Âm nhạc hiện diện ở con người trong mọi hoàn cảnh cũng như mọi cảm xúc thường ngày và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu. Trong phạm vi tôn giáo, âm nhạc cũng được coi như một phương tiện cần thiết để giúp con người dễ dàng đến gần với đời sống tâm linh, tùy theo tôn giáo hay phương pháp tu hành mà con người hướng tới.
Đối với Thiên Chúa Giáo, niềm tin gắn liền với sự ca hát. Người tin Chúa ca hát để ngợi khen Đức Chúa Trời, để bày tỏ đức tin của mình, để bộc lộ sự vui mừng khi được ở trong ân sủng của Chúa, để có thêm sức mạnh trong những nghịch cảnh, để khích lệ nhau trong hành trình cuộc sống. Thánh ca là một thể loại ca khúc tôn giáo được sáng tác cho mục đích tôn vinh, chúc tụng hay nguyện cầu, hướng về thần linh.


Thánh ca


Đối với Phật giáo, Đức Phật thường khuyên đệ tử không nên say đắm vào âm nhạc vì nó có thể khiến con người sầu khổ, bi lụy. Bằng chứng có nhiều bài hát càng nghe càng buồn, có bài kích động bạo lực và ngôn từ buông thả. Nhưng ngày nay việc dâng cúng âm nhạc có thể được xem là loại dâng cúng tốt. Hơn nữa âm nhạc Phật giáo chủ yếu phổ nhạc cho kinh, kệ và thơ thiền. Vậy thì đâu có gì phải cấm, nhiều khi nó lại giúp người nghe chuyển hóa khổ đau, chấp nhận tu tập và thấy rõ con đường mình phải đi.
Khổng Tử nói "Nhạc giả thiên địa chi hoà dã". Nhạc là sự hoà hợp của trời đất âm dương. Âm thanh êm ái, du dương và cử chỉ thanh cao tốt đẹp là hai phương tiện giúp vào việc giáo hoá con người trở về với đạo đức.
Nét đặc thù của âm nhạc Phật giáo là không đưa ra điệu nhạc nào để bắt buộc, mà tuỳ theo trường hợp địa phương, ngôn ngữ mà tùy duyên, có nghĩa là kệ văn thì không khác mà điệu tiết thì chuyển biến. Vì thế, các nhà nghiên cứu âm nhạc Phật giáo Đông phương cho rằng âm nhạc trong Phật giáo Đông phương có nhiều chất thơ.
Một xu hướng khác của việc canh tân âm nhạc Phật giáo là sự kết hợp nhạc Tây phương và nhạc truyền thống bản địa để tạo ra một loại nhạc mới, chuyển những bài kinh, kệ và chú thành những bản nhạc để dễ dàng phổ biến vào quần chúng hơn. Xu hướng này rất phổ biến ở Đài Loan, người tiên phong là Hòa thượng Tinh Vân. Ở Tây Tạng, một số bài chú cũng được “phổ nhạc” theo dạng này. Vào năm 2003, một “ban nhạc” gồm các nhà sư đã giành được giải Grammy dành cho thể loại nhạc truyền thống thông qua việc đọc chú dựa trên một dàn nhạc gồm sáo, ghi ta, bộ gõ và các pháp khí của Tây Tạng.


Tụng chú Phật Giáo "Om Mani Padme Hum"


Trong phạm vi bài nầy, chúng tôi không viết về nhạc thiền, nhạc Phật giáo, hay các kinh kệ được ngâm nga theo giai điệu, mà chỉ tìm hiểu thiền tính trong âm nhạc nói chung không phân biệt một thể loại nhạc nào.
Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt tình cảm, xúc cảm của con người. Nó được chia ra hai thể loại chính: thanh nhạc và khí nhạc. Thanh nhạc là âm nhạc dựa trên lời hát thể hiện rõ ý tưởng và tình cảm. Còn khí nhạc là âm nhạc dựa trên âm thanh thuần tuý của các nhạc cụ, nên trừu tượng, gây cảm giác và sự liên tưởng.
Thông thường khi nghĩ đến thiền chúng ta nghĩ đến việc dùng sự tĩnh lặng để tĩnh tâm... Để đạt đến sự định tâm đó mỗi tông phái sử dụng các phương thức khác nhau. Thiền Tông dùng sự tĩnh tọa, còn các tông phái khác như Tịnh Độ Tông, Mật Tông... có khi dùng màu sắc, có khi dùng âm thanh làm phương thức hành trì. Người nghe dùng trực giác của mình để cảm nhận giáo pháp qua phương tiện âm nhạc vì ngôn ngữ thế gian không đủ khả năng chuyển tải nội dung thâm diệu của Phật Pháp.
Thiền sư Patriji (Ấn Độ) thường chơi sáo trong các buổi thiền định và cũng đã thường xuyên ca hát một ít ... để tạo điều kiện cho việc thiền sâu. Ông nói:
"Trước khi tôi tu tập thiền định, tôi tin rằng âm nhạc chỉ mang ý nghĩa âm nhạc. Tuy nhiên, bây giờ, khi nhìn lại, tôi thấy âm nhạc - trong trường hợp cụ thể của tôi - luôn luôn có ý nghĩa tạo riêng cho thiền định và tôi rất vui mừng về điều đó."
Âm nhạc được tạo bởi những đơn âm và hợp âm cho dù chúng có được kết hợp lại với nhau hay không, nhưng chúng ta vẫn nghe thấy trong một khoảng không im lặng. Những khoảng im lặng cũng quan trọng không kém những âm thanh khác. Hãy đến với âm nhạc bằng chính tâm thức của mình, vì nó đánh thức con người ra khỏi thực tế đời sống phồn tạp, không chỉ đơn giản là vũ điệu, âm thanh, ánh sáng...Dù cố gắng bao nhiêu, nhưng ở bước cuối cùng nếu chúng ta không hoàn thành thì xem như chẳng có gì đạt được.
"Không một nhạc phẩm nào được hoàn tất, nếu chỉ viết một vài nốt nhạc.
 Không một nhạc phẩm nào được hoàn tất, nếu chỉ nghe một vài nốt nhạc.
 Không một nhạc phẩm nào được hoàn tất, nếu chỉ chơi một vài nốt nhạc."
(John Cage)
Thiền, xét như một triết lý tôn giáo và tâm linh, dường như thích hợp vô cùng với thế giới nghệ thuật Tây phương. Sức mạnh của Thiền tăng cường cho vài cái nhìn sâu vào bản chất của nghệ thuật và của hoạt động sáng tạo vốn dĩ không xa lạ trong lịch sử nghệ thuật Tây phương. Nghệ sĩ "sáng tạo nên hình và tiếng từ cái không hình và không tiếng", về phương diện này, Suzuki nói, thế giới của nghệ sĩ trùng hợp với thế giới của Thiền. Nhưng làm sao nhạc sĩ sáng tạo âm thanh mà ‘không bị cản trở bởi giác quan và trí năng’? Nghệ sĩ, khác với Thiền giả, phải dùng cảm tính cụ thể bằng giác quan của mình. Thiền không cần đến ‘ngoại giới’, còn nghệ thuật là một tiến trình ngoại giới hóa, hay vật thể hóa. Một bên, Thiền giả có thể coi tâm ý là không, giống như một đàn nhạn đang bay in bóng trên mặt nước, nhạn bay rồi chỉ còn khoảng không (đó là ý), nước cũng không còn lưu bóng nhạn (đó là tâm). Bên kia, nghệ sĩ phải mượn sự diễn đạt của chất liệu để nói lên những trực giác của mình, mà điều này chỉ có thể thực hiện thông qua các giác quan.
Có nhiều định nghĩa về cảm nhận, khác nhau theo mức độ tinh vi và phức tạp, nhưng tựu chung đều là sự đồng nhất hóa tâm (tinh thần) và vật (hình thể). Tâm tùy thuận vật (khi chúng ta dự cảm tác phẩm nghệ thuật trong tính cụ thể của nó) và vật tùy thuận tâm (khi người nghệ sĩ nhào nặn hình thể cho tới lúc nhận được một cách chính xác dấu ấn của tinh thần). Trong triết lý Thiền, điều này được gọi là "nhịp hòa điệu của tâm", ngụ ý muốn nói tâm tự đồng hóa một cách vô thức với sự phát triển hữu cơ và hình thể bên ngoài.
Sự phân biệt giữa tình cảm (sự rung cảm của con người đối với sự vật) và xúc cảm (khả năng đồng cảm của con người với sự vật) không được định hình một cách rõ ràng và đương nhiên chưa có ranh giới nào cụ thể, nhưng người ta có khuynh hướng xem tình cảm là một chức năng tâm lý căn bản, trong khi xúc cảm nhìn chung là một hoạt động tinh thần toàn diện.
Như vậy, có vẻ như khái niệm nghệ thuật của Thiền gần gũi với xúc cảm hơn tình cảm, và khi Jung xác quyết thêm rằng xúc cảm bắt nguồn từ một vài mẫu hình thức (mà ông đặt tên là archetypes: những ý tượng nguyên thủy hay nguyên tượng) có tính tập thể, phổ quát và rất nhạy cảm làm phát sinh một biến dạng ý thức mà Janet gọi là "hạ thấp bình diện tâm lý" (lowering of the mental level), và các thiền sư Nhật Bản gọi là Satori (Ngộ).
Thế giới của âm nhạc là thế giới của sáng tạo phiêu bồng và điều này chỉ có thể đến từ trực giác, trổi dậy một cách trực tiếp ngay tức thì từ tự thân của vạn hữu, không lệ thuộc vào trí năng hay giác quan. Nghệ sĩ là người có thể biến trực giác của mình thành sự diễn đạt hữu hình và khả kiến, và nghệ sĩ làm điều này không phải bằng cách mô phỏng thô thiển hình thức bên ngoài mà bằng sự tự đồng nhất với những trạng thái của thiên nhiên và với mạch chuyển động nhịp nhàng vốn mang đến cho chúng ý nghĩa sinh động.
Âm nhạc có ảnh hưởng đến đời sống con người. Xưa kia, thời Hán Sở tranh hùng, Trương Lương đã dùng tiêu để thổi một khúc nhạc dưới ánh trăng bạc, khiến hàng vạn quân Sở do Hạng Vũ chỉ huy bỏ trốn và đầu hàng Hàn Tín. Các nghiên cứu cho biết, âm nhạc, đặc biệt là nhạc giao hưởng có tác dụng tốt, kích thích sự phát triển trí não. Do đó người ta khuyên cho trẻ nghe nhạc để phát triển trí tuệ của chúng. Chỉ trong giây lát, âm nhạc có thể làm cho con người chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, ví dụ như vui, buồn, phấn chấn... Người ta cũng cho rằng âm nhạc làm dịu tâm thần. Một liệu pháp chữa bệnh được áp dụng kết hợp cho các bệnh nhân tâm thần là dùng âm nhạc làm giảm các cơn phấn khích, đưa người bệnh vào trạng thái buồn ngủ.
Âm nhạc giúp con người giải tỏa phiền muộn, quên đi niềm đau và hướng tới hạnh phúc. Khi vui âm nhạc góp phần làm cho tinh thần vui thêm, khi buồn âm nhạc xoa dịu nỗi đau. Từ nhỏ cho đến lớn, xung quanh chúng ta luôn có âm nhạc, lúc cấy lúa có bài hát "đi cấy, lúc đi học có bài hát "đến trường" ... Do đó âm nhạc là chất xúc tác nhiều thiền vị không thể thiếu trong đời sống con người.

Xin giới thiệu độc giả một vài thể loại nhạc bàng bạc phong cách thiền với những âm thanh sâu lắng xoáy vào tâm thức con người. Các dòng nhạc nầy làm cho những người trẻ tuổi cảm thấy thoải mái, dễ chịu, xoa dịu những kích động của tuổi mới lớn. Với người lớn tuổi thì đây là một thế giới âm nhạc của riêng họ. Nơi họ có thể trầm tư, suy tưởng, cảm xúc êm dịu , thư giản.

* Nhạc nhà thờ với dàn đại phong cầm (Pipe Organ). Đại phong cầm tuy có phím bấm nhưng không thuộc bộ gõ. Khi người chơi nhấn phím, loại nhạc cụ này tạo ra âm thanh bằng cách đẩy khí qua các ống kim loại to nhỏ tùy theo kích cỡ tương ứng với từng nốt. Đàn có 88 phím đàn, đại phong cầm có thể có tới 7 bàn phím. Đại phong cầm là một trong những nhạc cụ cổ nhất của châu Âu cho đến nay, nơi thường vang lên tiếng đại phong cầm hẳn nhiên là các nhà thờ và thánh đường của Thiên Chúa Giáo.



* Dân ca và cây phong cầm (Accordeon). Dân ca của mỗi nước, mỗi dân tộc hay mỗi miền đều có âm điệu, phong cách riêng biệt. Sự khác nhau này tuỳ thuộc vào môi trường sống, hoàn cảnh địa lý và đặc biệt là ngôn ngữ. Nhiều bài dân ca đã đạt đến trình độ nghệ thuật cao và có sức hấp dẫn, truyền cảm mạnh mẽ, được phổ biến sâu rộng. Ở Âu Châu dân ca thường được biểu diễn với cây phong cầm xuất xứ từ Hà Lan. Hiện nay, nó được xếp vào loại "đàn cổ", nhưng cây đàn "bình dân" này, lại rất gần gũi với đại chúng, nhất là ở nước Nga, được sử dụng trong các lễ hội, đặc biệt lễ hội đường phố.



* Nhạc giao hưởng (Symphony) là thể loại nhạc soạn cho cả một dàn nhạc hòa tấu với qui mô lớn, tận dụng sự phong phú đa dạng về hòa thanh, âm sắc, độ vang của nhiều nhạc cụ. Giao hưởng thường gồm 4 tốc độ tạo thành bốn chương tương phản nhưng vẫn có sự gắn bó hữu cơ với nhau.



* Nhạc hòa tấu là nhạc không có lời hát chỉ là âm thanh của những loại nhạc cụ, được phối lại một cách hợp lý theo một tông nào đó.



* Hợp xướng (Choir) là một loại hình nghệ thuật được trình diễn bằng giọng hát (thanh nhạc) gồm nhiều bè, nhiều giọng . Hát hợp xướng là một loại hình diễn tấu tập thể, một nghệ thuật có khả năng liên kết, thống nhất, tình cảm, ý chí và tư tưởng của con người qua một tác phẩm âm nhạc. Với đặc điểm là giọng hát và lời ca, khác với các loại hình khí nhạc, hợp xướng có điều kiện dễ phổ cập và gần gũi với quần chúng.



* Nhạc đồng quê (Country music) là một thể loại nhạc pha trộn nhạc truyền thống phổ biến ở Mỹ và Canada. Nguồn gốc của nhạc đồng quê hiện nay là nhạc dân ca truyền thống của người da trắng, nhạc của người Celt, nhạc blues, nhạc Phúc âm và nhiều nhạc cổ khác.