1. Phong cách tối giản là gì?

Phong cách tối giản hay tối thiểu (tiếng Anh: Minimalism; còn nhiều tên gọi khác: ABC Art = Nghệ thuật ABC; Reductive Art = Nghệ thuật Rút gọn; Systemic Painting = Tranh Hệ thống... ) thể hiện những khuynh hướng đa dạng của nghệ thuật, trong đó các tác phẩm được giảm thiểu đến tối đa các chi tiết thừa, chỉ giữ lại thành phần thật sự cần thiết hầu đáp ứng được yêu cầu về công năng lẫn thẩm mỹ (Có thể hiểu là đi đến tận cùng của sự đơn giản, đơn giản hết mức có thể).
Ngoài sự ảnh hưởng sâu sắc đối với nghệ thuật hiện đại và các nghệ sĩ, Tối giản phổ biến như một triết lý về một cách sống - giải quyết các vấn đề trong cuộc sống với những yếu tố cần thiết, xua đuổi bất cứ điều gì được cho là không cần thiết. Gần đây chủ nghĩa tối giản còn được áp dụng vào các khía cạnh cuộc sống làm cho nó đơn giản hơn, chú trọng đến chất lượng các sinh hoạt để tìm cái đẹp hay hạnh phúc trong sự giản dị. Chúng ta dường như thường có khuynh hướng ôm đồm trong nhiều lĩnh vực cuộc sống như đặt mục tiêu cho công việc, trong kiến trúc, trang trí bày biện nhà cửa, trong phong cách diễn đạt nói năng và viết, trong thời trang quần áo, trong ăn uống, trong việc thỏa mãn các nhu cầu… Ludwig Mies van der Rohe có một câu nổi tiếng: “Ít hơn là nhiều hơn” (Less is more). William Strunk Jr. khuyên: “Hãy bỏ những thứ không cần thiết". Ông viết tiếp: “ Một câu không nên có những từ không cần thiết, một đoạn văn không nên có những câu thừa, giống như một bức họa không nên có những đường nét thừa và một cái máy không cần linh kiện thừa. Điều này không phải là tác giả phải viết những câu ngắn, hay tránh các chi tiết và giải quyết các chủ đề của mình dưới dạng đề cương, mà là mỗi từ đều có giá trị biểu đạt cao.”

2. Phong cách tối giản trong nghệ thuật

Phong cách tối giản ảnh hưởng rộng lớn khắp các bộ môn nghệ thuật và lan toả mạnh trên thế giới, cho đến nay vẫn chưa bị lạc hậu và thậm chí còn tiếp tục phát triển. Xuất phát từ nghệ thuật phương Tây sau thế chiến thứ 2, một phần do nhu cầu của lịch sử và thời đại, sau đó phát triển mạnh mẽ trong thập niên 70 - 80, phong cách này sử dụng các thủ pháp đơn giản về mặt hình thức để đạt được hiệu quả cao nhất trong các bộ môn nghệ thuật. Rõ nét nhất là trong các tác phẩm hội họa của Mark Rothko. Khái niệm này dần dần được mở rộng qua âm nhạc mà đặc điểm là sự lặp lại, điển hình là các tác phẩm của Steve Reich, Philip Glass và Terry Riley. Ở Mỹ, phong trào tối giản nở rộ trong các loại hình nghệ thuật và thiết kế, đặc biệt nghệ thuật nghe nhìn và âm nhạc, trong văn chương với những tác giả như Samuel Beckett, Hemingway, phim của Robert Bresson, sách của Raymond Carver, và thậm chí cả đến các mẫu thiết kế xe của Colin Chapman.
Nghệ thuât tối giản được mô tả chính xác là sự thiết kế giản lược tối thiểu từ màu sắc, hình dạng, đường nét đến kết cấu, có nghĩa là giản dị hóa trong việc thiết kế ở nhiều khía cạnh khác nhau, và đơn giản nhiều bộ phận như đường nét, kiểu dáng hay các chi tiết trang trí. Sự sử dụng hạn chế về màu sắc trong trang trí là đặc trưng dễ nhận diện nhất. Quan trọng hơn, dù tối giản nhưng nhìn vẫn có sự hòa hợp cơ bản cứ không phải là qua loa. "Sự đơn giản cũng là sự tinh tế tột cùng." (Leonardo da Vinci)

* Nhiếp ảnh Tối giản (Minimalist Photography) lấy sự giản lược chi tiết, màu sắc, hình dạng, đường nét… làm sức hút cho bức ảnh. Ảnh tối giản có thể giúp người xem tìm một khoảng lặng sâu lắng, gợi mở cảm xúc bình yên hay chút cô đơn trong cuộc sống sôi động, trong chính tâm hồn của người xem. Không dễ để truyền đạt thông tin vào những bức ảnh ít chi tiết, bởi sự đơn giản luôn khó thể hiện nhất. Do đó, để chụp những bức ảnh tối giản cần sự tư duy và trí tưởng tượng của người chụp nhiều hơn việc nắm bắt khoảnh khắc. Chủ đề chính của ảnh tối giản có thể là ảnh tĩnh hay ảnh động, người hay vật, màu sắc hay đơn sắc, những vật dụng thường ngày hay những chi tiết trên cơ thể con người…Những nhiếp ảnh gia của nhiếp ảnh tối giản như : Steve Johnson, Michael Kenna, Hiroshi Sugimoto, Hans Hiltermann...


Ảnh của Michael Kenna


* Hội họa Tối giản (Minimalist Painting) chủ trương các hình tượng, màu sắc, chi tiết đều được đơn giản tối đa về hình thức, như việc sử dụng các hình cơ bản, thường là hình học và bảng màu đơn sắc cơ bản, khách quan. Đây là một nhánh ứng dụng tương đương với các nhánh khác trong kiến trúc, trang trí… Cũng được gọi là Tranh hệ thống (Systemic Painting), ví dụ như bức tranh hình chữ nhật màu xanh của Yves Klein năm 1962, bức tranh Voice of Fire (Tiếng nói của lửa) của Barnett Newman 1967.


Tranh hình chữ nhật màu xanh của Yves Klein


* Điêu khắc Tối giản (Minimalist Sculpture) có “xu hướng rút gọn” và "đặc tính trống rỗng", nhàn nhạt, máy móc tới mức thiếu cá tính con người. Điêu khắc tối giản vẫn dùng các vật liệu phổ biến như gỗ tấm, kim loại tấm và các vật liệu nhựa bán sẵn... Ngày nay, vẫn có những nghệ sĩ chuộng lối tiếp cận tối giản, làm bằng tay với phong thái nhẹ nhàng. Những tác phẩm điêu khắc hình khối của Tony Smith đều dựa trên nguyên tắc đơn giản và hạn chế tối đa việc sử dụng các chi tiết mô tả.


Tác phẩm điêu khắc hình khối của Tony Smith


* Đồ họa Tối Giản (Minimalist Graphic) loại bỏ các yếu tố không quan trọng và tập trung vào sự đơn giản. Các nhà thiết kế cần phải tìm được một yếu tố vừa xúc tích, vừa ngắn gọn nhưng vẫn truyền tải được đầy đủ chủ đề, thông điệp của tác phẩm một cách chính xác và dễ hiểu. Chỉ sử dụng những màu sắc tương tác tốt với nhau và nằm trong chủ đích của nhà thiết kế. Nghệ thuật chữ (Typography) rõ ràng, đơn giản và phải thật dễ nhận biết, dễ đọc. Tăng độ tương phản để tăng khả năng nhận diện của bản thiết kế, dễ đọc và dễ gây ấn tượng. Emil Ruder, Paul Rand, Shigeo Fukuda đều là những nhà thiết kế các posters nổi tiếng.


Mẫu đồ họa của Emil Ruder


* Thời trang Tối giản (Minimalist Fashion) là một phong cách đã tồn tại từ hàng thập kỷ trước nhưng có lẽ nó được công nhận rõ nhất qua các nhà mốt như Jil Sander, Calvin Klein và Celiné. Các nhà thiết kế theo phong cách tối giản đôi khi phải mất rất nhiều công sức và thời gian để tạo ra một mẫu thiết kế đơn giản một cách hoàn hảo, xóa bỏ sự rườm rà để hướng đến vẻ đẹp thanh lịch, thuần khiết, tinh tế, hiện đại và sang trọng.Thời trang tối giản phổ biến trong thập niên 1990 với sự ra đời bộ sưu tập đầu tiên của nhà thiết kế Tom Ford cho Gucci năm 1996 và của Marc Jacobs cho Louis Vuitton năm 1998. Tối giản trong thời trang là những bộ trang phục với 1 đến 2 tông màu chủ đạo, thường không lòe loẹt về màu sắc mà thiên về hướng sử dụng ít màu hoặc nhiều sắc thái màu trong cùng một tông màu xuyên suốt. Thường người nhìn hay chú ý đến những kiểu dáng và có thể dễ dàng thu hút bởi sự thể hiện đơn giản mà sang trọng.


Mẫu thời trang của Marc Jacobs thiết kế cho Louis Vuitton


* Kiến trúc Tối giản (Minimalist Architecture) xây dựng các ngôi nhà kết hợp với thiên nhiên, một số không gian kiến trúc mở thân thiện với môi trường, sử dụng các cửa sổ lớn có tầm nhìn không bị cản trở. Kiến trúc tối giản tạo lập không gian chặt chẽ, khúc chiết, cô đọng, thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng. Tất cả những gì không cần thiết được coi là thừa thãi và được loại bỏ, từ đường nét, hình khối kiến trúc cho đến các trang trí nội thất luôn có tính mạnh mẽ, hiện đại, rõ ràng đường nét và mảng khối. Đặc biệt các khoảng trống và ánh sáng được chú trọng và đề cao. Màu sắc ở phong cách tối giản bị hạn chế nên ánh sáng rất quan trọng, nhất là ánh sáng tự nhiên, là một thành phần chủ đạo để trang trí và tạo nên giá trị thẩm mỹ thông qua hiệu ứng thị giác. Các kiến trúc sư nổi tiếng bao gồm: John Pawson, Eduardo Souto de Moura, Tadao Ando, Alberto Campo Baeza, Yoshio Taniguchi, Peter Zumthor, Michael Gabellini, Richard Gluckman.


Đồ án kiến trúc của Richard Gluckman


* Thiết kế Sản phẩm Tối giản (Minimalist Product Design) là sự kết hợp công nghệ hiện đại, chức năng, yếu tố thân thiện với người sử dụng…trong vẻ đẹp đơn giản nhất. Chủ đề tối giản hiện nay cũng sử dụng rộng rãi trong bao bì, xây dựng thương hiệu... Một chiếc điện thoại hiện đại, thiết bị một chiếc ghế sofa kiểu dáng đẹp chỉ là vài ví dụ về các sản phẩm đơn giản mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Hình thức cấu trúc sử dụng dạng hình học cơ bản, chỉ sử dụng một hình dạng duy nhất hoặc một số nhỏ các khối thành phần tạo nên sự thống nhất của thiết kế. Bề mặt khối trơn, sạch. Sự tương phản của màu sắc hữu hạn giúp cân bằng ánh sáng trên thiết kế và tăng tính thẩm mỹ của thị giác. Kim loại là vật liệu được ưa chuộng trong Thiết kế Sản phẩm Tối giản, do bề mặt tương tác ánh sáng cao, kết cấu đơn giản đồng thời mang lại được cảm giác sang trọng, uy tín. Mẫu thiết kế của Falke Svatun , Ross Gardam, Johanna Gauder rất được ưa chuộng.


Sản phẩm đèn bàn của Ross Gardam


* Thiết kế Trang trí Tối giản (Minimalist Decor Style) chú trọng việc giảm thiểu tối đa việc trang trí trong không gian nội thất. Đi ngược lại các tiêu chuẩn trang trí nội thất truyền thống (làm phong phú không gian bên trong với các vật dụng và chi tiết trang trí phức tạp), phong cách này hướng đến việc loại bỏ các vật dụng thừa và giữ lại một không gian trống hoàn hảo. Chịu ảnh hưởng rất lớn từ quan niệm cũng như phong cách thiết kế và trang trí Nhật Bản, đồng thời được xây dựng trên nền tảng triết lý “ít hơn có nghĩa là nhiều hơn”, việc trang trí nội thất theo phong cách tối giản hướng sự chú ý đến những đường nét và kết cấu được ẩn giấu. Các mảng tường, sàn và hiệu quả ánh sáng chính là những yếu tố quan trọng làm nên phong cách tối giản, giữ lại được một không gian kiến trúc đẹp, thoáng đãng, rộng rãi. Thiết kế nội thất theo phong cách này là thiết kế từ khoảng trống đến khoảng đặc của đồ nội thất cũng như ánh sáng lẫn khoảng tối của không gian nội thất. Màu sắc nội thất cũng được hạn chế, thường không quá ba màu với một màu nền, một màu chủ đạo, một màu nhấn. Màu nền là màu của những bức tường. Cũng giống như nội thất, ngoại thất cũng gói gọn trong hai chữ “Hạn chế”. Hạn chế trong trang trí, hạn chế về số lượng cây cối, chỉ giữ lại thành phần nào thật sự cần thiết và đáp ứng được yêu cầu về công năng lẫn thẩm mỹ. Nhưng chính sự hạn chế này lại khắc phục được nhược điểm về diện tích của sân vườn. Mẫu thiết kế của Capoferro, Gary Gladwish, Tara Benet, Lignum Elite đẹp thanh nhã và sang trọng.


Gary Gladwish trang trí một phòng khách mở bên ngoài


* Phim Tối giản (Minimalist Movie) có thể được định nghĩa là phim có rất ít kịch tính, đạo diễn tập trung nhiều vào hình ảnh kỹ năng chứ không phải là chi tiết cốt truyện hay đối thoại. Vì vậy, một số đạo diễn tin tưởng mạnh mẽ rằng "ít hơn là nhiều hơn", làm một bộ phim không cần có một ngân sách lớn, những ý tưởng lớn, hoặc một diễn viên lớn. Đạo diễn nổi tiếng của Pháp Robert Bresson hầu như chỉ sử dụng diễn viên không chuyên, hạn chế tối đa việc bộc lộ cảm xúc nhưng hành động lại được miêu tả tỉ mỉ.


Phim Pickpocket (Tên móc túi) - Đạo diễn Robert Bresson


* Nhạc Tối giản (Minimal Music) là một phong cách âm nhạc được đánh dấu bởi sự đơn giản hóa khi chúng được tối giản từ nhịp điệu, kiểu cách, hòa âm và sự lặp đi lặp lại các đoạn điệp khúc hoặc giai điệu. Về hình thức thể hiện, nhạc tối giản theo đúng nghĩa đen: sử dụng rất ít nốt nhạc, rất ít lời (thường là không lời), hạn chế nhạc cụ, có vòng lặp đều đặn và kéo dài (một bản minimal music thường không ngắn dưới 15 phút). Nghệ thuật tối giản trong âm nhạc thể hiện ở sự lặp đi lặp lại các hợp âm hay giai điệu như trong âm nhạc của La Monte Young, hay tập trung lột tả bản chất của những âm thanh quen thuộc ví dụ như tiếng còi tàu trong bản nhạc Different Trains (1988) của Steve Reich. Trong truyền thống nghệ thuật âm nhạc phương Tây, các nhà soạn nhạc Mỹ La Monte Young, Terry Riley, Steve Reich, và Philip Glass được ghi là những người đầu tiên phát triển các kỹ thuật sáng tác khai thác tiếp cận tối thiểu. "Minimal Beasts" là một tổ hợp âm nhạc điện tử sử dụng tiếng động (noise) và âm thanh (sound) để tạo ra những trạng thái khác biệt, thích hợp với không gian ở các quán cà phê, lounge, bar...


Nhạc phẩm "Different Trains" (Những đoàn tàu hỏa khác nhau)
của Steve Reich




Boris Brejcha (trong nhóm Minimal Beasts)
trình bày bản White Snake (Bạch Xà)


* Văn Chương Tối giản (Literary Minimalism) hạn chế tối đa việc sử dụng từ ngữ, tránh dùng trạng từ, dựa vào bối cảnh để thể hiện ý nghĩa. Người đọc không đọc một cách thụ động, mà lại đóng một vai trò tích cực trong việc tạo ra câu chuyện dựa trên những gợi ý và ngụ ý của tác giả. Tác giả thể hiện sự tập trung vào việc mô tả bề mặt (sự xuất hiện bên ngoài, hay ấn tượng bên ngoài), nơi mà độc giả tin rằng họ đóng vai trò hành động trong quá trình sáng tạo câu chuyện. Tác giả trình bày một cảnh chung, thay vì cung cấp từng chi tiết nhỏ. Các nhân vật trong truyện ngắn và tiểu thuyết thường không có vẻ gì nổi bật, rất bình thường. Họ chỉ là những lát cắt nhỏ của đời sống. Có thể nói Samuel Beckett (Người Ái Nhĩ Lan) là tác giả tiêu biểu nhất, có thể tìm thấy trong những tác phẩm của ông: kịch Happy days (Những ngày tươi đẹp, 1961), tiểu thuyết Meercier et Camier (Meercier và Camier, 1970), tập thơ Mirlitonnades (1978). Trong văn học Mỹ, Ernest Hemingway được xem là người đi đầu của trường phái tối giản. Tiếp sau đó có thể nói đến tên tuổi Raymond Carver.

Trích một đoạn văn của Ernest Hemingway

He was an old man who fished alone in a skiff in the Gulf Stream and he had gone eighty-four days now without taking a fish. In the first forty days a boy had been with him. But after forty days without a fish the boy’s parents had told him that the old man was now definitely and finally salao, which is the worst form of unlucky, and the boy had gone at their orders in another boat which caught three good fish the first week. It made the boy sad to see the old man come in each day with his skiff empty and he always went down to help him carry either the coiled lines or the gaff and harpoon and the sail that was furled around the mast. The sail was patched with flour sacks and, furled, it looked like the flag of permanent defeat. The old man was thin and gaunt with deep wrinkles in the back of his neck. The brown blotches of the benevolent skin cancer the sun brings from its reflection on the tropic sea were on his cheeks. The blotches ran well down the sides of his face and his hands had the deep-creased scars from handling heavy fish on the cords. But none of these scars were fresh. They were as old as erosions in a fishless desert. Everything about him was old except his eyes and they were the same color as the sea and were cheerful and undefeated.
(The Old Man and the Sea - Page1)

Lão đã già, một mình một thuyền câu cá trên dòng Nhiệt lưu và đã tám mươi tư ngày qua lão không bắt được lấy một mống cá nào. Bốn mươi ngày đầu thằng bé đi với lão. Nhưng sau bốn mươi ngày không câu được cá, cha mẹ thằng bé bảo nó rằng rốt cuộc bây giờ ông lão đã hoàn toàn salao, cách diễn đạt tệ nhất của vận rủi, rồi buộc nó đi theo thuyền khác và ngay trong tuần lễ đầu tiên chiếc thuyền ấy đã câu được ba con cá lớn. Điều đó khiến thằng bé buồn khi hằng ngày thấy ông lão trở về với chiếc thuyền không, nó luôn xuống giúp lão mang khi thì cuộn dây, cái lao móc săn cá, khi thì cái sào hay tấm buồm quấn quanh cột. Tấm buồm được vá bằng bao bột, cuộn lại trông như một lá cờ bại trận triền miên. Ông lão gầy gò, giơ cả xương, gáy hằn sâu nhiều nếp nhăn. Những vệt nám vô hại trên làn da má của lão do bị ung thư bởi ánh mặt trời phản hồi trên mặt biển nhiệt đới. Những vệt ấy kéo dài xuống cả hai bên má, tay lão hằn những vết sẹo sâu bởi kéo những con cá lớn. Nhưng chẳng có vết nào trong số sẹo ấy còn mới cả. Chúng cũ kỹ như mấy vệt xói mòn trên sa mạc không cá. Mọi thứ trên cơ thể lão đều toát lên vẻ già nua, trừ đôi mắt; chúng có cùng màu với nước biển, vui vẻ và không hề thất bại.
(Ngư Ông và Biển Cả)


3. Phong cách tối giản trong đời sống

Phong cách sống tối giản là tránh những điều không cần thiết để tập trung vào những gì thực quan trọng, những gì đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, niềm vui và giá trị. Sống đơn giản không đồng nghĩa với cuộc sống khổ hạnh, mà là một cuộc sống được lựa chọn qua một quá trình nghiên cứu cặn kẽ, là một cuộc sống hòa đồng với thiên nhiên, tìm kiếm sự cân bằng giữa động và tĩnh, một cuộc sống hồn nhiên, vô tư, thoát tục... Sống đơn giản chính là tự mình lắng nghe tiếng nói của lòng mình, xem rõ điều mình thật sự cần thiết cái gì, là sống thực sự cho bản thân mình chứ không phải là bắt chước theo lối sống của người khác hoặc sống theo yêu cầu của người khác.
Vấn đề ở đây là chúng ta phải giới hạn những nhu cầu của mình ở mức độ nào? Điều nầy có thể khác nhau ở mỗi người. Với người nầy, Ti Vi là vô cùng thiết yếu, nhưng với người khác, có thể đó là sự xa xỉ. Chính chúng ta cần phải tự xác định những nhu cầu nào là thiết yếu đối với chính mình, chứ không phải ai khác.
Là con người, chúng ta không thể không có thứ gì, chúng ta có nhu cầu theo đuổi cái hay, cái đẹp ở mức độ nhất định. Nhưng, chúng ta lại thường không biết dừng lại đúng lúc vì lòng tham vô đáy. Lòng tham đó sẽ đẩy chúng ta vào cảnh nợ nần, mệt mỏi và cùng quẫn, từ đó tâm hồn chúng ta sẽ trở nên chai lì, vô cảm. Phong cách sống nầy chống lại với sự phức tạp ngày càng tăng của thế giới hiện đại, chống lại chủ nghĩa tiêu thụ, chống lại ý tưởng lúc nào cũng phải bận rộn. Không chỉ là vấn đề tài chánh, khi chúng ta chọn một lối sống đơn giản, chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn cho bản thân, cho gia đình hoặc những người thân yêu khác. Đầu tiên, khi chúng ta đơn giản hóa cuộc sống, cắt giảm sự phức tạp những gì chúng ta làm và những gì chúng ta sở hữu. Đó là cơ bản của sự đơn giản - không chỉ làm mất những thứ từ phức tạp đến đơn giản, mà còn phải cố gắng thoát khỏi bất cứ điều gì không cần thiết.
Chủ thuyết Tối giản cho rằng những gì không cần thiết là một một sự lãng phí. Tại sao là lãng phí? Vì khi loại bỏ cái không cần thiết, chúng ta nhường chỗ cho các thiết yếu hầu cung cấp cho mình một không gian rộng hơn, dễ thở hơn. Càng ít nhu cầu bao nhiêu thì càng ít lo bấy nhiêu. Nói như thế không có nghĩa là mình phải đi lùi với đời sống hiện nay. Chúng ta tạo ra của cải vật chất để làm tốt đẹp cho cuộc sống hiện tại và thế hệ mai sau. Nhưng điều cốt yếu là đừng chạy theo vật chất và làm nô lệ cho vật chất. Còn ham muốn nhiều thì còn khổ nhiều, càng chất chứa nhiều thì càng trĩu nặng. Xã hội văn minh kỹ thuật cho chúng ta những vật chất, nhưng nó đã cướp mất đi cuộc sống bình thường, sự tự do đích thực làm cho chúng ta luôn rơi vào tình trạng căng thẳng, bất an.
Hiện nay ở Nhật đang có phong trào sống theo phong cách tối giản. Tối giản chính là việc làm giảm các yếu tố trang trí, các vật dụng, chỉ để lại những yếu tố cần thiết cơ bản để làm nên một ngôi nhà đúng nghĩa: cửa, cửa sổ, mái nhà...Thay vì cố chất thật nhiều đồ đạc trong căn phòng bé tí, nhiều người Nhật đang tìm cách vứt hết các vật dụng theo họ là không cần thiết ra khỏi căn nhà của mình để có không gian sống khoáng đạt nhất.
Đây là cách sống gọi là Danshari, đang được nhiều người trẻ xứ hoa anh đào theo đuổi. Họ hãnh diện khoe những căn "Danshari" trống trơn của mình. Như một anh sinh viên đem cho hết các cuốn sách của mình sau khi đọc xong, bởi anh biết đằng nào mình cũng sẽ không sờ tới chúng lần nào nữa, hoặc một nhà sản xuất âm nhạc 26 tuổi, "cả nhà cả cửa" chỉ có một máy tính cá nhân, máy ảnh, điện thoại thông minh và một vài vật dụng cần thiết đặt hết trong ba lô. Bất kể khi nào cần, anh ta có thể sẵn sàng "xách ba lô lên và đi", đối với anh chuyện nhà cửa giờ chẳng còn quá quan trọng nữa. Lối sống Danshari có 3 nguyên tắc chính:
- Từ chối đem về nhà những vật dụng không cần thiết.
- Vứt hết những thứ lỉnh kỉnh vướng víu trong nhà.
- Tránh xa cám dỗ mua sắm vật chất.


Căn phòng Danshari


3. Phong cách tối giản và Phật giáo

Con người trong thời đại ngày nay phải sống như thế nào?
Có thể nói thế giới hiện nay đang thu nhỏ dần, con người dễ tiếp xúc với nhau hơn, có thể biết những gì xảy ra trên thế giới trong một thời gian ngắn, có thể tham gia vào một bình diện lớn hơn trong cuộc sống chung của nhân loại. Trong nỗ lực chinh phục thiên nhiên, bệnh tật, những trở ngại tự nhiên... con người đã thành tựu những kỳ công khoa học kỹ thuật phức tạp đến mức đáng ngạc nhiên.
Một phần khác của cuộc sống hiện đại, có lẽ đáng quan ngại hơn, khoa học kỹ thuật phát triển quá nhanh, chúng ta đang đối đầu với một số vấn đề nghiêm trọng như tranh chấp chính trị, kinh tế, ô nhiễm môi trường, nạn nhân mãn, thiếu năng lượng, sử dụng bừa bãi các tài nguyên thiên nhiên và các vấn đề sống còn khác...
Vì thế khi nghĩ đến đời sống hiện đại, người ta có thể lạc quan nhưng đồng thời cũng có nhiều bi quan. Người ta rất bằng lòng với cuộc sống hiện nay, vào lúc mà có lẽ không có gì con người không thể chinh phục được. Có thể còn một số bệnh tật đang thách thức con người, một số nơi trong vũ trụ mà con người muốn khám phá, nhưng những điều này đều có thể ở trong tầm tay của con người. Tuy nhiên chúng ta có thể đã bị mất một cái gì đó trong quá trình đi tới.
Nhiều người thường tự hỏi Phật giáo có giúp con người tìm được cái mất mát đó không? Chủ thuyết chính của Phật giáo được gọi là "Akàlika", nghĩa là "không thời gian" (timeless). Ðặc tính không thời gian này xuất phát từ sự kiện mọi vật được hiểu là có tính liên tục, nhưng liên tục trong biến đổi. Do đó, Phật giáo có khả năng thích ứng với mọi thời đại và các nền văn minh khác nhau, các dân tộc và các cá nhân khác nhau. Ðức Phật đã thiết lập một thông điệp luôn luôn tươi mới, phát sinh từ một hệ thống những giá trị vĩnh cửu. Quan trọng hơn hết Phật giáo đã giải thoát con người ra khỏi tất cả mọi ràng buộc, những ràng buộc siêu nhiên, mọi giáo điều (dogma). Vì vậy, khi Ðức Phật nói rằng mỗi người là chủ nhân của chính mình, và chỉ có chính mình mới là người có thể thay đổi cuộc đời mình theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Đây là một nguyên tắc mà khả năng áp dụng trở nên mạnh hơn khi con người mỗi lúc mỗi tự tin hơn trong việc kiểm soát bản thân và môi trường xung quanh. Ðức Phật nói:
"Ðừng tin tưởng vào những gì kinh sách đạo mình nói. Ðừng tin tưởng điều gì vì dựa vào một tập quán lưu truyền. Ðừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vịn vào uy tín và thẩm quyền của một người nào đó. Ðừng tin tưởng điều gì vì có được nhiều người nói đi nhắc lại. Hãy tin tưởng vào những gì mà người ta đã từng trải, kinh nghiệm, thấy là đúng, thấy có lợi cho mình và người khác".
Ðây là một thái độ rất mới mẻ mà chúng ta có thể tiếp nhận được, mà trong đó mọi người đều thấy rõ quyền tự do suy nghĩ cho chính mình. Một tâm trí có thể được kiểm soát bởi ý chí, một tâm trí không chạy theo ngoại cảnh để đưa đến sự căng thẳng và nhàm chán; ngược lại luôn được tỉnh thức, luôn tự phát triển, luôn tự khám phá, một tâm trí như thế là kho báu lớn nhất của con người. Hai ngàn năm trăm năm trước đây, Ðức Phật đã dạy như thế và cái mà hiện nay con người cần chính là sự yên tĩnh ở tâm hồn, muốn thoát ra mọi sự căng thẳng của mình và nỗ lực chống lại sự nhàm chán, chúng ta đã thấy giải đáp trong Phật giáo: đó là con đường thiền định và buông bỏ. Sự bám víu vào các đối tượng là nguyên nhân gây ra đau khổ vì tất cả mọi thứ là vô thường, luôn luôn thay đổi, không có gì sẽ kéo dài mãi mãi. Vì vậy, nguyên tắc sống đơn giản phải được kết nối với Buông Bỏ - buông bỏ các sở hữu của chúng ta mà một ngày nào đó sẽ bị mất, bị đánh cắp, bị hỏng, lỗi thời, bán hoặc vứt bỏ...
Chúng ta không có gì ngạc nhiên khi thấy trong các quốc gia phát triển khoa học kỹ thuật cao nhất có một nhu cầu gần như cuồng nhiệt là luyện tập đủ các loại thiền định. Sự thật là người ta bắt đầu nhận ra rằng mỗi lúc chiêm nghiệm trong yên tĩnh, mỗi lúc tư duy sâu lắng, mỗi lúc tâm trí vận động có sự kiểm soát đúng, có hướng dẫn đúng, là một điều thiết yếu cho cách sống tốt của con người. Đức Phật dạy rằng nếu ít có lòng cố chấp hay tham đắm, chúng ta có thể sống yên tĩnh giữa đám đông, có thể buông bỏ những ý niệm về sở hữu hay chiếm hữu. Chúng ta thường bám víu vào những người yêu thương, của cải, công việc, các mối liên hệ ràng buộc, quan điểm và ý kiến... Khi giảm thiểu được sự bám víu này, chúng ta tiến gần hơn đến sự giải thoát nội tại, là bản chất của thanh tịnh. Sự thanh tịnh thật sự chỉ có trong tâm ta. Chúng ta đã chứng kiến nhiều người đi từ cảnh nghèo đến giàu sang, nhưng đây là trường hợp của một người đi từ chỗ giàu sang đến chỗ nghèo, cốt để tìm sự yên tĩnh cho tâm trí - điều an lạc lớn nhất của con người. Kết quả chúng ta đã tìm lại được chính mình, hiểu rằng nhược điểm lớn nhất là sự ràng buộc với những sự vật vô thường và đó là đầu mối của mọi rắc rối và khổ đau. Bởi vậy, sống đơn giản là một hạnh đẹp, một hạnh cao cả mà ai cũng tôn trọng.


Không gian trống theo phong cách tối giản


4. Cái đẹp đơn giản

Đẹp không dễ dàng xác định, không thể đo lường hoặc ước tính. Nghệ thuật phản ánh hiện thực, nhưng cái đẹp của hiện thực không mang tính tư tưởng. Trong khi đó, cái đẹp trong nghệ thuật luôn luôn có khuynh hướng tư tưởng, hay nói cách khác cái đẹp trong nghệ thuật chính là cái đẹp của tư tuởng. Khi phản ánh cái đẹp của cuộc sống vào tác phẩm thì nghệ sĩ không hẳn sao chụp lại, mà trước hết xuất phát từ một quá trình hình thành tư tưởng nhất định để lựa chọn, miêu tả, đánh giá, sau đó, nghệ sĩ mới sáng tạo cái đẹp sao cho phù hợp với quan niệm thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ của mình.
Cái đẹp bị chi phối bởi trình độ nhận thức và sự hiểu biết cá nhân, bởi văn hoá, môi trường sống và hoàn cảnh lịch sử. Cái đẹp không thể miễn cưỡng áp đặt từ người này qua người khác, vùng này qua khác, thời này qua thời khác được. Mỹ cảm thường cho là của riêng từng người. Cùng một cảnh trí, một tác phẩm, người này cho là đẹp mà người kia cho là xấu, tùy theo sở thích, thói quen của mỗi người. Như vậy thì quan niệm về cái Đẹp không có chuẩn đích sao?
Đã gọi là đẹp thì phải sáng sủa mà không mập mờ, trọn vẹn mà không khuyết điểm. Cái đẹp của mỹ thuật phải biểu lộ phần tinh hoa trong tâm tính con người. Đẹp là “cảm tình”, không phải là “cảm xúc”. Cảm tình là cái cảm đã nhập vào tính tình, cảm xúc là cái cảm chỉ động đến thân thể. Cái đẹp có thể thuộc vật chất hoặc tinh thần. Một ly nước sạch uống vào ta thấy đã khát, sảng khoái; giọng con nít bi bô tập nói khiến ta thấy ngộ nghĩnh, vui thích; bầu trời đêm lấp lánh những vì sao, cánh đồng thơm ngát hương lúa chín, một định luật vật lý, một hành vi bác ái, một kỷ niệm trong sáng của tuổi thơ… tất cả đều đẹp hết. “Tự nhiên là không có cái tôi, nó rất choáng ngợp, thanh nhã, và trường cửu. Nó hoàn hảo trong kết cấu hình dáng. Nó nhỏ xíu và khổng lồ. Bạn có thể đi xa để đắm mình trong cảnh trí thơ mộng của tự nhiên, hoặc bạn có thể ngắm nhìn nó ở ngay trong sân nhà của bạn" (Gretchen Rubin). “Vẻ đẹp căn bản đó chính là sự thiện lương, cho chính bản thân chúng ta, và cho những người xung quanh ta. Vẻ đẹp đó sẽ làm ấm con tim và lay động tâm hồn” (Lupita Nyong’o).
Trong mỹ thuật cái đơn giản được xem là một yếu tố quan trọng. Từ xưa đến nay hầu hết ai cũng đều cho “nét đẹp là nét đơn giản". Cái đơn giản thoạt nhìn tẻ nhạt, không mấy ấn tượng, chính vì thế mà nó lại có thể kích thích trí tưởng tượng. Ý nghĩa có thể được mở ra hay thêm vào, tạo nên sự biến hoá phong phú nhất, sự triển khai về phía xa xôi nhất. Ý nghĩa không bao giờ bị khép lại, trái lại nó luôn mở ra, sẵn sàng đón nhận cái mới. Vậy nên tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo có thể là tác phẩm thoạt tiên chẳng thu hút ai, nhưng đàng sau vẻ thản nhiên bề ngoài của tác phẩm chúng ta cảm nhận được một vẻ đẹp kín đáo được hình thành hết sức kỳ diệu. Charles Bukowski nói: "Người trí thức nói điều đơn giản theo cách phức tạp. Người nghệ sĩ nói điều phức tạp theo cách đơn giản". Sự đơn giản đem lại cho tác phẩm tính chất phác thực thụ với một vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết và mộc mạc. Chính sự đơn giản và cô đọng giúp tác phẩm thoát ra khỏi mọi ràng buộc và áp lực, người xem thoát khỏi mọi kích thích của cảm giác, những căng thẳng giả tạo và nhất thời. Phẩm chất càng ít bộc lộ thì nó càng được tìm tòi, càng có cơ phát triển, nó đảm bảo cho tác phẩm tính chân thực, sự tự hoàn thiện với khả năng thẩm thấu và lan toả. Nghệ thuật đích thực là thứ nghệ thuật không bao giờ ở nguyên một trạng thái mà nó luôn tiến triển, không ngừng được khám phá, mỗi lúc một tràn ngập.
Tóm lại, cái đẹp phổ quát và vĩnh cửu nằm trong một quá trình chọn lọc, loại trừ, lược bỏ những chi tiết rườm rà, những quá đáng, những lẫn lộn vụng về. Đó là cái đẹp tối giản mà Antoine de Saint-Exupéry cho là "Sự hoàn hảo đạt được không phải khi không có gì khác để thêm vào mà khi không còn gì khác để bỏ ra"

Lê Tấn Tài