Anh hùng


Thời Tam Quốc, Trương Phi cầm quân đánh Ba Thục bắt được lão tướng Nghiêm Nhan. Trương Phi tánh nóng như lửa, vỗ bàn vỗ ghế hò hét ầm ầm, quát tháo rầm rang. Nghiêm Nhan bình tĩnh như không, còn tỉnh bơ nói rằng:
- Chỉ có đoạn đầu tướng quân, chứ không có hàng đầu tướng quân.
Nghiêm Nhan còn nói thêm:
- Muốn giết thì giết chứ làm gì mà giận dữ như vậy.
Trước thái độ đó của Nghiêm Nhan, Trương Phi phải đem lòng kính phục mà thay đổi thái độ. Cuối cùng, Nghiêm Nhan cũng phải đầu hàng, nhưng tư cách của Nghiêm Nhan đã làm cho Trương Phi phải kính trọng, nể phục.
Cũng hồi xưa, cũng thời Tam Quốc, Lữ Bố chiếm Từ Châu, xưng hùng xưng bá một phương. Lữ Bố bị liên quân Tào Tháo dùng kế ngăn sông, đổi dòng nước, bao vây Bạch Đế Thành.
Lữ Bố và toàn thể thuộc hạ bị bắt. Tào Tháo và Lưu Bị ngồi ở lầu Bạch Môn, và quân lính giải Lữ Bố và đám thuộc hạ tới. Lữ Bố, bị trói quỳ dưới đất, kêu lên với Tào Tháo:
- Nếu lấy tài trí của ông, hợp thêm với sức mạnh của tôi, lo gì không lấy được thiên hạ.
Nguyên, Lữ Bố là một dũng tướng vô địch, trước, vốn là con nuôi của Đinh Nguyên, giết Đinh Nguyên, về làm con nuôi của Đổng Trác, sau rồi giết luôn Đổng Trác. Lưu Bị nghe Lữ Bố nói như vậy, vội khuyên Tào Tháo theo kiểu “rung cây nhát khỉ”:
- Tôi đang nghĩ tới Đinh Nguyên và Đổng Trác.
Tào Tháo vội truyền đem Lữ Bố ra thắt cổ. Lữ Bố vật vã kêu trời. Bỗng trong đám thủ hạ của Lữ Bố có người thét vang:
- Thằng thất phu họ Lữ kia, chết thì chết chứ tại sao lại hèn nhát như vậy?
Ai nấy giựt mình nhìn lại, thì ra đó là Trương Liêu tự là Văn Viễn. Trương Liêu lại quay qua mắng Tào Tháo một hồi.
Tào Tháo tức giận bồi hồi rút gươm bước xuống, quyết chém Trương Liêu. Mặt vẫn không đổi sắc, mắt vẫn trợn trừng trừng, Trương Liêu vươn cổ lên chịu chết.
Bỗng, có người nắm tay Tào Tháo kéo lại và có người quỳ trước mặt Tào Tháo mà xin mạng cho Trương Liêu. Nhìn lại ra là Lưu Bị với Quan Công. Tào Tháo buông gươm mà nói rằng:
- Đây là ta muốn thử Trương Văn Viễn mà thôi.
Trương Liêu, sau nầy, trở thành một tướng lãnh quan trọng trong đạo quân Bắc Ngụy.