Bá Nha Tử Kỳ


Bá Nha đời Xuân Thu là một người có tài đàn. Chung Tử Kỳ là người biết thưởng thức âm nhạc.

Một hôm, thuyền đến cửa sông Hán Dương, gặp lúc trăng thu vằng vặc, trời rộng sao thưa, Bá Nha truyền cắm thuyền dưới chân núi để vui với cảnh đẹp hãi hồ. Bá Nha truyền cho đồng tử đốt lư trầm và lấy túi đàn đặt lên trước án. Bá Nha mở tới gấm, nâng cây Dao cầm đặt ngay ngắn rồi thử giây. Hơi trầm quyện gió, réo rắc đưa tiếng đàn vút tận trên không.
Trong lúc đang hứng thú, bỗng tơ đồng đứt mất một dây, Bá Nha thất kinh tự nghĩ : “Dây đàn đứt ắc có người quân tử đang nghe nhạc đâu đây ?” Bèn truyền tả hữu lên bờ xem thử kẻ nào đã nghe đờn mà không ra mặt ?
Tả hữu vâng lịnh vừa toan bước vào bờ, thì từ bên trên có tiếng người nói vọng xuống :
— Xin Đại nhân chớ lấy làm lạ, vì kẻ tiểu dân kiếm củi về muộn, đi ngang qua đây nghe tiếng đàn tuyệt dịu nên chân bước không đành đó thôi.
Bá Nha vừa cười vừa nói :
— Người tiều phu nào mà lại dám nói chuyện nghe đờn trước mặt ta, thật là kẻ cuồng vọng. Nhưng thôi, hãy cho hắn đi !
Từ bên trên lại có tiếng vọng xuống đáp :
— Đại nhân nói như thế là sai ! Đại nhân nghe câu : “Thập thất chi ấp, tất hữu trung tín” đó sao ? (Trong cái ấp mười nhà ắc có người trung tín). Trong nhà có người quân tử ở thì ngoài cửa có người quân tử đến. Vả lại nếu Đại nhân khinh rằng trong chốn núi non quê mùa không có người biết nghe nhạc, thì tiếng đàn tuyệt diệu của Đại nhân cũng không nên gảy lên ở đây làm gì ?
Nghe câu trả lời ấy Bá Nha hơi ngượng, biết mình đã lỡ lời, liền vội vã bước ra trước mũi thuyền hỏi :
— Nếu kẻ trên bờ quả thật là một người biết nghe đờn thì đây ta hỏi thử, vậy chớ ta vừa khảy khúc gì đó ?
Giọng nói trên bờ vẫn bình thản vọng xuống :
— Đó là khúc “Khổng Vọng Vi” than cái chết của Nhan Hồi, nhưng vì bị đứt dây nên mất một câu chót.
Bá Nha nghe xong lòng mình phất phới, vội vã sai kẻ tùy tùng bắc cầu lên bờ để triệu thỉnh người lạ mặt xuống thuyền tâm sự. Rồi như muốn thử tài năng người tiều phu xem thực chất đến đâu, Bá Nha sai đồng tử nhắc ghế mời tiều phu ngồi lại bên mình và hỏi :
— Hiền hữu biết nghe đờn chắc là biết ai chế ra cây Dao cầm, và biết chơi đàn có những thú gì chớ ?
Gã tiều phu mỉm cười đáp :
— Đại nhân đã hỏi đến, chẳng lẽ tiểu dân không nói ra những cái mình biết. Xưa kia vua Phục Hy thấy có năm sắc sao rơi xuống cụm ngô đồng, và chim Phượng Hoàng đến đó đậu, nhà vua biết ngô đồng là thứ gỗ quý, hấp thụ tinh hoa của trời đất, có thể dùng nó chế làm nhạc khí được, liền sai người hạ xuống cắt làm ba đoạn. Đoạn ngọn tiếng quá trong và nhẹ, đoạn gốc tiếng đục và nặng, chỉ có đoạn giữa tiếng vừa trong vừa đục, có thể dùng được. Vua bèn đem ngâm nơi giữa dòng nước chảy bảy mươi hai ngày, đoạn đem phơi trong mát chờ cho thật khô, lựa tay thợ khéo là Lưu Tử Kỳ chế thành cây Dao cầm.
Dao cầm dài ba thước, sáu tấc, một phân, án theo ba trăm sáu mươi mốt độ chu thiên, mặt trước rộng tám tấc án theo tám tiết; mặt sau rộng bốn tấc, án theo bốn mùa; bề dày hai tấc án theo lưỡng nghi.
Đàn ấy gồm mười hai phím, tượng trưng cho mười hai tháng trong một năm, lại có một phím nữa, tượng trưng cho tháng nhuần, trên mắc năm dây án theo ngũ hành, trong tượng ngũ âm : cung, thương, dốc, vũ, chủy. Trước kia vua Thuấn khảy đàn ngũ huyền, thiên hạ thái bình. Châu Văn Vương ở tù Dũ Là, Bá ấp Khảo thương nhớ, thêm một giây oán gọi là dây văn huyền (dây văn). Lúc Vũ Vương đánh vua Trụ, trước ca, sau múa thêm một dây phẩn kích để phấn khởi gọi là dây vũ huyền (dây vũ). Như vậy trước kia có năm dây, sau thêm hai dây nữa là thất huyền cầm.
Đàn ấy có sáu “kỵ” và bảy “không”. Sáu “kỵ” là kỵ rét lớn, nắng lớn, gió lớn, tuyết rơi lớn; gặp lúc ấy người ta không dùng, còn bảy “không” là không đàn đám tang, không đàn trong lúc lòng nhiễu loạn, không đàn trong lúc bận rộn, không đàn trong lúc thân thể không sạch, không đàn trong lúc y quan không tề chỉnh, không đàn trong lúc không đốt lò hương, không đàn trong lúc không gặp tri âm.
Lại còn có thêm tám “tuyệt” là : thanh, kỳ, u, nhã, li, tráng, lu, trường. Trong tám tuyệt ấy gợi đủ cả các tình cảm, vì vậy tiếng đàn có thể đi đến tuyệt vời vậy.
Bá Nha nghe nói biết người tiều phu là bậc kỳ tài, đem lòng kính trọng hỏi :
— Hiền hữu quả là một người tinh thông nhạc là. Trước kia Khổng Tử đang gảy đờn Nhan Hồi bước vào thoảng nghe có tiếng u trầm, biết lòng Khổng Tử có ý tham sát, nên lấy làm lạ hỏi ra mới biết Khổng Tử đang đờn, thấy một con mèo bắt chuột nên ý niệm ấy xuất lộ ra tiếng tơ đồng. Vậy thì trước kia Nhan Hồi nghe tiếng đờn mà biết lòng người, còn hiền hữu ngày nay nghe ta đờn có biết lòng ta đang tư lự gì chăng ?
Người tiều phu đáp :
— Xin Đại nhân cứ khảy cho tôi nghe một khúc, nếu may ra có cảm thông được thì đó cũng là điều may mắn.
Bá Nha nối dây đờn, gảy khúc “ ý tại non cao”.
Tiều phu mỉm cười nói :
— Tuyệt thay ! ý chí cao vút ! ý tại non cao...
Bá Nha nghe nói ngưng đàn, lấy lại tâm hồn gảy thêm khúc : “ý tại lưu thủy”.
Tiều phu cũng cười và nói :
— Bao la trời nước, thật là một khúc : ý tại lưu thủy ! tuyệt hay !

Thấy tiều phu biết rõ lòng mình, Bá Nha khâm phục khôn cùng, mời người tiều phu ngồi lên trên, khiến kẻ tả hữu dâng trà, rồi bày tiệc rượu xin kết làm anh em để khỏi phụ nghĩa tri âm .
Sau khi Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn, bảo rằng: "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa".