Sống chậm lại


Cuộc sống vội vã, gấp gáp trong hơi thở của thời đại khiến ta có lúc quên đi chính mình. Sự mệt mỏi khi cuốn vào guồng quay của cuộc sống, biến bản thân trở thành một cái máy khô khan chỉ biết toan tính làm ta có cảm giác cuộc đời này thật nhàm chán. Nhưng đừng vội trách cuộc đời nhé, ngoài kia còn nhiều thứ vô cùng bình dị và tươi đẹp để mình cố gắng. Cuộc sống là một bản nhạc có đủ những cung bậc, vui, buồn, hạnh phúc và khổ đau, là một bức tranh sống động với nhiều mảnh ghép và những màu sắc khác nhau nhưng có lẽ hai mảng sáng tối là đặc trưng hơn cả. Chính bạn sẽ là người lựa chọn cho mình một mảng màu nào đó để tự vẽ nên cuộc sống của mình.
Nếu chịu khó lắng nghe bạn sẽ khám phá và nhận thấy, hóa ra cuộc sống vẫn còn vô vàn thứ đáng yêu lắm trong vỏ bọc rất đỗi giản dị, bình thường. Và khi sống chậm lại, bạn sẽ thấy mình còn may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người. Vì thế, dù áp lực công việc đến đâu cũng hãy mỉm cười bởi ở ngoài kia có lẽ nhiều người đang mơ ước, vật lộn để tìm được việc làm. Con người là vậy, luôn vươn tới một điều gì đó thật xa xôi, nhưng lại không nhận ra được niềm vui nhỏ nhoi trong cuộc sống. Từ những điều bình dị nhất ta sẽ tìm ra những điều đẹp đẽ nhất mà ta chưa từng biết đến.
Hãy sống chậm lại để lắng nghe và cảm nhận nó. Đừng ép mình biến thành người xa lạ để rồi có lúc tự hỏi: Tôi là ai? Tôi đang làm gì trong cuộc sống này?
Nhưng sống chậm như thế nào cho đúng, sống chậm như thế nào cho đủ và thấm thía thật sâu ý nghĩa của sống chậm thì thật là không phải dễ.
Con người muốn đi nhanh, có lẽ là bởi họ biết cuộc sống của mình hữu hạn và ngắn ngủi. Một đời người có khi chưa bằng một cái chớp mắt của vũ trụ. Tự nhiên sống chậm vì tự nhiên không mục đích. Nhưng con người lại là một tạo vật sống có ý thức và có mục đích. Dù biết rằng đôi khi vì quá nghĩ đến mục đích mà bỏ qua nhiều điều thú vị trên đường đi. Sống chậm, không phải là một cách sống đối nghịch với cách sống nhanh. Nó cũng không biện minh cho cách sống lờ đờ không mục đích, không lý tưởng.
Vội vã và gấp gáp có thể sẽ khiến ta bỏ qua nhiều thứ đẹp đẽ của cuộc sống mà bản thân không biết. Để rồi có một ngày chợt nhận ra mình đã vô tình chứ không phải cuộc sống vô tình. Những người đầu tiên nghĩ đến sống chậm là những người sống nhanh nhất, đó là một cách tự nhắc nhở để điều hòa, nhắc nhở rằng con đường còn dài và cần giữ sức, cần tái tạo, để thực sự là sống, chứ không phải là phi như bay trên đường đời.
Sống nhanh hay sống chậm là sự lựa chọn của thời điểm. Nếu đi quá nhanh, sợ rằng mất đi những cảm xúc nho nhỏ, thậm chí là mất đi những khoảnh khắc đẹp nhất. Một con đường nhiều lá vàng, một khoảng trời nhiều gió, một cốc cà phê thật ngon, một quyển sách thật hay… Nói cho cùng thì định luật vạn vật hấp dẫn được Isaac Newton phát hiện ra khi nằm nghỉ dưới một gốc táo. Ý tưởng về khinh khí cầu đến khi người phát minh ra nó ngồi trên một bãi biển và ngắm bầu trời… Nhưng nếu sống quá chậm, sẽ chẳng kịp tặng cho cuộc sống này được điều gì, vì chẳng có gì ngoài cái cảm xúc nhỏ nhoi cho riêng bản thân mình.
Có ai đó đã nói: “Cuộc sống quá ngắn ngủi nên hãy hôn thật chậm, cười thật tươi, yêu thật chân thành và tha thứ thật nhanh”. Đấy, cái gì đáng nhanh thì nhanh, cái gì đáng chậm thì chậm. “Sống là không chờ đợi”, câu slogan quen thuộc (của một nhãn hàng) cũng đã trở thành phương châm sống của không ít người, đặc biệt là những người trẻ. Mỗi ngày sống của chúng ta với biết bao nhiêu điều mắt thấy, tai nghe để thấu hiểu và trải nghiệm bằng cách này hay cách khác đã đang thấp thoáng hay hiện hữu trong trí óc chúng ta. Và trong đời sống “phi mã” có biết bao cảnh đời đang đứng lại? Cuộc sống là muôn mảnh ghép. Chúng ta cảm nhận được bao nhiêu chất ấy trong cuộc sống này? Hạnh phúc nhất là được sống, dù ở thời điểm nào. Cần lắm một góc sống chậm để được sống đầy đủ hơn với cuộc sống, để đừng bao giờ sống thiếu khi đã được sống!
Chậm lại không phải là để thụ động tận hưởng. Chậm lại để không hời hợt, để nuôi chín cảm xúc, để lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống, nhịp đập của chính con tim mình, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua… Chậm lại để nhìn lại. Chậm lại để… nhanh hơn. Sống chậm dường như kéo ta bước chậm lại, đưa con người trở về với bề sâu, bề xa, những góc khuất trong tâm hồn, chầm chậm lắng nghe và suy ngẫm.
“Cuộc sống là một bản nhạc tuyệt vời, cũng có khi là một bản rock ồn ào cuộn sôi, cũng có khi là một khúc ballad dịu dàng chậm rãi… Vậy thì đâu có gì phải băn khoăn về sống nhanh hay sống chậm! cứ sống để sau này, khi nằm xuống cảm thấy mình sống đủ và không hối tiếc.”
Có một nhà văn đã viết thế này: “…Tôi sẽ tập ăn chậm để thấy vị ngọt của hạt gạo quê nghèo, tập đi chậm để thấy hai hàng cây bên đường thay lá, tập sống chậm lại, chậm lại để nhận thấy tình đời, tình người lấp lánh bên tôi…”
Cũng tùy hoàn cảnh. Lúc còn trẻ, niềm tin, năng lực, sự năng động tràn đầy, bảo người ta sống chậm thì hơi khó. Trong khi cơ hội và thách thức còn đặt ra cho họ. Nhiều người vẫn sống nhanh, phấn đấu, và họ cảm thấy hài lòng với cuộc sống đấy thôi! Với họ, sống là vươn lên, nỗ lực hết mình, và họ tìm thấy niềm vui với thành công đạt được.
Cũng tùy vào hoàn cảnh, ai đó sẽ nhận thấy cần sống chậm lại một chút, dành nhiều thời gian thư giãn, chiêm nghiệm và tìm kiếm thêm tình yêu thương… Học thiền, tập yoga, tĩnh tâm bằng trà đạo… là những giải pháp “sống chậm” của nhiều người thời nay. Hãy hòa mình với thiên nhiên và tận hưởng tận giây phút hạnh phúc trong hiện tại.
Đôi khi bạn chỉ cần nhắm mắt lại, chỉ vài phút thôi, bạn cũng có thể cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống.
Đôi khi bạn chỉ cần ngừng chạy, chỉ vài phút thôi, bạn cũng có thể cảm nhận được nhịp điệu cuộc sống.
Đôi khi bạn chỉ cần im lặng, chỉ vài phút thôi, bạn cũng có thể lắng nghe được những điều kỳ diệu của cuộc sống.
Đôi khi bạn chỉ cần một mình, chỉ vài phút thôi, để bạn hiểu thêm về chính mình.
Đôi khi bạn cần tạm dừng lại tất cả mọi việc, tìm lại cho mình một khoảng lặng tâm hồn, tìm lại cho mình những phút giây thoải mái để lắng nghe nhạc điệu cuộc sống, lắng nghe nhịp đập trái tim, lắng nghe tiếng nói của lòng mình nghe hơi thở của đất trời và hòa mình cùng thiên nhiên.


Nhạc phẩm Sad Angel của Igor Krutoi.

Sad Angel (Thiên thần buồn) được xem là bản nhạc thành công nhất của Igor Krutoi (nhà soạn nhạc người Nga). Không cầu kỳ, không tráng lệ bởi kỹ xảo hiện đại, Sad Angel chỉ đơn thuần ghi lại những hình ảnh rất đỗi thường nhật qua ánh mắt của người nhạc sĩ bên khung cửa sổ. Một cô gái đang chờ người yêu, ông lao công đường phố, người bán dạo, một cô gái xinh đẹp, một tên ăn cắp, người đàn ông sang trọng, một cô gái đang buồn chán, nhóm nhạc dạo... Những hình ảnh vốn rất quen thuộc ấy như mỗi mảnh ghép của cuộc sống, như mỗi nốt nhạc không thể khuyết trong bản hòa tấu của người nghệ sĩ.