NGHỆ THUẬT ĐỒ GỐM

Lê Tấn Tài



Đồ gốm (pottery) là một loại vật liệu được sử dụng hàng ngày hoặc trong xây dựng các công trình lớn như nhà ở hay dinh thự. Bằng cách tạo hình từ đất sét và các loại vật liệu khác, qua quy trình nung ở nhiệt độ cao, sản phẩm gốm trở nên cứng cáp và bền bỉ. Được biết đến và phổ biến từ thời con người phát minh ra lửa cách đây hơn 25.000 năm, gốm từng bước trở nên quen thuộc trong đời sống của chúng ta. Phạm vi của loại sản phẩm rộng lớn này, từ đồ đất nung thông thường (earthware) đến gốm sành (stoneware) và gốm sứ cao cấp (porcelain). Nghề gốm không chỉ đơn thuần là một quá trình sản xuất, mà còn là một nghệ thuật, một bí quyết mà chỉ những người thợ gốm tài ba mới thể hiện được.

Quá trình sản xuất gốm có thể thực hiện theo hai cách: gốm không nung và gốm truyền thống.
Gốm không nung là một phương pháp sản xuất không qua quá trình nung trong lò nhiệt độ cao. Thay vào đó, chúng được hình thành và đóng rắn, bằng cách sấy khô hoặc để khô tự nhiên các nguyên liệu như đất sét, đất bột và nước. Các sản phẩm gốm không nung thường có đặc tính dễ làm, linh hoạt trong thiết kế và có thể được sử dụng ngay sau khi hoàn thành mà không cần phải chờ đợi quá trình nung. Tuy nhiên, chúng không đạt được độ bền và chịu nhiệt cao như các sản phẩm gốm nung. Ứng dụng của gốm không nung thường là các sản phẩm gốm trang trí, đồ nội thất và các món đồ sử dụng hàng ngày có yêu cầu về tính thẩm mỹ.

Gốm sành (gốm truyền thống hay gốm cổ điển hay đơn giản là "sành") là một loại gốm truyền thống có nguồn gốc từ Trung Hoa, trong khi đó đồ sành chỉ được sản xuất ở châu Âu từ cuối thời trung cổ, vì các lò nung ở châu Âu kém hiệu quả hơn và loại đất sét phù hợp cũng ít phổ biến hơn. Tên gọi "sành" có nghĩa là "phát ra âm thanh" trong tiếng Trung Hoa, đề cập đến âm thanh kêu lên khi gõ vào vật liệu này. Sành không thủy tinh hóa được tạo thành bằng cách kết hợp đất sét, đất bột và nước. Đất được đưa vào khuôn và tiến hành đúc, quay hoặc nén để tạo ra các hình dạng mong muốn. Sau khi hình dạng được hoàn thiện, chúng được đưa vào lò nung ở nhiệt độ khoảng từ 900 độ đến 1.300 độ C trong khoảng 20 đến 30 giờ. Sau đó, nhiệt độ được giảm dần trong một thời gian tương đương dưới 1200 °C. Để làm cho vật liệu không thấm nước và có thể trang trí màu sắc, một lớp men giống như lớp sơn được phủ lên bề mặt bên ngoài. Sành là một loại vật liệu cứng, không xốp, không cho chất lỏng thấm qua. Sành ra đời sau đồ đất nung và trước đồ sứ, tính hữu dụng cao, thường được sử dụng để sản xuất những vật phẩm chất lượng cao, trong nhà bếp hoặc đồ đựng thiết thực hàng ngày hơn là trang trí bàn ăn. Tuy nhiên, trong văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản và phương Tây, đồ sành có tính "mỹ nghệ" được đánh giá cao và tiếp tục được sản xuất. Tuỳ theo nguyên liệu và kỹ thuật chế biến, cách nung (nhiệt độ) khác nhau tạo ra các loại gốm khác nhau, phổ biến là các loại: gốm đất nung, gốm sành nâu, gốm sành xốp, gốm sành trắng, đồ bán sứ...

Gốm sứ (hay ngắn gọn là sứ) là một dạng vật liệu gốm bao gồm đất sét ở dạng cao lanh, được tạo ra bằng cách đun nóng trong lò với nhiệt độ khoảng 1.200 °C và 1.400°C. Độ dẻo dai và độ sáng của sứ phát sinh chủ yếu từ sự hình thành của thủy tinh và mullite khoáng sản (một loại khoáng chất và cũng là một dạng của hợp chất hóa học được tìm thấy trong các vật liệu gốm, đặc biệt là trong gốm chịu nhiệt cách điện tốt, được sử dụng rộng rãi trong sản xuất vật liệu chịu nhiệt, vật liệu cách điện, và các ứng dụng khác trong ngành công nghiệp). Từ cuối thế kỷ 16, đồ sứ cũng đã được sản xuất tại Triều Tiên và Nhật Bản, khi cao lanh phù hợp đã được tìm ra ở các quốc gia này. Tuy nhiên, đến thế kỷ 18, đồ sứ vẫn chưa được sản xuất một cách hiệu quả ngoài khu vực Đông Á.

Sứ và sành được nung ở nhiệt độ đủ cao để thủy tinh hóa. Thủy tinh hóa là quá trình trong đó đất hoặc các vật liệu khoáng chuyển từ trạng thái rắn sang trạng thái thủy tinh do tác động của nhiệt độ cao. Khi nung nóng đất, nếu không đủ nhiệt độ để thủy tinh hóa, đất vẫn giữ nguyên cấu trúc và tính chất ban đầu của nó, không trở thành thủy tinh. Điều này có thể xảy ra với nhiều loại đất khác nhau tùy thuộc vào thành phần khoáng và điều kiện nung nóng.
Gốm và sứ đều có thể tráng men, hoặc không (có loại sứ kỹ thuật không cần tráng men). Việc men trang trí là một trong những hình thức phổ biến nhất, có vai trò bảo vệ gốm bằng cách làm cho nó cứng hơn và ngăn chất lỏng thấm vào bề mặt của gốm. Men có thể trong suốt, đặc biệt là khi được sử dụng trên các họa tiết, hoặc có thể có màu sắc và độ mờ.

Để phân biệt giữa sành và sứ, đôi khi việc dựa vào nhiệt độ nung không luôn chính xác. Ví dụ, sành (gốm thô) đôi khi được nung ở nhiệt độ cao hơn sứ để tạo ra kết cấu sành, hoặc gốm chịu lửa, mặc dù nung ở nhiệt độ cao hơn 1350°C, vẫn được gọi là gốm. Tính từ góc độ hình thức, đồ sành thường có màu nâu hoài cổ, mang vẻ đơn giản trong các họa tiết, trong khi đồ sứ thường phức tạp và được chăm chút hơn dáng vẻ bề ngoài với nhiều họa tiết và hình ảnh đặc sắc. cùng với độ tinh xảo cao. Lớp men của đồ sành thường nhẵn và ít bóng, trong khi lớp men của đồ sứ thì mịn màng, căng tròn và bóng bẩy hơn. Độ trong và độ tinh khiết của sứ thường cao hơn, dẫn đến khả năng thấu quang cao hơn so với sành. Một cách phân biệt phổ biến giữa sành và sứ là dựa trên khả năng hút nước: khi ánh sáng xuyên qua sản phẩm mà không bị hút nước, thường là đồ sứ; ngược lại, nếu ánh sáng xuyên qua sản phẩm ít mà vẫn hút nước, thường là đồ sành. Ngoài ra cũng có thể phân biệt sản phẩm bằng cách dùng đũa hoặc thanh kim loại gõ nhẹ vào sản phẩm, âm thanh có độ ngân vang kéo dài là đồ sứ, ngược lại âm thanh ngắn hơn, không vang xa là sành.


Gốm sứ Anh Quốc


Để đồ gốm và nghề gốm trở thành một phần của văn hóa, có một số điều kiện phải được đáp ứng chung:
Trước hết, cần phải có nguồn cung cấp đất sét phù hợp. Các di tích khảo cổ nơi các sản phẩm gốm sớm nhất được phát hiện thường nằm gần các mỏ đất sét dễ khai thác, giúp tạo ra sản phẩm gốm vàng (sản phẩm làm từ gốm được trang trí hoặc phủ lớp sơn màu vàng để tạo ra vẻ đẹp và sang trọng). Ví dụ, Trung Hoa có các mỏ đất sét lớn và đa dạng, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển sớm của nghệ thuật gốm. Nhiều quốc gia khác cũng có nguồn đất sét phong phú và đa dạng.
Thứ hai, cần phải có phương pháp nung đúng, tạo ra ngọn lửa đủ nóng và đủ ổn định để chuyển đổi đất sét thành sản phẩm gốm.
Thứ ba, thợ gốm cần có đủ thời gian để chuẩn bị, tạo hình và nung sản phẩm. Ngay cả khi đã kiểm soát được lửa, nghề gốm vẫn chưa phát triễn cho đến khi con người có cuộc sống định canh.
Cuối cùng, cần có nhu cầu đủ lớn về đồ gốm để biện minh cho sự cần thiết của các nguồn lực phục vụ sản xuất.

Đồ gốm được coi là một trong những khám phá lịch sử lâu đời nhất của loài người, xuất phát từ thời kỳ đồ đá mới, với những sản phẩm như bức tượng Vệ nữ Dolní Věstonice thuộc văn hóa Gravette tại Cộng hòa Séc, có niên đại từ 29000 đến 25000 TCN.
Vào năm 2012, các nhà khảo cổ phát hiện đồ gốm sớm nhất trên thế giới, có niên đại khoảng 19.000-20.000 năm trước ngày nay, tại động Tiên Nhân ở Trung Hoa. Các loại đồ gốm từ thời kỳ đầu khác bao gồm các cổ vật được khai quật tại hang Ngọc Thiềm có niên đại lên đến khoảng 16000 TCN, cùng với những phát hiện tại lưu vực sông Amur ở Viễn Đông Nga, có niên đại lên đến khoảng 14000 TCN.
Thể loại đồ gốm sứ cao lửa truyền thống của Trung Hoa bao gồm các sản phẩm như gốm Nhữ, sứ xanh Long Tuyền và gốm Quan, trong khi các loại đồ gốm trang trí như gốm Từ Châu thường có địa vị thấp hơn, dù vẫn được sử dụng làm gối. Xuất hiện của gốm hoa lam có thể xuất phát từ thời kỳ Nguyên-Mông, từ các nghệ nhân và thợ thủ công trên khắp đế quốc này. Sử dụng thuốc màu coban để tạo ra màu xanh lam và phong cách trang trí lấy cảm hứng từ hoa lá cây cỏ, được mượn từ thế giới Hồi giáo. Đồng thời, đồ sứ Cảnh Đức Trấn, sản xuất tại các xưởng gốm Hoàng gia, vẫn giữ vai trò quan trọng và được ưa chuộng tại triều đình, với sự phong phú và mới mẻ trong trang trí, thường kết hợp với nhiều màu sắc khác nhau.
Thế kỷ 10 TCN, nghề gốm phát triển độc lập tại châu Phi Hạ-Sahara và Nam Mỹ, với các phát hiện vật tại miền trung Mali và Nam Mỹ, niên đại từ 9400 TCN đến 7000 TCN. Ở cả hai khu vực này, sự phát triển của nghề gốm liên quan đến các thay đổi khí hậu và sự mở rộng của môi trường sống, đồng thời tạo ra các công cụ để săn bắt và thu thập thức ăn.
Tại Nhật Bản, đã có sự phát triển lâu dài của đồ gốm Jōmon, với đặc điểm là các vết dấu của dây thừng trên bề mặt sản phẩm, và nghề làm đồ sứ của người Triều Tiên cũng đã ảnh hưởng đến nghệ thuật gốm của Nhật Bản từ thế kỷ 17.
Bí quyết làm đồ sứ đã được đưa vào thế giới Hồi giáo và sau đó ở châu Âu, khi các mẫu đồ sứ được nhập khẩu từ phương Đông. Nhiều nỗ lực được thực hiện để mô phỏng chúng ở Ý và Pháp, nhưng cho đến năm 1709, chúng mới được sản xuất bên ngoài thế giới phương Đông, khi công nghệ này được đưa vào sản xuất ở Đức.
Phát triển của đồ gốm ở Ấn độ bắt đầu từ thời kỳ Mehrgarh II và III, được biết đến là gốm thời kỳ đồ đá mới và gốm thời kỳ đồng đá. Lý do chính có thể là do Ấn Độ giáo không khuyến khích sử dụng đồ gốm cho việc ăn uống.
Ở Đông Nam Á, đồ gốm đa dạng theo các nhóm sắc tộc và được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Trước khi công nghệ làm đồ gốm lan rộng từ Tây Á, trong thời kỳ đồ đá mới, người dân đã trở thành chuyên gia trong chế tác các đồ vật tinh xảo từ đá, sử dụng các vật liệu như thạch cao tuyết hoa hoặc granit.
Sử dụng đồ gốm mở rộng ngoài việc đựng đồ bao gồm các dụng cụ nhà bếp, chậu cây và bẫy chuột, đồ gốm trong thời kỳ đồng đá tại Mesopotamia đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật phức tạp với đồ gốm Halaf, trước khi các sản phẩm gốm Hy Lạp như Corinthia và Attica phát triển.
Ở châu Âu, sản xuất đồ gốm bắt đầu ở thời kỳ gốm đai thẳng (là hình dáng một đai vòng thẳng, thường được dùng làm các ấm chén trà truyền thống), khoảng từ 5500–4500 TCN.
Trong thế giới cổ đại của Tây Địa Trung Hải, đồ gốm được tô vẽ công phu đã đạt đến trình độ nghệ thuật cao với đồ gốm Minos và Hy Lạp. Đồ gốm Etrusca và La Mã cổ đại thường ảnh hưởng bởi đồ gốm Hy Lạp. Đồ gốm Hồi giáo sớm chịu ảnh hưởng từ các khu vực mà người Hồi giáo chinh phục, nhưng sau đó đã phát triển các kiểu đồ gốm độc lạ đặc biệt, sử dụng tấm lát và trang trí các tấm lát là một điểm nổi bật trong phát triển gốm ở thế giới Hồi giáo.
Ở Ai Cập cổ đại, nghề gốm phát triển sau khi được truyền từ Levant, với đỉnh cao vào thời kỳ Naqada III. Đồ gốm cổ đại Ai Cập có sự ảnh hưởng của trung tâm Hồi giáo sơ khai ở Cận Đông và phong cách đặc trưng trong thời kỳ đế quốc Hồi giáo Umayyad.


Gốm sứ Trung Hoa


Gốm sứ có nhiều nét đẹp, bao gồm độ bóng, sự mịn màng của bề mặt, độ sáng của màu sắc và độ chính xác của các chi tiết trên sản phẩm. Đặc biệt, gốm sứ còn được đánh giá cao về sự tinh tế trong từng đường nét và hình dáng, tạo nên sự sang trọng và nghệ thuật trong trang trí và sử dụng hàng ngày. Đồ gốm không chỉ là một kho tài liệu khảo cổ mà còn là một phương tiện để hiểu về tương tác xã hội giữa các dân tộc, với việc xem xét chuỗi vận hành sản xuất gốm và các kỹ thuật liên quan.
Những người hiểu biết về đồ gốm và sứ thường dùng câu ngạn ngữ: “Nhất xương, nhì da, thứ ba đến lửa”. Xương ở đây đại diện cho quá trình tạo hình, còn da thì liên quan đến trang trí, viết vẽ, hoặc đắp nổi, khắc các hoạ tiết và men. Lửa, như là phần cuối cùng, đóng vai trò cực kỳ quan trọng: không chỉ làm cho men trở nên chín hơn mà còn quyết định độ bền của sản phẩm. Lửa non chưa đủ nhiệt độ sẽ không làm cho men chín đều, trong khi lửa già có thể gây ra các vấn đề như nứt nẻ hoặc cháy đen. Một món đồ gốm, sứ được đánh giá cao khi đạt được bốn tiêu chuẩn: phát ra âm thanh trong trẻo như chuông, mỏng như tờ giấy, màu trắng như ngọc, và bề mặt trong như gương.


Gốm sứ Nhật Bản


Qua thời gian, sành sứ rạn nứt và bể vỡ. Người Nhật biến những mảnh bát đĩa vỡ thành những tác phẩm đắt tiền là một trong những điểm độc đáo và đáng chú ý của nghệ thuật gốm sứ Nhật Bản. Sử dụng phương pháp Kintsugi (hay Kintsukuroi, nghĩa là "hàn gắn bằng vàng") đã tồn tại hàng thế kỷ. Các nghệ nhân kết hợp các mảnh vỡ của gốm sứ bằng một loại sơn đặc biệt kết hợp với vàng, bạc hoặc bạch kim. Những đường nối lấp lánh ánh vàng không chỉ làm cho những chiếc bát, đĩa hư hỏng trở nên độc đáo hơn, mà còn mang lại cho chúng một cuộc sống mới. Vết rạn nứt không bị giấu đi hoặc loại bỏ mà được tôn vinh một cách đặc biệt. Một chiếc bát, đĩa được phục hồi bằng phương pháp này có thể có giá cao, tùy thuộc vào độ phức tạp và giá trị của sản phẩm ban đầu.


Đồ gốm nứt vỡ được nghệ nhân Nhật hàn gắn lại


Ở Việt Nam, nghệ thuật gốm sứ mang đặc điểm địa lý và lịch sử của từng vùng miền. Gốm sứ Bát Tràng khác biệt với gốm sứ Phù Lãng, Chu Đậu, Hương Canh, Thổ Hà, hay Lái Thiêu... Bát Tràng nổi tiếng với việc làm men màu trắng lam, trong khi sứ Thanh Hoá được biết đến với men rạn. Gốm Thổ Hà không được tráng men nhưng tạo ra màu nâu sáng bóng đặc trưng. Gốm Phù Lãng thường mang phong cách mộc mạc với các loại sản phẩm như bình, lọ, đĩa hoa, thường kết hợp với hoa văn hiện đại và cổ điển. Gốm Hương Canh có vẻ ngoài thô mộc và màu sắc tươi sáng hơn so với gốm Phù Lãng và Thổ Hà. Gốm Chu Đậu phong phú về mẫu mã và thường được tráng hoặc trang trí bằng nhiều loại men và màu sắc khác nhau. Một điểm đặc biệt của gốm Chu Đậu là các hoa văn phản ánh đậm nét văn hóa và cuộc sống dân tộc, với những hình ảnh như người mặc áo dài, người chăn trâu, hoa đào với chim hoặc các hình ảnh của động vật như chim sẻ, bồ nông, vịt trời, và cá. Gốm Lái Thiêu, xuất phát từ cuối thế kỷ 19, trở thành trung tâm gốm sứ nổi tiếng ở miền Nam, tập trung sản xuất các đồ gốm thực dụng, sáng tạo nên các dòng gốm dân dã với các họa tiết truyền thống lấy cảm hứng từ cuộc sống thôn quê như: phù điêu bát âm, rồng chầu lá đề, và tiên nữ. Những nét chạm khắc tỉ mỉ trên bề mặt gốm tạo nên hình ảnh mây trời, hoa lá, mang lại vẻ đẹp mỹ miều và sâu sắc.


Lọ hoa Bát Tràng


Khác với với văn hóa phương Tây, gốm sứ trong văn hóa phương Đông không chỉ là một vật dụng thông thường trong cuộc sống hàng ngày hoặc trang trí, mà còn là những vật phẩm được sử dụng cho bàn thờ hoặc những vị trí quan trọng trong ngôi nhà, chúng mang ý nghĩa tâm linh và phong thủy đặc biệt. Bên cạnh vẻ đẹp vật lý như khả năng chống thấm nước, chịu nhiệt, cách nhiệt và cách điện, đồ gốm sứ còn thể hiện sự hài hòa của ngũ hành và âm dương. Do đó, các nghệ nhân phải kết hợp các kỹ thuật thủ công tỉ mỉ và sáng tạo với các tiến bộ trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Các xưởng gốm là nơi mà những tác phẩm nghệ thuật đẹp được tạo ra, mỗi chiếc đồ gốm được hình thành và hoàn thiện với sự tận tâm.
Mối liên hệ giữa các nền nghệ thuật cổ xưa trên cùng một dải đất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được thể hiện qua phong cách nghệ thuật đồ đồng và đồ đất nung cùng thời. Nghệ thuật đất nung không chỉ là việc bắt chước nghệ thuật đồ đồng mà còn làm sáng tỏ thêm phong cách nghệ thuật đồ đồng cùng thời. Có thể nói lịch sử mỹ thuật của người Việt chủ yếu là lịch sử của gốm. Từ thời Đông Sơn đến các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn, gốm đã trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa Việt. Gốm là một trong những vật liệu quen thuộc và thân thuộc nhất với người Việt. Hầu hết các tác phẩm mỹ thuật đẹp nhất đều làm từ gốm, từ những bát hoa sen, ấm trà với hoa cúc của đời Lý, đến những thạp hoa nâu hình ống, dáng thon đời Trần, những bát chân cao, lọ với họa tiết chim phượng, chum vẽ rồng, cặp chân đèn thờ của đời Lê, Mạc, những lọ, lư hương với men rạn từ thời Nguyễn... Tất cả đều là những sản phẩm tiêu biểu của nghệ thuật gốm, thể hiện rõ phong cách và nét đặc trưng của từng thời kỳ.
Các bảo tàng danh tiếng như Bảo tàng British Museum ỏ London (Anh), Bảo tàng Guimet ở Paris (Pháp), Bảo tàng Metropolitan ở New York (Mỹ), Bảo tàng Idemitsu ở Tokyo (Nhật) đều có trong tư liệu của mình nhiều hiện vật gốm cổ từ Việt Nam.
Nghệ thuật gốm của người Việt được xem như chân dung tính cách của dân tộc. Tinh thần gốm Việt là tinh thần của người Việt, mạnh mẽ, phóng khoáng, giản dị, tự nhiên và không cầu kỳ như gốm của nhiều dân tộc khác.Trên truyền thống đó, các nghệ sĩ ngày nay tiếp tục mang tinh thần sáng tạo mới và xây dựng một truyền thống mới.