Chân Giả


Kẻ học Đạo trước phải nhìn cho ra chân giả rồi mới có thể vào cửa Đạo (khởi học).
Thường xem kẻ hát làm tuồng, gặp những lúc thạnh suy, đặng mất, tan hiệp, sầu vui, bộ tịch ở ngoại y nhiên theo cảnh, mà trong tâm vẫn bình tịnh như thường. Làm sao mà họ chẳng động tâm như thế đó ? Vì họ biết hình tượng là giả trang, tình cảnh là giả tác, biến đổi xây vần, chớ không bớt hay thêm già cho thân mình cả. Kẻ học xét đó thì có thể tỏ hiểu lý đạo.
Lại khi xem múa rối, thấy con rối tay múa, chân đạp như hình người. Kẻ vô tri xem hình hoạt động, mà không tưởng là có người ở đầu mối dây điều khiển cho hình cử động. Thình lình người điều khiển bỏ dây, thì hình dây tuy còn mà chẳng cử động được nữa.
Vậy hình hài con người có phải là hình nộm đó chăng ? Khí huyết có phải là sợi dây đó chăng ? Chân thánh có phải là người hát đó chăng ?
Lại thấy có người bày trò xảo thuật, đổi vật, tráo hình để lòe mắt khán giả. Người xem thấy rồi, mắt chóa, tâm mê, khen là kỳ diệu.
Ở thế gian, hết thảy các phép hữu vi, người lấy đó gạt ta, ta lấy đó gạt người, đảo đảo, điên điên, cùng với các trò chơi kia có khác gì nhau chăng ? Thấy nó mà mắt chẳng chóa, tâm chẳng mê tức là gần đạo rồi.
Lại thấy kẻ chớp bóng, đốt đèn, đánh trống, thiên hạ tựu lại xem hát. Tâm và mắt họ đều theo bóng, bị nó chuyển dời, bỏ không cái xác của mình lại đó, mà chẳng biết xem nó. Đến khi dầu khô, đèn tắt, các thứ huyển cảnh đều hoàn lại không. Kẻ trí nhờ thấy đó mà hiểu được cái Đạo: đương lúc không mà sanh có, nhưng có đó cũng không phải có, đến khi có hoàn lại không, nhưng không đó cũng chẳng phải không.
Tại cớ sao vậy? Các duyên hội hiệp thì có, mà cái có này không có tự tánh, cho nên nói chẳng phải có để phá cái thường kiến. Tánh trống rỗng là không, không thể chỉ rõ chân thể, cho nên nói chẳng phải không, để phá cái đoạn kiến . Việc nhỏ như ngày đêm, sống chết, việc lớn như ngươn, hội, vận, thế đều có thể lấy loại mà suy ra thì rõ.
Kẻ học đạo phải biết có một cái tánh là chân, muôn duyên đều giả, hết thảy các vật dưỡng sanh hàng ngày đều là trần cấu (bụi đất) ở trong cái giả. Sao lại cùng bọn phàm phu tranh nhiều ít, sánh tốt xấu trong chỗ trần cấu vậy kìa !
Bạch Tẫn lão nhân nói: ""Kẻ hát bội biết hát là sự giả, người học Đạo nhìn thế là điều chân. Lẽ nào người học đạo lại kém thua kẻ hát bội kia sao?" Không tỏ hiểu đó thôi.
Nói chẳng phải có để phá thường kiến, nói chẳng phải không để phá đoạn kiến. Hai câu này lại thêm tinh vi. Người hay xét thấu rồi, tự nhiên chẳng trước tướng qua bên có hay bên không.