CÁI TÔI


* Đời về chiều, hầu như ai cũng nghĩ suy nhiều hơn làm. Những gì thường được nghĩ, chúng đến từ gia đình, hàng xóm, xã hội, đất nước, đồng hương, email, báo mạng internet. Dù làm việc như khi còn trẻ hoặc sáng suốt hay lú lẫn như khi về già đều phải có CÁI TÔI mới ra cớ sự được.

CÁI TÔI không ai bán mà mua
CÁI TÔI không ai cho mà xin
CÁI TÔI không cần tìm lại có
CÁI TÔI không cần giữ vẫn còn
CÁI TÔI không nam, chẳng nữ
CÁI TÔI không sinh, chẳng diệt
CÁI TÔI không có tuổi thọ
CÁI TÔI dù soi gương vẫn không thấy
CÁI TÔI không chỉ có một, mà có vô lượng
CÁI TÔI không khổ, không lạc
CÁI TÔI yêu đời, chán đời
CÁI TÔI muốn làm thầy, làm cha, làm chủ tịch, làm tổng thống...
CÁI TÔI sống vị tha, ích kỷ, xuất gia, hoàn tục...
CÁI TÔI tạo ra con người bằng dục vọng
CÁI TÔI không nhớ, không quên gì cả
CÁI TÔI bày ra đủ hình tượng bằng vật chất
CÁI TÔI chắp tay trước tượng do mình đã bày
CÁI TÔI đập phá các tượng do mình đã dựng
CÁI TÔI nghĩ ra từ Thượng Đế để nuôi dưỡng đức tin
CÁI TÔI phát cuồng khi đức tin đã lên ngôi
CÁI TÔI tự hỏi: thật sự, CÁI TÔI muốn gì?
CÁI TÔI tự trả lời: muốn giác ngộ
CÁI TÔI tự hỏi: làm sao biết giác ngộ hay vô minh?
CÁI TÔI tự trả lời: Nhầm lẫn giữa mình với những vật, những thứ do mình bày ra tức là vô minh. Nhận thức rõ CÁI TÔI không mang ý nghĩa gì cả, vô ngã, nên nó không có sắc tướng như những thứ do CÁI TÔI tự bày ra (tượng, tư tưởng, tác phẩm...) tức là GIÁC NGỘ.
CÁI TÔI tự hỏi: Nếu vậy, tại sao khi thấy một tượng được tôn trọng bị đập phá, một tư tưởng bị lãng quên, một tác phẩm không được trân quý, một ngôn ngữ bị đổi thay và những danh từ như Thượng Đế, Phật .... bị phỉ báng thì CÁI TÔI nổi sân si, phát cuồng khiến bao người muốn bạo loạn, gây khổ đau triền miên suốt cả kiếp người?
CÁI TÔI tự trả lời: VÌ CÁI TÔI CHƯA GIÁC NGỘ

* Cái mà chúng mình gọi là CÁI TÔI có thể đứng làm chủ từ, hay túc từ , sở hữu từ
- Chủ từ : Tôi muốn ăn , tôi thèm ăn, tôi yêu nàng, tôi thù nàng...
- Túc từ : Trả tôi cái dù , Đưa cho tôi cái nón...Hãy đánh tôi đi, Hãy yêu tôi đi...
- Sở hữu từ : Xe đó của tôi, người con gái đó thuộc về tôi...

* Cái tôi lúc nào cũng đối diện , đối nghịch với một cái tôi hay những cái tôi khác, từ đó mới có đủ thứ bi hài kich, thảm kịch trong đời. Thí dụ : Tôi là người cách mạng, các anh là phản động...

*Cái tôi này đối với cái tôi khác luôn luôn theo một vị thế nào đó : Tôi là cha của nó.. Tôi là chủ của ông ấy , tôi làm công cho hắn....Tôi là vợ của anh không phải là đầy tớ... Người nọ buộc lấy người kia thành ra cứ nợ nần nhau đời này qua đời khác chả làm sao giải thoát được.