ĐỘNG HOA VÀNG

Lê Tấn Tài



Phạm Thiên Thư được nhiều người biết đến qua những bài thơ do Phạm Duy phổ nhạc, nổi tiếng nhất là "Ngày Xưa Hoàng Thị" và "Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng". Tập trường thi Động Hoa Vàng dài 400 câu thơ lục bát gồm 100 khổ, mỗi khổ 4 câu. Mỗi câu thơ là một âm hưởng vang vọng trong trái tim người đọc và mở ra một chân trời mới về sự giao cảm giữa cảm xúc tình yêu với tâm thức thiền vị.


4 câu thơ mở đầu câu chuyện tình lãng đãng liêu trai, với hình ảnh đàn chim nhạn vô ưu ảo huyền bay về mười phương Phật, khai ngộ Như Lai thường trụ trên tà áo xuân, trên suối tơ huyền, trên đôi gò đào nở.

"Mười con nhạn trắng về tha
Như lai thường trụ trên tà áo xuân
Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền
Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm" (1)


Động Hoa Vàng chốn u tịch, có đồi dạ lan, miền tuyết thơm, thềm trăng sương trắng, chuông trăng rì rào, cội thu xanh, lưng núi phượng, cổng mây trôi, giọng suối thầm thì, núi biếc chênh vênh, tiếng chim kêu trong cõi vô cùng, nhạn bay trong rừng quế hương, đôi chim nhỏ đan cỏ xanh làm tổ bên đường... Không gian này là thật hay mơ, là cõi thiền hay cõi thơ?

"Đợi ai trăng rõi hoa buồn
Vắng em từ thuở theo buồm gió xuôi
Chiều chiều mở cổng mây trôi
Chênh vênh núi biếc mắt ngời sao hôm" (17)

"Thế thôi phố bụi xe hồng
Hồ ngăn ngắt đục đôi dòng nhạn bay
Đưa nhau đấu rượu hoa này
Mai đi dã hạc thành ngoài cuồng ngâm" (18)

"Thuyền ai buông lái đêm rằm
Sông thu ngân thoảng chuông trăng rì rào
Cửa sương nhẹ mở âm vào
Lay nghiêng bầu nậm rượu đào trầm ca" (27)

"Tiếng chim trong cõi vô cùng
Nở ra bát ngát trên rừng quế hương
Tiếng em hát giữa giáo đường
Chúa về trong những thánh chương bàng hoàng" (52)

"Đôi chim nho nhỏ trên cành
Giục nhau đan tổ cỏ xanh bên đường
Nửa đời mây nước du phương
Thiền sư ngắt cỏ cúng dường phật thân" (63)



Cuộc tình thao thức qua bốn mùa mưa nắng, nhưng mùa xuân thì ngập tràn trong câu chuyện. Mùa xuân khởi đầu của năm, gieo nhẹ trên cánh hoa rừng. Mùa xuân em tắm suối, hong tóc, mặc áo hồng... Mùa xuân không chỉ là cảnh thức gợi cảm tình yêu mà còn ẩn tàng nhiều ý thiền sâu xa.

"Mùa xuân bỏ vào suối chơi
Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa
Múc bình nước mát về qua
Ghé thôn mai nọ hỏi trà mạn xưa" (34)



Ngôn ngữ ẩn dụ bàng bạc khắp trong tập trường thi, rất nên thơ, đơn sơ, thoát tục, nào là: phù vân, thiên thu, ta bà, hư không, vô thường, vô minh, vô môn...Dòng thơ đi hoang vào cõi thiền, vượt lên cao, hằng sâu dấu ấn nỗi trôi, vang vang về nơi vô tận...

"Thì thôi! Tóc ấy phù vân
Thì thôi! Lệ ấy còn ngần giáng sương.
Thì thôi! Mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi" (22)



Động Hoa Vàng đưa độc giả vào chốn non cao núi thẳm hay trong lối nhỏ hanh nắng chiều xuân? Trái tim trần tục của một tu sĩ xuất trần phảng phất bóng dáng ngã mạn thoát khỏi chốn thiền môn.

"Xuống non nhớ suối hoa rừng
Vào non nhớ kẻ lưng chừng phố mây
Về thành nhớ cánh chim bay
Xa thành thương vóc em gầy rạc hoa" (19)



Yêu nhau như trong truyện cổ tich. Gặp nhau như cuộc hò hẹn từ kiếp trước. Đắm say nhưng lại ngỡ ngàng. Khẽ khàng như sợ tình tan biến như khói sương.

"Sao em bước nhỏ ngập ngừng
Bên cầu sương rụng mấy từng mai mơ
Đêm về thắp nến làm thơ
Tiếng chân còn vọng nửa tờ thơ tôi" (10)



Xưa kia, Từ Thức trả ấn từ quan không phải vì chán ngán chốn quan trường, mà chỉ vì yêu cảnh hang động, nước biếc non xanh, mê ngao du sơn thủy, say cùng bầu rượu túi thơ, lạc vào động tiên, mở ra một cuộc tình mộng mị.

"Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say" (41)



Trên bước lang thang tìm Động Hoa Vàng, xa cách trần gian, sống hòa vào thiên nhiên, vượt khỏi những hệ lụy, niềm vui bất chợt lại đến, thi nhân tình cờ gặp được giai nhân.

"Lên non cuốc sỏi trồng hoa
Xuôi thuyền lá trúc la đà câu sương
Vớt con cá nhỏ lòng đòng
Mải vui lại thả xuống dòng suối tơ" (28)

"Tình cờ anh gặp nàng đây
Chênh chênh gót nguyệt vóc gầy liễu dương
Qua sông có kẻ chợt buồn
Ngó hoa vàng rụng bên đường chớm thu" (37)



Nét đẹp của nàng khi lồ lộ môi ươm đào lý, khi mờ ảo gót dời hoa xuân. Nàng đẹp rực rỡ giữa vàng phố mây, giữa cội thu xanh, áo nàng vạt tím màu sim, dáng mong manh như sương khói, tóc dài như nội mây xa, dấu chân như cánh lan đài, đôi môi chín ửng, đôi mày phượng cao...

"Tóc dài cuối nội mây xa
Vàng con bướm nhuỵ lẫn tà huy bay
Dùng dằng tay lại cầm tay
Trao nhau khăn lụa nhớ ngày sầu đưa" (5)

"Em nằm ngó cội thu xanh
Môi ươm đào lý một nhành đôi mươi
Về em vàng phố mây trời
Tay đơm nụ hạ hoa dời gót xuân" (21)

"Em về sương đẫm hai vai
Dấu chân là cánh lan dài nở đêm.
Từ em hé nụ cười huyền
Mùa thu đi mất trên miền cỏ hoa" (54)

"Áo em vạt tím ngàn sim
Nửa nao nức gọi nửa im lặng chờ
Yêu nhau từ độ bao giờ
Gặp đây giả bộ hững hờ khói bay" (75)

"Đôi mày là phượng cất cao
Đôi môi chín ửng khoé đào rừng mơ
Tiếng nàng vỡ bạc thành thơ
Tụng dòng kinh tuệ trên tờ khói mây" (78)



Rồi thương, rồi nhớ, dù là một vết chim bay. Giấc mơ thì không biên giới. Mơ tình thì có thật trong lòng người: trắc trỡ, nhớ nhung. Không có nụ hôn đắm đuối. Cõi thơ bát ngát, mênh mông trong vắng lặng.

"Tường thành cũ phiến bia xưa
Hồn dâu biển gọi trong cờ lau bay
Chiều xanh vòng ngọc trao tay
Tặng nhau khăn lụa cuối ngày ráng pha" (13)

"Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ
Tìm trang lệ ố hàng thơ
Chữ xưa quyên dục bây giờ chim di" (15)

"Mai nào thơm ngát thu đông
Lược em chải rụng đôi dòng tơ xanh
Đôi chim hồng yến trên cành
Ngẩn ngơ quên rỉa lông mình điểm trang" (48)

"Mùa xuân mặc lá trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
Động Nam hoa có thiền sư
Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn" (49)

"Mắt nàng ru chiếc nôi êm
Ru hồn tôi ngủ ngàn đêm tuyệt vời
Em là hoa hiện dáng người
Tôi là cánh bướm cung trời về say" (80)



Cuộc tình nào khởi đầu cũng ngập tràn hạnh phúc, nhưng những cái kết thì khác nhau và thường đầy dẫy nổi buồn và nước mắt. Đúng vậy, tình yêu của thi nhân nhẹ nhàng như gió thoảng, lung linh như nắng hanh vàng, nhưng giấc mơ sớm phai tàn, trái tim vỡ tan, tiếng kêu bi thảm của con chim chết dưới cội đào là nỗi niềm cay đắng, hụt hẫng, là nỗi đau in sâu vào tâm thức không thể xóa nhòa. Sự sống và cái chết theo đúng luật tuần hoàn của tạo hóa. Người chết trong lãng quên là chuyện tình kết thúc, người chết mà còn thương nhớ là tình yêu miên viễn. Không phài chờ cái chết đến mới cảm thấy hư vô, ngay trong cuộc tình thi nhân cũng thấy cái mong manh của tình yêu.

"Đường về hái nụ mù sa
Đưa theo dài một nương cà tím thôi
Thôi thì em chẳng yêu tôi
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng" (9)

"Đôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông
Nửa đêm đắp mảnh chăn hồng
Lại nghe hoa lạnh ngoài đồng thiết tha" (11)

"Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu" (12)



Động Hoa Vàng vượt thoát những hỉnh ảnh thế tục, phảng phất trong từng câu thơ, từng hình ảnh triết lý của đạo Phật. Thi nhân muốn trở về với cội nguồn thiên nhiên tươi mát. Rồi, giống như Từ Thức ngày nào, giầy rơm nón cỏ chống thiền trượng tìm về động tiên nhưng lối xưa mờ mịt, người xưa mất rồi.

"Chênh vênh đầu trượng thiền sư
Cửa non khép ải sương mù bóng ai
Non xanh ướm hỏi trang đài
Trăm năm còn lại dấu hài động hoa" (88)



Người ta nói Phạm Thiên Thư là một tu sĩ lãng mạn, nhưng Động Hoa Vàng không phải một chuyện tình lãng mạn, say mê, đắm đuối, mà tình yêu ở đây chỉ là cái cớ để thi nhân thể hiện dòng tư tưởng thiền pha lẫn siêu thực. Cuộc tình đẹp, trong sáng, nhưng lúc nào cũng bị ám ảnh bởi vô thưòng, hư ảo. Và đó cũng là đoạn kết của tập trường thi nầy.

"Vào hang núi nhập niết bàn
Tinh anh nở đoá hoa vàng cửa khe
Mai sau thí chủ nào nghe
Tìm lên xin hỏi một bè mây xanh" (99)

"Hoa vàng ta để chờ anh
Hiện thân ta hát trên cành tâm mai
Trần gian chào cõi mộng này
Sông Ngân tìm một bến ngoài hoá duyên" (100)



Lê Tấn Tài
(Viết từ Thung Lũng Hoa Vàng - Vào thu 2022)


THÁI THANH - ĐƯA EM TÌM ĐỘNG HOA VÀNG


DUY QUANG - ĐƯA EM TÌM ĐỘNG HOA VÀNG