Đạo của người quân tử


Sách Luận Ngữ có câu: “Nhơn bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ”. Câu nầy có nghĩa là: “Người ta không biết đến mình, mình cũng không lấy đó làm buồn rầu, há không phải là người quân tử hay sao”.
Thái độ của người quân tử khi xử kỷ tiếp vật là như vậy, lúc nào lòng dạ cũng thảnh thơi, ai biết mình thì quý, ai không biết mình thì thôi, không có gì phải lo lắng buồn rầu, không phải như những kẻ tiểu nhơn, lúc nào lòng cũng đau đáu sợ thiên hạ không ai biết mình hay sợ thiên hạ quên mình. Bởi vậy, thầy Nhan Hồi mới được Đức Khổng Tử khen là người quân tử, “một giỏ cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẹp, lúc nào cũng vui với đạo”. “Quân tử ưu đạo, bất ưu bần”, người quân tử lo đạo chớ không lo nghèo. Bởi vậy, Thái Trạch từ Tề qua Trịnh, bị bối trộm hết gia sản, áo quần rách rưới, hình dong tiều tụy, mặt cháy nám đen, ai thấy cũng cười, nhưng lòng vẫn thanh thản, không chút âu lo, được khen là kẻ sĩ quân tử.
Bởi vậy mới có những kẻ, khi vào đám đông, nơi trà đình tửu điếm, thường gây ồn ào bằng những lời lẽ, cử chỉ lố lăng, mục đích chỉ muốn thiên hạ để ý đến mình. Bởi vậy mới có những kẻ chuyên đi làm những chuyện ngược đời để tên tuổi mình được người ta nhắc tới, cho dù là nhắc tới để chửi.
“Quân tử cố cùng”, cho dù có nghèo, có khổ, có thui thủi một mình, không ai biết tới, nhưng cái đạo của người quân tử phải giữ cho tròn. Nhựt nguyệt ngàn năm vẫn sáng. Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa vẫn thay đổi không ngừng, gió thổi thì cỏ rạp, trò có lo thì hãy lo làm sao đừng thẹn với trời, đừng hổ với đất, đừng mắc cở với chánh mình, là được rồi.