Khiêm nhường


Lão Tử đã từng mô tả: “Người lãnh đạo giỏi nhất là người khiến ta tưởng rằng không hề có lãnh đạo, người nói ít nhưng mỗi hành động đều đạt được mục đích và khi đó, những người trong tập thể sẽ nói ‘Chúng ta đã cùng nhau hoàn thành rất tốt’”.
Khiêm nhường là thuận theo Đạo, thuận theo Đạo sẽ đắc được. Quẻ Khiêm trong “Chu Dịch” có viết: “Đạo trời là rút bớt chỗ dư thừa mà bồi đắp chỗ thiết hụt. Quy luật của đất đai là chỗ cao lồi thì bị xói mòn còn chỗ trũng thấp thì được đắp bồi. Luật quỷ thần thì trừng phạt kẻ ngạo mạn, ban phước cho người khiêm tốn. Đạo làm người thì tự mãn bị ghét còn khiêm hạ được thương“.
Như vậy, người xưa nhìn nhận rằng, dù là đạo trời hay đạo làm người, cái gốc đều ở một chữ “Khiêm nhường”. Người có đức hạnh cao, bề ngoài nhìn vào thì trông chất phác, giản đơn nhưng chính là “hữu xạ tự nhiên hương”, chí khí ngất trời. Đúng là “rút bớt chỗ dư thừa mà bồi đắp chỗ thiếu hụt”, người khiêm tốn như vùng đất trũng, sẽ được bồi đắp dần qua thời gian. Kẻ tự cao tự đại sẽ không thể học hỏi, ẩn thân mà nhìn toàn cục được rõ ràng. Làm chiến thuật gia, lại càng phải tĩnh lặng, bớt phô trương để có cái nhìn thấu đáo. Bởi: "Tĩnh sau đó mới có thể an, an sau đó mới có thể nghĩ, nghĩ sau đó mới có thể đắc được..."
Làm người phải giống như nước, khéo lựa chọn chỗ khiêm nhường (chỗ thấp), lòng thì khéo giữ cho trầm tĩnh mà sâu, cư xử với người thì chân thành, nói thì phải giữ lời, làm việc thì có hiệu quả, hành động thì hợp thời cơ. Không tranh giành với ai, cho nên cũng không có rắc rối.