Thiền thoại hay giai thoại thiền có thể dịch tiếng Pháp là Un sable de conversation, hay tiếng Anh là A piece of conversation. Đây là những mẫu chuyện nho nhỏ (có thật hoặc không) của các vị thiền sư được ghi chép lại để người tu tập khai mở tâm trí. Những mẫu chuyện nầy thường rất khó hiểu, Truyện Thiền xin trích sau đây một số thiền thoại phổ thông và dễ hiểu .

Phần 1 | 2



TÌM MỘT CHỖ NGỒI

Một hôm, Thiền sư đăng đàn thuyết pháp, khi Tô Đông Pha đến thì đã hết chỗ ngồi. Thiền sư từ xa trông thấy Tô Đông Pha đến, bỗng nói lớn:
- Mọi người đã ngồi hết chỗ, ở đây không còn chỗ cho ông ngồi đâu.
Tô Đông Pha nói:
- Nếu không còn chỗ ngồi, vậy cho tôi mượn thân tứ đại ngũ uẩn của Thiền sư để làm chỗ ngồi.
- Ông quả quyết muốn lấy thân ta làm chỗ ngồi, nếu ngồi không được thì phải tháo ngọc đáy ngay thắc lưng để lại bổn tự.
Tô Đông Pha đồng ý, Thiền sư nói:
- Bốn đại của ta vốn không, năm uẩn chẳng có, vậy học sĩ ông muốn ngồi chỗ nào?
Tô Đông Pha tịch lời đành phải mở ngọc đái để lại rồi ra về.


THIỀN GIẢ CHÂN CHÁNH

Triệu Châu nói:
- Từ khi ta làm chủ một ngôi chùa đến nay, chưa từng gặp một thiền giả chân chánh.
Khi ấy, có một học tăng đứng bên cạnh hỏi:
- Nếu gặp thiền giả chân chánh, thầy sẽ nghĩ thế nào?
Triệu Châu nói:
- Một cây cung to phải dùng cả ngàn sức mạnh, không vì một con chuột nhắt mà giương cung.


ĐỨC PHẬT KHÔNG LÀM ĐƯỌC

Có một đệ tử hỏi Phật rằng : “Ngài có thần thông và từ bi, vì sao vẫn còn những kẻ chịu khổ vậy?
Phật rằng : “Tôi tuy có sức thần thông rất lớn; nhưng có bốn điều là vẫn không thể thực hiện được, chính là:
- Nhân quả không thể đổi thay, tự gieo nhân thì tự nhận quả, người khác không thể nhận thay.
- Trí tuệ không thể cho được, bất kỳ ai muốn có trí tuệ thì phải tự mình tu, học.
- Diệu pháp không thể diễn tả được, Bản thể chân thật của vũ trụ dùng ngôn ngữ không thể cắt nghĩa mà hiểu được, chỉ có thể dựa vào thực chứng mà thôi.
- Không có duyên thì không thể độ, người không có duyên thì họ không bao giờ nghe những lời nói mà ta chia sẻ. Mưa trời tuy lớn, cây không rễ khó mà thấm nước; Phật môn tuy rộng mở, khó độ người vô duyên.


MUỐN HIỂU THỈ HIỂU TỨC THỜI

Đạo Ngộ có một đệ tử tên Sùng Tín. Khi Sùng Tín mới tập tễnh vào học, dĩ nhiên là anh ta chờ đợi thầy mình sẽ giảng những bài học Thiền như kiểu dành cho học trò ở nhà trường. Thế nhưng Đạo Ngộ lại không dạy cho anh bài học nào đúng đề tài, điều này làm cho Sùng Tín hết sức bất mãn và khốn khổ. Một hôm anh thưa với thày: “Con đã đến đây học thày được ít lâu rồi, sao thày chẳng có một lời nào cho con biết về nguyên lý của Thiền cả!” Đạo Ngộ trả lời: “Từ khi ngươi đến đây, ta đã bao lần dạy về yếu chỉ của Thiền rồi đấy chứ!”
– Đâu là những điều thày đã dạy con nào?
– Này nhé, khi ngươi cho ta tách trà mỗi sáng, ta nhận lấy. Khi ngươi mang cơm đến cho ta, ta cũng nhận lấy. Khi ngưới cúi đầu chào, ta lại gật đầu chào trả. Thế thì ngươi còn trông đợi được ta dạy cho ngươi cái gì về Thiền nữa chứ?”
Sùng Tín ôm đầu một lúc, suy nghĩ về lời lẽ rắc rối của thày mình nhưng Đạo Ngộ đã nói: “Nếu ngươi muốn hiểu thì hãy hiểu tức thời. Khi ngươi bắt đầu suy nghĩ là ngươi đã lệch hướng rồi!”.


TỰ TÌM SẼ BIẾT NGAY

Một học tăng xuất thân từ một thiền viện do Thiền sư Lâm Tế chỉ đạo, khi đi giữa đường đã gặp ba du tăng của một môn phái Phật giáo khác. Một trong ba người đó mới thử đặt câu hỏi cho ông: “Sông Thiền sâu đến đâu?”. Ông ta hỏi như thế vì lúc ấy họ đang vượt qua một cây cầu bắc ngang con sông, nơi họ gặp gỡ. Học tăng kia hãy còn tươi mới sau những vấn đáp với Lâm Tế – người vốn nổi tiếng về cách phản ứng trực tiếp – bèn trả lời không do dự: “Tự tìm sẽ biết ngay!” và dợm quẳng người chất vấn xuống sông. May thay hai bạn đồng hành đã can dự, xin lỗi cho anh và nhờ vậy mà không có chuyện đáng tiếc nào đã xảy ra.


CHÚNG BAY ĐI ĐÂU

Khi Mã Tổ đang dạo bước với Bách Trượng, một trong những đệ tử thân cận, ông ta nhận thấy có một đàn ngỗng trời bay qua nên đặt câu hỏi: “ Chúng bay đi đâu đấy?”. Bách Trượng trả lời: “Chúng bay qua mất rồi?” Mã Tổ mới quay lại, chụp lấy mũi Bách Trượng và vặn tréo một cái. Bách Trượng hốt hoảng: “Thày ơi, đau quá!” Mã Tổ mới phản pháo: “Thế chứ ai bảo là chúng đã bay đi mất?” Câu trả lời của Mã Tổ làm cho Bách Trượng nhận ra rằng thày mình hoàn toàn không có ý định đề cập tới “những con ngỗng trời bị khái niệm hóa” đã biến mất vào đám mây xa xôi. Mục đích của người thày là nhắc nhở Bách Trượng hãy lưu ý đến một “con ngỗng sống thực” đang di động cùng với bản thân và đang nằm bên trong chứ không phải bên ngoài ông ta.


SO SÁNH

Có một ông hành giả đến hỏi thiền sư:
- Con lớn tuổi, nhớ dở, hiểu chậm. Xin sư phụ chỉ điểm Phật pháp cho con, có cách nào mà thu gọn Phật pháp trong một câu nói .
Vị thiền sư nghe vậy lấy một cây que vạch một đường dưới đất rồi hỏi người học trò:
- Đường vạch này là dài hay ngắn?
Hành giả trả lời:
- Thưa thầy con hiểu rồi. Khổ ở đời, vì mình còn so sánh: Đây Đó - Trong Ngoài - Tốt Xấu - Thích Ghét - Hạnh phúc Đau khổ.


VÀNG HAY BÙN

Một cao tăng hỏi: Anh cho rằng một hạt vàng và một đống bùn, thứ gì tốt hơn?
Người cầu đạo đáp: “Tất nhiên là vàng rồi!”
Vị cao tăng mỉm cười, nói tiếp: “Vậy nếu anh là một hạt giống thì sao?”


GẠO VẪN LÀ GẠO

Một đệ tử thỉnh giáo thiền sư:
- Sư phụ, có người nói con tài giỏi, cũng có người mắng con là ngốc nghếch, ý kiến của thầy thế nào ạ?
- Vậy con đánh giá mình thế nào?
Đệ tử ngơ ngác. Thiền sư trả lời: - Ví dụ một cân gạo, trong mắt người làm bánh thì nó là bánh nướng, trong mắt người nấu rượu thì nó là rượu, trong mắt người ăn xin thì đó là một bữa cơm cứu mạng. Còn gạo thì vẫn là gạo mà thôi.


BẢN THÂN VÀ NGƯỜI KHÁC

Đệ tử hỏi thiền sư: “Thưa thầy, con xin được hỏi làm thế nào mới có thể biến thành một người bản thân luôn vui vẻ và cũng có thể mang niềm vui đến cho người khác?”
Thiền Sư cười: “Đầu tiên, phải ‘coi mình là người khác’ đó là ‘vô ngã’; tiếp đến, phải ‘coi người khác là mình’, đó là ‘từ bi’; sau đó, phải ‘coi người khác là người khác’, đó là ‘trí tuệ’; cuối cùng, phải ‘coi mình là chính mình’, đó là ‘tự nhiên’.”


MỘT CỐC NƯỚC

Thiền sư có một đệ tử thường hay oán than. Một hôm, ông bỏ muối vào một cốc nước và bảo người đó uống.
Đệ tử nói: “Mặn đến phát đắng.”
Thiền Sư tiếp tục bỏ nhiều muối hơn vào hồ nước và bảo đệ tử thử lại. Sau khi uống xong, người này nói: “Nước rất tinh khiết và ngọt”.
Lúc này, thiền sư mới nói: “Đời người, đau khổ chính là muối, vị mặn ngọt của nó được quyết định bởi thứ vật dụng chứa nó.”


GIÓ ĐỘNG CỜ ĐỘNG

Sau khi được truyền y bát, Lục Tổ Huệ Năng ẩn cư trong nhóm thợ săn mười mấy năm. Đến lúc cơ duyên chín muồi ngài mới ra thế gian giáo hóa.
Một hôm, đến chùa Pháp tánh, thấy hai vị tăng mặt mày đỏ tía tranh luận về gió động cờ động. Vị thứ nhất cho rằng nếu không có gió thì cờ làm sao động ? Cho nên nói là gió động. Vị thứ hai cho rằng không có cờ động làm sao biết là gió động ? Cho nên kết luận cờ động. Mỗi vị chấp một bên không ai chịu thua ai.
Lục Tổ Huệ Năng nghe xong, nói :
- Không phải gió động cũng không phải cờ động mà chính là tâm hai vị động.


CƠN BÃO

Tàu đang ở giữa biển thình lình gặp bão. Khách hành hương run sợ xúm quanh vị thiền sư trong lúc chiếc tàu trồi lên hụp xuống, thành khoang rung lắc dữ dội.
Một người oán than: “Ta sẽ chết hết thôi.”
Một người rên: “Ước gì đã xử sự tốt hơn với vợ con.”
Một cô gái: “Tôi đã dự định đi hành hương về sẽ lập gia đình. Thầy ơi, lỗi tại thầy. Thầy đưa chúng tôi lên lên tàu này, rồi giờ đây chúng tôi sẽ phải chết với biết bao hối tiếc, biết bo dự định tương lai sụp đổ.”
Thiền sư rất nhẫn nại, bảo: “Các vị hãy nhìn đây.”
Ông lấy hai miếng gỗ hình tam giác đặt chúng gần nhau, chỉ chạm hai đỉnh chóp, nói tiếp: “Tam giác nằm trên là quá khứ, không có gì có thể níu kéo trở lại, hoặc thay đổi được. Tam giác nằm dưới là tương lai, phỏng đoán trước cũng vô ích thôi. Chỉ có chỗ chạm nhau nhỏ xíu này là hiện tại, thay đổi theo từng nhịp đập của trái tim quý vị.”
Nhóm khách hành hương hỏi” “Thế thì sao?”
“Thế đau khổ với những gì đã qua, hoặc buồn bã với những chuyện sẽ đến đều vô ích. Hãy sống với giây phút hiện tiền thế giới đang cho ta.”
“Đó là gì?”
“Hiện tiền.”
“Làm sao thực hiện được điều ấy?”
“Ta hãy lấy thực phẩm ra ăn nào!”


PHẬT NAY Ở ĐÂU ?

Có lần Đường Thuận Tông hỏi thiền sư Phật Quang Như Mãn:
- Phật từ đâu đến ? Tịch diệt đi về đâu? Nghe nói Phật thường trụ ở đời, bây giờ Phật ở đâu?
Thiền sư Như Mãn đáp:
- Phật từ vô vi đến, tịch diệt trở về vô vi. Pháp thân như hư không, có trụ về vô trụ, đến vì chúng sanh đến, đi vì chúng sanh đi, thanh tịnh biển chơn như, lặng lẽ thể thường trụ. Người trí khéo tư duy, chớ có sanh nghi ngờ.
Vua Thuận Tông chưa bằng lòng, hỏi lại:
- Phật sanh ở Vương Cung, tịch diệt ở Song Lâm, trụ thế bốn mươi chín năm, còn nói không có thuyết pháp. Núi sông và biển cả, trời đất cùng nhật nguyệt, thời đến cũng phải hoại, cớ sao nói không sanh không diệt?
Thiền sư Như Mãn tiến một bước giải thích:
- Thể Phật vốn vô vi, do tâm mê mới khởi vọng phân biệt, pháp thân như hư không, chưa từng có sanh diệt. Đủ duyên Phật ra đời, hết duyên Phật nhập diệt, giáo hóa chúng sanh như trăng trong nước. Không thường cũng không đoạn, không sanh cũng không diệt. Sanh cũng chưa từng sanh, diệt cũng chưa từng diệt. Liễu ngộ sẽ thấy chỗ vô tâm, tự nhiên không có thuyết pháp.


HƯỞNG PHƯỚC

Trước mặt vua Lương Võ Đế và quần thần. Vua hỏi:
- Từ trước đến nay ta đã cất chùa, xây tượng và nuôi hằng vạn tăng ni, vậy ta có phước hay không?
Tổ Bồ Đề trả lời:
- Không.
Vua hỏi tiếp:
- Người ngồi trước mặt ngươi là ai?
Tổ Bồ Đề trã lời:
- Không biết.


BA MÓN ĐỒ CỔ

Đệ tử của thiền sư Nhất Hưu là tướng quân Túc Lợi, mời thiền sư Nhất Hưu đến nhà dùng trà, và đem những món đồ cổ bày ra luôn miệng hỏi cách nhìn của Thiền sư. Thiền sư đáp:
– Rất tốt! Để tăng thêm sự sáng chói của những món đồ cổ của ông, ta cũng có ba món:
1.Khối đá của Bàn Cổ lúc khai thiên lập địa.
2.Chén ăn cơm của đại thần trung kiên nhiều triều đại.
3.Cây gậy vạn năm của cao tăng dùng.
Nếu như ông có thâu cất một chỗ thì hay lắm.
Tướng quân vui mừng quá nói:
– Cám ơn Thiền sư, cần bao nhiêu tiền một món?
Nhất Hưu đáp:
– Chẳng cần cám ơn, mỗi vật cần một ngàn lượng bạc.
Tướng quân tuy đau lòng, nhưng biết ba món này giá trị rất cao, do đó xuất ba ngàn lạng bạc mua, sai tùy tùng theo thiền sư Nhất Hưu đi trước đem cổ vật về. Nhất Hưu về đến chùa, bảo đệ tử rằng:
– Đem viên đá chặn cửa ra đây, lại có chén cơm cho chó ăn và cây gậy mà chính ta mua mười đồng bạc, đem cho người này mang về đi!
Thị tùng của tướng quân mang ba món đồ về trình chủ nhân và mói rõ mọi chuyện.
Tướng quân quá giận chạy tìm Thiền sư Nhất Hưu nói cho ra lẽ. Nhất Hưu tươi cười dạy:
– Trước mắt chính là lúc đói kém, mỗi nhà dân không đủ ba bữa cơm, tướng quân lại có lòng dạ nào mà thưởng thức đồ cổ? Nên tôi đem ba ngàn lạng bạc của ông cứu giúp dân nghèo, thay ông tạo công đức. Giá trị này trọn đời dùng chẳng hết, so với đồ cổ còn quý giá hơn.


SUY NGHĨ CHẲNG SUY NGHĨ

Một hôm, thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm đang tọa thiền. Có vị tăng hành cước thấy, hỏi:
- Thầy ngồi yên bất động ở đây suy nghĩ việc gì?
Dược Sơn đáp:
- Suy nghĩ chẳng suy nghĩ.
Tăng không buông tha, hỏi:
- Đã chẳng suy nghĩ, lại suy nghĩ cái gì?
Dược Sơn đáp:
- Chẳng suy nghĩ.


LÀM SAO LÃNH HỘI ĐƯỢC

Thiền sư Vân Môn sau khi khai ngộ nơi Mục Châu Trần Tôn Túc, bèn ra ngoài du phương. Tại Giang Châu, gặp viên quan Thượng thư Trần Tháo, Trần Thượng thư cũng là học giả nhà thiền, vừa gặp Vân Môn ông liền thử nghiệm hỏi:
- Thế nào là việc hành cước của thiền tăng?
Vân Môn không đáp, hỏi ngược lại:
- Ông hỏi câu này mấy người rồi?
- Tôi hỏi mấy người mặc kệ, bây giờ xin hỏi ngài?
- Thế nào là tam tạng kinh điển một đời Như Lai?
- Quyển vàng trục đỏ.
- Đó là giấy mực văn tự, không phải chân nghĩa Phật pháp. Mời ông nói lại, thế nào là giáo nghĩa?
- Miệng muốn nói mà không có lời, tâm muốn duyên mà không có nghĩ.
- Miệng muốn nói mà không có lời, đó là đối có lời ; tâm muốn duyên mà không có nghĩ, đó là đối vọng tưởng. Mời ông nói lại, thế nào là giáo nghĩa?
Thượng thư không đáp được, Vân Môn lại hỏi:
- Thượng thư thường đọc kinh Pháp Hoa phải không?
- Phải
- Trong kinh nói : “Tất cả nghề nghiệp đều không trái thật tướng ?”. Xin hỏi trời phi phi tưởng có mấy người thoái vị?
Thượng thư mờ mịt không biết đáp thế nào.
Vân Môn nói:
- Tôi xem qua mười kinh năm luận, sau đó bỏ hết vào tùng lâm tu hành, trải qua mười năm hai mươi năm còn chưa được đại ngộ, Thượng thư chỉ xem mấy quyển làm sao lãnh hội được?
- Xin thiền sư thứ lỗi cho, đó là tội lỗi của tôi.


THỰC VÀ MỘNG

Sáng nào Sư cũng thấy một thiền sinh trang nghiêm quỳ trước Phật đài, vừa lạy vừa lâm râm khấn nguyện rất mực chí thành. Hôm đó, Sư có việc đi vào thiền đường, vô tình nghe được: “Lạy Phật, con nguyện trở thành vị Đại Bồ Tát có lòng vị tha vô lượng, con nguyện đạt được trí tuệ như hải để mau kiến tánh thành Phật, con nguyện sanh Tây Phương Tịnh độ để giúp Đức Phật A Di đà tiếp dẫn tất cả chúng sanh vào miền Cực Lạc, con nguyện... con nguyện...”
Hôm sau, Sư gọi thiền sinh đó đến và kể cho nghe một câu chuyện: “Thuở xưa có một chàng thanh niên vừa đến tuổi cập kê. Cha mất sớm nên mẹ già lo chọn trước cho anh một người vợ tương lai vừa ý. Rủi ro bà đau nặng nên chưa kịp dẫn anh ra mắt đàng gái. Biết mình khó qua khỏi, bà liền kêu con tới tả hình dáng vị hôn thê cho con và dặn sau khi bà chết, anh nhớ đi tìm người con gái ngoan hiền và tuyệt đẹp đó mà cưới làm vợ. Thế rồi bà mẹ qua đời.
Nhớ lời mẹ, sẵn là một họa sĩ, anh lấy giấy bút ra vẽ một bức “chân dung” vị hôn thê theo lời mẹ tả. Thế rồi mỗi ngày, anh đi cùng làng khắp xóm lục lọi kiếm tìm. Gặp người con gái nào, anh cũng đưa bức tranh tuyệt sắc giai nhân của mình ra để so sánh, nhưng tuyệt nhiên không có người con gái nào như vậy. Cuối cùng, quá thất vọng, anh đành ôm bức tranh tương tư héo mòn mà chết. Tiếc thay, vị hôn thê hiền thục của anh lại chính là người bạn láng giềng mà hàng ngày anh vẫn thường chuyện trò thân mật.”
Thiền sinh không hiểu ý, hỏi:
- Thưa Thầy, câu chuyện Thầy vừa kể có giúp ích gì cho con đâu?
Thiền Sư nói:
- Thế thì cũng tiếc thay, hàng ngày anh cứ đem bức vẽ lý tưởng của bản ngã mình ra mà cầu nguyện, còn bản lai diện mục ngày đêm diện kiến thì chẳng bao giờ anh mới thấy được!


HÃY ĐỂ YÊN

Một triết gia muốn biết Đạo Phật chủ trương “Thường tại luận” hay “Vô thường luận”.
Sư nói:
- Đó là những lý luận tà kiến.
Triết gia ngạc nhiên:
- Như vậy Đạo Phật chủ trương luận nào?
Sư đáp:
- Chân lý nằm ngoài chủ trương và lý luận, cho nên Đạo Phật không chủ trương luận nào cả. Cái gì vô thường hãy để yên cho nó vô thường, cái gì thường tại hãy để yên cho nó thường tại.


SẮC KHÔNG

Sư ghé thăm một vị tăng nổi tiếng uyên thâm Phật Pháp và có nhiều sở đắc. Vừa thấy Sư, vị tăng dùng phép thần thông ẩn mình đâu mất.
Sư hỏi:
- Ông làm gì vậy?
Vị tăng nói:
- Đó là “sắc tức thị không”.
Sư nói:
- Đã “sắc tức thị không” sao ông lại phải biến mất làm gì. Hơn nữa ông chỉ mới giấu được cái sắc thân, còn cái bản ngã của ông xem ra lại càng lộ rõ hơn!
Vị tăng cả giận hỏi lại:
- Còn Thầy thì sao?
Sư đáp:
- Ngươi không thấy ta “sắc bất dị không” hay sao?


MỘT NỤ CƯỜI

Được biết Mokugen chưa bao giờ cười cho đến tận ngày cuối cùng của ông trên cõi dương gian. Khi tới giờ sắp qua đời ông nói với các đệ tử trung thành của ông: "Các con đã theo học với ta hơn mười năm trời. Hãy biểu lộ cho ta thấy cách lý giải thực sự của các con về Thiền. Ai diễn tả điều này minh bạch nhất sẽ là người kế vị ta và nhận y với bát của ta."
Mọi người nhìn vào gương mặt nghiêm trang của Mokugen, nhưng không một người nào trả lời.
Encho, một đệ tử đã ở với thầy mình một thời gian lâu rồi, đến bên cạnh giường. Anh đẩy chén thuốc tới phía trước vài phân. Đó là câu anh trả lời cho cái lệnh truyền.
Nét mặt thầy trở nên nghiêm trang hơn nữa. "Đấy là tất cả những gì mà con thấu triệt hay sao?" ông hỏi.
Encho vươn tới và chuyển cái chén lui trở lại.
Một nụ cười đẹp đẽ tươi nở trên nét mặt của Mokugen. "Thằng nhãi ranh," ông nói với Encho. "Mi theo ta đã mười năm và chưa hề thấy toàn thể tấm thân của ta. Hãy cầm lấy y và bát. Chúng thuộc về mi đó."


ÁNH SÁNG CỦA CON CÓ THỂ TẮT

Một môn sinh Tendai, một trường phái triết học Phật giáo, đi tới thiền viện của Gasan làm một thiền sinh. Khi anh sắp rời đi vào một vài năm sau, Gasan báo cho anh biết trước rằng: "Nghiên cứu chân lý về lý thuyết chỉ ích lợi như là một phương cách thâu thập những tài liệu giảng pháp . Nhưng nên nhớ rằng trừ phi con thiền định kiên trì, nếu không thì ánh sáng chân lý của con có thể tắt đi mất."


Xem Phần 1