BÔNG SÚNG

Lê Tấn Tài



Bông súng gốc Ấn Độ, lan rộng qua các nước khác từ thời cổ đại, tên tiếng Anh là Nymphaea, hay Water Lilies, thuộc họ Nymphaeaceae, có hơn 200 loại. Cây bông súng là loài thủy sinh thường ở các khu vực ao, hồ và đầm lầy, với lá và hoa nổi trên mặt nước. Lá súng đơn, mọc cách, hình tròn. Bông xếp xoắn vòng, có mùi thơm nhẹ.
Bông súng tùy màu sắc và xuất xứ được chia thành nhiều loại khác nhau:
- Bông súng Thái Lan bông nở quanh năm, dễ trồng. Bông có nhụy vàng, cánh nhiều màu khác nhau, trắng, đỏ, tím,
- Bông súng Nhật Bản có nhiều màu, hoa có thể nở - cụp nhiều lần (thường nở vào ban ngày và cụp vào ban đêm).
- Bông súng trắng, cánh hoa mỏng, nhẹ, nhụy hoa màu vàng.
- Bông súng tím thường mọc ở các đầm lầy, cánh hoa có màu tím nhạt và đỏ dần về phía đầu cánh.

Bông súng đẹp giản dị nhưng thanh tao, có ý nghĩa rất lớn trong văn hóa của nhiều nước trên thế giới. Người Ai Cập cổ đại rất tôn sùng bông súng, dâng tặng bông cho thần Mặt trời.
Bông súng trắng được Bangladesh chọn là quốc hoa.
Đối với Đông phương, bông súng tượng trưng cho nét đẹp của tâm hồn.
Ở Việt Nam, bông súng biểu tượng sự nhẹ nhàng và thuần khiết, giống như sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, vẫn thơm, vẫn đẹp không vướng bụi trần.

Miền nam Việt Nam súng mọc dại nhiều ở các vùng quê, trong ao, mương, lung, kênh rạch... Đồng Tháp Mười là nơi có nhiều bông súng nhất. Vào mùa thu khoảng từ tháng 9 đến tháng 11, là mùa nước nổi miền Tây, đồng thời là mùa bông súng nở rộ trên khắp các cánh đồng, đặc biệt vào ban đêm nên còn gọi là bông súng ma, có màu tím hồng hoặc trắng mang vẻ đẹp bí ẩn lạ thường. Muốn chiêm ngưỡng và thu hoạch bông phải ra đồng từ lúc nửa đêm cho đến tận khi mặt trời lên. Bông súng được coi như một đặc sản của mùa lũ miền Tây. Nước càng lên cao bông súng càng dài cọng, mềm mại và tươi non.

Cọng súng còn là nguyên liệu của nhiều món ăn ngon. Dân miền Tây chế biến những món ăn đặc sản như lẩu chua, gỏi, canh chua, dưa chua hay món cọng súng chấm mắm kho…
Theo đông y, bông súng có tác dụng an thần, trợ tim, chống co thắt, chống say nắng, thanh nhiệt, cầm máu tạm thời. Do đó, súng thường được dùng để trị các bệnh như tim đập nhanh, mất ngủ, ho...

Súng là thủy sinh dễ trồng và chăm sóc nhưng vẫn đem đến những bông hoa đẹp, dùng trang trí sân vườn, tiểu cảnh, ở bàn làm việc, giúp cho không gian trở nên hòa hợp với thiên nhiên.
Với vẻ đẹp và ý nghĩa tốt đẹp của bông súng, người ta thường mua những chậu súng kiểng mini để tặng cho bạn bè, người thân vào những dịp sinh nhật hay tân gia.
Trồng và chăm sóc cây bông súng khá đơn giản. Nếu diện tích hạn chế, có thể trồng trong những chậu nhỏ. Thông thường, người ta trồng bằng củ. Cây súng phát triển mạnh theo chiều ngang nên chậu phải có đường kính lớn, độ sâu vừa phải. Súng trồng trong bùn nhiều dinh dưỡng, đất sạch không lẫn than bùn, cát, sỏi, có thể bón lót bằng phân NPK. Để bông tốt cần lưu ý đặt chậu nơi có ánh sáng đầy đủ, không nên để trong nhà lâu ngày. Cây súng ưa ấm. Lá súng ở trên mặt nước vì vậy cần nhiều diện tích hơn sen.

Khi những tia nắng sớm rắc những hạt vàng xuống ao hồ, bông súng hiện lên giữa nước trời mênh mông, tô thêm vẻ đẹp ngọt ngào miền sông nước, một nét đẹp không sang trọng lắm nhưng dịu dàng, mộc mạc, đầy sức quyến rũ. Trái với bông sen mang vẻ đẹp thanh cao, bông súng ẩn chìm nét đẹp dân dã, lặng lẽ khoe sắc, giống hệt người miền Tây.
“Màu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc
Chỉ lặng yên sắc tím để mà đau
Người đời chỉ biết màu sen anh đỏ rực
Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu”.
(Màu hoa súng tím - Chế Lan Viên)