NHỊN và KHÔNG NHỊN

Tại sao phải NHỊN? Nếu không phải vì còn cần những gì người khác cần, kể cả danh vọng và quyền uy, thâu thiên hạ và muốn tránh sự xung đột bên ngoài với người khác cũng cần như mình nên phải nhịn. Dù bên ngoài như đã được 'dĩ hòa vi quý' nhưng trong tâm chưa chắc đã được an, tựa như mặt biển yên sóng nhưng vẫn có sóng ngầm bên dưới.
NHỊN vẫn luôn luôn để lại vết dơ trong tâm tư và khó tránh bộc phát ra ngoài khi có trợ duyên. Như thế, NHỊN chưa thật là điều cần phải thực hiện, mà chính là KHÔNG NHỊN.
Khi chọn KHÔNG NHỊN làm công án tư duy, thiền giã hẵn sẽ thấy được lý do vì sao giới xuất gia cần phải giữ giới và càng giữ nhiều giới thì càng đạt được KHÔNG NHỊN. Thật vậy, khi ăn chay thì không bận tâm đến chuyện nhịn hay không nhịn về thịt cá, khi giữ giới tình yêu nam nữ hay thân cận với khác phái thì không bận tâm đến ghen tương hay thị phi, khi từ bỏ ham muốn một thứ vật chất thì không phải bận tâm nhịn hay không nhịn về thứ đó, khi quay lưng lại với quyền uy (như Thái Tử Tất Đạt Đa bỏ cung vàng điện ngọc) thì không còn bận tâm đến chuyện nhịn hay không nhịn về việc lo cho dân của một quốc gia như các chính trị gia.
Rốt lại, KHÔNG NHỊN vẫn là điều cần hơn NHỊN và khó thực hiện mà thiền giã tư duy như các thiền sư xưa chọn KHÔNG làm công án, hầu dẫn đến một tâm thái rỗng lặng.
Huệ Trí