Hai chữ "Rong Rêu" có gợi lên điều gì khác hơn ngoài một đám rêu xanh bám vào tường, vào thân cây, vào vách đá…? Thật ra rong và rêu là hai loài khác nhau, nhưng trong tiếng Việt thường ghép lại để chỉ rêu là một loài hạ đẳng trong thế giới sinh vật.
Rêu là lớp phủ bên ngoài một vật thể, có màu xanh rất đẹp. Rêu có thể bị chà đạp, khô héo đến tàn dần, nhưng không dễ bị tiêu diệt, mất lớp này, còn lớp khác, dù khô héo cỡ nào khi đủ điều kiện, có hơi nước là xanh rực trở lại.
Thấy lớp tường phủ đầy rong rêu là thấy cổ xưa, với những ngày tháng cũ lãng quên, phai mờ trong kỹ niệm. Ca khúc "Rong Rêu" mở đầu cho tâm trạng đơn lẻ, với giai điệu chậm buồn, lời hát mênh mang lơ lửng như mây ngàn. Thà là rong rêu, thà là chim bay, thà là mây trôi…Vì rong rêu còn có biển để lênh đênh bầu bạn, chim bay còn núi cũ để tìm về, mây trôi còn có bầu trời để kể nhau nghe chuyện mưa nguồn chớp biển. “Lang thang một mình giữa cuộc đời mà vui”…Phận rong rêu là phận nhỏ nhoi giữa chốn bụi hồng, phận củi mục long đong, chỉ biết làm đẹp cho đời, nghe sao mà buồn dịu vợi.
(Thà là rong rêu, lênh đênh trên biển.
Thà là chim bay vui theo tháng ngày.
Thà là mây trôi mênh mang giữa bầu trời.
Lang thang giữa cuộc đời mà vui.
Nguyễn Tâm)



Cây Rêu có tên khoa học là Bryophyte, là một trong những loài hoang dại, có rất nhiều chủng loại và màu sắc đa dạng khác nhau từ màu xanh đậm cho đến ngả vàng, thế nhưng đối với cây cảnh lại là một loài cây có giá trị giúp các loại cây kiểng, cây bonsai, thêm vẻ hấp dẫn, cổ kính...Rêu thuộc loại cây thân thảo, mọc lan, chúng thường mọc ở những nơi ẩm ướt, có bóng râm, nơi thác nước chảy khi nông, khi cạn, trên những thân cây mục như dạng một một loài ký sinh, rêu ngoài những tác dụng hữu ích cho môi trường còn tạo nên sắc màu cho thiên nhiên.
Nếu như sự tồn tại của rêu thường bị quên lãng, trong cuốn sách "Rêu người bạn thân thiết của tôi" Fujii viết: "Như một kho báu lặng lẽ đến từ một thời đại khác, rêu dường như có ở khắp mọi nơi cùng một lúc. Nó đã bao phủ toàn bộ cây cối, những tảng đá và thậm chí cả mặt đất, gói cả khu rừng dưới lớp lông màu xanh lục..."
Rêu không làm mất đi dinh dưỡng hay khiến cho sinh lý của cây bị xáo trộn mà còn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ ẩm cho đất, rất dễ trồng, có thể cấy rêu vào chậu bonsai hay tiểu cảnh bằng cách gom rêu thành từng lớp rồi áp chúng lên trên bề mặt của chậu cảnh. Hoặc phơi khô rêu dưới trời nắng nhẹ rồi vãi chúng ra khắp bề mặt chậu cảnh. Hoặc bóp vụn hòa chúng với nước và tưới xung quanh cây. Để cấy rêu mềm hút nước lên đá, gom rêu mọc trên những viên gạch ẩm hoặc trên bồn hoa, tiếp đó nghiền nhỏ rêu, rồi trộn thêm nước để tạo thành dung dịch hồ dính. Sau đó, dùng bàn chải hoặc bông rồi xoa đều lên trên những viên đá đã được hút nước và đặt chúng ở nơi ẩm ướt, thoáng mát. Trong nghệ thuật bonsai, nếu lớp rêu quá dày sẽ che lấp hoa văn trên đá và làm giảm giá trị của chậu bonsai, nên thường xuyên cạo bớt rêu ở những nơi không cần thiết. Những chậu cây có mật độ rêu dày thưa kết hợp hài hòa, trông đẹp hơn, sinh động hơn.


Trong nghệ thuật vẽ tranh tường (graffiti), nay nghệ sĩ dùng graffiti rêu hay còn gọi là graffiti sinh thái hoặc graffiti xanh thay thế các loại sơn xịt, bút lông hoặc các loại hóa chất độc hại bằng lớp "sơn" rêu có thể tự sinh trưởng. Ngoài ra, việc này còn được xem như là một hình thức tạo mảng xanh công cộng.
Hiện nay nghệ thuật Kokedama hay còn gọi là "Ngọc Rêu" khá phổ biến. Đây là xu hướng mới nhất trong ngành trang trí nội thất. Kokedama, trong tiếng Nhật có nghĩa là “quả bóng rêu” hay còn gọi là không gian xanh thu nhỏ hình cầu, cũng còn gọi là “bonsai giành cho người nghèo” vì xung quanh nó được bao quanh bởi hỗn hợp đất với than bùn.


Những quả cầu rêu nhỏ này là một truyền thống lâu đời của nghệ thuật làm vườn Nhật Bản, thường được trưng bày cạnh cây Bonsai, cũng như Ikebana (nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản). Một quả cầu rêu Kokedama có thể được tạo ra bởi nhiều loài thực vật. Bằng cách bọc phủ quả bóng đất bằng một lớp bùn, phủ rêu, hình dạng tròn. Thành phần đất gồm Adakama, Keto (một loại đất sét rất dính của Nhật Bản), than bùn (Spagnum) và Nước, có thể sử dụng đất bầu (potting soil) nếu không có Keto. Cây theo kiểu Koekdama có thể được trưng bày trên khay nông, đĩa, đồ gỗ, đồ gốm hoặc treo, thêm chút nghệ thuật điêu khắc để ấn tượng hơn. Cách trồng cây này rất tiện lợi cho những căn nhà không có nhiều không gian vườn và có thể dễ dàng mang cảm giác ngoài trời vào nhà.
Loại hình trồng cây nghệ thuật này không chỉ phát triển mạnh ở Nhật Bản mà còn phát triển trên khắp thế giới. Vì thế Kokedama buộc các nhà thiết kế phải suy nghĩ cách trang trí sáng tạo có thể ở bên trong một cái hộp, hoặc có thể là một chiếc chậu.

Nếu không có rêu, đời sẽ bớt đi vẻ đẹp. Không có rêu, không biết nơi nào là chốn cổ xưa… Và cũng nên nhớ rêu là loài đầu tiên xâm chiếm khu vực, mở đường cho động thực vật phát triển. Hình ảnh những cây rêu bé nhỏ vươn mình lên với một sức sống mãnh liệt và kiên cường có thể sống tốt ở các bề mặt khác nhau như: trên mặt đá, đất, cành cây …đã ăn sâu vào tinh thần người Nhật Bản. Rêu luôn sống ở những nơi có điều kiện khắc nghiệt song chúng vẫn luôn sinh sôi, nảy nở. Người ta quý trọng rêu cũng là vì thế! Tặng một chậu cây có rêu xanh cũng không nằm ngoài những ý nghĩa tốt đẹp này.

Lê Tấn Tài

Trồng cây kiểu Koekdama