Thiền Ngôn 40

Soi gương cuộc đời



Cuộc đời như tấm gương soi, qua đó ta có thể nhận ra chính mình.

Kẻ bi quan thấy đời đáng buồn . Người lạc quan thấy đời sao mà vui thế !

Kẻ trao nụ cười sẽ nhận lại những nụ cười . Ai chỉ than thở sẽ thấy toàn những tiếng thở than.

Kẻ ích kỷ suốt đời lầm lũi cô đơn. Người vị tha có đông đảo bạn bè.

Người dễ thương là người dễ dàng thương người khác và ai muốn thương họ cũng dễ.

Kẻ khó thương là người chẳng muốn thương ai, nên khó có ai có thể thương họ.

Bạn nên thận trọng, cần lắng nghe dư luận phản ảnh về mình nhưng đừng quá lệ thuộc dư luận.

Phải quan tâm đến dư luận vì thường : không có lửa làm sao có khói. Nhưng đừng quên đâu chỉ có gương phẳng mà còn có gương lồi, gương lõm …

“Dư luận vốn thường luận dư”. Điều quan trọng bạn phải tự biết bạn là ai, bạn thế nào, bạn tốt hay xấu và thực chất bạn ra sao.

Gương soi tốt nhất là chính tâm hồn bạn. Hãy soi lòng để biết chính mình : “Tôi đáng khen hay đáng chê”

Nghe lời khen hão rồi lúc nào cũng tự khoe mình, đó là TỰ KIÊU.

Nghe lời chê bai, rồi khép kín không dám bộc lộ hay làm gì cả, đó là TỰ TI.

Nghĩ mình hơn những người chung quanh đến nỗi chẳng coi ai ra gì đó là TỰ TÔN.

Nghĩ mình hoàn chỉnh, không cần phải cố gắng hay phấn đấu chi nữa, đó là TỰ PHỤ.

Làm việc không vì lời khen chê mà chỉ để không thẹn với lòng mình, đó là TỰ TRỌNG.

Người tự trọng ý thức về chính mình : có giới hạn và ưu điểm, có thất bại và thành công, biết rút ra kinh nghiệm từ quá khứ.

Người tự trọng không làm điều xấu, điều ác vì không muốn tự bôi nhọ chính mình

Người tự trọng thực hiện điều tốt vì tiếng gọi sâu thẳm trong lòng luôn hướng về sự thiện.

Người tự trọng soi gương cuộc đời để nhận biết khuyết điểm cần sửa đổi và lý tưởng để hoàn thành.

Con người hay hoặc dở không phải vì bóng trong gương đẹp hay xấu mà do họ suy nghĩ, hành động thế nào.

Làm người, nếu ai đó lợi dụng, chứng tỏ bạn cũng có giá trị.

Có kẻ ganh tị, chứng tỏ bạn đang ”đi trước” họ.

Bị người khác nói xấu, chứng tỏ bạn rất có sức ảnh hưởng.

Đối với con người: Cần nhìn thấu, không cần nói rõ.

Đối với hoàn cảnh: Cần xây dựng, nếu không thể xây dựng, không cần chống đối.

Với tâm trạng: Cần an vui, không cần phiền muộn.

Bất kể bạn chân thành thế nào, khi gặp người lắm hoài nghi, bạn sẽ thành kẻ gian dối.

Dù đơn thuần ra sao, gặp phải người suy nghĩ phức tạp, bạn lập tức trở thành nhân vật có nhiều toan tính.

Bạn vô tư hồn nhiên, người thực dụng sẽ nghĩ đây là đứa ngốc nghếch.

Dù thành thạo, thuần thục đến đâu, gặp phải người không hiểu bạn, bạn cũng chỉ là kẻ vô dụng. Bởi thế ta không cần quá bận lòng đến những bình luận của người đời.

Bạn chỉ cần hoàn thành trách nhiệm bản thân, đối xử chân thành với tất cả, rồi sống cuộc đời có một không hai của chính mình, mọi chuyện tự nó sẽ trở nên tốt đẹp.