Cây phượng còn gọi là phượng vĩ, xoan tây, điệp tây, tiếng Anh là Flamboyant, Royal poinciana, Mohur tree, là một loài cây mọc khoẻ, phát triển nhanh, không kén đất, có hoa, sống ở vùng nhiệt đới, có thể phát triển tốt ở ven biển, đồi núi, đồng bằng, tuy nhiên tuổi thọ không cao, chỉ đạt 40-50 năm tuổi. Hoa phượng có màu đỏ, vàng, tím, và trắng. Mỗi hoa gồm 5 cánh, quả cây phượng có dáng giống bồ kết nhưng kích thước lớn hơn, hình dẹt, trong vỏ có hạt đen cứng và dài, màu nâu sẫm khi chín, lá phức lông chim kép. Thông thường, phượng trổ hoa đỏ rực từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch. Thực tế, ở miền Nam, phượng đỏ nở hoa từ dịp Tết Nguyên đán.

Phượng đỏ thường thấy ở vùng nhiệt đới nhưng gần đây cũng đã nở hoa ở Đà Lạt vào mùa hè, mùa nóng nhất trong năm, góp thêm một sắc màu tươi thắm cho Đà Lạt. Phượng đỏ nở hoa ở Đà Lạt cũng là dấu hiệu cho thấy xứ lạnh đang ngày càng nóng lên.

Phượng vàng có thân, lá, hoa giống như cây phượng đỏ, chỉ khác ở màu hoa vàng tươi. Thời gian trổ hoa của phượng hoa vàng cũng tương tự như cây phượng đỏ. Khi hoa phượng vàng nở rộ, các đóa hoa ken dầy kết thành những chùm sum suê màu vàng tươi trông thật cuốn hút.


Phượng tím ra lá phức bao gồm hai lần lá kép, không giống lá phượng đỏ. Phượng tím có nguồn gốc từ Nam Mỹ, chịu khí hậu mát như Đà Lạt, có cánh tràng hợp lại thành ống dài hẹp, mọc thành chùm với những hoa nhỏ màu lam tím nhạt. Có lẽ với màu tím đầy lãng mạn của phượng tím, thành phố Đà Lạt trở nên mộng mơ hơn.


Phượng trắng trồng ở Đà Lạt, nở hoa vào mùa xuân (từ tháng 1 đến 4), hoa hình ống dài, nở từng chùm màu trắng muốt. Mỗi mùa hoa nở, sắc trắng bao phủ cả một góc phố sương mù. Thoạt nhìn cây phượng đặc biệt này chẳng khác gì loài phượng tím – cả thân, lá và đài hoa, thế nhưng lại nở hoa trắng tinh khôi như màu áo học trò.


Phượng hồng thực ra nó là cây muồng hoa đào, có nguồn gốc ở Đông Nam Á, chủ yếu ở những cánh rừng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, kiểu dáng khá giống cây phượng vĩ, lại nở vào mùa hè nên khi được trồng tại Đà Lạt, người dân “địa phương hóa” bằng cái tên khá thi vị: Phượng hồng. Lá kép, tán lá hình ô rộng, vỏ thân màu xám nâu, cụm hoa lớn, mỗi bông hoa có 5 cánh, màu hồng, giữa các cánh có những vòi nhụy màu vàng ôm lấy bầu hoa.


Nhìn từ xa, cây phượng giống như một cây dù xòe ra màu xanh đốm đỏ. Gốc phượng to sần sùi, rễ cây ngoằn ngoèo bò trên mặt đất. Hoa phượng đỏ bao nhiêu thì lá của nó xanh um bấy nhiêu. Cành đâm ra từ thân cây to. Cuống hoa xanh mơn mởn thon dài, nối liền giữa bông hoa và cành hoa. Người ta không nhìn hoa phượng như là một đóa nở từng chùm mà chỉ nhìn đến cây, đến hàng cây, đến những tán hoa lớn xòe ra làm cả một vùng trời đỏ rực, vừa buồn mà lại vừa vui mới thực là nỗi niềm hoa phượng.
Không biết tự bao giờ, hoa phượng được gọi là hoa học trò. Có lẽ đó là loài hoa gắn với cái tuổi đầy mộng mơ, nhặt những cánh hoa ép vào sách làm “bướm phượng” tặng cho nhau, loài hoa gắn với những kỷ niệm buồn vui, giận hờn vu vơ của một thời cắp sách. Có lẽ vì gắn bó với tuổi thơ và mái trường như vậy nên hoa phượng còn được xem như hoa học trò. Hoa phượng nở đúng tháng năm - tháng của những mùa thi, mùa chia xa....
"Hoa phượng thắm rơi trên trường cũ,
Mùa thương nhớ đến rồi em ơi.
Thương làm sao nhớ thương hoài
Thương người đi bốn phương trời,
Ôi mùa hoa sao buồn thế?" (Mùa hoa thương nhớ - Nhạc Lê Dinh)

Sân trường rồi sẽ vắng bóng những bóng dáng của các học sinh ngây ngô, nhiều cảm xúc. Tạm biệt nhé, tạm biệt những giây phút êm đềm, nhưng ngày hạnh phúc.
"Bây giờ còn nhớ hay không,
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa.
Ngây thơ em rủ anh ra,
Bảo mình nhặt phượng về nhà chơi chung" (Hoa học trò - Thơ Nhất Tuấn)

Cứ tưởng rằng các trò nhỏ vô tư, hồn nhiên ngày xưa chưa lớn kịp… nhưng rồi chẳng còn xa nữa, hoa phượng đã dần nở rộ, ngày tốt nghiệp đã đến, ngày sắp rời trường với những hụt hẫng, tiếc nuối...
"Trên đường vắng ngập tràn hoa phượng đỏ
Em bùi ngùi không nỡ bước, anh ơi!
Những cánh hoa hiu hắt rụng bên trời
Chép trong gió mấy lời hoa vĩnh biệt!" (Hoa phượng - Thơ Nguyễn Vỹ)

Mùa hoa phượng cuối đến vội quá chẳng kịp chia sẻ tâm tình, hạt bụi phấn rơi chưa kịp vương mái tóc thầy bạc, mùa chưa xa đã nhớ, đã làm nhòe nước mắt ai trong những tiết học cuối.
"Còn niên học cuối mai mình chia tay,
Nói gì bạn ơi cho hết buổi nay.
Nhìn hoa phượng rơi nhiều quá!
Sân trường còn người cùng ta,
Tiếc thầm ngày vui chóng qua." (Niên học sau cùng - Nhạc Song Ngọc)

Và còn gì nữa, phải chăng là những dòng lưu bút lưu luyến, bịn rịn, chưa kịp khô vết mực.
"Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
Mỗi lần hè sang kỷ niệm,
Người xưa biết đâu mà tìm!" (Nỗi buồn hoa phượng - Nhạc Thanh Sơn)


Rồi cuốn lưu bút được truyền tay, từ bạn nầy sang bạn khác, trở thành thước phim ghi lại kỷ niệm. Rồi thời gian sau chẳng ai nhớ, và một dịp nào đó vô tình giở cuốn sổ cũ kỹ ra sẽ thấy như được sống lại một thời hoa niên mơ mộng hồn nhiên. Tuổi học trò không đơn giản chỉ là kỷ niệm, mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nơi tạo nhân cách, một hướng đi cho cuộc đời mai sau.

Phượng là hoa học trò, một thời trăn trở, nông nổi, nhưng cũng rất lãng mạn. Phượng vương vấn ngày hè, cũng là ngày chia xa, ngày sắp lìa trường, giông ruỗi vào những con đường gió bụi. Mai sau rồi sẽ ra sao, nhưng những hình ảnh vẫn còn đầy thương nhớ.

Lê Tấn Tài