Chiếc thuyền không


Trong sách Trang Tử có câu chuyện ngộ nghĩnh này: Huệ Tử làm tướng quốc nước Lương. Trang Tử tính qua thăm ông chơi. Nhưng có kẻ nói riêng với Huệ Tử: “Trang Tử qua đây là cùng ông tranh ngôi tướng quốc đó”. Huệ Tử sợ, cho kẻ canh gác biên giới, đợi Trang Tử qua thì bắt. Trang Tử biết chuyện ấy, không đi.
Sau rồi lại đến, gặp Huệ Tử, Trang Tử nói: “Phương Nam có con chim gọi là Uyên Sồ, ông có biết không? Uyên Sồ từ biển Nam bay qua biển Bắc, nếu không gặp cây ngô đồng thì không đậu; nếu không gặp hột luyện thì không ăn; nếu không gặp suối trong thì không uống. Có chim Ụt đang rỉa lông chuột chù giữa đồng, thấy Uyên Sồ bất ngờ bay qua, sợ giành miếng ăn của nó, nên kêu ré lên để dọa Uyên Sồ đừng đáp xuống. Nay ông, vì sợ tôi giành nước Lương của ông mà kêu to lên để dọa tôi sao?"
Bảo chim Ụt cùng Uyên Sồ cùng tranh nhau để giành cái xác chuột chù là một điều không thể tưởng tượng có được. Với kẻ có một quan niệm về nhân sinh như Trang Tử, xem vinh hoa phú quí của cuộc đời như giọt sương buổi sáng, như hoa trong gương, trăng dưới nước… thì không thể còn nói đến chuyện tranh giành những lợi hại ở cõi đời này với họ được nữa.
Chính đây là một phép xử thế: cái phép “làm chiếc thuyền không” của Trang Tử.
“Có thuyền to vượt qua sông… Có chiếc thuyền không trôi giạt đụng vào thuyền. Dù người hẹp bụng đến đâu cũng giận. Nếu trong thuyền ấy có người, thì tất trên chiếc thuyền to kia đã có người réo gọi… Gọi một lần mà không nghe, thì tất gọi đến hai lần… Gọi hai lần mà không nghe thì tất gọi đến ba lần… rồi sinh giận dữ mắng chửi đủ điều… Trước không giận mà nay giận, là tại sao? Vì trước thì không người, mà nay thì có người vậy."
Thời Ngô Việt tranh bá, Phạm Lãi là người đã giúp cho Việt vương Câu Tiễn thành công. Nhưng sau khi Việt Vương lên ngôi làm bá chủ, Phạm Lãi còn biết làm gì nữa! Ông lặng lẽ ẩn mình, từ đó rời xa nước Việt. Phạm Lãi cuối cùng để lại một phong thư cho người bạn hôm sớm, đồng cam cộng khổ của mình là Văn Chủng:
- Chim chết thì đem cung đi cất, thỏ chết thì chó bị giết. Điều này thì thật rõ ràng. Câu Tiễn là người miệng nhọn mà cổ dài, tướng người như thế, chỉ có thể cùng hoạn nạn chứ không thể chung hưởng lạc. Ông làm sao không mau mà bỏ đi?
Văn Chủng đọc thư, bèn cáo bệnh, không vào chầu. Lúc này, Việt vương Câu Tiễn bắt đầu nghi ngờ Văn Chủng có mưu phản, cho người mang đưa Văn Chủng một thanh kiếm, ý muốn ông tự sát. Văn Chủng nhìn thanh kiếm, cũng giống như Phù Sai muốn giết Ngũ Tử Tư, ngửa mặt lên trời, không ngăn được tiếng thở dài, hối hận vì đã không nghe lời Phạm Lãi, đành phải tự sát.
Thắng được cả thiên hạ làm gì nếu tự mình không thắng được cái lòng ham mê danh lợi, cái tính hiu hiu tự phụ của mình! Toàn sinh cho thiên hạ, mà giữ cho thân mình không được toàn sinh… thì cũng chưa thể gọi là người trí…
Tóm lại, ta hãy xét kỹ một cách thành thật tấm lòng mình: trong các bạn mà mình thương nhất có phải là những người thông minh nhất, gần họ bao giờ mình cũng thấy thấp kém hơn, hay những người thật thà nhất, gần họ bao giờ mình cũng thấy cao trọng hơn?
Cái ghét nhất của người đàn bà đẹp, là có người đẹp hơn mình… Cái ghét nhất của người thông minh là có người thông minh hơn mình. “Người ta chịu thích học văn hay mà không thích gần người viết văn hay…” Cái đó mình cũng có thể hiểu được.
Và hiểu được bấy nhiêu là hiểu được rất nhiều cái đạo xử thế.

(Thuật xử thế của người xưa)