Trẻ thơ tâm trong sáng, hồn nhiên, đầu óc không bị vướng bận vào những quy luật rắc rối của cuộc sống, nên những suy nghĩ, nhận xét của trẻ thơ có sắc thái riêng. Người lớn có thể thực hiện nhiều thứ để duy trì công việc, các mối quan hệ và làm cuộc sống tốt đẹp hơn, bằng những triết lý đơn giản qua lăng kính trẻ thơ.

Hoài niệm tuổi thơ
Mỗi khi mệt mỏi, có lẽ món quà tuyệt vời nhất của cuộc sống con người chính là tìm về những hoài niệm của tuổi thơ. "Mỗi đứa trẻ là một thiên thần nhỏ sống trong thế giới thần tiên của mình ngay trên mặt đất. Trẻ nhỏ vừa là hy vọng, vừa là lời hứa hẹn của nhân loại." (Maria Montessori).
Nhớ về tuổi thơ, là nhớ về những tháng ngày ngập tràn nắng vàng, là tiếng hát đồng dao cất lên trong các buổi sinh hoạt, là quá trình tự lớn lên giữa đất dài trời rộng và thả hồn theo những mộng mơ cuộc đời mai sau.
Nhớ về tuổi thơ là nhớ quãng thời gian không lo nghĩ, sống an nhiên giữa sự che chở, bao dung của mọi người, không phải mệt mỏi và gánh gồng nhiều thứ trách nhiệm khi tự đứng trên đôi chân của mình lúc trưởng thành.
Tất cả những người trưởng thành đều từng là trẻ thơ, chỉ có một số ít nhiều người đã quên mất điều đó. Lúc nhỏ thì muốn lớn thật nhanh, nhưng khi trưởng thành lại bắt đầu hoài niệm những ngày khởi đầu tươi đẹp nhất của kiếp người.
“Còn nhớ khi xưa bao lãng mạn, trước khung cửa sổ ve râm ran. Trên đường đi học về đuổi bắt bướm, tay chuồn chuồn cánh mỏng ngẫm suy. Trộm trứng rung cây chim kinh sợ, câu cá suối nhỏ muộn lối về. Tâm trẻ thơ bất diệt tấm chân tình còn mãi, ai hiểu được đầu bằng, tóc mai nhuộm lơ thơ”. (Hồi ký : Ức đồng niên)
Người càng lớn tuổi thì càng có xu hướng nhớ lại những chuyện xưa, đặc biệt là những hồi ức từ những năm tháng tuổi thơ, vì mỗi lần nhớ lại như thế, con người sẽ có thêm sức mạnh để vượt qua tất cả những khó khăn của hiện tại, để nhận ra rằng, tất cả mọi chuyện đều sẽ qua, để rồi lại tiếp tục trở thành một trang nhật ký trong quá khứ.
Mỗi khi mệt mỏi hay tuyệt vọng, vấp ngã hay chán nản, thì những ký ức thời thơ ấu chẳng khác nào như liều thuốc an thần tuyệt diệu, giúp cho người lớn tuổi cảm thấy như được tìm về với bến đỗ bình yên, niềm vui giản dị, ngô nghê, thời gian mà nỗi buồn chẳng bao giờ ở lại quá lâu, mọi chuyện nhẹ bẫng và trôi đi sau một cái chớp mắt. Tuổi thơ có biết bao chuyện thú vị, cả chuyện vui lẫn chuyện buồn, để mỗi khi nhớ tới chúng ta lại chẳng thể kìm lòng mà mỉm cười như một kẻ ngốc. Ngày đó, bạn bè là thứ tình cảm không tên, chỉ biết có miếng gì ngon, cái gì hay là nhớ đến nhau. Ngày đó, trái tim cũng chẳng biết thế nào là vỡ nứt, con người cứ hồn nhiên sống qua những tháng ngày vô tư lự. Ngày ấy chúng ta đã từng vô tư, đã từng thẹn thùng, xấu hổ, đã từng chạy nhảy, tung tăng. Thế giới trẻ thơ hồn nhiên và đáng yêu. Nụ cười trẻ thơ là bức tranh tươi đẹp nhất trên trần gian.
Kẽ ngón tay quá rộng, thời gian lại quá mỏng, năm tháng cứ thầm lặng trôi qua kẽ ngón tay và cứ trôi đi mãi mang dần theo toàn bộ tuổi trẻ, cả những ký ức tuổi thơ cũng trở thành một khoảng lặng và bị mài giũa bởi vạn sự trên đời. Chuyện cũ như bình rượu nho, chẳng thể trở lại thành những trái nho ban đầu, mà chỉ lưu lại hương thơm của hồi ức.
Năm tháng qua đi, con người lại thêm tuổi mới, bận rộn với cuộc sống, hối hả lập gia đình, tạo sự nghiệp... Con người nhuốm bụi trần ai bị cuộc sống thực tại thay đổi quá nhiều. Theo năm tháng, chúng ta ngày một khôn lớn, bước ra khỏi thế giới tuổi thơ tươi đẹp và trong sáng, để hướng tới những chân trời hiện thực của cuộc sống tất bật, vội vã và vô thường. Nhưng đôi khi giữa tỉnh lặng trong đêm, lắng nghe tiếng lòng mình, lại chợt nhận ra trong sâu thẳm nội tâm của mỗi người vẫn là một đứa trẻ chưa muốn trưởng thành. Trên con đường nhân sinh chỉ mong tâm trẻ thơ bất diệt, cho sự ngây thơ mãi trường tồn. Hoa có thể nở lại hai lần nhưng tuổi thơ không thể hai lần thắm lại.

Tâm trẻ thơ là gốc của Đạo
Lão Tử coi trẻ thơ là biểu tượng trạng thái lý tưởng của sinh mệnh. “Có đức dày đâu thể sánh với con đỏ”, bởi lẽ trẻ thơ luôn giữ được sự hồn nhiên, thuần phác, vô tư và chẳng ham muốn. Chúng rất gần với “Đạo”. Tâm trẻ thơ đơn thuần, ngay thẳng, ăn, uống, ngủ, nghỉ rất tự nhiên, khi ngủ, khi cười, khi nũng nịu, nhõng nhẽo, nhớ đến chuyện này lại quên ngay chuyện khác... "Một đứa trẻ cảm nhận tình yêu sâu sắc đối với môi trường xung quanh và đối với tất cả sinh vật, đứa trẻ đã phát hiện niềm vui và sự nhiệt tình trong hoạt động, cho chúng ta lý do để hy vọng rằng nhân loại có thể phát triển theo hướng mới." (Maria Montessori).
Lão Tử nói: “Luật vận hành của đạo là trở lại gốc, diệu dụng của đạo là khiêm nhu”. Trẻ con sinh mệnh mềm yếu nhưng lại tràn trề sinh lực, ẩn tàng sức sống vô hạn. Trái tim trẻ thơ xuất phát từ tự nhiên, như một trang giấy trắng, nhưng lại có thể vẽ nên một bức tranh vô cùng rực rỡ và có tiềm năng vô tận.
Trang Tử sánh trẻ thơ với Trời. Ông nói : “Người chân thật nên được trời phú” có nghĩa là trẻ nhỏ sống gần với Đạo, trẻ nhỏ ngây thơ (thiên chân) vì bắt nguồn từ thiên Đạo. Tấm lòng trẻ thơ đơn thuần, thanh tịnh như giọt sương mai, lại phong phú và rộng mở như bầu trời xanh bao la. Vậy nên có người mới nói rằng tâm trẻ thơ trân quý nhất.
Lý Chí, thời nhà Minh, ảnh hưởng tư tưởng Tâm học của Vương Dương Minh (“Bên ngoài thì tâm không chứa vật gì cả, bên ngoài tâm cũng không có đạo lý nào cả”), quả quyết: “Tâm trẻ thơ thuần chân, tuyệt đối không chút giả mạo. Đây chính là bản tính nguyên sơ của con người vậy”. Cho nên, trẻ nhỏ chính là “khởi nguyên của con người”, tâm trẻ nhỏ chính là “cội nguồn của cái tâm”. Và tâm trẻ thơ đương nhiên sẽ là “cội nguồn của đại Đạo”.
Ai cũng có một nơi để quay trở về, đó là nhà. Và có ít nhất một khoảng thời gian trong đời để muốn trở lại, đó chính là tuổi thơ.

Tâm trẻ thơ là dòng sinh mệnh
Lão Tử nói: “Muốn đức thường luôn bên mình hãy quay trở về với hài nhi”. Sinh mệnh của con người phải phù hợp với Đạo. Có đức chính là phải thuận theo tự nhiên, trở về với bản tính thuần phác, chân thật của mình, trở về với trạng thái thuần chân của trẻ sơ sinh.
Người trưởng thành phải giữ lấy dũng khí, dùng sự hồn nhiên, thuần phác và thanh khiết như chưa từng trải đời. Tháng năm luôn trẻ mãi, chúng ta lại dần già đi. Cuối cùng rồi chúng ta cũng sẽ phát hiện ra: "Ai có tâm trẻ thơ bất diệt là một điều rất đáng tự hào. Tâm trẻ thơ là vĩnh viễn ngây thơ như xưa, là cái tâm chẳng quên nguồn cội, như vậy mọi chuyện ắt sẽ được vẹn toàn". Kiếp người có thể trôi đi một cách bình thản, hoặc sôi động mãnh liệt. Con người có thể ẩn cư nơi núi rừng, cũng có thể tung hoành bốn bể. Lựa chọn như thế nào đều không quan trọng, chỉ là trong kiếp người chúng ta đừng thiếu sự tự do và trí huệ. Dẫu nếm trải hết cuộc đời cũng không được quên cái tâm trẻ thơ.
Tô Đông Pha nói rằng: “Ngây thơ và lãng mạn là thầy của ta”. Tâm trẻ thơ chính là một sự lãng mạn, là cảm xúc lãng mạn với thế giới này. Người có tâm hồn trẻ thơ sẽ sống vô cùng tự tại và thi vị. Vậy nên Tô Đông Pha nửa đêm thức giấc chỉ vì muốn ngắm đóa hoa hải đường nở trong sân. Sinh mệnh trở về khi tâm trẻ thơ tràn đầy. Khi ấy không có sự lạnh lùng và mê muội trong tâm hồn, không có sự mệt mỏi và già nua trong tinh thần. Khi ấy chúng ta cũng không phải tỏ ra cao thâm như thể mình đã nhìn thấu hết cõi trần.

Tâm trẻ thơ là con đường giải thoát
Đời người khó tránh khỏi mâu thuẫn: những sự không thay đổi và những sự đổi thay. Chúng ta thường đưa cuộc sống của mình vào những ràng buộc, những suy nghĩ về quá khứ và tương lai. Nhưng tâm trẻ thơ lại luôn hướng về hiện tại, là mãi mãi vĩnh hằng. Ngày đó chở theo ánh mắt trong trẻo nhìn cuộc đời không một chút hoài nghi, thế giới trong đồng tử của một đứa trẻ con bao giờ cũng tuyệt đẹp. "Khi đứa bé phá lên cười lần đầu tiên, tiếng cười ấy vỡ tan thành ngàn mảnh, và chúng bắn đi khắp nơi, và đó là điểm bắt đầu của các nàng tiên." (James M. Barrie). Chỉ cần được một viên kẹo, trẻ thơ có thể cười toe toét như thể chẳng có chuyện gì thú vị hơn. Đây chính là biểu hiện của tâm lý thỏa mãn, luôn sống trong hiện tại. Tâm trẻ thơ là con đường giải thoát. Nó luôn nhắc nhở chúng ta dẫu thực tế cứng cỏi ra sao thì nó vẫn luôn ẩn giấu một phần mềm mại, dẫu sinh mệnh vất vả như thế nào nó cũng vẫn luôn ẩn chứa những niềm vui. Có người còn cho rằng: “Người ngây thơ không có nghĩa là họ chưa từng nhìn thấy cảnh đen tối của thế giới. Kỳ thực là ngược lại, bởi vì đã từng nhìn thấy nên biết rằng ngây thơ mới là điều tốt nhất”. Rudyard Kipling nói: "Người có thể chạm đến trái tim con trẻ có thể chạm đến trái tim của thế gian."
Tâm trẻ thơ hoàn toàn có thể rũ bỏ những nuối tiếc cõi trần, soi đường cho con người đến với mảnh đất bao dung. Không nên cho rằng cuộc sống giống như một nhà tù không lối thoát mà vô tình coi nhẹ tâm trẻ thơ. Tâm trẻ thơ là lời hồi đáp tốt nhất về thế giới. Giữ được tâm trẻ thơ sẽ khiến bản thân luôn vui vẻ trong những năm tháng trưởng thành sau này. "Trẻ nhỏ không phải là một cái lọ hoa để bạn có thể cố gắng đổ đầy, mà chúng là những ngọn lửa cần được thắp sáng." (Rabelais).
Ai cũng từng là một đứa trẻ sống bằng tình cảm và hành động theo cảm tính, từng trải qua tuổi thơ với những đoạn ký ức có lúc hiện rõ có lúc nhạt màu, từng mơ mộng và nhiều tưởng tượng, cũng từng khóc cho những giấc mơ cổ tích không thành. Trẻ nhỏ là vậy đó, ngây thơ trong sáng và ngập tràn tình yêu thương. Người lớn chúng ta đôi khi cũng phải nhìn vào trẻ thơ để soi lại chính mình! "Chúng ta đều sinh ra là trẻ con - cố làm sao vẫn giữ mình như thế." (Pablo Picasso).
“Tâm trẻ thơ thường tăng theo năm tháng”. Một cụ già 105 tuổi cả đời vất vả, thường thích hỏi tụi trẻ trường mầm non: “Các bạn mấy tuổi rồi?”. Khi bọn trẻ trả lời 5, 6 tuổi, cụ ông thường nghiêm nghị nói rằng: “Ta mới 4 tuổi, ta sẽ là em trai của các bạn”.
John Adams tâm sự: "Cho dù tôi trao đổi nhiều với những nhà thông thái và các anh hùng, tôi không dành cho họ nhiều sự yêu thương hay thán phục. Tôi khao khát cảnh nông thôn và gia đình, với tiếng chim líu lo và những tiếng bi bô của con cái tôi".

Xưa có câu: “Đời người hai lần trẻ con”. Khi còn nhỏ, chúng ta vui tươi ngô nghê, ngây thơ trong trắng, như bản tính trời cho. Đến khi trưởng thành quay đi ngoảnh lại chỉ thấy những mối quan hệ vơi dần, còn trái tim thì chai sạn, cô đơn..., khiến chúng ta dường như quên mất bản tính đáng yêu ấy. Đến những năm cuối đời, sức lực lụi tàn, lúc ấy chúng ta mới nhận ra sức khoẻ và tinh thần là hai điều quan trọng nhất. Khi đã đứng ở sân ga cuối cùng, đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh nhục xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, chúng ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành, lại quay về với bản tính trẻ thơ trong một hình hài tàn tạ, già nua. Và chúng ta hưởng được gì? "Trong tất cả những món quà của tự nhiên dành cho loài người, còn gì ngọt ngào hơn con trẻ?" (Marcus Tullius Cicero).

Lê Tấn Tài