Hoa đạo tiếng Nhật gọi là Kadō hay Ikebana (có nghĩa “hoa sống"), kết hợp từ nhiều vật liệu khác nhau trong đó yếu tố chính là hoa cỏ bốn mùa, ngay cả cành cây, cỏ, lá, rong rêu cũng được tận dụng. Người Nhật cho cuộc sống giữa con người và thiên nhiên là một chỉnh thể hài hòa. Tư tưởng nầy hướng người Nhật đưa thiên nhiên vào không gian sống của họ và thấm sâu vào trong các trường phái nghệ thuật. Chính vì vậy mà nghệ thuật cắm hoa Nhật trở thành một loại hình nghệ thuật cao, có giá trị tư tưởng, đạo lý và triết lý, càng về sau lại càng được coi trọng, và được nâng lên một tầng mới : đó là hoa đạo.
Có lẽ vì vậy, ngay trong cuộc sống đô thị hiện đại, người Nhật vẫn dành riêng một khoảng không gian riêng cho thiên nhiên , những con đường bê tông trải dài luôn có những khóm hoa hay những bình hoa hoặc giỏ hoa được treo lên. Trong nhà, luôn luôn có một khoảng không gian thiên nhiên thanh tịnh, trong lành...
Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản xuất hiện cùng lúc qua sự truyền bá của Phật giáo từ Trung Quốc vào thế kỷ VI. Trong Hoa đạo, người Nhật cho rằng hoa cỏ cũng có sinh mệnh như con người, nên nghệ sĩ cắm hoa chẳng những thể hiện nét đẹp mà cả cái hồn của các loài hoa trên bình hoa. Trưng bày hoa không đơn giản là cắm hoa mà nhà nghệ thuật còn phải hiểu được ý nghĩa của các loài hoa và cách thức cắm phải tạo nên sức sống, hay ẩn chứa đạo lý hoặc tâm trạng của người cắm làm nổi bật được ý nghĩa hài hòa tượng trưng cho thiên, địa, nhân (trời, đất và con người).
Khi chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật nầy, người thưởng ngoạn cũng cần phải biết cách thưởng thức. Cũng như trà đạo, hoa đạo coi trọng lễ nghi khi cắm hoa. Trước tiên, người thưởng ngoạn sẽ ngồi trên một tấm chiếu và thực hiện nghi lễ với hoa: nhìn kỹ toàn bộ tác phẩm, cách kết hợp các vật liệu, bình hoa, bệ đựng bình hoa, người thưởng ngoạn cúi đầu thể hiện sự cảm ơn đối với người cắm hoa. Theo trường phái tự do "Jiyūka", ở các sân khấu, thì không có cung cách nghi lễ đặc biệt, nhưng ở hàng ghế đặc biệt, người ngắm hoa sẽ chào hỏi người cắm hoa trước khi thưởng lãm.
Ngày nay, nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản có một sức sống mãnh liệt và xuất hiện nhiều trường phái hay cách cắm khác nhau, tạo nên một bức tranh đa dạng về phong cách và ý tưởng nghệ thuật. Các dụng cụ sử dụng trong nghệ thuật cắm hoa của người Nhật gồm bình hoa, chậu hoa, bàn chông, kéo, bệ đựng bình hoa. Hiện tại, Hoa đạo có khoảng 3000 thành viên trên khắp cả nước, có 3 trường phái cắm hoa cơ bản: "Tachibana" (đây là cách cắm hoa lâu đời nhất, nhiều loại hoa được cắm trong 1 bình hoa cao), "Ikebana" (chỉ sử dụng tối đa 3 loại vật liệu, và thông qua tính chất của nó, thể hiện mầm sống mạnh mẽ vươn lên từ đất), "Jiyūka" (là kiểu cắm hoa không theo khuôn khổ nào cả, có thể tự do thể hiện ý tưởng).
Phong cách cắm hoa, người Nhật coi trọng cách xếp đặt, bố cục từ đó sử dụng cả cánh, cuống, lá, hình thể của lá và hoa, cắm hoa nhưng không giết chết hoa, cho nó một cái hồn và sự sống tự nhiên như trong thiên nhiên. Ngay cả khi chỉ có một loại hoa được sử dụng thì người cắm hoa cũng cố gắng để biến bình hoa đó thành một biểu tượng hoàn hảo của thiên nhiên. Cắm hoa chính là thể hiện sự tinh tế và nghệ thuật tạo hình hoàn hảo.


Các nguyên tắc trong việc trang trí:
* Hạn chế dùng lá hay hoa đã nở hết tầm cỡ, bởi vì các hoa lá được cắm vào lúc nở rộ nhất sẽ mau héo tàn, rủ xuống, diễn tả sự suy tàn hay chấm dứt.
* Hạn chế dùng các cành cây có lá lớn hay các bụi cây nhiều lá , nên chọn nụ lá, nụ hoa vì trong khi ở trạng thái nụ, vẻ đẹp của cành hoa không bị che khuất và trong khi dùng các nụ, người ngắm hoa có được niềm vui là ngắm nhìn chúng nở ra từ từ, chậm chạp, cành hoa nhiều nụ biểu tượng cho niềm hi vọng hay sức sống. Nghệ Thuật Cắm Hoa phải mang theo ý nghĩa phát triển liên tục trong đời sống và phải diễn tả sinh lực của cuộc sống.
* Chú ý tới ý nghĩa và sắc thái cũng như hình thể của loài hoa đó. Nên việc cắm hoa phải biểu hiện được thời gian, có ý nghĩa biểu tượng như:
- Quá khứ: dùng hoa nở, hoa quả khô hoặc lá khô.
- Hiện tại: dùng hoa nở một nửa hoặc lá hoàn hảo.
-Tương lai: dùng nụ hoa, chồi, hứa hẹn tăng trưởng trong tương lai.
* Cách trang trí bình hoa phải theo quy ước sau:
- Mùa Xuân: cách xếp đặt phải tràn đầy sức sống với các đường cong biểu hiện sinh lực dồi dào.
- Mùa Hạ: cách xếp đặt tỏa ra và tràn đầy.
- Mùa Thu: cách xếp đặt mỏng và thưa thớt.
- Mùa Đông: cách xếp đặt toát lên vẻ đượm buồn và sâu lắng.


Theo nguyên lý "thiên - địa - nhân hợp nhất, hoa đạo gồm ba nhóm hoa hay cành lá xếp đặt theo hình tam giác. Nhóm chính ở giữa, thẳng đứng, nhóm thứ hai nghiêng về một bên so với nhóm chính và nhóm thứ ba ngược lại, nghiêng về phía đối so với nhóm thứ hai. Thêm vào đó, ba đường nét chính trong bình hoa hay lẵng hoa là thứ tượng trưng cho Trời – Đất – Người (Thiên, Địa, Nhân). Chính trong cấu trúc này mà cách cắm hoa được tạo nên.
Đường nét quan trọng nhất là cành hoa tượng trưng cho “Trời” (shin). Đây là đường trung tâm của toàn thể bình hoa, lẵng hoa, vì thế người ta chọn cành hoa nào mạnh nhất để làm việc này. Tiếp theo cành chính là cành thứ (soe), đại diện cho con người (Nhân). Cành này phải được xếp đặt thế nào để diễn tả rõ đường hướng phát triển, bung ra từ đường trung tâm. Chiều cao của cành thứ bằng 2/3 chiều cao của cành chính, lại có phần hơi nghiêng về cành chính. Cành thứ ba (hikae) tượng trưng cho “Đất” (Địa), là phần ngắn nhất, được đặt xoay về phía trước hay hơi đối nghịch với phía gốc của hai cành kia. Tất cả ba phần lại được cột chặt vào một bộ phận giữ và diễn tả sao cho thấy sự xuất phát từ một nguồn cội. Sau đó, các bông hoa khác được thêm vào mỗi phần nhưng cách bố cục khéo léo của ba phần chính kể trên được coi là quan trọng nhất.
Dựa theo nguyên lý nầy, người ta phân chia ra 5 loại phong cách cắm hoa tiêu biểu:


Phong cách Rikka

- Rikka: Là phong cách cắm hoa thể hiện vẻ tráng lệ của thiên nhiên, ra đời sớm nhất và được phổ biến cho đến ngày nay. Rikka có nghĩa là cắm hoa thẳng đứng, yêu cầu của kiểu cắm hoa này là bình dùng để cắm hoa phải cao và to, hoa cắm trong bình ở tư thế thẳng. Một bình hoa Rikka luôn có 7 cành thể hiện cho đồi núi, thác nước, thung lũng và những sự vật khác trong tự nhiên. Thiết kế của kiểu Rikka là rộng lớn, thanh tú và nổi bật. Sự sắp xếp cơ bản của 3 cành tạo thành khung cho những cánh hoa. Những cành hoa này thường cân đối và to lớn về tỉ lệ. Một bình hoa Rikka trung bình có kích thước từ 3 đến 5 lần chiều cao hoặc chiều rộng của bình cắm. Một khi chiều dài của cành hoa chính đã được định, những cành hoa còn lại được cân đối theo tỉ lệ với cành chính đó. Một bình hoa Rikka cắm xong sẽ có dạng hình cầu với không gian rất lớn.


Phong cách Shoka

- Shoka: Đây là phong cách cắm hoa thông dụng nhất. Xét về hình thức thì kiểu cắm hoa Shoka khá đơn giản nhưng để lột tả hết ý nghĩa của nó thì không phải ai cũng làm được. Một bình hoa shoka đạt yêu cầu là sự hội tụ đủ 3 thành phần: Thiên - Địa - Nhân. Phong cách Shoka cắm hoa được đơn giản hóa từ phong cách cắm theo kiểu thẳng đứng Rikka để phù hợp với nhiều tầng lớp dân chúng. Shoka thể hiện vẻ đẹp giản dị của tự nhiên bằng việc sử dụng ít cành lá nhưng thể hiện sự vươn lên hướng về mặt trời. Người Nhật thường dùng phong cách cắm hoa Shoka để trang trí nhà cửa trong những ngày đầu năm mới.


Phong cách Moribara

- Moribara: Là phong cách cắm hoa trên những cái đĩa bẹt, cây, lá, quả và cả nước để sáng tạo nên những hình ảnh độc đáo, vừa cổ điển vừa hiện đại. Là sự sáng tạo và kết hợp giữa phong cách cắm hoa truyền thống và phong cách phương Tây.


Phong cách Chabana

- Chabana: Một kiểu cắm hoa gần gũi với triết lý Thiền nhất, rất đơn giản và không gò bó. Đối lập sâu sắc với tính nghi thức của phong cách Rikka, Chabana xuất hiện như một phong cách tự do. Đây là một phong cách đơn giản chỉ với hoa và lọ.Toàn bộ ý tưởng là nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp tự nhiên của hoa. Đặc điểm của phong cách Chabana là hoa không được cắm thẳng đứng mà được đặt vào lọ một cách rất tự nhiên. Vì vậy, lọ hoa phải cao, có miệng nhỏ.


Phong cách Jiyuka

- Jiyuka: Đây là một sự thể hiện theo phong cách riêng, phong cách tự do phù hợp với thị hiếu và môi trường hiện đại. Những vật liệu sử dụng trong phong cách này chủ yếu phù hợp với tự nhiên và môi trường xung quanh, sử dụng các chất liệu thảo mộc theo một cách mới nhưng vẫn tôn trọng vẻ đẹp và những đặc tính cơ bản của từng vật liệu. Những giỏ tre được sử dụng vào mùa xuân và mùa hạ với những bông hoa màu sáng thể hiện niềm vui, sự đâm chồi nảy lộc.


Hoa đạo kết nối sâu sắc với thiên nhiên, tìm hiểu vẻ đẹp thế giới tự nhiên để nuôi dưỡng tính thẩm mỹ của con người, là một hình thức thiền sinh động trong mối quan hệ giữa bản ngã và thiên nhiên được triển khai thành một nghệ thuật tu dưỡng, qua cách cắm mà người cảm nhận được thế giới nội tâm của người cắm hoa. Đây là nghệ thuật vươn tới cái đẹp hoàn mỹ, cái đẹp từ nội tâm của con người.
Hoa đạo là sự hòa hợp giữa tâm và vật, tâm và cảnh, nhất thể giữa không gian với thời gian, giữa hữu và vô, khác với cắm hoa thông thường. Hoa là vô thường nở rồi tàn đó là điều tất yếu. Cảm giác hứng thú ngắm nhìn rồi buồn tẻ dường như đi đôi với nhau trong tâm trí con người, đó cũng chính là cảm giác của hữu và vô.