Gió là những luồng không khí chuyển động, khi có một sự khác biệt trong áp suất khí quyển tồn tại, không khí di chuyển từ vùng áp suất cao hơn đến các vùng áp suất thấp hơn, dẫn đến những cơn gió có tốc độ khác nhau. Theo các nhà khí tượng, gió tăng tốc đột ngột là gió mạnh, với khoảng thời gian kéo dài hơn một phút được gọi là gió giật và nếu kéo dài hơn nữa thì có những tên khác nhau chẳng hạn như gió nhẹ (breeze), gió mạnh (gale), bão (storm), cuồng phong (hurricane), và cơn bão lớn (typhoon).

Dựa vào các nghiên cứu về lực và hướng di chuyển của không khí tạo ra gió, con người đã ứng dụng vào ngành giao thông vận tải như: thiết kế thuyền buồm, máy bay, đường băng sân bay... Gió đóng vai trò quan trọng trong một số môn thể thao phổ biến như: thả diều, bay diều tuyết, bay khinh khí cầu, lướt ván diều, lướt sóng diều, đua thuyền buồm... Ngoài ra, gió còn được tận dụng để tạo ra các nguồn năng lượng cho ngành luyện kim từ năm 300 TCN, cho đến việc sử dụng sức gió để tạo thành các cối xay gió. Ngày nay, người ta nghiên cứu khai thác năng lượng gió để tạo nên các nguồn năng lượng mới vừa an toàn thân thiện với môi trường, vừa tiết kiệm và hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng độc hại khác. Trong tự nhiên, gió tác động đến các dạng địa hình do bị xóa mòn, phong hóa bởi sức gió, di chuyển bụi sa mạc. Gió còn duy trì, phát triển và phát tán các loại thực vật, động vật, từ khu vực này sang khu vực khác…

Bên cạnh những lợi ích mà gió mang lại cho con người và thế giới tự nhiên. Gió cũng gây ra nhiều tác hại nguy hiểm. Một đợt gió từ cấp 7 trở lên đủ khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn khi đi bộ ngoài đường bởi sức cản của nó. Đối với những cơn gió từ cấp 9 trở lên có thể tạo nên các lốc tốc mái nhà hay phá vỡ các công trình khác. Bão là dạng nhiễu động mạnh mẽ nhất có tác động to lớn đối với con người. Tác hại chủ yếu của bão là gây mưa lớn, lũ lụt, úng ngập, nước biển dâng cao, gió mạnh, đôi khi còn kèm theo tố lốc, vòi rồng làm đổ cây cối, nhà cửa, hư hại tàu thuyền gây thiệt hại lớn cho mùa màng và đời sống con người.

Trong nền văn minh của con người, gió đã tạo rất nhiều cảm hứng cho thần thoại...
Theo thần thoại La Hy, gió được thần thánh hóa. Aparctias hay Boreas là thần gió Bắc, một ông già có bộ râu trắng như tuyết mùa đông và cơ thể tỏa ra làn gió lạnh từ phía Bắc. Notos hay Auster là vị thần gió Nam mang đến những cơn gió mùa hè nóng bức, cùng bão tố và sức nóng thiêu đốt làm hư hại mùa màng. Eurus hay Subsolanus, là vị thần gió Đông mang theo mưa và gió nóng từ phía Đông. Cuối cùng, Gió Tây được đại diện bởi vị thần Zephyrus hay Favonius, vị thần trú ẩn trong hang động, thường xuất hiện khi mùa xuân về và giúp hoa lá đâm chồi nảy lộc.
Người Lưỡng Hà cổ đại tin vào thần Enlil (Elil), “Chúa tể của những cơn gió”. Người Sumer cho vị thần gió này cực kỳ quyền năng và tin rằng tất cả cơn gió từ những cơn gió nhẹ đến những cơn giông bão đều là từ vị thần Gió này làm ra. Enlil không chỉ được người dân tin rằng có khả năng kiểm soát gió, mà còn mang đến sự màu mỡ cho nông nghiệp, làm chín hoa quả và đẩy lùi mùa đông.
Đối với người Iroquois (người Mỹ bản địa), thần Gaoh được xem là bậc thầy của những cơn gió lớn. Thần đã chọn một con vật đại diện cho mỗi hướng, gồm: Yaogah - con Gấu từ phía Bắc chịu trách nhiệm mang theo gió lạnh, tuyết và băng giá; Dajoji - con Báo từ phía Tây cho những cơn gió lốc; Oyandone – con Nai sừng cai quản mưa và sương mù ở phía Đông; Neoga – con Hươu đến từ phía Nam tượng trưng cho bình minh mang đến ấm áp, sự yên bình và hương thơm.
Người Aztec tin vào thần Ethecatl được miêu tả mang ngoại hình của một con mãng xà lớn và trong ngôn ngữ Nahuatl của người Aztec tên của nó có nghĩa là gió.
Người Trung Hoa xưa tin vào một Tiên nữ tên gọi là Phong Bà Bà còn được gọi là Phong Tiên có trách nhiệm mang gió từ trên Thiên Đình xuống cho loài người. Phong Bà Bà được miêu tả là cưỡi trên một con hổ bay trong những đám mây và mang theo những cơn gió trong một “bảo bối” có hình dạng như tay nải trên vai và khi Phong Bà Bà giận dữ, Bà sẽ trút xuống hết trần gian.

Không riêng về thần thoại, gió là một hiện tượng tự nhiên đối với con người dù ở không gian, thời gian nào. Bốn mùa gió là đề tài muôn thuở của văn chương, nghệ thuật, với những cơn gió nhẹ nhàng, mang đến cho lòng người nhiều kỷ niệm, nhiều dư vị và dấu ấn khác nhau.
Mùa đông bầu trời u ám, trĩu trịt những cơn gió mạnh. Gió thổi tóc thề bay bay, phiêu bồng. Khi gió Đông Bắc tràn qua phố vắng, trong đêm nghe tiếng gió rít, lòng chợt bồn chồn, người thì chăn nệm ấm êm, trong khi ngoài trời nhiều mảnh đời cơ hàn đang chịu rét mướt. Gió rít từng đợt lúc mỏng lúc dày. Gió kết nối âm sắc cỏ cây hoa lá, lòng người trầm mặc với những buồn nhớ bâng khuâng.
Mùa thu lất phất những cơn gió heo may, mơ màng, u hoài nỗi buồn nhè nhẹ, làm bay bay những chiếc lá vàng xa cành, tạo nên âm thanh xào xạc, gợi lên hình ảnh con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô. Gió thu dễ làm sống dậy những uẩn khuất tâm tư. Cơn gió thổi qua những vùng trời xa lạ, vướn lại một chút tơ lòng không còn nguyên vẹn. Gió thổi đi mãi, mây cứ trôi xa, rồi một ngày nào gió và mây đã ở hai phương trời cách biệt, như lạ, như quen, có chút gì đó miên man. Gió trách mây sao cứ cuốn theo từng cơn gió. Mây trách gió sao không theo mây, sao nở để mây một mình trôi dạt trên dặm đường xa, rồi âm thầm lặng lẽ độc hành...
Những cơn gió hè lồng lộng dưới những khung trời đầy hoa phượng rực đỏ. Thấp thoáng trong sân trường, bóng dáng các cô cậu học trò ngày cuối năm học ngẩn ngơ nhặt những cánh hoa rơi... Chỉ vì gió, vì nắng, vì hoa rơi, miền ký ức hư thực, hiển hiện trước mặt mà lại vô định tận phương nào. Mùa gió hè về, rưng rức nhớ những mùa gió đã qua…
Gió xuân nhè nhẹ mơn man kẻ lá tơ xanh, búp non nõn nà. Gió mới đã về trên những nẻo phố phường đang rộn rịp màu sắc năm mới. Một lúc nào đó, dừng lại lắng nghe hơi thở mùa xuân, những niềm riêng lạ lẫm trước sự giao cảm của đất trời…Gió thì thầm khúc tình ca mùa xuân với hoa cỏ ngày mới, với những yêu thương không cũ theo mùa…
Miền Nam Việt Nam có mùa gió chướng tức là gió mùa Đông Bắc khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch. Gió làm cho cảnh vật thay đổi nhanh chóng. Gió từ sông thổi vào các bãi bồi, vào các khu vườn xanh um, bắt đầu một mùa mới. Gió làm đong đưa những đọt bần, nhụy bông rơi trắng xóa trên mặt sông. Hàng tràm bông vàng rụng bông xanh chuyển sang vàng. Gió nhẹ rì rào những tàu lá dừa nước, hàng lau sậy dọc bờ sông bãi bồi. Cây so đũa nhú dần nụ trắng muốt. Giàn mướp ra ngọn. Dây đậu rồng bông tím ngắt trên bờ giậu thưa. Gió mang hơi lạnh ùa qua song cửa thưa nhẹ tênh, tràn vào mọi ngõ ngách, đêm về nhiệt độ xuống thấp, mọi người co ro trong chiếu chăn. Mưa dai dẳng lê thê từ sáng đến chiều. Người già nua ngồi bên cửa chờ ngọn gió lành lạnh miên man trườn nhẹ lên da thịt. Đám học trò lại náo nức đến trường trong tiết trời nắng vàng ui ui...

Gió bốn mùa luân phiên thay đổi, chẳng qua là quy luật muôn đời của tạo hóa mà Phật thường ví von cõi trần nầy là tạm, không có gì là vĩnh cữu với thời gian, một triết lý nhân sinh của sự sống muôn loài .
Có lẽ ai cũng thấy rằng cuộc sống này hiếm khi yên bình mà luôn đầy những biến động giống như những cơn bão trong thiên nhiên. Với nghịch cảnh, chúng ta dễ bị tác động và bị chi phối. Nhưng với thuận cảnh, chúng ta cũng dễ bị chao đảo. Nói cách khác, chúng ta luôn bị tám ngọn gió thuận nghịch trong cuộc đời quật ngã, làm trở ngại sự tĩnh tại và bình an. Tám ngọn gió này gồm: “lợi-suy, hủy-dự, xưng-cơ, khổ-lạc” (được - mất, khen - chê, tốt - xấu, khổ đau - hạnh phúc). Thực tế chỉ có bốn ngọn gió: một ngọn gió thổi mát và một ngọn gió thổi nóng. Tám ngọn gió lớn này làm cho cuộc đời chúng ta bay lên, chìm xuống, trôi qua, ngược lại, khi thì hạnh phúc, khi thì đau khổ và nó làm cho chúng ta điên đảo. Không riêng ai mà tất cả chúng ta đều phải chịu tác động tám ngọn gió đời này như nhau. Ðức Phật dạy: "Cũng như trên đất chúng ta có thể vứt bất luận vật gì, dù thơm dù hôi, dù sạch dù dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ, không thương cũng không giận. Cũng như thế, trong hạnh phúc, trong phiền não, lúc thăng lúc trầm, hãy luôn luôn giữ tâm bình thản". Khi thời gian trôi qua, cơn bão tan biến, mọi thứ phiền não và khổ đau không còn nữa, ngay khi đó, "con người chân thật" sẽ hiện ra. Tâm an trú tức là đã giải thoát.

Lê Tấn Tài