Nghệ thuật ảo giác là nghệ thuật lấy cảm hứng từ những trải nghiệm ảo giác khi uống các thuốc an thần gây ảo như LSD ... Theo đó, tất cả những nỗ lực nghệ thuật nhằm miêu tả thế giới tâm lý có thể được coi là " nghệ thuật ảo giác".
Ảo giác là một yếu tố quan trọng trong việc tạo hình một tác phẩm nghệ thuật. Các họa sĩ, nhiếp ảnh gia, đạo diễn điện ảnh, nhà thiết kế mỹ thuật vận dụng sáng tạo nhiều hiệu ứng ảo giác thú vị cho người thưởng ngoạn.
Lối vẽ phối cảnh cổ điển rất hiệu quả trong việc mô phỏng thực tại, cho phép thể hiện “ảnh chụp” của tự nhiên. Nhưng sự thể hiện này không cho phép chúng ta nhìn quang cảnh từ những điểm thuận lợi khác nhau, nhìn các vật từ mọi phía. Nó cũng không mang lại cho chúng ta cảm giác chiều sâu lập thể của một vật thể thật sự. Một bức tranh hoặc một hình vẽ phẳng thể hiện một khung cảnh từ một điểm cố định, giống như ảnh nhìn bình thường qua một con mắt.
Các loại hình ảo giác thoạt trông giống như những biểu hiện ‘phối cảnh’ thông thường của các vật hay quang cảnh ba chiều, nhưng khi khảo sát kỹ, chúng bộc lộ những mâu thuẫn nội tại như thể không tồn tại trong thực tế. Những hình ảnh này có sức thôi miên đặc biệt đối với những người quen với tập quán hình vẽ miêu tả tự nhiên trên mặt phẳng của trang giấy, vải bạt, hoặc trên ảnh chụp.

Nghệ thuật ảo giác (Psychedelic Art)

Ngày xưa các họa sĩ đã biết dùng sự tưởng tượng của mình để tạo những hiệu ứng ảo giác. Ngày nay các danh họa tiếp nối theo người xưa hình thành một loại nghệ thuật mới - nghệ thuật ảo giác (Psychedelic Art).
Năm 1979, Michael White mô tả một loại hình ảo giác làm thay đổi mọi thứ trong khoa học thị giác. Hình sau đây cho thấy các vạch màu xám ở bên trái trông sáng hơn các vạch màu xám ở bên phải. Thật ra, tất cả các vạch màu xám trên đều giống hệt nhau về phương diện vật lý.



Kitaoka tạo một hình sau đây, cho thấy các vòng tròn màu xanh ở nửa trên khác với màu sắc ở nửa dưới, dù màu sắc của chúng giống hệt nhau. Hiệu ứng này là một biến thể dạng màu sắc của ảo giác lưới nhấp nháy (Scintillating Grid illusion) phát hiện năm 1994 với Elke Lingelbach thuộc Viện Optometry Aalen ở Đức và các đồng nghiệp của bà, Michael Schrauf, Bernd Lingelbach và Eugene Wist.



Hội họa hiện đại sử dụng và thay đổi điểm nhìn, đường chân trời, lực thị giác, trường thị giác, ánh sáng, tạo hình, tạo khối và các quy luật thị giác, luật thấu thị (luật xa gần)… vào trong các tác phẩm hội họa 3D. Việc ứng dụng và thay đổi sáng tạo của các họa sĩ đã đem lại hiệu ứng ảo giác thẩm mỹ cao trong các tác phẩm của mình.





Thực tế mọi không gian trên mặt phẳng của các tác phẩm mỹ thuật thể hiện theo mọi phong cách đều là không gian ảo. Nhưng do cảm nhận quen thuộc, khi xem các tác phẩm vẽ theo phong cách hiện thực người ta luôn hình dung và tưởng tượng đó là không gian thực. Những cảm nhận đó lại càng được lôi cuốn và liên tưởng mạnh mẽ hơn khi thưởng ngoạn các tác phẩm mỹ thuật thuộc trường phái Siêu thực (Surrealism). Nghệ nhân đã ghi chép và thể hiện những chuyển biến, trạng thái tâm lý, tiềm thức không phân biệt đúng hay sai, thực hay mộng. Mọi sự vật hiện thực trong tác phẩm đều trong trạng thái không thực.
Tác phẩm "Sự dai dẳng của ký ức" (The persistence of memory) của danh họa Salvador Dali là một trong những tác phẩm điển hình về ý tưởng và thủ pháp tạo hình chứa đựng nhiều yếu tố hiệu ứng ảo giác. Ông mượn thời gian thông qua hình tượng độc đáo của những chiếc đồng hồ mềm, chảy xuống từ phiến đá và vắt trên cành cây, để diễn cảm những ý tưởng nội tâm của mình. Sự dai dẳng của ký ức với chiếc đồng hồ méo mó bị chảy giống như một giấc mơ nối liền hiện tại với những năm về trước và những năm về sau. Ba chiếc đồng hồ, ba thời gian, giằng xé nhau, không tương thích nhau. Phải chăng danh họa muốn nói quá khứ chênh vênh, tương lai mong manh không nằm trong tầm với của con người, chỉ có hiện tại luôn đè nặng trên chân dung méo mó đang tan chảy trên nền nâu của núi, mây và bầu trời xanh thẳm….


Sự dai dẳng của ký ức - Salvador Dali


Một trong những nguyên nhân gây ảo giác là do khúc xạ ánh sáng. Thế giới mà chúng ta nhìn thấy được vì có nhiều màu sắc khác nhau. Nhưng khi tất cả các màu bị giảm thì một số màu bị hấp thụ và một số màu được phản ánh. Quy luật này được áp dụng và phổ biến trong nhiều lĩnh vực của nghệ thuật. Trong lĩnh vực điện ảnh ngày nay, người ta đã ứng dụng một số nguyên nhân gây ảo giác để làm phim 3D, 4D.


Ảnh ảo trong phim Avatar


Thực tế ảo giác có rất nhiều hình thái khác nhau. Tùy thuộc vào mỗi chức năng, mục đích và yêu cầu của mỗi loại hình nghệ thuật mà người ta vận dụng hình thức ảo giác cho phù hợp. Sự thay đổi về vị trí, chiều chuyển động, mầu sắc, cự ly, mật độ và nguồn sáng của đường sẽ mang lại những cảm giác thị giác khác nhau.


Hai bức hình trên là những hình gây ảo giác,
chúng ta phải chú ý lắm mới nhận ra chúng


Trong nghệ thuật quảng cáo, các nhà tạo hình sử dụng nhiều hiệu ứng về mầu sắc để thu hút thị giác, tạo ra sự hấp dẫn và tăng hiệu ứng cảm nhiễu… Nhà sinh học Dale Purves người Anh cho biết: “Mầu sắc là sản phẩm của cảm nhận chứ không phải thực tế”. Như vậy mầu sắc trong các tác phẩm nghệ thuật đều là cảm nhận của nghệ sĩ, tức là "ảnh ảo". Theo đó, con người có thể thu nạp hình ảnh dựa trên tưởng tượng và kinh nghiệm thực tế.
Trong nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật thiết kế thường sử dụng: Ảo giác về hình dạng, về ánh sáng, về không gian, về chuyển động, về màu sắc và ảo giác về sắc độ…. Ví dụ màu sắc sẽ giúp làm thay đổi cảm giác về không gian, tạo ra những ảo giác trong bất kỳ căn phòng nào bằng việc tạo ra cảm giác trái ngược, chẳng hạn nhạt và đậm, ấm và lạnh, cao và thấp trong thiết kế không gian nội, ngoại thất.


Tranh ảo giác của Larry Carlson
lấy cảm hứng từ những giấc mơ


Trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, thời trang, tạo dáng công nghiệp, mầu sắc cũng tạo ra những hiệu ứng ảo giác về cao, thấp, béo, gầy, mềm, cứng v.v. Họa sĩ đồ họa Alex Trochut người Tây Ban Nha sáng tạo các hiệu ứng ảo giác của mầu sắc để thể hiện trong tác phẩm áp phích quảng cáo cho hãng Pepsi gây ấn tượng rất mạnh mẽ cho thị giác. Ngày nay, trong nghệ thuật quảng cáo đồ họa 3D đã được nhiều họa sĩ sử dụng và đem lại hiệu quả thẩm mỹ thị giác rất cao. Điển hình là các tác phẩm quảng cáo của họa sĩ Serial- Cut-Copy….


Một áp phích quảng cáo của Alex Trochut


Nghệ thuật quang học (Optical art)

Op Art (viết tắt Optical Art: Nghệ thuật Quang học hay Nghệ thuật Thị Giác) là một phong cách nghệ thuật sử dụng các ảo ảnh quang học. Nghệ thuật quang học là một nghệ thuật thị giác năng động, xuất hiện tại Hoa Kỳ và Châu Âu trong cuối những năm 1950, là một phương pháp vẽ liên quan đến sự tương tác giữa ảo giác và sự giao thoa giữa sáng và tối hoặc màu sắc, giữa cái nhận biết và cái nhìn thấy.



Ảo ảnh thị giác (Optical Illusions) vẫn được biết đến như là những hình ảnh đánh lừa đôi mắt. Thực ra đó là những hình ảnh được não bộ “tiên đoán” các hình ảnh xảy ra tiếp theo sau đó.
Ảnh ảo giác quang học, hay “ảnh đánh lừa thị giác”, là loại ảnh có thể khiến cho mắt chúng ta nhìn thấy những hình ảnh không có thực " nhìn một mà hóa ra không phải một", là những hình ảnh tĩnh nhưng lại khiến cho chúng ta nhìn thấy động.



Vùng võng mạc trong mắt dễ bị tác động bởi ánh sáng và màu sắc, vì vậy nghệ thuật quang học xử dụng việc xen kẽ các mảng màu sắc tương phản cao (phổ biến nhất là đen và trắng) cùng sự lặp đi lặp lại của các mô hình dạng cong hoặc thẳng để đánh lừa đôi mắt. Sự tương phản sẽ gây ra nhầm lẫn rất lớn đối với thị giác, mà người xem phải chú tâm rất nhiều để phân biệt giữa thành phần chính và các thành phần phụ. Cách giải thích hợp lý và đơn giản nhất cho ảnh ảo giác quang học chính là khả năng nhìn sai lầm của đôi mắt chúng ta. Những màu sắc khác nhau hấp thụ một lượng ánh sáng khác nhau. Sắc thái và kết cấu màu sắc sẽ ảnh hưởng đến lượng ánh sáng phản xạ từ bề mặt màu. Kết hợp đúng sắc thái của một số màu sắc nhất định sẽ làm cho đối tượng “màu mè” dường như có chiều sâu. Điều này ảnh hưởng đến nhận thức các đối tượng màu khác nhau của mắt, dẫn đến ảo giác quang học.


Tác phẩm Ngựa Vằn (Zebra) của Vasarely,
họa sĩ tiên phong trong trường phái nghệ thuật quang học



Bức ảnh ảo kinh điển nhất có tên là Illusion Snake (Rắn ảo).
Phải hết sức tập trung, người nhìn mới có
thể khiến những vòng tròn này đứng yên



Cứ như là xoắn ốc này đang hút lấy chúng ta vào trong,
lại còn có đèn chớp tắt nữa


Trong thiết kế nội ngoại thất, thủ pháp sử dụng những gam mầu có sắc độ sáng để khắc phục những không gian hẹp và ngược lại. Ngoài ra những gam mầu lạnh được sử dụng trong không gian nội thất cũng gây cảm giác mát mẻ và những gam màu nóng sẻ gây cảm giác nóng v.v. Trong lĩnh vực thời trang người ta sử dụng những đường thẳng dọc và mầu đen để thiết kế quần áo cho những người béo, khi mặc sẽ gây cảm giác thon thả và ngược lại những đường thẳng ngang và mầu sáng sẽ dùng cho những người gầy,khi mặc sẽ gây cảm giác mập hơn.


Những đường ngang cho thấy thân hình mập hơn


Những chiếc đầm ôm sát với những đường ngang
tạo vòng eo " con kiến"


Nhờ các quy luật phản chiếu ánh sáng - bóng tối, nghệ sĩ Diet Wiegman đã "nâng tầm" những hình khối nhìn bên ngoài thì "vô dụng" trở thành nghệ thuật qua sự phản chiếu hình bóng.


Trò chơi giữa ánh sáng và bóng tối


Tượng David của nghệ sĩ Michelangelo trở nên sống
động giữa ranh giới của bóng tối và ánh sáng.



Nghệ sĩ Jessica Backhaus vẽ tranh phản chiếu mặt nước,
những chi tiết, đặc trưng và khối màu của
Venice hiện ra lung linh, mê hoặc.



John Pawson dùng những chi tiết xoắn ốc cầu thang,
mái vòm trần nhà được hiện lên qua phản chiếu
gây hiệu ứng thị giác đặc biệt cho người xem.


Ảo giác trong nghệ thuật nhiếp ảnh (Stroboscopic Phography)

Thông thường, mỗi lần bấm máy, chúng ta sẽ thu về một hình ảnh. Nhưng với kỹ thuật stroboscopic (hay repeating flash), việc chớp đèn liên tục trong một lần phơi sáng duy nhất sẽ giúp chúng ta có thể chụp nhiều hơn một hình ảnh, chủ thể như "đóng băng" và tạo chuỗi ảnh chuyển động liên tục ngay trong một khung hình. Ảnh được chụp ở chế độ chụp chậm, thời gian phơi sáng dài. Đa số máy ảnh DSLR đều có thể cài đặt chế độ Repeating Flash. Ảo giác trong nghệ thuật Nhiếp ảnh Stroboscopic đã được nhiếp ảnh gia Harold Eugene Edgerton (1903-1990) phát minh.


Ảnh Harold Eugene


Ảnh Syl Arena


Ảnh Albert Visage


Ảnh Howard Schatz


Trong nghệ thuật nhiếp ảnh ngày nay, nhờ vào các công nghệ phần mềm mà các nghệ sĩ thể hiện được những ý tưởng độc đáo thể hiện qua những tác phẩm nhiếp ảnh siêu thực. Nhiếp ảnh gia Angelo Musco sáng tạo những tác phẩm siêu tưởng bằng hàng ngàn người mẫu nude tạo hình. Qua những bức hình, người xem cảm nhận thấy một công trình nghệ thuật mà ở đó con người giao hòa với những cảnh quan huyền bí.
Các tác phẩm: Tổ chim, Những chiếc ống nghe điện thoại mọc giữa sa mạc… của Dariusz Klimczak, nhiếp ảnh gia người Ba Lan đã đem đến một cái nhìn mới về thế giới tưởng tượng của mình, một thế giới không đúng với hoàn cảnh hiện tại, hay những tác phẩm siêu thực tuyệt đẹp của nhiếp ảnh gia Christophe Gilbert…


"Dưới nước" Angelo Musco


"Thành phố tổ chim" Daruz Klimczak


Ảnh Christpohe Gilbert


Các tác phẩm nghệ thuật ảo giác thường gây chú ý người xem, có lẽ một phần vì chúng kỳ quái nhưng có một cái gi đó lung linh, mờ ảo.
Một số người nhìn vào những hình vẽ ảo giác không có chút gì hứng thú cả. “Chỉ là một hình vẽ không đúng” hoặc không ‘nhận ra’ hình ảnh bởi vì não của họ không xử lý các hình phẳng thành ảnh ba chiều. Một số người khác có thể thấy ‘cái gì đó không đúng’ với hình ảo giác, nhưng không đủ mê hoặc để tìm hiểu xem cách thức được thực hiện như thế nào. Đây là những người đi qua cuộc sống nhưng chưa bao giờ tìm hiểu, hay quan tâm, xem thế giới hoạt động như thế nào, vì họ không thể để mắt tới các chi tiết cụ thể, và không có óc tò mò thích hợp.
Ảo giác đem lại những hiệu ứng cảm nhận thẩm mỹ thị giác siêu thực, vượt trội hơn cả những cảm nhận nhãn quan của con người. Nó không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ nghệ thuật mà còn hướng trí tưởng tượng con người về một không gian, một thế giới mới đầy sức mạnh huyền ảo, mơ mộng hấp dẫn.
Theo một chiều hướng khác, khi thưởng ngoạn các tác phẩm nghệ thuật ảo giác, chúng ta chiêm nghiệm lại cuộc đời thực tại giống như những ảo giác, và nhận thức ngay cả sự hiện hữu chỉ là ảo hóa. Trong cuộc sống chính cái quen thuộc thường né tránh chúng ta. Dàn dựng cái ta thấy vô lý là để sửa lại cái bệnh tật của tâm. Đấy cũng chính là ý nghĩa của thiền vậy.

Lê Tấn Tài