MỘT PHÚT MINH TRIẾT


Quyển sách “Một Phút Minh Triết”, nguyên văn bằng tiếng Anh nhan đề “One Minute Wisdom” của linh mục Dòng Tên người Ấn-Độ Anthony de Mello (1931-1987), được nhà xuất bản Gujarat Sahitya Prakash phát hành và đến nay đã được dịch ra 21 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. "Truyện Thiền" xin trích một số chuyện được phổ biến rộng rãi trên mạng.
Những tác phẩm của Anthony de Mello, mặc dù không phải tất cả các ấn bản đều được linh mục đồng ý cho xuất bản, đã có âm hưởng sâu xa trên khắp thế giới. Ngài được xem như một trong những bậc thầy thần học hiện đại về đời sống Kitô hữu (Théologie de la vie chrétienne), nổi tiếng về những buổi hội thảo liên quan đến sự giải thoát nội tâm.
Sách của Ngài được ấn hành trong bối cảnh đa tôn giáo, nhằm mục đích giúp tín hữu mọi tôn giáo, kể cả người vô thần hay người theo thuyết bất khả tri, trong tiến trình học hỏi tâm linh. Các bài giảng phần lớn dưới hình thức những câu chuyện ngắn, dựa theo những giá trị khôn ngoan của Đông Phương. Những giá trị nầy có thể giúp cho con người đạt đến sự tự chủ, giải thoát khỏi những ràng buộc và giúp đương đầu một cách bình thản với những thăng trầm của cuộc sống.
Theo quan điểm của Anthony de Mello, hầu hết mọi người đều đang ngủ. Họ cần phải thức dậy, mở mắt, quan sát cái gì là thật, cả bên trong và bên ngoài chính họ, tiếp xúc với chính mình, với cơ thể, với suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình. Anthony de Mello, dù cho thấy là đã chịu ảnh hưởng của những dòng tư tưởng đạo đức của Phật giáo và Lão giáo, nhưng vẫn còn ở trong những đường nét của giáo lý Kitô, tuy nhiên cũng gây tranh cãi trong Giáo hội Công giáo La Mã, bởi chủ yếu nhiều ý tưởng của Ngài chịu ảnh hưởng của Đại sư Ajahn Chah (1918-1992), một vị cao tăng Thái Lan nổi tiếng về pháp Thiền thuộc Phật giáo Nguyên Thủy. Nhưng bất chấp sự lên án của Giáo hội, các tác phẩm của Anthony de Mello vẫn được phổ biến trên toàn thế giới.
Qua những mẩu chuyện ngắn trong tác phẩm "Một phúc minh triết", độc giả sẽ có cái nhìn khác biệt đối với vấn đề tu học, một cái nhìn về thực tế, chứ không phải những bài giảng hay những điều xác tín. Minh Sư trong những mẩu chuyện nầy không phải là một nhân vật duy nhất. Minh Sư có thể chính là một Guru (Tôn sư Ấn giáo), một Thiền Sư, một Đạo Nhân, một Rabbi (Tôn sư Do Thái giáo), một Đan Sĩ Kitô giáo, một Soufi (Tôn sư Hồi giáo). Minh Sư vừa là Lão-Tử lẫn triết gia Socrate, là Đức Phật Thích Ca lẫn Chúa Giêsu, là Zarathustra lẫn đức Mahomet. Minh triết của Minh Sư thuộc về cả Đông lẫn Tây, được tìm thấy ở thế kỷ thứ bảy trước công nguyên và ở trong thế kỷ hai mươi nữa.
Chỉ cần một phút để đọc mỗi một giai thoại, quý độc giả sẽ thấy ngôn từ của Minh Sư chói tai, hoặc hoàn toàn vô nghĩa. Quả thật không phải là một quyển sách dễ đọc! Sách này được viết ra, không phải để giáo huấn nhưng để "Tỉnh Thức" (Awareness), tương tự như “Giác Ngộ” trong Phật giáo hay “Phản Tỉnh” trong triết học: nhận ra mình là ai, nhận thức con đường mình đang đi, đón nhận ánh sáng để biết đâu là chân lý phải theo. Tiềm ẩn trong những mẩu chuện nầy là một Minh Triết không thể truyền đạt qua ngôn ngữ. Minh Triết có nghĩa là con người được thay đổi mà không cần phải dùng một nỗ lực mảy may nào; được biến đổi - tin hay không tin tùy ý mỗi người - chỉ bằng cách tỉnh thức để đối diện với thực chất, cái thực chất không nằm trong ngôn từ mà hiện hữu bên kia biên giới của ngôn ngữ.



Một Phút Minh Triết

- Có chăng một giây phút Minh triết?
Minh Sư đáp:
- Chắc chắn có.
- Nhưng chỉ một phút có ngắn quá không?
- Thừa năm mươi chín giây.
Thấy đệ tử ngỡ ngàng, Minh Sư bèn nói tiếp:
- Phải cần bao nhiêu thời gian để nhìn thấy mặt trăng? Vậy tại sao phải mất bao nhiêu năm tháng dài để bồi bổ tâm linh? Có thể phải mất cả cuộc đời mới mở được mắt mình ra. Nhưng để nhìn thấy thì chỉ cần một chớp nhoáng?


Phép Lạ

Một người băng ngàn lội suối để kiểm chứng cho rõ thực hư về danh tiếng đồn đãi của Minh Sư. Ông ta hỏi một đệ tử:
- Minh Sư của anh đã làm được những phép lạ nào?
- Này ông bạn, có những phép lạ khác nhau. Trong xứ bạn, người ta bảo phép lạ là khi Thượng Đế làm theo ý muốn của một người. Còn trong xứ chúng tôi, người ta bảo phép lạ là khi có người nào đó thực hiện Thánh Ý Thượng Đế!


Trưởng Thành

Một đệ tử suốt ngày cầu nguyện, Minh Sư bảo:
- Chừng nào con mới thôi nương tựa vào Thượng Đế và đứng vững trên đôi chân của con?
Đệ tử sửng sốt:
- Nhưng chính thầy đã dạy chúng con xem Thượng Đế như một người Cha mà!
- Chừng nào con hiểu rằng người cha không phải là người để dựa vào mà là người giúp con vứt bỏ cái khuynh hướng nương tựa.


Nhạy Cảm

-Thưa thầy, làm sao con chứng nghiệm được rằng con với vạn vật là một?
Minh-Sư đáp:
- Bằng cách lắng nghe.
-Và con phải lắng nghe như thế nào?
- Con hãy lắng tai để nghe ngóng mỗi lời thì thầm của vũ trụ. Khi con nghe thấy chính tiếng nói của con thì con hãy ngừng nghe.


Vô Lý

Minh Sư chà một viên gạch trên sàn căn phòng mà đệ tử đang tọa thiền. Ban đầu, đệ tử xem ra thích thú, coi như đây là một trắc nghiệm năng lực tập trung của mình. Nhưng khi không còn chịu nổi tiếng động được nữa, đệ tử la to:
-Trời đất ơi! Thầy làm gì vậy? Thầy không thấy con đang thiền định hay sao?
Minh Sư đáp:
- Thầy muốn đánh bóng viên gạch này để làm một tấm gương.
- Thầy có điên không! Làm sao có thể làm tấm gương bằng một viên gạch?
- Thầy không điên hơn con đâu! Làm sao con có thể biến cái tôi của con thành một con người thiền định?


Minh Bạch

Minh Sư bảo:
- Đừng tìm kiếm Thượng Đế. Các con chỉ cần nhìn thôi và tất cả sẽ tự hiển lộ.
- Tại sao chúng con cần phải nhìn?
- Mỗi khi nhìn vật gì, các con chỉ thấy vật đang ở đó thôi và không thấy vật gì khác nữa.
Các đệ tử hoang mang nên Minh Sư giảng giải một cách đơn giản hơn:
- Chẳng hạn, khi nhìn mặt trăng thì chỉ nên thấy mặt trăng thôi mà không thấy gì khác nữa.
- Khi người ta nhìn mặt trăng, thì người ta có thể thấy gì khác ngoại trừ mặt trăng?
- Người đói bụng có thể nhìn mặt trăng thấy một mẩu phó mát hình tròn. Người đang yêu có thể thấy khuôn mặt người yêu của mình.


Tôn Giáo

Nhân một chuyến công du, quan Tổng Đốc sở tại dừng chân đảnh lễ Minh Sư.
- Vì việc nước bề bộn không cho phép tôi có thời gian bàn luận dài dòng. Xin Thầy có thể tóm tắt tinh túy tôn giáo trong một hay hai đoạn?
- Vì lợi ích của Ngài, tôi sẽ tóm tắt trong một từ duy nhất.
- Tuyệt vời! Thế thì từ nầy là gì?
- Yên lặng.
- Và đường dẫn đến yên lặng?
- Thiền định.
- Xin phép Thầy giảng cho biết thế nào là thiền định?
- Yên lặng.


Tỉnh Thức

- Có điều gì con có thể làm để được tỉnh thức?
- Không có điều gì, cũng như con không thể làm cho mặt trời mọc ban sáng được.
-Vậy thì những bài tập tâm linh mà thầy truyền dạy, dùng để làm gì?
- Để chắc chắn con không còn ngủ mê khi mặt trời bắt đầu mọc.


Chiều Sâu

Minh Sư nói với một nhà buôn:
- Cũng như con cá phải chết ở trên đất khô, bạn cũng phải chết như vậy khi bạn vướng mắc thế sự. Con cá phải trở về với nước, bạn cũng phải trở về với sự cô tịch.
Nhà buôn quặn ruột:
- Thế tôi phải bỏ việc kinh doanh để vào tu viện sao?
- Không. Ồ không! Bạn cứ duy trì doanh nghiệp và hãy đi vào nội tâm của bạn.


Hài Hòa

Trái với lẽ thường, Minh Sư ít tôn trọng những giới luật và truyền thống. Trong cuộc tranh cải của một đệ tử và cô con gái về việc chọn lựa người chồng tương lai. Người cha muốn con gái phải theo những qui luật tôn giáo của mình. Minh Sư theo lập trường của người con gái. Đệ tử ngạc nhiên vì sao một người thánh thiện như Minh Sư mà hành động như thế, Minh Sư nói:
- Con phải hiểu rằng cuộc sống giống như âm nhạc, nghĩa là được hình thành bằng bản năng và cảm nhận hơn là bằng những luật lệ.


Ảo Tưởng

- Làm sao để đạt tới sự Sống Vĩnh Cửu?
- Sự Sống Vĩnh Cửu chính là bây giờ đây. Con hãy trở về với hiện tại.
- Nhưng con đang sống trong hiện tại bây giờ đây, không phải sao?
- Không phải đâu.
- Tại sao?
- Vì con không buông bỏ quá khứ.
- Tại sao con phải buông bỏ quá khứ? Không phải tất cả những gì thuộc về quá khứ đều xấu cả.
- Ta buông bỏ quá khứ, không phải vì quá khứ xấu xa, nhưng vì quá khứ đã chết rồi.


Cải Thiện

Một thanh niên phung phí hết gia tài đã thừa hưởng. Như những gì thường xảy ra trong cảnh ngộ này, anh bị tất cả bạn bè ruồng bỏ. Thất vọng, anh tìm tới Minh Sư và nói:
- Con không còn bạn bè và tiền bạc. Như thế điều gì sẽ xảy ra cho con?
- Đừng lo lắng. Một ngày nào đó tất cả sẽ tốt đẹp.
Chàng thanh niên lóe lên một tia hy vọng trong ánh mắt:
- Con sẽ giàu có trở lại?
- Không. Nhưng anh sẽ quen với cuộc sống nghèo và đơn độc.


Hạnh Phúc

- Con rất cần đến sự giúp đỡ của thầy, nếu không, con sẽ quẫn trí luôn. Chúng con ở trong một căn phòng độc nhất, gồm có vợ chồng, con cái, và dâu rể! Do đó chúng con luôn bị căng thẳng, la hét cãi cọ nhau om sòm. Căn nhà thật là chốn địa ngục.
Minh Sư đáp một cách trịnh trọng:
- Con có hứa sẽ thực hiện bất cứ những gì thầy nói không?
- Con xin thề là sẽ làm bất cứ điều gì thầy dạy bảo.
- Được rồi. Con có bao nhiêu gia súc?
- Một con bò cái, một con dê và sáu con gà.
- Con hãy đem hết các con vật đó vào trong căn phòng của con. Rồi con hãy trở lại sau một tuần lễ.
Đệ tử rụng rời tay chân. Nhưng vẫn tuân thủ vì đã hứa với thầy, nên mang tất cả những con thú vào gian phòng nhỏ. Một tuần sau đúng hẹn anh ta đến gặp thầy với vẻ mặt thật buồn:
- Con không thể chịu nổi nữa! Nào là nhơ uế! Hôi hám! Ồn ào! Tất cả chúng con sắp sửa hóa điên mất!
Minh Sư truyền dạy:
- Con hãy trở về và đem hết súc vật ra ngoài.
Đệ tử chạy một mạch về nhà. Và hôm sau, anh ta trở lại, ánh mắt rực sáng niềm vui:
- Đời đẹp làm sao! Những con thú đã ra ngoài. Căn phòng giờ như vườn địa đàng.Yên tĩnh làm sao! Sạch sẽ làm sao! Và khoảng khoát làm sao!


Thực Tế

Một người mê cờ bạc, ngày kia nói với Minh Sư:
- Hôm qua người ta bắt gặp con chơi cờ bạc gian lận nên những người chung sòng đã cho con một trận nên thân và họ đã liệng con qua cửa sổ. Thầy thấy con phải làm gì đây?
Minh Sư nhìn thẳng vào mắt anh ta rồi nói:
- Nếu tôi ở vào trường hợp của anh, từ rày về sau, tôi sẽ chơi bài ở tầng trệt.
Các đệ tử giật mình, hỏi:
- Sao thầy không khuyên anh ta đừng chơi bài nữa?
Minh Sư trả lời ngắn gọn:
- Bởi vì thầy biết có khuyên như thế cũng chỉ bằng thừa mà thôi.


Đồng Tính

- Làm sao có thể tìm ra sự hợp nhất với Thượng đế?
- Con càng khổ công tìm kiếm bao nhiêu thì khoảng cách giữa con và Thượng đế sẽ càng xa.
- Vậy phải làm thế nào?
- Trước tiên phải hiểu: Khoảng cách này không có thật.
- Điều này có nghĩa: Thượng đế và con chỉ là một?
- Không một cũng không hai.
- Làm sao có thể như thế được?
- Mặt trời và ánh sáng. Biển cả và sóng. Người hát và bài hát không là một cũng không phải hai.


Tự Nhiên

Ngày kia, Minh Sư hỏi đệ tử:
- Điều nào quan trọng hơn: minh triết hay hành động?
Các đệ tử đều nhất trí trả lời:
- Đương nhiên là hành động. Minh triết để làm gì nếu không được thể hiện bằng hành động?
Minh Sư hỏi lại:
- Làm thế nào hành động có thể phát sinh từ trái tim không tỉnh thức?


Tôn Kính

Đối với những đệ tử tỏ ra quá kính trọng mình, Minh Sư bảo:
- Ánh sáng phản chiếu trên tường. Thế thì tại sao phải sùng bái bức tường? Đúng hơn nên chú ý vào ánh sáng.


Số Phận

Một bà than vãn về số phận của mình, Minh Sư bảo:
- Chính bà làm nên số phận của bà.
- Nhưng chắc chắn không phải tôi chịu trách nhiệm việc tôi sinh ra làm đàn bà?
- Sinh ra làm đàn bà không phải là số phận. Đó là định mệnh. Vấn đề chỉ là: chấp nhận là đàn bà hay chấp nhận những gì do đàn bà tạo ra .


Mơ Mộng

- Chừng nào con tỉnh thức?
Minh Sư trả lời:
- Khi con thấy được.
- Thấy được gì?
- Thấy cây cối, bông hoa và trăng sao.
- Nhưng con thấy những thứ nầy mỗi ngày.
- Không, những gì con thấy thực sự chỉ là mảnh giấy lộn, vì con không sống trong thực tại mà sống trong lời nói và tư tưởng của con.
Cẩn trọng, Minh Sư dịu dàng nói thêm:
- Khổ nỗi, con sống như mảnh giấy lộn và sẽ chết như mảnh giấy lộn thôi.


Chuyển Hóa

Một đệ tử không ngừng than phiền mọi người chung quanh.
Minh Sư bảo:
- Nếu con muốn được yên tĩnh, con phải thay đổi chính con chứ không phải người khác, vì rất dễ tự bảo vệ đôi chân bằng đôi giày ngủ hơn trùm tấm thảm lên toàn thể mặt đất.


Triết Lý

Trước khi xin làm đệ tử, vị khách muốn Minh Sư giúp mình một vài điều để được yên lòng.
- Thầy có thể dạy con về mục đích của sự sống?
- Thầy không thể.
- Hay ít ra, thầy có thể dạy con về ý nghĩa cuộc đời chứ?
- Thầy không thể.
- Thầy có thể cắt nghĩa cho con bản chất sự chết và sự sống ở đời sau không?
- Thầy không thể.
Vị khách ra về, thất vọng và không hài lòng.
Đệ tử chán nản vì Minh Sư đã để lộ sự kém cỏi của mình.
Bằng một giọng dịu dàng, Minh-Sư giải thích như sau:
- Tìm hiểu bản chất và ý nghĩa cuộc sống để làm gì, nếu các con không bao giờ biết nhận và hưởng cuộc sống? Thầy mong muốn các con nên thưởng thức mẩu bánh của mình hơn là nói dông nói dài về cái bánh ấy.


Làm Đệ Tử

Một khách hành hương muốn trở thành đệ tử. Minh Sư nói với ông:
- Bạn có thể sống với tôi, nhưng bạn đừng trở thành người theo tôi.
- Như vậy, con sẽ theo ai?
- Không theo ai hết. Ngày nào bạn theo một ai đó thì bạn hết theo Chân Lý.


Mù Quáng

- Con có thể trở thành đệ tử của thầy không?
- Anh chỉ là một học trò vì cặp mắt anh đang đóng lại. Ngày nào anh mở được đôi mắt, anh sẽ thấy không có gì để học hỏi với thầy hay với bất cứ ai.
- Như vậy Minh Sư để làm gì?
- Để cho anh thấy rằng không cần phải có Minh Sư.


Trung Gian

Một khách hành hương hỏi một đệ tử:
- Tại sao bạn cần tới Minh Sư?
Đệ tử trả lời:
- Để được sưởi ấm như nước cần tới một cái ấm để làm trung gian giữa nó với lửa.


Sống Còn

Một đệ tử ngày nào cũng hỏi Minh Sư mỗi một câu:
- Làm thế nào con gặp được Thượng Đế?
Và ngày nào Minh Sư cũng trả lời một câu giống nhau, đầy bí ẩn:
- Bằng sự ước muốn.
- Nhưng con ao ước gặp Thượng Đế với tất cả tấm lòng! Vậy tại sao con không gặp được Ngài?
Một hôm Minh Sư cùng đệ tử có dịp đi tắm trong một dòng sông. Ngài dìm đầu đệ tử xuống nước và cứ giữ như thế trong khi đệ tử đáng thương kia vùng vẫy một cách tuyệt vọng để cố thoát thân.
Hôm sau, Minh Sư bắt đầu gợi chuyện:
- Tại sao con cố vùng vẫy như thế khi thầy dìm đầu con xuống nước?
- Bởi vì con muốn thở.
- Con sẽ đón nhận và tìm thấy ân sũng Thượng Đế với tất cả khao khát cũng như con khao khát hít thở không khí, thì con sẽ gặp Ngài.


Lệ Thuộc

Một đệ tử quá lệ thuộc vào sách vở, Minh Sư bảo anh:
- Một người đi chợ bị mất mảnh giấy ghi chép các món hàng phải mua. Nhưng khi kiếm lại được, anh ta rất đỗi vui mừng, vội vàng đọc đi đọc lại và bám vào đấy cho đến khi mua sắm xong, sau đó anh vứt đi như một mảnh giấy lộn vô giá trị.


Trốn Thoát

Minh Sư đã trở thành một huyền thoại khi còn sống. Tiếng đồn Chúa cũng hỏi ý kiến Minh Sư:
- Cha muốn chơi trò cút bắt với loài người. Cha đã hỏi các thiên sứ chỗ nào tốt nhất để ẩn trốn. Có thiên sứ nói ở dưới đáy đại dương. Thiên sứ khác nói ở trên đỉnh núi cao. Thiên sứ khác lại nói ở mặt tối phía sau mặt trăng hay ở một hành tinh xa xôi nào đó. Còn con, con đề nghị thế nào?
Minh Sư thưa:
- Xin Cha hãy ẩn núp trong tâm con người. Đó là nơi cuối cùng mà người ta nghĩ tới!


Bất Bạo Động

Trong ngôi làng có con rắn độc đã cắn nhiều người đến độ không ai dám mạo hiểm đi ra ngoài đồng. Người ta nói Minh Sư thánh thiện đến nỗi ngài có thể thuần hóa được rắn, đồng thời thuyết phục nó thực thi tinh thần bất bạo động.
Chẳng bao lâu, dân làng khám phá con rắn đã trở thành vô hại. Họ bắt đầu ném đá và kéo đuôi nó. Họ đánh đập con rắn một cách tồi tệ và một đêm, nó đã bò vào nhà Minh Sư để ta thán.
Minh Sư bảo nó:
- Bạn ơi, bạn không làm cho dân làng sợ nữa, tội nghiệp thật!
- Nhưng phải chăng chính ngài đã dạy tôi thực thi tinh thần bất bạo động?
- Tôi bảo bạn đừng cắn, chứ không bảo bạn đừng rít lên.


Đãng Trí

Các đệ tử bàn cãi sôi nổi để xem công việc nào là khó khăn nhất:
- Viết ra điều mà Chúa mạc khải trên Thánh Kinh, hiểu những gì Chúa mạc khải trong Thánh Kinh hoặc giải nghĩa cho kẻ khác về Thánh Kinh sau khi mình đã lãnh hội được.
Khi được hỏi ý kiến, Minh Sư trả lời:
- Thầy biết được một công việc khó khăn hơn bất cứ việc nào trong ba việc kể trên.
- Đó là gì?
-Là cố gắng làm cho một đám ngu muội như các con nhận thức đúng thực tế.


Hồi Hương

Minh Sư bảo:
- Có ba giai đoạn trong tiến trình tu đức đối với mỗi người: giai đoạn thể chất, giai đoạn tâm linh và giai đoạn thần linh.
Các đệ tử nôn nóng hỏi:
- Giai đoạn thể chất là gì?
- Đó là giai đoạn mà người ta thấy cây là cây và núi là núi.
- Giai đoạn tâm linh là gì?
- Đó là khi người ta nhìn sự vật một cách thâm sâu hơn, và rồi người ta nhận thấy cây không còn là cây nữa và núi không còn là núi nữa.
- Và giai đoạn thần linh là gì?
Minh Sư cười sảng khoái trả lời:
- À! Đó là nhận thức cây trở lại thành cây và núi trở lại thành núi .


Lặng Thinh

- Kiến thức và lòng mộ đạo của các con thì có ích lợi gì? Một con lừa có trở thành khôn ngoan khi sống trong thư viện? Hay một con chuột có đạt sự thánh thiện khi sống trong nhà thờ?
- Vậy thì chúng con cần phải có điều gì?
- Một trái tim.
- Làm thế nào để có được?
Minh Sư lặng thinh không nói. Ngài phải nói sao để họ không biến mọi sự thành một môn để học hoặc một đối tượng để thờ?


Tới Đích

- Con đường đưa tới tỉnh thức khó hay dễ?
- Không khó, cũng không dễ.
- Tại sao vậy?
- Vì nó không có thật.
- Vậy phải làm thế nào thế nào để đến đích?
- Chúng ta không đi đến đích. Đây chỉ là chuyến du hành không khoảng cách. Có thể nói: Mức đến là chỗ chúng ta dừng hay mức khởi hành cũng là mức đến.


Tiến Hóa

Ngày hôm sau Minh Sư bảo:
- Trời hỡi! Đi thì dễ hơn dừng lại.
Các đệ tử muốn biết tại sao.
- Vì ngày nào các con còn bước đi để đạt tới một mục đích, thì các con còn có thể bám víu vào một ước mơ. Khi dừng lại, các con phải đối diện với thực tế.
Các đệ tử lúng túng hỏi:
- Làm thế nào các con có thể thay đổi được nếu không có mục tiêu hay những điều ước mơ?
- Thay đổi thực sự là thay đổi không do ý muốn. Hãy đối diện với thực tế và sự thay đổi thực sự hiện ra.


Trách Nhiệm

Minh Sư đi chu du với một đệ tử. Tới gần làng, họ gặp ông Tổng Đốc. Vị này tưởng nhầm hai thầy trò tới chúc mừng ông đến thăm làng nên tuyên bố:
- Không cần thiết phải đến đây để đón tiếp tôi như thế.
Đệ tử trả lời:
- Thưa ngài, ngài lầm rồi, chúng tôi đi chu du. Nhưng nếu biết ngài đến thăm làng, chúng tôi không quản công khó nhọc đến đây để đón tiếp ngài.
Minh Sư không nói một lời. Chiều tối, Minh Sư nói:
- Có thật cần thiết để con nói ra là chúng ta đã không đến để chúc mừng ông Tổng Đốc? Con có nhận ra là ông ta cảm thấy mình ngớ ngẩn như thế nào không?
- Nhưng nếu chúng ta không nói lên sự thật, chẳng phải là chúng ta sẽ cảm thấy có lỗi vì đã dối gạt ổng sao?
- Chúng ta không hề dối gạt. Chính ông ta tự lừa dối mình thôi.


Vô Thần

Các đệ tử rất vui mừng khi được Minh Sư cho biết là Minh Sư mong muốn có được một chiếc áo mới cho ngày sinh nhật của Minh Sư. Người ta mua vải tốt nhất. Ông thợ may trong làng đến lấy ni cho Minh Sư và hứa rằng, nếu Chúa muốn, chiếc áo sẽ hoàn tất trong một tuần lễ.
Sau một tuần, một đệ tử được phái tới nhà ông thợ may trong khi Minh Sư đang hết sức mong đợi chiếc áo mới. Ông thợ may phân trần:
- Vì có một chút trục trặc. Nhưng nếu Chúa muốn, chiếc áo sẽ hoàn tất ngày mai.
Hôm sau, ông thợ may lại phân bua:
- Rất tiếc, chiếc áo chưa xong được. Xin vui lòng trở lại ngày mai nữa và, nếu Chúa muốn, chiếc áo sẽ xong, chẳng chút sai chạy.
Hôm sau nữa, Minh Sư bảo đệ tử:
- Con hãy hỏi ông ta phải mất hết bao lâu nếu cứ khăng khăng đặt Chúa vào công việc nầy?


Phóng Tâm

- Tại sao trong tất cả những người đang hiện diện, tôi lại là người duy nhất không hạnh phúc?
Minh Sư trả lời:
- Vì những người khác đã học nhìn cái đẹp và cái tốt ở mọi nơi.
- Tại sao con không thấy cái đẹp và cái tốt ở đâu hết?
- Vì con không có khả năng nhìn ra ngoài bằng cái nhìn từ bên trong.


Ưu Tiên

Theo truyền thuyết, Thượng Đế gửi một Thiên Thần đến Minh Sư với thông điệp:
- Con hãy xin sống tới một triệu năm và lời cầu xin đó sẽ được chấp nhận. Cho dẫu một triệu triệu năm cũng được. Vậy con muốn sống bao nhiêu năm?
Minh Sư trả lời không chút do dự:
- Tám chục năm.
Các đệ tử rầu rĩ:
- Nhưng, thầy ơi, nếu thầy sống tới một triệu năm, thầy thử xem bao nhiêu thế hệ sẽ được hưởng lợi ích do sự minh triết của thầy.
- Nếu thầy sống tới một triệu năm, người đời sẽ tha thiết muốn kéo dài đời sống hơn là trau dồi minh triết.


Vô Vi

- Con phải làm gì để được tỉnh thức?
- Không làm gì hết.
- Sao lại không?
- Vì không cần phải làm điều gì đó để đạt đến tỉnh thức. Tỉnh thức xảy tới tự nhiên.
- Vậy thì không bao giờ có thể đạt tới tỉnh thức?
- Ồ! Có chứ.
- Bằng cách nào?
- Bằng vô vi.
- Và người ta phải làm gì để đạt đến vô vi?
- Chúng ta làm cách nào để thiếp ngủ và tỉnh dậy?


Diễn Đạt

Một văn hào viết về tôn giáo quan tâm đến những quan điểm của Minh Sư:
- Làm thế nào chúng ta khám phá được Thượng Đế?
Minh Sư trả lời sắc bén:
- Qua việc làm con tim trong trắng bằng thiền quán, chứ không phải bôi đen những trang giấy bằng những diễn từ đạo giáo.
Và quay sang các đệ tử trí thức, Minh Sư châm biếm:
- Hoặc làm cho không khí trở nên dày đặc bởi những cuộc tranh luận uyên bác.


Qui Ẩn

- Con có thể giúp đỡ thế giới nầy như thế nào?
Minh Sư đáp:
- Bằng cách tìm hiểu thế giới.
- Con sẽ tìm hiểu thế giới như thế nào?
- Bằng cách xa lánh thế giới.
- Như vậy con sẽ phục vụ nhân loại như thế nào?
- Bằng cách tìm hiểu chính con.


Hoán Cải

Một nhóm đệ tử nóng lòng đi hành hương, Minh Sư bảo họ:
- Hãy mang quả mướp đắng này theo các con. Hãy nhớ nhúng nó vào những giòng sông thánh và mang nó vào mọi nơi linh thiêng.
Khi đệ tử trở về, trái mướp đắng được đem nấu chín làm món ăn nhiệm tích.
Sau khi nếm món ăn đó, bằng một giọng ranh mãnh Minh Sư nói:
- Lạ thật, nước thánh và những thánh địa không thể mang lại cho nó hương vị ngọt ngào!


Nhân Quả

Mọi người kinh ngạc về một ẩn dụ rất hiện đại của Minh Sư:
- Đời sống chẳng khác gì một chiếc xe hơi.
Các đệ tử chờ giải thích trong yên lặng.
Cuối cùng Minh Sư bảo:
- Ồ, phải rồi. Người ta có thể dùng một chiếc xe hơi để vượt đèo cao.
Yên lặng một chút Minh Sư tiếp:
- Nhưng có rất nhiều người nằm trước xe cố tình để xe cán, sau đó đổ thừa chiếc xe hơi gây ra tai nạn.


Bắt Chước

Sau khi đạt ngộ, Minh Sư bắt đầu sống giản dị, vì nhận thấy sống đơn giản thích hợp với sở thích của mình.
Minh Sư buồn cười khi biết đệ tử bắt chước mình, bắt đầu sống giản dị.
Minh Sư nói:
- Ích lợi gì đâu khi mô phỏng lối sống của thầy mà thiếu động cơ thúc đẩy như thầy. Hoặc chọn động cơ thúc đẩy của thầy mà thiếu cái quan điểm đã phát sinh ra động cơ đó?
Các đệ tử hiểu rõ hơn khi nghe Minh Sư nói:
- Một con dê mọc râu thì có trở thành một giáo sĩ Do Thái được chăng?


Đơn Độc

Có một đệ tử lúc nào cũng tìm kiếm những giải đáp từ Minh Sư.
Minh Sư bảo anh:
- Ở trong con có sẵn giải đáp cho mọi vấn nạn của mình, con chỉ cần biết cách tìm ra giải đáp ấy thôi.
Và một ngày, Minh Sư tuyên bố:
- Ở trong thế giới tâm thức, con không thể bước đi nhờ vào ánh sáng của ngọn đèn người khác. Con muốn mượn cây đèn của thầy. Thầy thấy tốt hơn hết là dạy con cách tự làm lấy cây đèn cho chính con.


Trấn Áp

Minh Sư hôn mê từ nhiều tuần lễ và ở trong tình trạng thập tử nhất sinh. Ngày kia, thình lình mở mắt ra, Minh Sư nhận thấy người đệ tử quý mến đang ngồi bên cạnh.
Minh Sư hỏi nhỏ nhẹ:
- Con không bao giờ rời thầy phải không?
- Không, thưa thầy. Con không thể nào rời Thầy được.
- Tại sao vậy?
- Vì thầy là ánh sáng đời con.
Minh Sư thở dài não nuột:
- Con ơi, có phải thầy làm lóe mắt con rồi không, nên con đành không nhận ra ánh sáng ở trong con?


Chấp Nhận

- Làm thế nào để con có thể trở thành một vĩ nhân như thầy.
Minh Sư đáp:
- Tại sao phải trở thành một vĩ nhân? Thành nhân đã là một kỳ công vĩ đại rồi!


Ý Thức Hệ

Một nhóm tranh đấu chính trị cố thuyết phục Minh Sư:
- Với ý thức hệ của chúng tôi sẽ làm thay đổi toàn diện thế giới.
Minh Sư chăm chú lắng nghe.
Ngày hôm sau Minh Sư nói:
- Một ý thức hệ tốt hay xấu đều tùy vào con người sử dụng. Nếu một triệu con chó sói tụ tập lại để tranh đấu cho công lý thì có phải vì thế mà chúng không còn là một triệu con chó sói nữa chăng?


Tưởng Tượng

- Kẻ thù lớn nhất của tỉnh thức là gì?
- Nỗi sợ hãi.
- Nỗi sợ hãi từ đâu đến?
- Từ ảo tưởng.
- Ảo tưởng về điều gì?
- Tưởng rằng những bông hoa quanh mình là những con rắn độc.
- Thế thì làm sao con có thể đạt được tỉnh thức?
- Con hãy mở mắt để thấy.
- Thấy gì?
- Thấy rằng không có con rắn độc nào ở chung quanh con.


Nhận Thức

- Sự cứu rỗi đạt được nhờ hành động hay nhờ thiền quán?
- Không nhờ hành động cũng như thiền quán. Sự cứu rỗi đạt được khi người ta thấy.
- Thấy gì?
- Thấy rằng cái kiềng bằng vàng mà bạn mong có được thì đang tròng vào cổ của bạn. Thấy rằng con rắn mà bạn khiếp sợ chỉ là một khúc nhợ kéo lê lết trên mặt đất.


Thay Đổi

Một sử gia thăm viếng Minh Sư, ông ta rất ưa tranh luận.
Ông ta hỏi:
- Những cố gắng của chúng ta có làm thay đổi dòng lịch sử không?
Minh Sư trả lời:
- Ồ! Có chứ.
- Và lao động của con người có làm thay đổi trái đất không?
Minh Sư đáp:
- Chắc chắn rồi.
- Vậy tại sao ngài dạy rằng những cố gắng của con người không mang lại chút kết quả gì hết?
Minh Sư đáp:
- Bởi vì khi gió lặng, thì lá vẫn rơi như thường.


Sáng Suốt

Các đệ tử hăng say tranh cãi về nguyên nhân đau khổ của nhân loại.
Người này bảo là do tính ích kỷ. Người kia thì nói là do ảo tưởng. Kẻ khác thì cho là không biết phân biệt giữa hiện thực và không hiện thực.
Khi được hỏi ý kiến, Minh Sư trả lời:
- Mọi đau khổ đến từ việc con người không thể ngồi một mình trong yên lặng.


An Nhiên Tự Tại

Minh Sư xem ra hững hờ với những gì mà người đời nghĩ về ngài. Khi đệ tử hỏi Minh Sư làm thế nào mà đạt tới sự an nhiên tự tại như thế, Minh Sư cười lớn và nói:
- Khi thầy hai mươi tuổi, thầy không chút ưu tư về những gì người ta nghĩ tưởng về mình. Sau hai mươi tuổi, thầy thường bận tâm về những gì hàng xóm láng giềng nghĩ tưởng. Đến năm mươi tuổi, thầy mới nhận ra rằng, trong thực tế, không ai nghĩ tưởng về thầy hết!


Thành Kiến

Minh Sư nói:
- Không có điều gì là xấu hay tốt. Chính tư duy làm cho mọi chuyện trở nên xấu hay tốt.
Khi được yêu cầu giải thích, Minh Sư nói:
- Một người có thể nhịn ăn theo tôn giáo mình bảy ngày một tuần một cách vui vẻ. Còn người hàng xóm thì chết rũ khi nhịn đói như thế.


Tình Yêu

Một đôi vợ chồng mới cưới hỏi:
- Làm thế nào để tình yêu chúng con bền bỉ mãi mãi?
Minh Sư đáp:
- Các con hãy cùng nhau yêu thương những điều khác đi.


Giàu Có

Một doanh nhân hỏi:
- Đời sống tâm linh có thể giúp một người phàm tục như tôi như thế nào?
Minh Sư đáp:
- Điều đó sẽ giúp bạn có được nhiều hơn.
- Tại sao?
- Bằng cách dạy bạn ham muốn ít hơn.


Thanh Thản

Một người môi giới chứng khoán rất đau khổ vì đã sạt nghiệp. Ông bèn vào tu viện để tìm sự thanh thản nội tâm. Nhưng lại quá thất vọng để có thể thiền định.
Sau khi ông ta ra về, Minh Sư an ủi:
- Những ai nằm dưới đất sẽ không bao giờ bị té khỏi giường.


Toàn Năng

Minh Sư không bao giờ khuyên ai vào tu viện sống. Minh Sư nói:
- Muốn tìm lợi ích của sách, bạn không cần thiết phải sống trong thư viện.
Có khi Minh Sư còn nói một cách quả quyết hơn:
- Bạn có thể đọc rất nhiều sách mà chẳng bao giờ đặt chân vào một thư viện nào cả; cũng như thực hành tu học mà chẳng bao giờ vào một đền thờ nào.


Dòng Chảy

Khi biết chắc Minh Sư sẽ từ trần, các đệ tử vô cùng thất vọng.
Minh Sư tươi cười bảo họ:
- Các con không thấy rằng cái chết làm cho đời sống đáng yêu sao?
- Dạ không. Chúng con chỉ ước mong thầy đừng bao giờ chết.
- Bất cứ cái gì thực sự sống đều phải chết. Các con hãy nhìn xem bông hoa: chỉ những hoa giả mới không chết.


Tử Vong

Có một đệ tử van xin Minh Sư chỉ bảo Minh Triết, Minh Sư nói:
- Con hãy làm thử điều nầy: nhắm nghiền mắt lại và tưởng tượng con bị rơi xuống vực thẳm với mọi vật đều bị lôi cuốn theo con. Mỗi khi con bám vào bất cứ vật gì để khỏi bị rơi thì con nên biết rằng vật đó cũng đang rơi.
Sau khi thử như thế, đệ tử không còn là một người như trước nữa.


Thiên Nhiên

Một diễn giả cho biết chỉ cần một phần rất nhỏ trong những số tiền khổng lồ mua bán vũ khí hiện nay sẽ đủ để giải quyết mọi vấn đề vật chất của toàn thể nhân loại.
Sau bài diễn văn, đương nhiên các đệ tử phản ứng:
- Vậy tại sao người ta ngu muội đến thế?
Minh Sư trịnh trọng trả lời:
- Bởi vì người ta chỉ biết đọc những quyển sách in mà thôi. Họ đã quên nghệ thuật đọc những quyển sách chưa hề xuất bản.
- Xin thầy cho chúng con một thí dụ về một quyển sách chưa hề xuất bản.
Nhưng Minh Sư không cho thí dụ nào.
Ngày kia, họ cứ dai dẳng hỏi, Minh Sư trả lời như sau:
- Tiếng chim hót líu lo, tiếng côn trùng rên rĩ, tất cả đều vang vọng Chân Lý. Cỏ cây hoa lá chỉ cho ta Con Đường trở về. Các con hãy lắng nghe! Hãy nhìn xem! Chính đó là điều phải đọc!


Thiên Đàng

Một đệ tử bị ám ảnh bởi ý nghĩ về cuộc sống sau khi chết. Minh Sư nói với anh:
- Tại sao con phải mất thời giờ nghĩ tới thế giới bên kia?
- Nhưng có thể nào không nghĩ tới được sao?
- Được chứ.
- Làm thế nào?
- Bằng cách sống trên thiên đàng, ngay tại bây giờ và nơi đây.
- Và thiên đàng ở đâu?
- Ở tại nơi đây và bây giờ.


Biết Rõ

- Tỉnh thức mang lại lợi ích gì cho thầy?
- An vui.
- An vui là gì?
- Là biết rõ rằng khi mất tất cả chỉ như mất một món đồ chơi.


Lòng Tin

Minh Sư thường nhấn mạnh sự thánh thiện không phải là những gì người ta phải làm, đúng hơn là điều mình cho phép xảy ra. Vì một số đệ tử không hiểu rõ điều đó, nên Minh Sư trả lời bắng cách thuật câu chuyện sau đây:
- Có một con rồng một chân ngày kia nói với con rết (trăm chân): "Làm sao bạn có thể điều khiển tất cả bao nhiêu chân đó được? Riêng tôi, tôi chỉ có thể điều khiển mỗi một chân mà thôi." Con rết trả lời: "Thật ra, tôi chả điều khiển gì hết."


Giáo Điều

Một vị khách tự cho rằng mình không cần phải truy tầm Chân Lý vì ông cho rằng mình đã tìm ra Chân Lý trong những xác tín về tôn giáo của mình. Minh Sư nói với ông:
- Xưa có một sinh viên không thể nào trở thành nhà toán học vì tin tưởng mù quáng vào các đáp số in ở cuối sách và mỉa mai thay, những đáp số đó đều trúng hết!


Nguồn Gốc

Hôm ấy là ngày sinh nhật của một nữ đệ tử. Minh Sư hỏi:
- Con muốn món quà gì cho ngày sinh nhật của con?
- Điều gì có thể mang lại cho con sự tỉnh giác.
Minh Sư mỉm cười:
- Con ơi, hãy cho thầy biết, khi con sinh ra đời, con đã đi vào trần gian như một vì sao từ trên trời rơi xuống hay đã rời khỏi trần gian như một chiếc lá rụng khỏi thân cây?
Suốt ngày, nữ đệ tử nghiền ngẫm câu hỏi lạ lùng đó của Minh Sư, rồi bất chợt tìm thấy câu trả lời và tỉnh thức.


Ngôn Từ

Các đệ tử đang say sưa luận bàn câu nói của Lão-tử:
"Biết thì không nói;
Nói thì không biết."
Khi Minh-Sư xuất hiện, họ hỏi ý nghĩa những lời nầy.
Minh Sư hỏi:
- Ai trong các con đã ngửi mùi thơm hoa hồng?
Mọi người đều trả lời có.
- Thử diễn tả xem sao?
Tất cả đều im lặng.


Kinh Nghiệm

Thán phục kinh nghiệm thần bí của Minh Sư, Viện Trưởng một đại học danh tiếng muốn mời Minh Sư làm khoa trưởng Phân Khoa Thần Học.
Ông ta tìm tới đệ tử trưởng với đề nghị trên. Người này trả lời:
- Minh Sư thường nhấn mạnh là sống tỉnh thức chứ không dạy tỉnh thức.
- Chẳng lẽ đây là một trở ngại khiến Minh Sư không trở thành Khoa Trưởng Phân Khoa Thần Học?
- Cũng trở ngại như một con voi trở thành Khoa Trưởng Phân Khoa Động Vật Học vậy!


Công Khai

Nếu không có con mắt tinh đời, người ta không nhận ra điều gì khác thường ở Minh Sư. Minh Sư có thể sợ hãi và sa sút tinh thần khi hoàn cảnh đưa đẩy, có thể cười, khóc, nổi giận. Minh Sư cũng thích ăn ngon, thích nhăm nhi và thậm chí cũng biết ngoái đầu nhìn trộm một người đàn bà đẹp.
Một khách hành hương than phiền Minh Sư không phải là một "vị thánh", một đệ tử vội ngắt lời:
- Thánh nhân là một việc. Còn người đó có buộc phải ra vẻ thánh thiện dưới mắt bạn hay không, thì lại là một việc khác.


Sùng Bái Thần Tượng

Minh Sư không ngớt cảnh báo các đệ tử về những nguy hiểm do tôn giáo gây ra. Minh Sư thường kể chuyệnt về một nhà tiên tri đi trên đường với bó đuốc và tuyên bố đốt đền thờ để mọi người quan tâm đến Chúa nhiều hơn là đền thờ.
Minh Sư nói thêm:
- Một ngày nào đó, thầy cũng sẽ đích thân cầm bó đuốc đốt cháy cả đền thờ lẫn Chúa.


Tồng Trọt

Một vị khách tìm đạo hỏi Minh Sư làm thế nào phân biệt một người thầy chân chính với một người thầy giả mạo.
Minh sư trả lời:
- Một ông thầy hay thì dạy cách thực hành; một ông thầy dở thì dạy lý thuyết suông.
- Nhưng làm thế nào để biết thực hành đúng hay sai?
- Cũng như trại chủ biết mình trồng trọt đúng hay sai.


Phù Du

Minh Sư dị ứng với những người kéo dài thời gian lưu ngụ ở tu viện. Thế nên không sớm thì muộn mỗi đệ tử sẽ nghe những lời chói tai như:
- Đã đến lúc bạn nên ra đi. Nếu không đi, thì tâm thức sẽ không đến với bạn.
- Tâm thức đó là gì, một đệ tử mộ đạo muốn biết.
Minh Sư đáp:
- Nước chỉ sống động và tự do khi tuôn chảy. Con cũng sẽ sống động và tự do khi ra đi. Nếu con không rời xa thầy, con sẽ bị chết mục và bị ô nhiễm.


Phi Chứng Nghiệm

Trong một cuộc thảo luận liên quan đến chứng nghiệm về Thượng Đế, Minh Sư nói:
- Khi Thượng Đế được chứng nghiệm, cái tôi phải biến mất. Vậy ai muốn chứng nghiệm đây?
- Vậy chứng nghiệm về Thượng Đế có phải là một điều phi chứng nghiệm không?
Minh Sư trả lời:
- Như giấc ngủ. Chỉ chứng nghiệm được giấc ngủ khi hết ngủ mà thôi.


Thất Vọng

Những đệ tử say mê về những chuyện huyền bí hỏi:
- Làm sao có thể phân biệt giữa một nhà nhà thần bí chân chính và giả danh?
Minh Sư hỏi:
- Làm thế nào các con có thể phân biệt một người ngủ thật với một người ngủ giả vờ?
Các đệ tử trả lời:
- Vô phương. Chỉ người ngủ mới biết khi nào mình ngủ giả vờ mà thôi.
Minh Sư cười nói:
- Người ngủ giả vờ có thể dối gạt kẻ khác nhưng họ không thể dối gạt chính mình. Khốn nỗi, nhà thần bí giả mạo có thể dối gạt vừa người khác và chính mình nữa.


Phán Xét

- Làm thế nào con có thể tha thứ người khác?
- Nếu con không kết án ai, con sẽ không cần tha thứ.


Phát Triễn

Một đệ tử than phiền về những giới hạn của mình, Minh Sư bảo:
- Quả thật, con bị giới hạn. Nhưng con có nhận thấy rằng hôm nay con có thể làm những việc mà cách đây mười lăm năm con nghĩ không thể nào làm được không? Điều gì đã thay đổi?
- Khả năng của con đã thay đổi.
- Không. Chính con.
- Phải chăng giống nhau.
- Không phải. Con nghĩ con thế nào thì con thế đó. Khi suy tư của con thay đổi thì con đã thay đổi.


Hời Hợt

Ngày kia, một ký giả xin Minh Sư nói ra một đặc điểm của thế giới hiện đại.
Minh Sư trả lời không chút do dự:
- Mỗi ngày, người ta càng hiểu biết nhiều về Vũ Trụ nhưng càng ít biết về chính mình.
Và với một nhà thiên văn đang thao thao bất tuyệt với Minh Sư về những kỳ công tuyệt diệu của ngành thiên văn học hiện đại, Minh Sư đột nhiên tuyên bố:
- Trong hàng triệu triệu những vật thể kỳ lạ trong vũ trụ: những lỗ đen, những chuẩn tinh, pun xa...nhưng kỳ lạ hơn hết và chắc chắn hơn hết chính là cái tôi!


Sáng Tạo

- Hành động nào cao quí nhất mà người ta có thể làm được?
- Tọa thiền.
Nhưng hiếm khi thấy Minh Sư tọa thiền. Minh Sư không ngừng làm việc lặt vặt trong nhà hay ngoài đồng, tiếp khách hoặc viết sách và còn đảm đương sổ sách kế toán cho tu viện.
- Nhưng tại sao thầy lại giết thời gian bằng cách làm việc?
- Khi làm việc là muốn nói không thể ngồi để thiền định.


Giới Hạn

Người vô thần hỏi:
- Có Thượng Đế không?
Minh Sư đáp:
- Nếu có, chắc chắn không có loại Thượng Đế mà người đời thường nghĩ.
- Ngài muốn ám chỉ ai khi đề cập tới người đời?
- Mọi người.


Ưu Tiên

Minh Sư hoan nghênh những tiến bộ kỹ thuật, cho dù Minh Sư rất biết rõ về những giới hạn của kỹ thuật. Khi một kỹ nghệ gia hỏi Minh Sư làm nghề gì, Minh Sư trả lời:
- Tôi hoạt động trong kỹ nghệ nhân sinh.
Kỹ nghệ gia hỏi:
- Xin thầy cho biết thầy muốn nói điều gì?
Minh Sư đáp:
- Lấy thí dụ trường hợp của ông. Những cố gắng của ông nhằm sản xuất những đồ vật tốt hơn; còn tôi lo đào tạo con người tốt hơn.
Sau đó, Minh Sư nói với đệ tử:
- Mục đích cuộc sống là sự phát triển của con người . Ngày nay, hình như người ta lại cho sự phát triển kỹ thuật là quan trọng.


Không Lay Chuyển

Minh Sư la to khi gặp lại người bạn thuở nhỏ:
- Trời ! Sao bạn già quá vậy.
Người bạn đáp:
- Người ta không thể ngăn tôi già đi, phải không?
Minh Sư đáp:
- Đúng vậy. Nhưng chúng ta nên tránh việc trở nên già nua.


Hủy Diệt

Dù rất thánh thiện, Minh Sư có vẻ hơi đối kháng với tôn giáo. Điều nầy khiến các đệ tử hoang mang, vì khác với Minh Sư, họ xem tôn giáo ngang hàng với linh đạo.
Minh Sư nói:
- Tôn giáo mà người ta thực hành hôm nay chỉ chú trọng đến việc thưởng phạt. Nói cách khác, tôn giáo chỉ nuôi dưỡng sự sợ hãi và lòng ham muốn, hai việc tai hại nhất đối với linh đạo.
Sau đó, Minh Sư nói thêm với sự nuối tiếc:
- Đó chẳng khác nào dùng nước để ngăn chặn lủ lụt; hoặc dùng lửa để chữa cháy.


Ý Nghĩa

Lần kia các đệ tử tập trung tranh luận về lợi ích của việc đọc sách. Có người cho đó là việc mất thời giờ, người khác nói ngược lại.
Khi được hỏi ý kiến, Minh Sư trả lời:
- Có bao giờ các con đọc được một văn bản mà những ghi chú bên lề của một độc giả lại có ý nghĩa hơn chính văn bản không?
Các đệ tử gật đầu đồng ý.
Minh Sư nói:
- Cuộc sống được xây dựng trên những ghi chú bên lề này.


Đối Lập

Một người có đầu óc canh tân cảm thấy chán nản vì hay bị chỉ trích. Minh Sư bảo ông ta:
- Bạn hãy lắng nghe những lời nói của người chỉ trích. Người ấy tiết lộ những điều mà bạn bè che giấu bạn.
Nhưng Minh Sư cũng nói:
- Bạn đừng ngã lòng vì những điều mà người chỉ trích nói. Không bao giờ có ai dựng tượng để tôn vinh một người chỉ trích. Những bức tượng chỉ được tạc cho những người bị chỉ trích.


Chuộc Lỗi

Một người đàn ông gặp nhiều khó khăn trong đời sống vợ chồng đến thỉnh ý Minh Sư.
Minh Sư trả lời:
- Bạn hãy tập lắng nghe vợ nói.
Ông ta ghi nhớ trong lòng lời chỉ bảo của Minh Sư và một tháng sau, ông trở lại nói rằng đã tập lắng nghe từng lời vợ nói.
Với một nụ cười, Minh Sư bảo:
- Giờ đây bạn hãy trở về nhà và lắng nghe từng lời mà vợ bạn không nói.


Khai Mở

Minh Sư là người cổ võ cả Kiến Thức lẫn Minh Triết.
Khi được hỏi về điều đó, Minh Sư trả lời:
- Kiến Thức có được bằng cách đọc sách hay lắng nghe các bài giảng thuyết.
- Còn Minh Triết?
- Bằng cách đọc một quyển sách.
- Quyển sách nào?
- Chính bản thân mình.
Sau khi suy nghĩ, Minh Sư nói thêm:
- Đây không phải là việc dễ, vì mỗi phút trong ngày bản thân mình đều phát hành một ấn bản mới về quyển sách đó!


Biểu Thị

Khi một đệ tử nhập môn trình diện Minh Sư, thông thường đệ tử mới đó được nghe bài giáo lý như sau:
- Con có biết ai sẽ không bao giờ bỏ con suốt cả hành trình cuộc sống của con không?
- Là ai vậy?
- Là con. Và con có biết câu trả lời cho mọi câu hỏi mà con đặt ra không?
- Là câu gì vậy?
- Là con. Và con có thể đoán xem đâu là giải pháp cho mỗi một vấn đề của con không?
- Con chịu thua.
- Là con.


Chiêm Niệm

Minh Sư thường nói:
- Yên lặng phát sinh Chuyển hóa
Nhưng không ai có thể làm cho Minh Sư giải thích yên lặng là gì? Khi hỏi ngài, ngài chỉ cười, rồi để ngón tay trỏ lên chiếc môi ngậm kín. Điều nầy làm tăng thêm sự hoang mang của các đệ tử. Một ngày nọ, một đệ tử thành công vì đã làm Minh Sư nói về nó:
- Làm thế nào chúng con đạt được sự Yên Lặng mà thầy đề cập tới?
Câu trả lời của Minh Sư thật đơn giản đến nỗi các đệ tử nhìn chăm chăm vào mặt Minh Sư để xem có dấu hiệu nào cho thấy Minh Sư nói đùa không? Nhưng Minh Sư không hề đùa.
Minh Sư nói:
- Bất cứ các con ở nơi nào, hãy nhìn, cho dù xem ra không có gì để thấy; hãy lắng nghe, cho dù xem ra hoàn toàn chỉ có im lặng.


Ngây Thơ

Nhân một cuộc dã ngoại Minh Sư nói:
- Các con có muốn biết thế nào là sống tỉnh thức? Hãy nhìn bầy chim đang bay lượn trên mặt hồ.
Khi các đệ tử nhìn, Minh Sư la lên:
- Bầy chim đang tỏa xuống một hình ảnh phản chiếu trên mặt nước. Thế mà chúng chẳng lưu tâm đến hồ nước và hồ nước hoàn toàn không bám vào bóng chim.


Nghệ Thuật

Có người hỏi:
- Minh Sư dùng để làm gì?
Đệ tử trả lời:
- Để dạy điều bạn đã từng biết, để chỉ điều bạn đã từng nhìn thấy.
Thấy khách lúng túng, đệ tử nói thêm:
- Nhờ những bức tranh, họa sĩ giúp ta thấy rõ cảnh hoàng hôn. Nhờ những giáo huấn, Minh Sư dạy tôi nhìn thấy thực chất của từng khoảnh khắc.


Cô Đơn

- Con muốn sống với Thượng Đế khi cầu nguyện.
- Điều mà con muốn thật vô lý.
- Tại sao?
- Vì khi nào con có mặt, thì Thượng Đế vắng bóng. Khi nào Thượng Đế có mặt, thì con lại vắng bóng. Vậy làm sao con có thể sống với Thượng Đế được?
Sau đó, Minh Sư nói thêm:
- Con hãy tìm kiếm sự đơn độc. Khi con ở với người nào khác, con không ở một mình. Khi ở ''với Thượng Đế", con không ở một mình. Cách hay nhất để thực sự sống với Thượng Đế là phải hoàn toàn sống một mình. Như thế, may ra, Thượng Đế sẽ có ở đó và con thì không.


Tỷ Lệ

Một khách hành hương hết sức nản lòng vì những câu nói vô vị mà Minh Sư đã ngỏ với mình.
Ông than phiền với một đệ tử:
- Tôi đến đây để tìm Minh Sư. Thế mà tôi chỉ gặp một người không khác mọi người bình thường.
Đệ tử trả lời:
- Minh Sư là một người thợ đóng giày có cả một kho da dự trữ đầy ắp. Nhưng Minh Sư chỉ cắt da để đóng giày theo ni tất chân ông thôi.


Hung Hăng

Một đệ tử nhiệt tâm tỏ bày ý muốn đi truyền bá Chân Lý cho người khác và hỏi Minh Sư nghĩ thế nào?
Minh Sư đáp:
- Chờ
Mỗi năm, đệ tử thỉnh nguyện lại như thế và lần nào, Minh Sư cũng trả lời như nhau:
- Chờ
Cho đến một ngày, đệ tử thưa với Minh Sư:
- Chừng nào con mới sẵn sàng thuyết giảng?
Minh Sư đáp:
- Khi nào con mất đi sự hăng say thái quá đối với việc thuyết giảng


Cầu Nguyện

Minh Sư không ngừng đả kích những ý niệm khôi hài của người đời về Thượng Đế.
Minh Sư thường nói:
- Nếu Thượng Đế giúp bạn và bạn thoát nạn, thì đây đến lúc bạn bắt đầu đi tìm Thượng Đế.
Khi được hỏi:
- Như thế thầy muốn nói lên điều gì.
Minh Sư thuật lại câu chuyện sau đây:
- Một người lơ đễnh để chiếc xe đạp mới của mình trước chợ rồi vào chợ mua sắm. Ngày hôm sau ông mới sực nhớ đến chiếc xe đạp, thế là ông chạy ra chợ, đinh ninh chiếc xe đạp đã bị mất trộm. Chiếc xe đạp vẫn còn ở ngay nơi ông đã để quên. Rất đỗi vui mừng, ông chạy vào đền thờ gần đó để cảm tạ Thượng Đế đã giữ gìn xe đạp của ông khỏi bị mất cắp. Khi ra khỏi đền, ông nhận ra là chiếc xe đạp đã biến mất!


Mánh Lới

Minh Sư ngồi nghe một người đàn bà than phiền về chồng mình.
Cuối cùng Minh Sư nói:
-Thưa bà, hôn nhân của bà sẽ hạnh phúc hơn, nếu bà là một người vợ tốt hơn.
- Làm thế nào tôi có thể được như vậy?
- Bằng cách đừng cố làm cho ông ấy trở thành một người chồng tốt hơn.


Quyến Luyến

- Con không biết điều gì sẽ xảy tới ngày mai nên con muốn chuẩn bị cho sẵn sàng.
- Con lo sợ cho ngày mai, mà không nhận thức rằng ngày hôm qua cũng đầy dẫy những bất trắc.


Trình Diễn

Một đệ tử ngỏ ý muốn truyền bá Chân Lý cho người khác, Minh Sư đề nghị một cuộc trắc nghiệm:
- Con hãy thử giảng thuyết và chính thầy sẽ tham dự để xem con đã sẵn sàng chưa?
Bài thuyết giảng của đệ tử thật truyền cảm. Khi chấm dứt, một người ăn xin tiến lại gần, đệ tử đứng lên và trao tặng một chiếc áo choàng, khiến toàn thể cử tọa xúc động.
Sau đó, Minh Sư tuyên bố:
- Con ạ, lời lẽ của con rất hùng hồn, nhưng con chưa sẵn sàng.
Đệ tử chán nản hỏi:
- Sao lại chưa?
- Vì hai lý do: Con không để cho người ăn xin có cơ hội biểu lộ nhu cầu của mình. Và con không nên làm hoa mắt người khác về đức độ của con.


Đấm Vào Cái Bóng

Với những người mới tới, Minh Sư thường nói:
- Hãy gõ cửa thì cửa sẽ mở.
Với một vài người đó, về sau Minh Sư lại nói một cách đầy ẩn ý:
- Làm sao phải đợi cánh cửa mở khi mà nó chưa bao giờ đóng cả?


Giáo Dục

Dù ngờ vực đối với kiến thức và học vấn về những vấn đề thiêng liêng, Minh Sư không bao giờ bỏ qua một cơ hội để khuyến khích nghệ thuật, khoa học và mọi hình thức hiểu biết khác. Vì vậy không lấy làm lạ khi Minh Sư sẵn sàng chấp nhận lời mời để phát biểu trước một hội nghị đại học.
Minh Sư đến sớm trước một giờ để dạo quanh khu đại học và chiêm ngưỡng các phương tiện tối tân dành cho việc học hỏi, chưa từng có trước kia vào thời của Minh Sư.
Diễn văn của Minh Sư không kéo dài đến một phút.
Minh Sư nói:
- Những phòng thí nghiệm, những thư viện, những dãy hành lang, những mái hiên, những phòng giảng thuyết, tất cả những thứ ấy không có ích lợi gì, nếu thiếu một tâm hồn minh triết và cặp mắt biết nhìn.


Thử Thách

Minh Sư nói:
- Hoạn nạn có thể làm cho ta thăng tiến và tỉnh thức.
Minh Sư giải thích tiếp theo:
- Một con chim hằng ngày thường tìm nơi trú ẩn trên những cành khô héo của một cây đại thụ mọc giữa cánh đồng hoang vắng. Ngày kia, một trận cuồng phong nổi lên làm tróc rễ cây đại thụ, buộc con chim đáng thương kia phải vỗ cánh cả trăm dặm đi tìm một nơi trú ẩn khác, cuối cùng, nó đến được một khu rừng với những cây cối nặng trĩu hoa trái.
Minh Sư kết luận:
- Nếu cây đại thụ khô héo kia còn sống, không có gì thúc đẩy nổi con chim rời bỏ nơi an ổn sẵn có để bay đi.


Thiên Tài

Một nhà văn đến tu viện để xin viết một quyển sách về Minh Sư. Ông ta hỏi:
- Người ta đồn Ngài là một thiên tài, có phải vậy không?
Minh Sư đáp với vẻ khiêm tốn:
- Có thể là như vậy.
- Điều gì làm cho một người trở thành thiên tài?
- Khả năng nhận biết.
- Nhận biết điều gì?
- Con bướm ở trong ổ kén; con chim phượng hoàng ở trong cái trứng; và vị thánh nhân ở trong một người phàm phu tục tử.


Nhân Loại

Một chiến dịch quảng cáo sâu rộng liên quan đến bài diễn văn của Minh Sư nói về Sự Hủy Diệt Của Thế Giới và một đám đông lớn tụ tập quanh tu viện.
Chưa đầy một phút, bài diễn văn đã kết thúc. Minh Sư chỉ nói vỏn vẹn:
- Những việc sau đây sẽ hủy diệt con người: chính trị không nguyên tắc, tiến bộ không tình thương, giàu có không làm việc, học tập không yên lặng, tôn giáo không dũng cảm, thờ phượng không ý thức.


Từ Khước

- Tỉnh Thức để làm gì?
Minh Sư đáp:
- Để có tinh thần cộng đồng mà không thuộc một phe phái nào. Di chuyển không bị giới hạn vào một con đường cố định. Chấp nhận sự việc như chúng là. Không tiếc nuối quá khứ hay lo lắng về tương lai. Bị đẩy thì trôi theo. Bị kéo đi đâu thì theo đó. Mãnh liệt như gió lớn. Giống như cọng lông trước gió, như cọng cỏ trôi sông, như cối xay êm ái nghiền bột. Thương yêu tất cả vạn vật như trời đất đối xử như nhau với mọi loài. Đó là Tỉnh Thức.
Sau khi nghe những lời nầy, một đệ tử trẻ tuổi sụt sùi:
- Giáo huấn này không phải cho người sống mà dành cho người chết.
Và anh ta bỏ đi mà không bao giờ trở lại.