Có những bản nhạc đặc biệt, với những giai điệu sâu lắng, phù hợp với tiếng lòng đêm khuya, khi những tất bật, náo nhiệt của một ngày qua đi. Đêm về khi chúng ta lắng đọng và trở về chính mình, trong giấc mơ lãng mạn, những nét đẹp dần được tô điểm và hiện lên trên sự tĩnh lặng của màn đêm huyền ảo. Đó là hơi thở của tình yêu, là tiếng nói của các tâm hồn nghệ sĩ dành tặng cho những trái tim trần tục luôn thổn thức trước những phồn tạp cuộc sống. Những cảm xúc đọng lại thành những viên ngọc lấp lánh trong các nhạc phẩm, tạo nên những cảm giác dịu dàng cho những trái tim thổn thức, yếu đuối .

Có thể nói Dạ khúc (Nocturne) của Chopin, là những âm thanh nâng đỡ cho những trái tim đang chơi vơi, hụt hẫng trong cô đơn sầu muộn. Nocturne thường được định nghĩa là khúc nhạc đêm mượt mềm như một giấc mơ, như những vầng thơ lưu luyến, xuất hiện khoảng thế kỷ 17, thường được viết cho độc tấu piano, rất biểu cảm và trữ tình, đôi khi hơi…bi thiết. Fryderyk Franciszek Chopin là nhạc sĩ sáng tác rất nhiều Nocturne (21 bài), đó là những sáng tác nổi bật nhất của ông và cũng là những tác phẩm nổi tiếng nhất của thế loại dạ khúc. Hình thức chung của những bản dạ khúc này là một phần phát triển kịch tính được xen giữa những giai điệu mở đầu và kết thúc.
Chopin sáng tác Nocturne năm 1830 và được công bố năm 1870, là một trong những Nocturne hay nhất của ông, nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ dương cầm vĩ đại Franz Liszt từng viết: “Chỉ duy nhất một thiên tài như Chopin mới đem lại cho thể loại dạ khúc tính chất nhạy cảm tinh tế và tình yêu mãnh liệt nồng cháy đến thế. Các Nocturne thơ mộng của Chopin không chỉ hát lên những bài ca du dương lòng người với những hoài niệm thanh cao dịu ngọt, mà còn lay động đến tâm trí con người những nỗi day dứt hoang mang đến ngộp thở.”
Chopin sinh ngày 1/3/1810 có cha là người Pháp và mẹ là người Ba Lan. Tài năng âm nhạc của Chopin phát triển rất sớm, nổi tiếng thần đồng. Mới 7 tuổi đã trình diễn trước công chúng, sáng tác nhạc. Ngay trong thời gian theo học tại trường Chopin đã có những tác phẩm tầm cỡ. Từ 1831 ông qua Paris và sống ở đó cho đến khi mất do bệnh năm 1849 lúc chỉ mới 39 tuổi. Ông để lại cho đời một khối lượng tác phẩm vĩ đại kinh điển và đồ sộ.


Nocturne in E-flat major, Op. 9, No. 2 do Valentina Lisitsa trình diễn.


Nói đến những cung bậc tiếng lòng đêm khuya, chúng ta không thể không nhắc đến sự ra đời của bản Sonate Moon Light (Ánh Trăng). Sonate là một cơ cấu nhạc dành cho một nhạc cụ độc tấu (thường là đàn phím) hoặc có khi là hai nhạc cụ cùng chơi (violon và piano chẳng hạn), trong đó chứa đựng nhiều chủ đề, nhiều hình tượng âm nhạc tương phản. Chỉ với 3 chương nhưng âm hưởng của bản Sonate Ánh Trăng đã diễn tả được hết những chuyển biến mãnh liệt trong các cung bậc tình cảm của con người. Là một câu chuyện có thể khiến người ta hiểu được trọn vẹn thế nào là “cảm hứng sáng tác” của một thiên tài âm nhạc. Đó là những cảm xúc bỗng nhiên tràn ngập trong tim, những điều thôi thúc bức bách muốn bật ra khỏi lồng ngực, không thể giữ lại thêm vì đã quá tràn đầy, để rồi cuối cùng bật ra, lưu lại âm thanh trên những khuông nhạc và phím đàn, để kể lại, không cần lời ca, về cả một cuộc đời, về ánh trăng, về màn đêm, về sóng trên dòng sông, về những đôi tình nhân bên bờ sông, về những xúc cảm trong trái tim, và muôn vàn điều kỳ diệu khác nữa trong cuộc sống…Đó chính là điều kỳ diệu của âm nhạc cổ điển mà người ta vẫn hay gọi là âm nhạc “hàn lâm”. Nếu cho rằng nhạc cổ điển Tây phương khó nghe, vì quá cao xa, quá dài, nhiều âm bậc khi lớn khi nhỏ, khi êm đềm lúc lại “ầm ĩ”. Song, nếu chúng ta hình dung cả một cuộc đời và một trái tim một con người, cũng có lúc ngọt ngào êm đềm, có lúc sóng gió dữ dội, có tuyệt đỉnh hạnh phúc nhưng cũng có tận cùng đắng cay, thì sẽ hiểu được âm nhạc cổ điển tại sao dài thế, tại sao các cung bậc lại thay đổi nhiều đến thế…. Nếu như âm nhạc hiện đại đa phần chỉ mô tả được một vài cung bậc cảm xúc, lại còn cần lời hát để thể hiện ý tứ, thì âm nhạc cổ điển là cả một câu chuyện dài tràn ngập cảm xúc, một ngôn ngữ không cần đến lời, một sự trau chuốt đầy công phu và mỹ lệ…
Ludwig van Beethoven (17/12/1770 – 26/3/1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Vienna, Áo. Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn, có thể được coi là người dọn đường cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, và khán giả về sau.
Bản Sonate viết cho đàn dương cầm số 14 op. 27 No. 2 ở cung Đô thăng thứ của Beethoven cũng được gọi là bản Sonate Ánh trăng (tiếng Anh: Moonlight sonate, tiếng Đức: Mondscheinsonate). Beethoven đã đặt tên cho nó là "Sonata quasi una Fantasia", có nghĩa là một bản sonate gần như là ngẫu hứng…
Bản Sonate có phần cuối cùng (chương 3) đặc biệt ít thấy ở các bản Sonate khác, rất khó sáng tác, và đây cũng là một bản Sonate có kiểu nhịp độ và định thể không chính thống (vào thời điểm bấy giờ các bản Sonate thường bắt đầu với tiết điệu nhanh). Nhưng bản Sonate Ánh Trăng lại bắt đầu với thể Adagio, phần giữa với Allegretto, phần cuối cùng cực kỳ nhanh.
Chương 1: Adagio sostenuto (cung Đô thăng thứ): Nhẹ nhàng, tình cảm
Chương 2: Allegretto (cung Rê giáng trưởng): Vui tươi
Chương 3: Presto agitato (cung Đô thăng thứ): Nồng nhiệt, mạnh mẽ như bão tố.
Và những nốt nhạc cứ ào ạt dâng lên theo cảm xúc mãnh liệt của nhà soạn nhạc thiên tài, lúc nhẹ nhàng hiền dịu như ánh trăng, lúc lại mạnh mẽ mênh mang như sóng Danube – những nốt nhạc và ánh trăng như hòa quyện vào với nhau như đưa con người đến một thế giới cổ tích huyền ảo – ở nơi ấy, không còn những lo toan thường nhật của cuộc sống lao động, nghèo khó vất vả, không còn những bất công, đau khổ – mà là một thế giới của tình yêu, lòng nhân ái, sự cao thượng – một thế giới thánh thiện thuần mỹ, thuần chính và cao thượng, mà từ thuở hồng hoang cho đến bây giờ, con người vẫn không ngừng khao khát vươn tới.
Mời các bạn đắm mình vào những âm điệu sóng sánh của Sonate Ánh Trăng qua tiếng đàn và đôi bàn tay kỳ ảo của nghệ sỹ dương cầm bậc thầy Valentina Lisitsa.


Valentina Lisitsa - Moonlight Sonata Op.27 No.2 Mov.1,2,3.
I. Adagio sostenuto / II. Allegretto (6:00) / III. Presto agitato (8:05)



Bên cạnh Moonlight Sonate của Beethoven còn có một tác phẩm piano solo về trăng rất nổi tiếng và cũng được ưa chuộng trên khắp thế giới là bản Clair de lune (Ánh trăng) của nhạc sĩ cận đại Pháp Claude Debussy (1862-1918), người nhạc sĩ tiên phong của trường phái âm nhạc ấn tượng cuối thế kỷ 19.
Trong tác phẩm Clair de lune, một bầu không khí huyền ảo được vẽ ra bằng những nốt nhạc phảng phất. Như thể có đôi cánh chim chấp chới trong một luồng không khí hòa trộn những ấn tượng lạc điệu. Nhân vật chính ở đây không phải là những người tham gia lễ hội mà là ánh sáng - thứ luôn là nhân vật chính trong tác phẩm của những nghệ sĩ trường phái Ấn tượng. Trong nhạc phẩm của Debussy có đến hai thứ ánh sáng: ánh sáng ngoại cảnh là ánh trăng mờ mờ ẩn hiện qua làn sương mù bảng lảng, ánh sáng nội tâm quan trọng hơn nhưng vẫn chịu tác động mạnh mẽ của ánh sáng ngoại cảnh.
Achille-Claude Debussy (22/8/1862 – 25/3/1918) là một nhà soạn nhạc người Pháp nổi tiếng. Cùng với Maurice Ravel, ông được coi như nhà sáng tác nổi bật nhất trong trường phái âm nhạc ấn tượng. Ông là tên tuổi lớn trong nền âm nhạc châu Âu vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ông đã để lại nhiều tác phẩm kinh điển cho âm nhạc Pháp thời kỳ này, chủ yếu là các bản giao hưởng, nhạc thính phòng và các bản solo piano.
Clair de lune cung Re giáng trưởng, mở đầu với tiết tấu chậm rãi, chỉ có bè hòa âm rất mỏng gắn vào những bước giai điệu man mác êm đềm tựa như vầng trăng thanh khiết đang từ từ lộ ra trên nền trời chiều êm ả, và sáng dần lên khi bóng đêm bắt đầu lan tỏa. Đoạn tiếp theo, chúng ta nghe nhịp độ của nền hòa âm tăng nhanh dưới bước đi sáng dần lên của giai điệu tựa như ánh trăng đang lóng lánh muôn ngàn mảnh, vỡ ra trên sóng nước lung linh khi trăng đang dần lên cao trên bầu trời đêm. Ở đoạn cuối giai điệu chậm lại dần trên nền hòa âm cũng thưa thớt dần, tựa như đêm đã gần tàn và trăng cũng gần phai, ta nghe như có hơi gió êm đềm lan tỏa trong ánh trăng nhạt dần khi đêm bắt đầu về sáng.


Clair de lune do Khatia Buniatishvili độc tấu dương cầm.


Giống như Nocturne, Serenade thường được định nghĩa là khúc nhạc đêm, là một thể loại ca khúc để hát vào buổi tối, đặc biệt cho giọng nữ. Ở phương Tây thể loại ca khúc này gọi là "Serenade" và nó rất được nhiều nhạc sĩ ưa chuộng, sáng tác... cho nên Dạ khúc không chỉ riêng một tác phẩm riêng biệt của một nhạc sĩ nào cả. Nhiều nhạc sĩ đã sáng tác trên chủ đề này, nhưng có lẽ được biết đến và ưa chuộng nhiều nhất (cho mãi đến ngày hôm nay) vẫn là Serenade của nhạc sĩ thiên tài Schubert.
Franz Peter Schubert (31/1/1797 - 19/11/1828) là một nhà soạn nhạc người Áo. Ông đã sáng tác 600 Lieder (tiếng Đức có nghĩa là bài hát), chín bản giao hưởng trong đó có bản giao hưởng nổi tiếng "Unfinished Symphony" cùng các thể loại nhạc nghi lễ, nhạc thính phòng và solo piano. Ông được biết đến với các nhạc phẩm có giai điệu nhẹ nhàng và du dương. Schubert mất sớm, năm 31 tuổi, do hậu quả của bệnh thương hàn là thứ bệnh không chữa được thời đó. Vài thập kỷ sau khi Schubert qua đời, các tác phẩm của ông mới khẳng định được tên tuổi của mình, một phần nhờ công lao phổ biến của các nhạc sĩ cùng thời như Franz Liszt, Robert Schumann, Felix Mendelssohn. Một trong những bản Serenade phổ biến, được biết đến nhiều nhất là bản Serenade của Franz Schubert, viết vào năm 1826. Bản Dạ khúc nầy còn được gọi là Khúc Nhạc Chiều (tiếng Đức: Ständchen) được viết lời bởi Ludwig Rellstab. Bản này có số thứ tự 4, nằm trong quyển 1 của tập Schwanengesang (Bài ca thiên nga). Đây là tuyển tập bài hát được sưu tầm sau khi tác giả Schubert qua đời, trong danh sách tác phẩm của nhà soạn nhạc nó có số thứ tự D 957. Nguyên bản của bài nhạc này được viết trên bè hai, với giọng nam hợp xướng, sau đó được sắp xếp lại dành riêng cho giọng nữ. Franz Liszt là người sau này đã chuyển thể các tác phẩm trong tập Schwanengesang cho độc tấu piano.
Theo Von Hellborn, người viết tiểu sử cho Schubert, bản nhạc này ra đời vào một Chủ nhật năm 1826. Khi ấy, Schubert cùng một vài người bạn từ Potzleinsdorf trở về thành phố. Đi qua Wahring, ông thấy bạn mình là Tieze đang ngồi bên chiếc bàn trong khu vườn của Zum Biersack. Trước mặt Tieze là một cuốn sách, và Schubert lật lướt qua nó. Đột nhiên, ông dừng lại, chỉ vào một bài thơ, nói như reo lên: "Một giai điệu tuyệt vời vừa vang lên trong đầu tôi, giá mà tôi có giấy chép nhạc bây giờ". Herr Doppler liền vẽ một vài khuông nhạc trên mặt sau tờ hóa đơn, và trong sự huyên náo của quán ăn ngày Chủ nhật, giữa tiếng dao nĩa, giữa những người bồi bàn hối hả chạy qua lại, Schubert đã viết nên bản Serenade bất hủ của mình. Những lời nỉ non, thổn thức của ca từ quyện với một giai điệu lãng mạn, quyến rũ, bản Dạ Khúc Schubert là một thông điệp tình yêu chuyển tải bẳng âm nhạc tuyệt vời, một bài lied hoàn hảo cho kẻ tỏ tình trong đêm. Hơn thế nữa, nhạc phẩm "Dạ Khúc" còn là một bức tranh toàn bích, sâu lắng... mang dáng dấp hơi thở không chỉ của thời đại ông mà của muôn mọi thời đại. Nhạc sĩ thiên tài đã nói lên tiếng lòng mình trong thời khắc đêm về, ngoài niềm khắc khoải thường tình về tình yêu đôi lứa, còn như thân phận con người nhỏ nhoi đầy bất trắc trước mênh mông vũ trụ. Bài nhạc có giai điệu rất đẹp, trữ tình, lai láng nhưng không trầm mặc, buồn nhưng vẫn phảng phất đâu đó niềm hy vọng và hoài bão hướng thiện (tác dụng bởi việc chuyển cung từ thứ sang trưởng ở đoạn kết). Schubert như nói lên tiếng lòng của muôn người, muôn thế hệ...


"Serenata D 957" do dàn nhạc Orquesta Sinfonica hòa tấu.