Tâm đố kỵ


Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những người có tâm tật đố, ghen ghét đố kỵ . Những người này khi thấy người khác được gì thì buồn rầu, phiền não giống như chính bản thân mình bị mất, nhưng khi thấy người khác mất mát thì lại vui mừng như chính bản thân mình được.
Trong cuốn “Đình huấn cách ngôn”, Hoàng đế Khang Hy triều nhà Thanh viết: “Trong đối nhân xử thế, người ta cần phải thấy người khác đắc được gì thì nên sinh tâm vui mừng, khi thấy người khác bị mất mát gì thì nên sinh tâm thương cảm. Đây đều là điều tốt nên làm. Ghen ghét đố kỵ trước những thứ người khác đạt được, vui mừng trước thất bại của người khác, đều là những tâm xấu, tâm ác.”
Những lời nói của cổ nhân đều là để khuyên bảo con người sống, đối nhân xử thế phải có tấm lòng khoan dung. Khi thấy người khác có chuyện đắc ý thì nên vui mừng cho họ, thấy người khác có chuyện thất ý thì phải có lòng thương cảm, đồng cảm. Một người có thể làm được điều này thì cũng rất có lợi cho chính bản thân mình.
Nếu một người chỉ biết ghen ghét đố kỵ với thành công của người khác, khi người khác gặp họa thì mừng thầm trong lòng, vậy thì làm sao có thể sống hòa thuận cùng người khác, huống chi đến sự hợp tác, cộng sự?
Tâm đố kỵ thực sự là hại người hại mình. Mỗi người đều có ưu điểm và mặt vượt trội hơn người khác. Cho nên, người có tâm tật đố khi sống cùng người khác sẽ thấy người khác hơn mình thì canh cánh trong tâm, tâm lý mất đi sự cân bằng. Thậm chí, có người bởi vì có tâm tật đố mà sinh ra ác niệm, ác sự và mưu hại người khác. Bởi vì tật đố đến mức không chịu được mà gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, hại người hại mình, đồng thời định sẵn kết cục thảm hại cho bản thân mình.
Cổ nhân thường nói: “Trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì chớ cưỡng cầu." Khi thấy người khác được một điều gì đó mà bản thân không có, đừng bởi vậy mà bất bình tức giận. Một người cần cố gắng tu dưỡng tâm tính, hành thiện tích đức tất sẽ có thiện báo. Vì được mất của bản thân mà sinh tâm bất bình, hành việc ác thì thật có đáng không?
Lịch sử cho chúng ta biết, người tật đố, làm hại người khác thì hậu quả cuối cùng vô cùng thảm trọng. Dưới đây xin trích dẫn điển cố để chúng ta cùng tham khảo.
Lý Nguyên Xương triều đại nhà Đường là con trai thứ bảy của Hoàng đế khai quốc Đường Cao Tổ. Thời kỳ Lý Nguyên Xương làm quan đô đốc ở đất Lương Châu, ông ta có rất nhiều hành vi và việc làm trái ngược với phép tắc, luật pháp. Hoàng đế Đường Thái Tông sau khi biết được, đã tự tay viết chiếu thư nhắc nhở, khiển trách ông ta. Nhưng Lý Nguyên Xương không những không tự suy xét lại bản thân mình mà còn mang tâm oán hận trong lòng. Lý Nguyên Xương biết rõ thái tử Lý Thừa Càn rất ghen ghét đố kỵ với em trai mình là Ngụy Vương (Lý Thái) vì được Hoàng đế ân sủng. Vì thế, ông ta nhân cơ hội, kết hợp với Lý Thừa Càn lập mưu đồ làm loạn. Năm Trinh Quán thứ 17, việc làm của Lý Nguyên Xương và Lý Thừa Càn bị bại lộ. Hoàng đế Đường Thái Tông không đành lòng tru sát cả gia tộc nhà Lý Nguyên Xương. Vì vậy, Hoàng đế liền đặc xá, tha tội chết cho Lý Nguyên Xương. Tuy nhiên, đại thần lúc bấy giờ của triều đình là Cao Sĩ Liêm và Lý Thế Tích không đồng ý phụng chỉ Hoàng đế mà thỉnh cầu Hoàng đế phải dựa theo phép tắc vốn có từ trước đến nay mà xử Lý Nguyên Xương tội chết. Hoàng đế Đường Thái Tông bất đắc dĩ đành phải ban cho Lý Nguyên Xương cái chết, bằng cách tự sát ở trong gia đình. Lý Thừa Càn cũng bị phế, không còn được làm thái tử. Mặc dù nhìn thấy tâm tật đố, ghen ghét của thái tử, Lý Nguyên Xương đã không khuyên nhủ mà trái lại, lại nịnh hót bợ đỡ, kích thích tâm tật đố ấy, làm nó gia tăng thêm. Kết quả, chẳng những hại thái tử mà còn hại chính bản thân và gia tộc nhà mình.