QUỐC SƯ VÀ HOÀNG ĐẾ


Đời nhà Thanh, vua Thuận Trị một hôm đặc biệt mời quốc sư Ngọc Lâm vào cung, xin chỉ dạy Phật pháp, vua hỏi:
- Trong kinh Lăng nghiêm có 7 chỗ chứng minh về tâm, và 7 chỗ hỏi tâm ở chỗ nào? Hiện nay, xin hỏi tâm ở 7 chỗ? Hay là chẳng ở 7 chỗ?
Quốc sư Ngọc Lâm đáp:
- Tìm tâm trọn chẳng thể được.
Vua Thuận Trị:
- Người ngộ đạo, còn có buồn, giận, thương, ghét không?
Quốc sư Ngọc Lâm đáp:
- Cái gì gọi là buồn, giận, thương, ghét?
Vua Thuận Trị:
- Núi sông, trái đất từ vọng niệm sanh, vọng niệm nếu dừng, núi sông, trái đất lại còn hay mất?
Quốc sư Ngọc Lâm đáp:
- Như người đang trong mộng được tỉnh dậy thì các việc trong mộng là còn hay mất?
Vua Thuận Trị:
- Làm sao dụng công?
Quốc sư Ngọc Lâm:
- Khoanh tay không làm (Không vọng tưởng).
Vua Thuận Trị:
- Thế nào là lớn?
Quốc sư Ngọc Lâm đáp:
- Ánh sáng chân tâm trùm khắp nơi, cành cây có gốc ngọn.
Vua Thuận Trị:
- Bản lai diện mục làm sao tham cứu?
Quốc sư Ngọc Lâm:
- Như Lục Tổ nói: "Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, chính khi ấy, làm sao hiểu bản lai diện mục".
Về sau, vua Thuận Trị gặp người nào cũng nói: "Cùng với quốc sư Ngọc Lâm một lần bàn luận, đúng là đã thấy nhau rồi, chỉ hối hận là gặp Ngài hơi muộn".