Im Lặng & Giải Thoát


Có hai dạng im lặng, im lặng bên ngoài và im lặng bên trong.
Người khác đang lên án, phê bình và chỉ trích nhưng mình không nói lời nào, cái miệng không phân bua, không cần giải thích, đây gọi là im lặng bên ngoài. Tuy nhiên, im lặng bên ngoài nhưng trong lòng dậy sóng, trong lòng đang lên kế hoạch tấn công, chờ cơ hội để thực hiện cuộc tấn công của mình.
Chúng ta thực tập im lặng bên ngoài là đã giỏi, nhưng thực tập im lặng bên trong còn hay hơn nữa. Tâm không đòi hỏi phán xét, không nhìn người bằng con mắt kỳ thị, không tìm kiếm sự khác biệt để chứng minh ý niệm riêng.
Mọi thứ đang im lặng trong sự vận động của nó. Vạn vật đang vận động trong im lặng. Dù có nói nhiều cách mấy, có bàn cãi cách mấy, có tô điểm vẽ vời cách mấy, sự thật vẫn là sự thật, đó là mọi thứ đều thay đổi theo tính vô thường. ( Mặc như Lôi ).
Im lặng là chấp nhận vô thường, không tranh cãi về điều đang vô thường để thấy vô thường
vẫn là bình yên, chứ không đơn thuần là sự đau khổ, mình cho vô thường là đau khổ vì mình có ý niệm về đau khổ trên sự vô thường. Im lặng thì bình yên có mặt và giải thoát ngay trong giờ phút im lặng đó.
Phật giải thoát vì Phật im lặng với sự hừng hẫy của tham, sân, si, mạn, nghi, kiến. Im lặng thì các tâm độc không làm hại được mình, mình sẽ giải thoát, mà giải thoát cái gì, giải thoát khỏi sự bủa vây của các tâm độc.
Người ta muốn làm mình giận, mình nổi giận thiệt, thế là mình sập bẫy trong sự bủa vây của người đó và trong sự bủa vây của chính mình.
Mình có ý niệm là người đó làm mình giận, ý niệm này là cái lưới mình tự giăng ra và quấn lấy mình.
Im lặng với người kia là im lặng bên ngoài,
Im lặng với ý niệm của mình là im lặng bên trong. Làm được vậy, mình giải thoát, giải thoát khỏi cơn giận.

Nalanda-Bihar