấy mặt trăng (mộng nguyệt) hoặc mặt trời (mộng nhật) là các điềm tốt được các thầy khoa chiêm tinh giải mộng thành thơ :
Mặt trời soi mộng vào nhà.
Thăng quan tiến chức vinh hoa lẽ thường.
Mặt trăng soi sáng đầu giường.
Sinh con quý tử rộng đường văn chương.
Mộng mây màu đỏ màu hường.
Là điềm đặng gặp cát tường mấy phen.
Còn ai mộng thấy mây đen.
Buôn bán ế ẩm, sách đèn cũng thua.
* Mộng thấy đang đi trên đường gặp mưa bất ngờ ập xuống là điềm:
Sắp ngồi vào tiệc lưu linh.
Hũ chìm hũ nổi mặc tình lênh đênh.
* Mộng thấy người đã chết hiện về quát mắng là điềm tốt, bởi:
Người âm muốn giúp kẻ dương.
Chỉ cho thấy đặng con đường hanh thông.
* Thấy mình đang cởi trần khiêng đá tảng hòn này hòn nọ từ ngoài đường chất vào trong nhà là điềm sẽ phát tài lớn:
Đá cao sẽ hóa kim hoàn.
Giàu sang nhớ giúp kẻ đang đói nghèo.
* Mộng thấy con ruột mình chết chớ vội buồn bã lo sợ, vì đây là điềm lành, bởi “Chết trong mộng là sống thọ” về sau.
* Mộng đao (nằm chiêm bao thấy cây đao) là điềm được lên chức nhưng phải thay đổi chỗ đang trấn nhậm.
* Mộng hùng (nằm chiêm bao thấy gấu) là điềm sinh con trai.
* Mộng lan (nằm chiêm bao thấy hoa lan) là điềm có thai.
* Mộng tùng (nằm chiêm bao thấy cây tùng) là điềm hanh thông trên đường công danh.
* Mộng xà (nằm chiêm bao thấy rắn) là điềm lành sinh gái (có sách nói sinh con trai tùy theo màu sắc của rắn).
* Mơ thấy đánh nhau với quỷ thần: điềm được sống lâu. Thấy thần thánh đến nhà: sẽ có phúc lộc. Bị quỷ thần đánh là điềm bất tường. Nói chuyện với quỷ thần: điềm phú quý.
* Mơ thấy chải đầu rửa mặt sẽ hết sự lo lắng. Thấy mình mẩy ra mồ hôi là điềm xấu. Rụng răng là điềm không hay, nhưng rụng răng không có máu chảy lại là điềm phát tài. Thấy vợ chồng cãi nhau là điềm có bệnh tật . Thấy những thứ dơ bẩn dây vào người mình thì lại tốt .
* Mơ thấy đánh nhau với người khác: điềm tốt. Đánh nhau với người trong nhà: sẽ có phân ly.
* Mơ thấy ngồi ở cao lâu uống rượu là điềm phát đại phú quý. Thấy qua sông sẽ được mời ăn uống. Thấy cửa mở rộng là đại cát. Thấy nóc nhà có cỏ mọc là điềm bất tường. Thấy lửa cháy sẽ phát tài. Thấy rết cắn sẽ sống lâu. Thấy rắn cắn sẽ được của. Thấy con bò vàng đi vào nhà sẽ được phú quý. Thấy cây cối tươi tốt là điềm sắp thịnh vượng.

Điềm báo bệnh qua chiêm bao

Từ thời xa xưa, các nhà nghiên cứu y học Hy Lạp cổ đại như Hippocrates và Galen đã tin rằng chiêm bao ẩn chứa những thông tin có thể giúp cho thầy thuốc chẩn đoán bệnh tật. Quan điểm này sau đó tiếp tục được nhiều chuyên gia nổi tiếng ủng hộ. Theo Freud, bệnh tật có thể gây ra một số loại giấc mơ với chủ đề nào đó. Và việc phân tích các chiêm bao giúp bác sĩ không chỉ trong chẩn đoán mà còn cả trong việc chữa bệnh. Theo sự thay đổi các giấc mơ, có thể phán đoán về sự phát triển của bệnh, về việc thuốc do bác sĩ chỉ định có cải thiện tình hình hay không.
Bác sĩ tâm thần người Nga P.B.Ganuskin dựa trên kinh nghiệm chữa bệnh của mình và báo cáo của nhiều đồng nghiệp đã giải thích những chiêm bao báo trước bệnh tật trên cơ sở sinh lý học thần kinh. Trong thời gian ngủ, nhất là giai đoạn ngủ không sâu, các tín hiệu nhẹ về bệnh lý như tăng giảm nhiệt độ, mạch, huyết áp, lượng adrenaline, tiết axít dạ dày... đi vào não dễ dàng do không bị các luồng thông tin khác cạnh tranh. Các tín hiệu bệnh lý đó được chuyển thành hình ảnh trong chiêm bao. Nếu mới bị nhiễm bệnh, sức đề kháng của cơ thể sẽ hàn gắn những tổn thương ban đầu của lớp mô bộ não nên chiêm bao sẽ qua nhanh, nhưng khi bệnh phát triển thì lớp mô của não bị tổn thương nghiêm trọng nên sự báo trước của bệnh tật qua chiêm bao sẽ nhiều hơn và được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Theo Kaxaskin, một chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ người Nga, những “mộng báo” xảy ra chừng 2 - 3 tháng trước khi bệnh cao huyết áp xuất hiện, một tháng trước khi có bệnh viêm dạ dày, hai tháng trước những triệu chứng rõ rệt đầu tiên của bệnh lao. Một số bệnh ở não thậm chí còn bộc lộ qua các giấc mơ một năm trước khi phát. Kaxaskin nhấn mạnh: "Không có chút gì là huyền bí trong việc giấc mơ có thể phản ánh sự bắt đầu của bệnh tật khá lâu trước khi bác sĩ chữa bệnh thừa nhận có bệnh đó". Điều này được chứng thực trong thực tế là thời hạn tiên đoán của “giấc mộng chẩn bệnh” hầu như trùng hoàn toàn với thời gian của giai đoạn ủ bệnh.
Theo Freud “chứng hysteria (loạn thần kinh) chịu tác động chủ yếu của sự hồi tưởng”, đặc biệt là sự chôn vùi, che giấu quá khứ bị tổn thương và những xúc cảm bị đè nén đã thể hiện ra ngoài dưới hình thức bóp méo của các triệu chứng thể chất. Từ nhận định đó, ông đưa ra cách “điều trị” bao gồm sự hồi tưởng những ký ức bị dồn nén nhằm loại bỏ dần, giải tỏa những mặc cảm và những xúc cảm bị đè nén trong quá khứ. Đó chính là phương pháp ám thị thôi miên - điều mà sau này tạo nền tảng cho lý thuyết về sự cám dỗ của Freud.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng, cho đến nay, người ta chưa tìm ra bất cứ mối liên hệ đáng tin cậy nào giữa một loại giấc mơ với một căn bệnh nhất định. Nói một cách đơn giản hơn thì không phải cứ chiêm bao thấy bị siết cổ thì có nghĩa là sẽ bị bệnh tim, hay thấy bị trói là bị khớp. Vì vậy, cũng không nên quá lo lắng chỉ vì một giấc mơ. Chỉ trong trường hợp một giấc mơ diễn đi diễn lại nhiều lần kèm theo các dấu hiệu khác thì mới cần đi khám.
Những dấu hiệu bệnh tật được báo trước qua chiêm bao là:
* Mơ bị ai đó hoặc có vật gì đó đánh vào đầu hoặc bị đổ thức ăn lỏng lên năm giác quan: thì có thể bạn bị u não hoặc bệnh liên quan đến hệ thống thần kinh.
* Mơ thấy những tiếng vang lạ thường: trung khu thính giác có thể có một vài biến chứng nào đó hoặc các mạch máu phụ cận bị xơ vữa.
* Mơ thấy khí quản bị vướng, hô hấp không thuận lợi, bị ngạt thở: thì có thể cơ thể đang tiềm ẩn bệnh liên quan đến đường hô hấp.
* Mơ thấy bị truy đuổi, sợ hãi nhưng không thể chạy được hoặc không kêu thành tiếng, khi tỉnh dậy thấy sợ hãi và toát mồ hôi, tim đập nhanh: thì có thể động mạnh vành của tim cung cấp máu không đủ, dẫn đến thiểu năng động mạch vành.
* Mơ thấy đi bộ không vững, cơ thể vẹo vọ, nặng nề và có cảm giác ngạt thở, tự nhiên tỉnh giấc: có thể là biểu hiện của triệu chứng đau thắt cơ tim, đau thắt ngực.
* Mơ thấy rơi từ trên cao xuống nhưng đang rơi thì đã tỉnh giấc: thì có thể là triệu chứng liên quan đến bệnh tim.
* Mơ thấy cảnh nước lớn, đầm lầy hoặc bị chết đuối: là biểu hiện của bệnh liên quan đến hệ thống gan, thận, mật.
* Mơ thấy đánh nhau, khi tỉnh dậy những vị trí bị đánh thấy đau: là báo hiệu bộ phận tương ứng có nguy cơ mắc bệnh.
* Mơ thấy chính mình hoặc ai đó trong số những người quen của mình ăn cá sống hoặc cá ươn: có thể bị viêm dạ dày cấp tính.
* Mơ thấy lửa cháy to, bị bỏng… báo hiệu bạn bị cao huyết áp.
* Mơ thấy cưỡi trên mây mù, thấy những bộ mặt hung ác, dữ tợn… dấu hiệu bị bệnh ở hệ thống tuần hoàn và hệ thống tiêu hoá.

Vài giải mã chiêm bao của Freud

Freud cho rằng chiêm bao chứa nhiều ẩn nghĩa và gắng tìm hiểu chiêm bao như là một cách để hiểu về con người và hiểu tại sao họ hành động và suy nghĩ như thế. Ông tin mọi suy nghĩ và hành động của con người bắt nguồn từ sâu trong tâm thức, trí óc của họ. Chiêm bao có thể là một con đường quan trọng để hiểu những gì đang xảy ra. Ông nói với mọi người về các ý nghĩa trong chiêm bao của họ như là một cách để giúp họ giải quyết các vấn đề hoặc để hiểu về các mối lo lắng của họ. Ví dụ, Freud nói rằng khi con người mơ đang bay hay đang bơi thì có nghĩa họ muốn được tự do như thời thơ ấu của họ. Khi một người mơ anh, chị, em hay cha mẹ của mình chết thì có nghĩa người mơ thực sự đang giấu cảm xúc ghét người đó hoặc là sự mong muốn những gì người khác có.
Chuyên gia tâm thần học Carl Jung đã làm việc với Freud vài năm nhưng ông đã phát triển các ý tưởng hoàn toàn khác về chiêm bao. Theo Jung, chiêm bao có thể giúp con người trưởng thành và hiểu được chính họ. Ông tin rằng chiêm bao cung cấp các giải pháp cho các vấn đề mà chúng ta phải đối mặt khi chúng ta tỉnh giấc. Ông cũng tin rằng chiêm bao nói cho chúng ta biết những điều về bản thân và các mối quan hệ với những người khác. Ông không tin chiêm bao ẩn chứa các ý nghĩ hay các cảm giác về dục vọng hoặc sự ức chế dục vọng (về điểm nầy khác với Freud).
Theo đó, Freud giải mã một vài thí dụ điển hình về giấc chiêm bao.
* Mơ thấy một người thân qua đời.
Giấc mơ này gần như là một ác mộng đối với ta. Nhà phân tâm học S. Freud giải thích rằng đó có thể là một ước muốn của ta lúc ta còn bé vì có lần ta bị mắng hay bị phạt. Ước muốn đó bị dìm sâu vào vô thức và khi có dịp, lúc ngủ, 30 năm sau chẳng hạn, nó “nổi” lên qua một giấc mơ. Những nhà phân tâm trường phái Freud còn đi xa hơn : theo họ, ta vẫn mong cái chết của người thân, vì đó là phương thức duy nhất để xác định sự tự lập của ta, sự trưởng thành của ta, hết lệ thuộc người lớn. Mơ thấy người thân qua đời thành bình thường.
* Mơ thấy rụng răng và rụng tóc.
Đại đa số người ta xem đó là hai điềm gở. Thật ra trong các giải thích của Freud đó chỉ là dấu hiệu cho biết rằng người nằm mơ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và mệt mõi, không muốn tranh đấu nữa. Răng và tóc rụng đi là một cách để tự nói là “từ đây ta không còn phải lo săn sóc chúng”.
* Hầu hết những giấc mơ khỏa thân hay có màu sắc tình dục có nghĩa là, cũng theo Freud, người nằm mơ có nhiều nhu cầu không được thỏa mãn, mà trái lại, bị dồn ép đến tận tiềm thức. Chúng chỉ ùa ra lúc chiêm bao, tức là lúc mọi rào cản của giáo dục hay của xã hội biến mất khi ta ngủ. Nhưng Freud cũng thêm vào là một số các giấc mơ có màu sắc tình dục không có ý nghĩa tình dục. Có thể hình thức sexy của giấc mơ chỉ muốn nói lên một sự cấm kỵ chung chung.
* Chuyện “điềm báo mộng” hay giấc mơ thành sự thực?
Đó là chuyện một bà mẹ nằm mơ thấy cậu con trai trèo cây té trong khi đi nghỉ hè ở cách xa nhà hàng ngàn cây số. Bà mẹ ấy cũng như bất cứ ai sẽ tin rằng “rõ ràng là có điềm báo mộng”. Thật ra, bất cứ nhà tâm lý học nào cũng sẽ nói đúng ra giấc mơ không thành sự thật mà chính ta, trong cuộc sống, lúc thức, đã nhận thấy một số dấu hiệu của những việc có thể xãy đến trong tương lai. Những dấu hiệu đó làm ta lo sợ đến nỗi chúng ám ảnh ta và ta mơ đến chúng trong khi ngủ. Trở về chuyện của bà mẹ có con trèo cây té nặng nói trên, trước biến cố, bà đã mơ thấy việc đó : đứa con của bà đã có những dấu hiệu bướng bĩnh, hiếu động, không biết lường hiểm nguy... từ lâu khiến bà lo lắng...
* Đây là một giấc mơ do một sinh viên ở Munich cung cấp năm 1910.
Tôi (Freud) đơn cử giấc mơ này để chứng minh rằng một giấc mơ khó hiểu nếu người nằm mơ không chịu cho biết những điều cần biết.
13 tháng 7 năm 1910, vào một sáng tôi nằm mơ như sau: "Tôi đang đi xe đạp trong thành phố thì có một con chó đen chạy theo xe và cắn vào gót chân. Tôi đi một quãng nữa rồi xuống xe, ngồi trên một bậc thềm rồi tìm cách chống lại con chó trong lúc nó vẫn sủa. Tôi không bị khó chịu vì chó cắn mà vì ngay trước mặt tôi có hai bà ăn mặc rất lịch sự nhìn tôi chế nhạo. Đúng lúc đó tôi tỉnh dậy và thấy giấc mơ thực sự rõ ràng".
Những ký hiệu tượng trưng trong trường hợp này chẳng giúp được gì. Nhưng người nằm mơ cho biết: Tôi yêu một cô gái gặp ngoài phố nhưng chưa có dịp để tôi làm quen với cô ta. Làm quen được với cô ta thì tôi sẽ thích ghê lắm vì riêng tôi rất thích thú vật và có cảm tưởng rằng cô ta cũng thích. Anh thêm rằng nhiều lần anh ta can thiệp không cho chó cắn nhau ngoài phố và điều đó thường làm cho nhiều người đi đường ngạc nhiên. Cô gái luôn luôn đi ngoài phố với một con chó. Có điều là trong giấc mơ rõ ràng chúng ta không thấy có người con gái mà chỉ có con chó thôi. Có thể là hai bà đứng tuổi có vẻ chế nhạo anh chàng được gợi ra để thay thế người con gái. Những điều anh ta cho biết sau đó không đủ để giải thích. Việc anh chàng đi xe đạp trong giấc mơ có thể cắt nghĩa được lần nào gặp người yêu anh ta cũng đi xe đạp.
* Hai giấc mơ sau đây của một người ngoại quốc rất muốn theo thuyết đa thê.
Tôi lại chứng minh với các bạn là luôn luôn cái “tôi” của người nằm mơ xuất hiện trong giấc mơ dù có khi được nguỵ trang.
a. "Anh ta đi du lịch, hành lý đem theo trong một chiếc xe. Trong hành lý có nhiều rương, có hai rương đỏ và đen thuộc loại rương biếu trong việc quảng cáo. Anh ta nói để tự an ủi: “Những chiếc rương này chỉ đi tới ga thôi”.
Thực tế anh ta đi du lịch với nhiều hành lý nhưng trong khi chữa bệnh, kể lại nhiều chuyện đàn bà. Hai chiếc rương đen chính là hình ảnh của hai người đàn bà tóc đen giữ một vai trò quan trọng trong đời anh. Một trong hai người muốn đi theo anh tới Vienne, tôi khuyên anh không nên để cho bà ta đi.
b. "Một quang cảnh khu thuế quan: một người bạn đồng hành với anh ta mở rương ra vừa nói, vừa hút thuốc: Bên trong không có gì hết. Nhân viên thuế quan làm ra vẻ tin anh, nhưng vẫn khám và tìm thấy một thứ đồ cấm. Anh ta liền nói: “Chả còn làm gì được”. Chính người nằm mơ là khách du lịch, tôi là nhân viên thuế quan. Tuy thường thường thành thực trong khi nói chuyện với tôi, lần này anh không muốn cho tôi biết là anh vừa giao du với một bà có lẽ vì cho rằng tôi biết bà này. Anh ta gán cho người bạn tình trạng khó chịu của một người bị bắt chợt đã nói dối, và chính lý do đó anh không có mặt trong giấc mơ.
* Đây là một ví dụ về cái chết trong chiêm bao.
"Anh ta đi trên một chiếc cầu ao, dốc, cùng với hai người quen, nhưng khi thức dậy không còn nhớ tên nữa. Đột nhiên hai người này biến mất nhường chỗ cho một người gầy như một bộ xương, đội một cái mũ, mặc bộ quần áo bằng vải. Anh hỏi người đó có phải là điện tín viên không? Không! Có phải là người đánh xe không? Cũng không. Anh tiếp tục đi, trong lòng lo sợ phập phồng, và ngay khi thức dậy rồi anh vẫn có cảm giác là chiếc cầu sẽ sụp đổ và anh bị lao xuống vực".
Những người mà ta cho là không biết hay quên tên thường là những người rất thân. Người nằm mơ có một em trai và một em gái; nếu anh mong cho họ chết tất nhiên anh lo sợ phập phồng. Về người mang điện tín anh cho rằng những người đó luôn luôn mang đến những tin tức xấu. Theo đồng phục thì người đó cũng có thể là người đi thắp đèn ngoài phố, nhưng những người này vừa đi thắp đèn vừa đi tắt đèn y như tử thần tắt ngọn lửa của cuộc sống. Về người đánh xe, anh nghĩ đến môt bài thơ của Uhland về cuộc du hành trên mặt biển của vua Charles anh nhớ lại cuộc du hành nguy hiểm trên mặt biển với hai người bạn trong đó anh đóng vai vua Charles trong bài thơ. Về cây cầu, anh nhớ lại một tai nạn quan trọng xảy ra trước đó, nhớ lại luôn câu ngạn ngữ tối nghĩa: đời sống là một cây cầu treo.
* Giấc mơ sau đây có dính dáng đến bệnh thần kinh.
"Anh ta du lịch bằng xe lửa. Xe dừng lại giữa đồng. Anh tưởng là một tai nạn, phải tìm cách tự cứu, đi khắp mọi toa tàu và giết hết những người mình gặp: người lái xe, người đốt than, v.v…"
Giấc mơ này liên quan đến câu chuyện của một người bạn. Trên một toa xe lửa bên Ý có một người điên được chở đi trong một toa riêng, nhưng người ta vô ý đã để cho một người khách vào trong toa đó. Người điên giết người hành khách. Người nằm mơ tưởng mình là người điên và chứng minh hành vi chính đáng của mình bằng ý nghĩ anh ta phải giết tất cả những nhân chứng. Nhưng sau đó anh ta tìm được một lý do khác để cắt nghĩa đoạn đầu giấc mơ. Hôm trước, trong rạp hát, anh có gặp lại người yêu rồi bỏ đi vì ghen. Vì lòng ghen lên quá cao nên anh cho là nếu lấy nàng có lẽ anh sẽ trở thành điên mất. Điều đó có nghĩa: anh cho rằng nàng sẽ lẳng lơ đến nỗi anh phải giết hết những người nào mình gặp trên đường mình đi vì ghen với hết mọi người. Chúng ta đã biết là việc đi hết phòng này qua phòng khác trong giấc mơ tượng trưng cho đám cưới.
Về việc toa tàu ngừng lại giữa đồng, và về ý nghĩ sợ rằng có một tai nạn xảy ra, anh ta kể lại là một hôm đi xe lửa, xe này quả có dừng lại ở giữa hai ga thực. Một bà ngồi bên cạnh bảo anh là ngừng lại như thế, thế nào cũng xảy ra chuyện hai xe đâm nhau và trong trường hợp đó, muốn cho chắc chỉ có một việc giơ hai chân lên trời. Những cái chân giơ lên trời này cũng giữ một vai trò trong nhiều cuộc đi chơi về đồng quê với bạn gái trong lúc đầu yêu nhau. Đó là một bằng chứng khác để tỏ rằng anh phải điên lắm mới làm lễ thành hôn với nàng. Vậy mà theo những điều tôi biết về tình trạng anh ta thì tôi có thể quả quyết rằng ngay trong lúc này ý định làm điều điên rồ là thành hôn với người con gái đó vẫn còn lởn vởn trong đầu anh.

Kết luận

"Đố ai nằm ngủ không mơ”. Nếu ai ngủ cũng đều mơ thì tính trung bình mỗi ngày một người cần phải ngủ đủ tám giờ, cơ thể mới có thể hồi sức để tiếp tục làm việc. Như vậy, một người phải dành suốt cả một phần ba đời người để ngủ, có nghĩa là để sống trong chiêm bao. Chiêm bao tác động đến đời sống con người một cách sâu đậm như thế cho nên từ xưa đến nay có nhiều lý thuyết được đưa ra để giải thích, trong đó Phật giáo có những đóng góp nổi bật, đặc biệt không những đã đưa ra những lý thuyết nhằm giải mã chiêm bao mà còn có khả năng vận dụng chiêm bao vào đời sống tâm linh.
Không ai có thể phủ nhận rằng chiêm bao đã gắn liền với con người và qua đó với cộng đồng xã hội từ thời nguyên thủy. Chắc hẳn con người thời xưa cũng như thời nay mỗi lúc gặp nhau, nếu có đủ thân tình, sẽ rất sẵn sàng để chia xẻ với nhau những giấc chiêm bao mà họ đã mơ.
Với vô thức và sự dồn nén, theo quan điểm phân tâm học, hầu hết mọi người đều có tâm bệnh, vì ai cũng đều có ít nhất một mặc cảm nào đó. Nhưng đối với Phật giáo, tất cả chúng sinh đều có bệnh, và mầm bệnh không phải chỉ ở đời này mà đã tích tập từ nhiều đời trước. Đó là tham, sân, si, lo sợ, phiền não..., tất cả các thứ này là những sức mạnh (nghiệp lực) tạo ra căn bệnh lớn nhất, đó là sống và chết, vòng sanh tử tiếp nối triền miên không dứt. Với Phật giáo, ngày nào con người hết phiền não, không còn bị lôi kéo theo vòng quay của sống chết, ngày đó con người mới được gọi là hết bệnh.

Lê Tấn Tài