1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7

Suối Nguồn Tươi Trẻ

một bí quyết cổ truyền

* phần phụ lục *

LÀM THẾ NÀO ÐỂ TIẾT KIỆM VÀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG

Một khi con người đã nhận thức về cái năng lực chính yếu đang làm họ sinh động và một khi họ đã biết tích lũy và phát triển cái năng lực đó bằng những phương pháp thích hợp, thì vấn đề còn lại là họ biết giữ gìn và sử dụng với một hiệu năng tối đa.

Tư tưởng và hành động, dẫu có là tầm thường nhỏ nhoi, cũng làm bạn tiêu tán đi một số năng lực nào đó; chính vì vậy mà bạn phải kiên trì chống lại sự phân tán tinh thần cũng như những hành động trống không có mục tiêu, không ước muốn thực sự, hoặc chủ yếu là để cho qua giờ. Bị tiêu tán như thế, năng lực suy giảm và mất đi sức mạnh của nó, về lượng cũng như về chất. Ngược lại, nếu bạn biết hướng dẫn và kềm hãm các luồng tư tưởng, ngăn chận trí tưởng tượng, kiểm soát các cảm xúc và biết hành động theo mục tiêu đã được xác định, thì bạn có thể đạt được một sự tập trung năng lực với toàn bộ hiệu năng của nó.

 

SỰ TRẦM TĨNH

Sự trầm tĩnh ở dáng vẻ bề ngoài cũng như trong nội tâm không những là một lợi điểm giúp bạn trong đời sống, mà còn là phương tiện giúp bạn tránh được sự mất mát năng lực.

Nhằm đạt được điều này, bạn phải nuôi dưỡng và phát triển sự tự chủ.

Bạn phải dùng ý chí để kiểm soát và làm chủ các cảm xúc.

Cảm xúc là lực và khi lực này được biểu lộ, nó đã mất đi đáng kể cường độ của nó; ngược lại, nếu biết cầm giữ, nó sẽ giúp bạn tăng sức mạnh.

Việc kềm giữ này bao gồm một sự luyện tập liên tục nhằm làm chủ mọi hành vi vô thức, khống chế mọi cảm xúc nội tại. Bởi, như Swami Vivekananda đã nói: “Tĩnh lặng là sự thể hiện cao cấp nhất của sức mạnh. Hoạt động là sự thể hiện của lực ở cấp thấp; tĩnh lặng là sự thể hiện của lực ở cấp cao”.

 

  GIẤC NGỦ

Giấc ngủ là một trong những cách thức chính yếu nhằm thu hồi và tích lũy năng lực. Thật vậy, chính trong khi ta ngủ những giòng sinh lực chuyển động trong cơ thể chúng ta sẽ có được một hoạt động hoàn toàn mới mẻ. Được giải thoát khỏi những ràng buộc của hành động và tư tưởng, chúng có thể chuyển lưu trong khắp cơ thể theo một cách thức liên tục và đều hòa; tác dụng của chúng như thế trở nên hữu ích.

Tuy vậy, yếu tố vừa kể cũng tùy thuộc vào những điều kiện tác động đến giấc ngủ của bạn như: sự thoáng khí của phòng ốc, tiêu hóa, sự tĩnh lặng của tâm trí và tất cả những gì liên quan đến chúng. Một bữa ăn tối quá no nê làm cho sự tiêu hóa trở nên nặng nề, buộc cơ thể phải đương đầu. Trong trường hợp này, năng lực sử dụng sẽ bị tiêu hao và không nạp được vào các luân xa như thế bạn không thể ngủ ngon giấc; máu, cơ bắp và thần kinh đều thiếu hẳn cái sinh lực chính yếu đó; sự nghỉ ngơi không được diễn ra theo đúng nghĩa của nó, da thịt không được săn cứng và sức mạnh của bắp thịt bị suy yếu.

 

ĐI CHÂN ĐẤT

Các cổ thư Trung Hoa và Nhật Bản đề cập tới việc đi chân đất như một thức tập phải được thường xuyên thực hành dể chẳng những được lành mạnh mà còn nhằm phát triển sinh lực. Thức tập này, tuy bề ngoài có vẻ không quan trọng, nhưng mang lại những kết quả tốt đẹp trên trương lực của thần kinh và không ai có thể nói hết những lợi ích mà họ đã đạt được trong việc kích thích những đầu mút thần kinh của đôi chân.

Bạn nên thực hành việc đi chân đất ở ngoài đất, tốt hơn là vào buổi sáng, đi trên cỏ còn đẫm sương, hoặc trên những lớp sỏi của lòng suối.

Ngoài ra, bạn phải điều hòa nhịp thở sao cho phù hợp với bước đi bằng cách hít thở sâu.

Sau buổi tập, bạn không nên lau khô chân bằng khăn, mà chỉ nên dùng tay xoa bóp cho đến khi da được khô, mềm và ấm hẳn.

Đi chân đất giúp bạn tái lập sự tiếp xúc với mặt đất, điều mà con người hiện nay thường thiếu sót vì phải luôn mang giày, vớ.

 

NĂNG LỰC VÀ SỰ HÔ HẤP

Như chúng ta đã biết, hô hấp là cách thức để con người tích lũy và tái tạo năng lực cho chính mình. Như vậy, sự hô hấp có hai mục tiêu, một mặt giúp cho hệ thần kinh và các cơ bắp “được thở” và mặt khác tạo ra một phản ứng hóa học làm phát sinh năng lực. Nói tóm lại, khi cung cấp năng lực cho mọi tiến trình tổng hợp và phân hủy đang diễn ra trong cơ thể con người.

Vì vậy, sự hô hấp có một tầm quan trọng chủ yếu, bởi nó không những giúp ta bù đắp sinh lực mất mát mà còn làm gia tăng sức mạnh tinh thần và thể chất.

Người Trung Hoa xem Khí là “cái Thần” của vũ trụ. Trong Hoàng Đế Nội Kinh, khi được mô tả như là một “ảnh hưởng”, một sự “tỏa rạng” và hai chữ này đủ nói lên khía cạnh năng lực của Khí. Cũng vậy, người Hin Đu đã sớm nhận biết về Khí và gọi đó là Prana – sinh lực hoàn vũ hay hơi thở của vũ trụ. Kinh Mundala Upanishad đã giải thích về Prana như sau: “Cái Đó, chẳng ai có thể trông thấy bằng mắt, hay sờ bằng tay. Cái Đó không có đẳng cấp, không họ hàng, không tai, không mắt, không tay, không chân. Cái Đó hiện diện khắp nơi và thấm nhập tất cả, tinh tế, bất tận. Cái Đó là cội nguồn của mọi tạo vật.” Các đạo sĩ Hin Đu xác nhận rằng để giữ cái năng lực chính yếu đó, người ta phải thực hành phương pháp thở nhằm định nó vào “trong những trung tâm thần kinh tích tụ và dự trữ mà họ gọi là Chakras hay luân xa”.

 

PHƯƠNG PHÁP THỞ

Hít thở là phương cách tốt nhất để đưa “thần” vào “chất”.

Sau đây là những nguyên tắc thông thường nhất của mọi phương pháp hít thở.

* Nơi thực hành:

Tốt hơn hết là nên chọn một nơi yên tĩnh, thoáng khí và không bị những người khác đến quấy rầy. Nơi tập cần phải được sạch sẽ, với ánh sáng trời vừa phải. Đây phải là nơi yên tĩnh và những người vào đây nên có cùng một ý hướng với người tập, nghĩa là không cười nói lớn tiếng hoặc đến nơi này để ngủ. Trước khi bước vào đây, điều cần thiết là bạn phải bỏ bên ngoài mọi ý về thù hận, bất hòa, hoặc về lợi lộc, thua lỗ cùng những ưu phiền đời thường. Nói tóm lại, bạn phải bước vào đây với một tâm hồn tràn ngập niềm vui.

Việc tuân thủ những điều vừa kể sẽ tạo ra cho “phòng tập” một không khí yên bình và tĩnh lặng, giúp cho tâm trí bạn được thanh thản.

* Tập Thở Lúc Nào?

Theo quan điểm phương Đông thì sự hô hấp của con người được chia thành hai giai đoạn: Hít vào làn không khí mới mẻ và thở ra không khí già cỗi. Cũng vậy, phương Đông cho rằng sự tuần hoàn của “hơi thở vũ trụ” được chia thành hai phần: Phần sinh khí và phần tử khí.

Sinh khí là Dương (tương ứng với ban ngày, mặt trời và sự sống) và tử khí (tương ứng với ban đêm, giá lạnh và cái chết). Các cổ thư đã căn dặn: “Phải hấp thụ sinh khí và thải ra tử khí”. Để hấp thụ sinh khí, có hai thời điểm thuận lợi trong ngày:

1.- Lúc mặt trời gần sáng, vào canh năm, khi không khí ấm dần trước rạng đông, đó cũng là lúc sinh khí đang vượng (Thượng-Sinh-Khí). Mọi sự đều êm ả... lại một lần nữa, sự sống đang thức dậy trên trần gian.

2.- Buổi chiều, vào lúc mặt trời lặn, khi không khí dịu dần – vào cái lúc mà mọi sự chìm trong êm ả, thiên nhiên im tiếng, thư giãn – đó cũng là lúc sinh khí đang xuống dần (Hạ-Sinh-Khí).

Vào hai thời điểm vừa kể – sáng và chiều – bạn phải luyện tập và hấp thụ sinh khí.

* Bằng cách nào?

Bằng cách hướng về phía mặt trời – khi chưa ăn uống (điều này rất dễ thực hiện vào buổi sáng sớm, nhưng ban chiều thì phải lưu ý sao cho buổi tập phải cách xa bữa ăn ít ra là ba tiếng, và sau khi đã làm xong các nhu cầu vệ sinh).

* Thực hành:

Ngồi trên đất hoặc trên một chiếc gối. Toàn thân, cổ, đầu và cột sống đều phải thẳng tắp. Cằm thu vào, hai lòng bàn tay đặt trên bắp đùi. Súc miệng và đánh răng kỹ để xua đi ám khí và tích tụ thần khí. Bắt đầu bằng cách thở ra dài hơi, khi thở ra, đầu dần dần hạ xuống và thót bụng lại để đẩy hết khí ra. Khi kết thúc lần thở ra, bụng phải thót lại tối đa và cằm đặt lên ngực. Sau đó hãy hít sâu vào bằng mũi. Thở và hít sâu như thế ba lần. Bây giờ, đến giai đoạn bạn thở đều đặn, nhẹ nhàng. Trong thời gian thở đều đặn này bạn hãy nói với tâm trí rằng cơ thể bạn hoàn toàn mạnh khỏe và hãy tạo một niềm tin và hy vọng vô biên!

Trong khi chiêm nghiệm như thế, bạn hãy hít vào và thở ra bằng mũi, nhẹ nhàng, đầy đủ...

* Nuốt nước bọt.

... Rồi, mắt hướng về phía xa xăm, “về phía mặt trời, ngay cả khi mặt trời bị mưa che phủ”, đưa lưỡi lên răng, từ trái sang phải, từ trong ra ngoài, rồi dần dần thu lấy nước bọt từ dưới lưỡi... khi đã đầy miệng, nghiêng đầu sang bên và nuốt. Việc thực hành này được các sách Đạo học xem là cực kỳ quan trọng vì nó giúp tăng tuổi thọ và kéo dài đời sống. Cũng vậy, môn phái Khí Công cho rằng sự gia tăng nước bọt tiết ra giúp cho người luyện công cảm thấy mau đói bụng và ăn ngon miệng. Bệnh hoạn nhờ thế sẽ bị đẩy lui và niềm vui sống được gia tăng. Ngoài ra, khi lưỡi co lên nóc, đặt lưỡi sau chân răng cửa trên, lưỡi như thế trở thành một cây cầu nối liền giữa Đốc Mạch và Nhâm Mạch..

 

 BÍ QUYẾT CỔ TRUYỀN

Thân thể con người có 7 trung tâm năng lực. Người Tây Tạng gọi đó là những điểm xoáy trong khi người Hin-Ðu gọi là LUÂN XA. Tuy không thể thấy nhưng 7 luân xa này là những điện trường cực mạnh và hoàn toàn có thực. Mỗi luân xa tập trung vào một trong số 7 tuyến nội tiết của cơ thể và nhiệm vụ của nó là kích thích sự sản xuất hóc-môn. Chính những hóc-môn này điều hành toàn bộ các chức năng của các cơ quan nội tạng và đồng thời điều hành cả tiến trình lão hóa.

Luân xa (1) hay luân xa thấp nhất tập trung ở tuyến sinh dục. Luân xa (2) tập trung ở tuyến tụy trong vùng bụng. Luân xa (3) tập trung tại tuyến thượng thân trong vùng đám rối dương (mạng dây thần kinh ở bụng). Luân xa (4) tập trung tại tuyến ức ở vùng ngực. Luân xa (5) tập trung ở tuyến giáp trạng nơi cổ. Luân xa (6) tập trung ở tuyến tùng, tại đáy sau của não. Luân xa (7) cao nhất, tập trung tại tuyến yên, nơi đáy trước của não.

Trong một cơ thể khỏe mạnh, cường tráng, hoạt động của những luân xa này thật mãnh liệt, giúp cho "prana", sinh lực chủ yếu của sự sống, được trôi chảy qua các tuyến nội tiết. Nhưng nếu sự hoạt động của một hay nhiều luân xa đó bị trì trệ thì dòng sinh lực của sự sống bị cản trở hoặc bế tắc và như thế đưa đến bệnh hoạn và già nua.

Với một người khỏe mạnh thì những luân xa đó làm lan tỏa sinh lực ra đến tận làn da bên ngoài; ngược lại với một cơ thể già nua bệnh hoạn thì những luân xa này hầu như không thể đẩy sinh lực lên đến bề mặt của thân thể. Vì thế, cách thức nhanh nhất để dành lại sự tươi trẻ, sức khỏe và sinh lực là làm sao để cho những luân xa này hoạt động bình thường trở lại. Ðể đạt đến mục đích này, chúng ta có 5 bài tập hay 5 "Thức" như tên gọi của các Lạt Ma trên Himalaya. Mỗi thức tự nó rất hữu ích, nhưng muốn có được những kết quả tối ưu thì không nên bỏ sót một thức nào.và kinh nghiệm của người đã luyện tập thành công.

Sau đây là những câu hỏi của tác giả Peter Kelder đã được Ðaị tá Bradford giải đáp:

Mỗi thức phải tập bao nhiêu lần ?

Ðể bắt đầu, trong tuần lễ thứ nhất nên thực hành mỗi ngày một buổi, mỗi thức tập 3 lần. Rồi trong tuần lễ thứ hai mỗi thức tập 5 lần; tuần thứ ba tập 7 lần; tuần thứ tư tập 9 lần và cứ thế tiếp tục. Như vây trong khoảng 10 tuần lễ có thể thực hiện mức tôi đa là tập mỗi thức 21 lân trong một ngày.

Nếu gặp khó khăn trong việc thực hiện thức thứ nhất - xoay tròn - có thể tâp thức này nhiều lần trong một ngày, sao cho đủ 21 lần mà không bị chóng mặt. Có người phải mất hơn một năm mới có thể xoay 21 lần trong một lúc.

Nên tâp luyện vào lúc nào trong ngày?

Có thể thực hành vào buổi sáng hoặc buổi tối, tùy theo giờ giấc thuận tiện. Sau khi đã tập luyện những thức này được 4 tháng có thể dành thời gian để thực hành nhiều lần vào buổi sáng, và buổi tối chỉ thực hành 3 lần cho mỗi thức. Hãy tuần tự gia tăng số lần tập cho tới khi đủ 21 lần. Không cần phải tập nhiều hơn 21 lần.

Tầm quan trọng của các thức ra sao?

5 thức này liên kết nhau để tác động lên cơ thể và có chung một tầm quan trọng. Sau một thời gian tập, nếu không thể cùng một lúc thực hành các thức này theo số lần qui định, hãy tách thành 2 buổi tập vào ban sáng và buổi tối. Nếu thấy khó khăn trong việc tập một thức nào đó thì hãy tạm bỏ qua và chú tâm vào các thức khác. Vài tháng sau hãy tập lại thức đã tạm bỏ qua đó.

Sẽ ra sao nếu bỏ hẳn một trong 5 thức?

Nếu bỏ hẳn 1 trong 5 thức trong khi vẫn tâp đều đặn và đầy đủ 4 thức kia thì vẫn có kết quả tuyệt hảo. Nếu thấy rằng mình không thể thực hành toàn bộ 5 thức, hoặc không thể thực hành đầy đủ 21 lần mỗi ngày thì hãy vững tin rằng sẽ đạt được những kêt quả tốt đẹp với bất cứ thức nào có thể thực hiện được vì không nên quên rằng chỉ một thức thôi cũng đủ để tạo ra sự thần kỳ, điều được chứng minh qua vũ điệu xoay tròn của các tu sĩ Hồi Giáo, những tu sĩ tuy già nhưng thân thể vẫn cường tráng.

Phải chăng "Suối Nguồn Tươi Trẻ" thực sự đơn giản như đã mô tả?

- Ðúng. Tất cả những gì cần làm là tập 3 lần mỗi ngày để bắt đầu và từ từ tăng lên cho đến           khi mỗi ngày thực hành đủ 21 lần cho mỗi thức... Mục đích của 5 thức này là tái lập sự tươi trẻ và sức khỏe. Ngoài ra còn một thức tập bổ sung, thức thứ sáu, nhưng thức này đề ra môt sự trói buôc mà hầu hết học viên không muốn tuân theo: cần phải sống độc thân.

 

THỨC THỨ NHẤT

Mục đích của thức này là làm cho các luân xa xoáy nhanh trở lại.

Giương thẳng hai tay ra theo chiều ngang và xoay tròn cho đến khi chóng mặt.

Lưu ý là phải xoay tròn từ trái sang phải, theo chiều kim đồng hồ.

Hầu hết những người lớn tuổi chỉ có thể xoay khoảng 6 lần trước khi cảm thấy chóng mặt.

Khi mới luyện tâp, không nên vượt quá 6 vòng quay. Nếu cảm thấy chóng mặt, có thể ngồi hoặc nằm xuống nghỉ ngơi.

Lúc đầu chỉ nên tập thức này cho đến khi cảm thấy hơi chóng mặt. Sau khi đã tập luyện cả 5 thức sẽ có thể xoay nhiều vòng hơn mà không chóng mặt.

 

THỨC THỨ HAI

Mục tiêu của thức này là nhằm kích thích hơn nữa 7 luân xa.

Nằm dài trên sàn, tốt nhất trên một tấm thảm dầy hoặc một tấm đệm bằng phẳng; mặt ngẩng lên.

Nằm duỗi lưng, thẳng người, hai cánh tay buông dọc theo hông, gan bàn tay úp xuống sàn, giữ cho các ngón tay sát vào nhau.

Tiếp theo, nhấc đầu lên cho cằm thu vào ngực. Ðồng thời nhắc hai cẳng chân lên trong thế thẳng đứng. Nếu có thể, đưa hai chân vươn ngược lên về phía đầu, nhưng phải giữ cho hai gối thật thẳng.

Rồi từ từ thả đầu và hai cẳng chân xuống sàn trong khi đầu gối vẫn giữ thẳng. Sau đó, thư giãn toàn bộ các cơ bắp và thưc hành lại thức này.

Trong khi thực hành tuân theo nhịp thở như sau: hít vào thật sâu khi nhấc đầu và hai chân lên; thở ra toàn bộ khi hạ đầu và hai chân xuống. Càng hít thở sâu càng tốt.

Nếu lúc mới tập không thể giữ cho hai đâu gối được thật thẳng thì có thể cong theo mức độ cần thiết. Trong khi luyện tập tiếp cố giữ cho hai đầu gối càng thẳng càng tốt.

 

THỨC THỨ BA

Phải thực hành ngay sau thức thứ hai.

Quì gối trên sàn và giữ cho thân mình thẳng đứng, hai bàn tay áp sát vào đùi. Sau đó, nghiêng đầu và cổ về phía trước, cằm thu vào ngực. Tiếp theo, ngửa đầu và cổ ra phía sau càng xa càng tốt; đồng thời ngả người ra sau, cong hẳn cột sống. Khi cong mình như thế hãy bám cánh tay và bàn tay vào đùi để làm điểm tựa. Cong người xong lại trở về tư thế cũ. Lập lại thức thứ ba này.

Cũng như thức thứ hai, khi tập thức này phải điều hòa nhịp thở đúng như qui định. Hít vào thật sâu khi cong cột sống và thở ra khi quay về tư thế thẳng đứng. Hịt thở càng sâu càng tốt.

Muốn tập trung tư tưởng nên nhắm mắt lại để loại bỏ những ràng buộc của thế giới bên ngoài và có thể tập trung vào chính mình.

 

 THỨC THỨ TƯ

Lúc mới tập thức thứ tư này rất khó thực hành, nhưng rồi sẽ thấy đơn giản như những thức khác.

Trước tiên, ngồi xuống trên sàn nhà, hai cẳng chân duỗi ra phía trước, hai bàn tay đăt cách nhau khoảng 20cm, gan hai bàn tay úp xuống sàn, dọc theo mông. Sau đó, thu cằm về phía trước ngực.

Tiếp theo, ngả đầu ra phía sau, càng xa càng tốt. Ðồng thời nhấc thân mình lên sao cho đầu gối cong lại trong khi hai cánh tay trở nên thẳng đứng.

Với tư thế này thân mình trở thành song song với sàn nhà và thẳng góc với hai cánh tay và hai cẳng chân. Hãy gồng căng mọi cơ bắp của thân thể.

Cuối cùng khi quay trở lại với thế ngồi ban đầu hãy thư giãn các cơ bắp và nghỉ một lúc trước khi lập lại các động tác của thức này.

Nhớ hít vào thật sâu khi nhấc thân mình lên và thở ra thật dài khi hạ người xuống. Tiếp tục duy trì nhịp thở này khi nghỉ giữa hai lần tập.

Lúc đầu những người lớn tuổi khó nhấc thân lên khỏi sàn nhà và không thể đạt tư thế song song với sàn nhà. Hãy làm tất cả những gì có thể trong vòng một tháng xem sao. Cuối cùng sẽ đạt kết quả mong muốn.

 

 THỨC THỨ NĂM

Thân mình phải hướng xuống đất và được chống đỡ bởi hai tay, gan bàn tay áp xuống sàn, các nhón chân ở trong tư thế cong lại. Hai bàn tay và hai chân cách nhau khoảng 60cm trong khi cánh tay và cẳng chân phải giữ thẳng.

Ðể bắt đầu, hãy chống hai tay thẳng đứng xuống sàn và cong cột sống sao cho thân mình ở tư thế lún xuống.

Tiếp đó, ngả đầu ra phía sau càng xa càng tốt rồi cong ở phần hông và đưa thân mình lên trên để tạo thành hình chữ V ngược. Ðồng thời đưa cằm tới trước và áp sát vào ngực. Trở lại tư thế ban đầu và lập lại toàn bộ thức này.

Khi đã thuần thục hãy để cho thân mình rơi xuống tới điểm gần như là chạm sàn nhà, nhưng không chạm hẳn. Hãy gồng căng các cơ bắp khi thân ở điểm cao cũng như lúc hạ xuống thấp.

Tiếp tục thở hít như trong các thức trước. Hít vào thật sâu khi nâng ngưởi lên và thở ra hết khi hạ người xuống.