CON RUỒI


Một hôm, Đức Phật mở mắt, đứng dậy rời cội bồ đề. Ngài dạo quanh sườn núi. Nắng ấm. Gió nhẹ. Tâm hồn Ngài trong veo như hư không. Hạnh từ bi tỏa thành một ánh sáng trên đỉnh đầu Ngài. Cuộc hành trình chứng ngộ có lẽ sắp kết thúc.
Trên đường Đức Phật cúi xuống chiêm ngưỡng vẻ đẹp trắng nuột của một khóm hoa rừng. Bất ngờ Ngài nhìn thấy một tấm lưới nhện óng ánh giăng ngang hai nhánh lá. Một con ruồi hốt hoảng, giãy giụa nhưng không thể thoát khỏi sự trói buộc của những sợi tơ. Đằng sau chiếc lá, một con nhện luôn luôn ngắm nhìn con mồi bằng ánh mắt thỏa mãn và kiêu hãnh.
Lát sau con nhện chậm chạp bò tới. Con ruồi cuống quýt vùng vẫy. Đức Phật nghe nó kêu thảm thiết:
- Lòng từ bi của Ngài để đâu? Trong trái tim hay trong ánh hào quang?
Không suy nghĩ, Đức Phật dùng móng tay cắt một đường ngang tấm lưới, tạo một khoảng cách giữa con nhện và con ruồi. Con nhện giương con mắt đen óng nhìn Đức Phật giận dữ:
- Tại sao Ngài can thiệp vào câu chuyện của tôi?
- Ta không thể đứng nhìn sự chết chóc. Ta thương con vật bé bỏng kia.
- Thế thì ai thương tôi? Mười ngày nay tôi không có một miếng thức ăn. Lòng từ bi của Ngài đã giết tôi. Ngài không biết gì về thế giới sinh tồn cả.
Con nhện kiệt sức, rũ xuống, bất động. Đức Phật khều con ruồi khỏi lưới nhện. Con ruồi bay chấp chới chung quanh Ngài.
- Tạ ơn Ngài đã cứu tôi. - Nếu không gặp ta thì sao?
- Tôi sẽ là thức ăn của con nhện.
- Ta đã cứu ngươi thì sao?
Con ruồi cười vang:
- Con nhện là thức ăn nuôi sống tôi.
Con ruồi bám ngay vào xác con nhện bắt đầu thối rữa dưới ánh nắng.
Đức Phật đưa tay lên rồi lắc đầu quay trở lại. Ngài thở dài, thấy con đường còn rất xa.
Ngài ngồi dưới gốc bồ đề và tiếp tục nhắm mắt.

Con đường của đức Phật trong chuyện nầy là một vòng kín: Khởi điểm, đức Phật như vừa xong một thời tọa thiền, tịnh tâm, dưới cây bồ đề: Ngài mở mắt, đứng dậy rời cội bồ đề. Tâm thức thư thái. Hạnh từ bi tỏa thành một ánh sáng trên đỉnh đầu. Nhưng cuối cùng, nhận thấy con đường còn xa, ngài lắc đầu quay về chốn cũ, tiếp tục nhắm mắt, định tâm.
Cuộc sống mỗi ngày mỗi mới, mỗi ngày mình đều giáp mặt với cái mới. Cái mới là cái mình chưa biết, chỉ vì chưa biết mà nó có lắm cái bất ngờ, bất như ý, không lường trước được. Cho nên sống là chấp nhận rủi ro; chấp nhận hiểm nguy, dấn thân vào cái chưa biết, ngay ở đây và bây giờ.
Vậy, dù muốn hay không, cũng phải trực diện với cái mới, ngay ở đây và bây giờ, ôm lấy giòng đời, trọn vẹn với nó. Xem vô thường là duyên may; lấy bất đắc làm động lực tiến bước. Biết đâu, đắc rồi, lại ngồi ở đó, “ung dung tự tại”, thích thú , bằng lòng ôm lấy cái chết — cái bất biến hằng tồn — gọi như vậy là đạt đến cứu cánh, mà thật ra là “chết trước khi chết”.
Cho nên, nhìn đức Phật trở lại cội bồ đề mà nhận thức: “vô sở đắc” là duyên may; nhờ đó mà mình luôn đi tới, luôn cố làm đầy cái mà vốn khuyết, cái mà không thể làm đầy: đùa với đổi thay, vui với tình đời.