Bonsai xuất hiện trong ngôn ngữ Nhật cách đây vài trăm năm. Bonsai (Bon: cái khay, cái chậu. Sai: cây, trồng cây) là cây được trồng trong chậu, khay, được cắt tỉa, tạo dáng theo một phương pháp đặc biệt, nói một cách khác, Bonsai là một cây hay một nhóm cây trong thiên nhiên được thu nhỏ lại, không làm cây lùn đi hay lùn do di truyền, vẫn mang nét cổ thụ, được trồng trong chậu, khay hay trên đá bằng một kỹ thuật, và nghệ thuật riêng biệt, vì Bonsai không thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên, dễ tàn héo, do đó người ta gọi Bonsai là một nghệ thuật, là một tác phẩm sống, hay là một tác phẩm điêu khắc sống.

        Nghệ thuật trồng, cắt tỉa và tạo hình các cây kiểng, cổ thụ thu nhỏ đã có ở Trung Hoa ít nhất từ thế kỷ thứ 7. Tiếng Trung Hoa gọi cây kiểng là "bồn tài" có nghĩa là cây trồng trong khay, trong chậu. Nghệ nhân uốn nắn, cắt tỉa, tạo hình cây trồng trong chậu thành các hình rồng lượn, rắn cuốn, voi nằm, ngựa phi, hạc chầu, công múa... Khi Thiền học và Ðạo học phổ biến trong dân gian thì khuynh hướng tạo hình cây kiểng cũng chuyển hướng. Thiền đưa thế giới thu nhỏ vào trong cái tâm an lạc của chính mình. Nghệ nhân cây kiểng cũng muốn mô phỏng những cây đại thụ có cành lá rườm rà thu vào một không gian nhỏ hẹp như thu nhỏ một vầng trăng trong đáy mắt.
Nghệ thuật cây kiểng đã du nhập vào Nhật Bản vào thời đại Kamakura (1192-1333). Mãi đến thời đại Edo (1615 - 1867), nghệ thuật trồng Bonsai mới trở nên phổ thông, được nhiều người yêu chuộng và phát triển mạnh mẽ. Ðể đáp ứng với nhu cầu quần chúng ham mê Bonsai, một cuộc triển lãm Bonsai lần thứ nhất đã được tổ chức tại Tokyo năm 1914. Ðến năm 1934, một buổi triển lãm Bonsai khác được trưng bày tại Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Ðông Kinh và tiếp diễn cho tới ngày nay.
Ðến thế kỷ thứ 20, Bonsai thực sự du nhập vào châu Âu, Mỹ, Úc, tuy nhiên cuối thế kỷ thứ 19, đã có nhiều cuốn sách viết về Bonsai ở các nước Âu châu. Năm 1909, tại Anh một cuộc triển lãm Bonsai được tổ chức. Tại Mỹ, Bonsai nhanh chóng được ưa chuộng sau thế chiến thứ hai. Trong các thập niên gần đây các hội Bonsai được thành lập khắp nơi. Có nhiều bộ sưu tập Bonsai ở các Vườn Bách Thảo khắp thế giới.
Cái đẹp Bonsai là đơn giản, vừa đủ và quan trọng nhất là gợi ý - gợi ý về một điều gì đó hơn là thừa nhận nó. Người Nhật thường so sánh Bonsai với thể thơ "Hai-Ku" chỉ có 17 âm tiết mà diễn tả một cách súc tích và ẩn tàng một tình cảm hay một trạng thái tinh thần dồi dào mãnh liệt. Cũng có người cho Bonsai là nghệ thuật của cái đẹp. Cũng có quan niệm cho rằng Bonsai là một hình thái nghệ thuật đơn nhất, hòa hợp giữa nghệ thuật và nghề làm vườn. Người thì nói Bonsai là một hình thức đặc trưng của nghề làm vườn.
        Nghệ thuật Bonsai của Nhật tạo hình cây cảnh qua thân, cành, hoa, lá. Mỗi chậu kiểng là một tác phẩm nghệ thuật, mang tính thiền vị, trầm tư và giải thoát. Nghệ nhân Bonsai cũng như nhà điêu khắc hay hội họa, tái tạo thiên nhiên, diễn đạt ý hướng, tâm tư và tình cảm của mình qua chất liệu cây thật. Thiền sư Gukaido của Nhật nhận xét rằng: "Nghệ nhân Bonsai mới nhập môn thì nhìn cây lá bằng Mắt. Lên một cấp cao hơn nữa thì nhìn bằng khuynh hướng của Ý Thức và "thấm" hơn thì nhìn bằng Tâm và cao hơn hết là nhìn bằng Đạo."
Triết lý Thiền với các khái niệm Wabi, Sabi, hợp với Kami làm thành bộ ba gây cảm hứng cho Bonsai. Wabi là ý thức hài hòa nội tâm, hạnh phúc và thỏa mãn, có thể trải qua bằng cách suy nghiệm về sự bao la của thiên nhiên. Wabi hàm chứa khái niệm về nhẫn nhục, từ tốn, khi phải đối đầu với thiên nhiên. Quan niệm nầy không cho con người là trung tâm vũ trụ mà chỉ được xem là một thành phần của vũ trụ. Bạn hãy tưởng tượng mình đang ngắm cảnh... sau đó nhắm mắt lại và suy nghiệm. Có thể bạn không nghĩ đến điều gì cả, nhưng đầu óc tâm hồn bạn tràn ngập một niềm vui sướng và hài lòng nào đó. Cảm giác đó chính là Wabi. Sabi là thú vui sở hữu, chăm sóc, yêu thương các sự vật đã được con nguời biến đổi, cũng như yêu thiên nhiên và sự trôi chảy của thời gian, cũng tượng trưng cho sự giản dị, khắc khổ và tôn nghiêm. Cảm giác Sabi là cái gì gần như là khắc kỹ, kiên nhẫn, dẫn đến Thiền của Phật giáo... Cảm giác ấy là tình yêu, yêu cây cỏ, yêu con người. Kami là thần linh, là tinh thần hoặc động lực bên trong của sự việc, phẩm vật, thiên nhiên cây cỏ...
        Kyuzo Murata - một bậc thầy hàng đầu ở Nhật, nhiều năm giữ nhiệm vụ bảo trì bộ sưu tập Bonsai của Hoàng đế Nhật - đã giải thích: "Trong một thế giới sống vội vả, việc trồng cây Bonsai có thể dạy chúng ta rằng sự mất kiên nhẫn thường dẫn đến thất bại... Sự tạo ra một cây Bonsai là một cách nhắc nhở chúng ta rằng thiên nhiên không phải là đầy tớ của con người..."
Cây kiểng Trung Hoa là hình ảnh để ngắm, từ ngoàì nhìn vào, thường đi với đá hay tượng, tháp, chùa chiền trang trí kèm với cây. Người Trung Hoa đặc biệt thích bộ rễ phơi bày với gốc lớn u nần bể nát đầy hang hốc. Họ chú trọng tổng thể, chấm phá hơn là chi ly đường nét, thích tự do phóng khoáng hơn là gò bó khuôn mẫu. Họ say mê thưởng ngoạn vẻ đẹp của núi non, vì vậy bên cạnh hoa kiểng còn có đá, phụ kiện và họ thành công với loại Bồn cảnh, Non Bộ.
Nhưng Bonsai của Nhật là sự thể hiện của cái nhìn từ bên trong nhìn ra. Bonsai tạo ra một thế giới tĩnh lặng cổ sơ, một sự sâu kín của rừng già thâm u. Mỗi cây Bonsai đúng nghĩa tự nó có một linh hồn, không cần phải dựa vào tượng đài hay điển tích để định nghĩa cho mình. Dù xuất hiện dưới dáng mọc thẳng hiên ngang, dáng nghiêng theo chiều gió, dáng cheo leo bên sườn non, dáng liễu rủ mai gầy, dáng trơ vơ băng tuyết, dáng cô độc kiêu xa... thì triết lý Bonsai vẫn bàng bạc trong cái Tâm Hư Vô của thiền giả. Cây kiểng bao giờ cũng ở thế tĩnh lặng giữa đời, không bao giờ chồm về phía trước hay cành vươn dài ra như muốn ôm choàng lấy người xem.
Một tác phẩm Bonsai không chỉ phơi bày vẻ đẹp của lá hoa cành như những cây kiểng thông thường, mà nó còn phô diễn cả các phần khác như thân, rễ, chậu, kể cả đá và các phụ kiện điểm xuyết vào. Vì là một tác phẩm nên nó chuyên chở tâm hồn của người đã tạo ra nó, chẳng khác gì một tác phẩm thơ, hội họa, điêu khắc...Bonsai không có hồn thì không còn là Bonsai.
Cái khác giữa sự thưởng thức một cây cảnh thường và thưởng ngoạn Bonsai, là trong cây cảnh thường người ta tập trung nhiều hơn vào việc ngắm hoa và lá. Ở Bonsai, sự thưởng ngoạn thường nằm ở vẻ đẹp của toàn cây và sự hòa hợp của cây với chậu cảnh. Bonsai được coi là nghệ thuật sống vì nó liên quan đến cây đang sinh trưởng. Họa sĩ đem vẻ đẹp của phong cảnh lên khung vải, phương tiện hội họa là màu sắc và sự tinh xảo của bàn tay. Nghệ nhân Bonsai cũng vậy, họ tái tạo thiên nhiên bằng cách thu nhỏ lại nhưng chất liệu là cây thật, cũng dùng bàn tay khéo léo cộng với sự tưởng tượng phong phú. Kết quả là cả hai đều có tác phẩm từ sự sáng tạo mà ra. Nhưng tác phẩm của họa sĩ dừng lại tại đó. Tác phẩm của nghệ nhân Bonsai vẫn chưa bao giờ hoàn tất, vì nó là tác phẩm sống và tiếp tục sống. Vì thế tác phẩm Bonsai còn phải qua bao nhiêu thăng trầm, thử thách, có thể đẹp hơn hay xấu hơn, về lâu về dài, miễn là nó còn sống.
        Bước vào thế giới Bonsai người ta sẽ nghe những danh từ thông dụng như cắt tỉa, tạo dáng, trưng bày, triển lãm, đánh giá, chọn lựa phong cách, tạo ấn tượng...
Trong Bonsai người ta dùng rất nhiều loại cây: thông, tre, đào, mơ, xuất hiện sớm nhất, kế đó là đỗ quyên, trà. Sau đó là các loài cây lai ghép có tán lá đẹp. Từ đó cây có hình dáng lá đặc biệt cũng được chú ý. Tùy theo từng loại cây mà người ta dùng các loại đất và chất dinh dưỡng khác nhau. Ðôi khi phải nhổ cây lên trồng lại. Trong quá trình cây lớn người ta uốn thân và cành theo những dây thép có hình dáng nhất định. Muốn có được một chậu cây cảnh như vậy thì thời gian trồng không chỉ là 1, 2 năm mà đôi khi phải vài chục năm.
Bonsai có nhiều phong cách căn bản như: thẳng đứng trang trọng, thẳng đứng phóng khoáng, thác đổ , nửa thác đổ, trí thức, cây chổi, trồng trên đá, rễ bò trên đá, rễ bám đá, đa thân, huynh đệ, lùm, trực tuyến, lượn, nhóm, và Saikei tức là phong cách tạo cảnh trong khay.
Chậu rất quan trọng, kích thước, hình dáng màu sắc của chậu phải cân đối hài hòa với cây. Chậu có các kiểu dáng như: kiểu cái trống, kiểu trái xoan, kiểu hình chữ nhật, kiểu xiên Tokoname (chiều cao gấp đôi chiều rộng của vành) ...
Dụng cụ gồm: cưa cắt nhánh, kéo xén, kéo cắt lá, kéo tỉa, đòn bẩy để uốn cành hay thân, keo dán vết cắt, kìm lõm cắt cành nhỏ, kìm cắt cành lớn, dây đồng để uốn cành, xẻng bứng cây, chổi, lưới bịt lỗ thoát nước, cái rây để rây đất...

Nghệ thuật là một quá trình mang thông điệp một thế giới hợp nhất, mô tả bộ mặt thật của đời sống trong những kết cấu thẩm mỹ được tạo dựng tùy thuộc vào quan niệm về cái đẹp và tính Hoàn Thiện. Bonsai được tượng trưng như một hình thái nghệ thuật diễn đạt tinh thần mang tính trừu tượng nhiều hơn. Nếu nền văn minh kỹ thuật và đô thị hóa đã ngăn cách con người với thiên nhiên, cũng như sự bận rộn căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày đã làm cho con người ngày càng xa cách thiên nhiên, thì Bonsai chẳng khác gì một lời thiết tha kêu gọi con người hãy mau quay trở lại. Trở lại với Bonsai là trở lại với Thiên nhiên được thu nhỏ, nơi đó con người sẽ tìm lại được sự bình yên thanh thản cho tâm hồn, cũng như tìm lại được chính mình từ khởi thủy, đó là tình yêu mầu nhiệm giữa người với người và giữa người với thiên nhiên. Nếu một ngày nào bạn chợt nhận ra tâm hồn mình như sa mạc cằn khô không còn một bông hoa nào, không còn một chút màu xanh nào, thì bạn hãy nhanh chóng bẻ đôi ổ bánh mì mà bạn có, như câu ngạn ngữ của Hindu sau đây: "Nếu tôi có một ổ bánh, tôi sẽ bẻ một nửa cho người nghèo, còn nửa kia tôi bán đi để mua cho tâm hồn tôi một bông hoa huệ."

Lê Tấn Tài