Trị dân


Thời Xuân Thu, nước Tấn, Tuân Lâm Phủ giữ chức Tướng quốc. Mấy năm mất mùa liên tục, dân chúng đói khổ, trộm cướp sanh ra khắp nơi. Tuân Lâm Phủ dùng Dương Ngũ, giao cho trọng trách bắt trộm cướp. Dương Ngũ có biệt tài nhìn một người biết ngay là người ngay hay kẻ gian. Bởi vậy, trong vòng chỉ vài ngày, Dương Ngũ bắt được vài chục trộm cướp không oan một người nào. Quan Đại Phu Dương Thiệt Chức nói với Tuân Lâm Phủ:
- Trộm cướp chẳng những không trừ được mà Dương Ngũ sắp chết rồi.
Tuân Lâm Phủ ngạc nhiên, hỏi tại sao. Dương Thiệt Chức trả lời:
- Trộm cướp sanh ra là do dân bị đói khổ quá mà lại không được giáo dục kỹ càng. Nay không lo làm cho dân được no đủ, được giáo hóa, lại chỉ lo lùng bắt trộm cướp thì trộm cướp làm sao diệt hết được. Vả chăng, trộm cướp ngày càng nhiều mà Dương Ngũ cứ đi tìm bắt chúng thì có cách nào mà chúng để cho Dương Ngũ sống được.
Tuân Lâm Phủ không cho lời Dương Thiệt Chức là phải, cứ tiếp tục dùng Dương Ngũ đi lùng bắt trộm cướp. Nhưng, Dương Ngũ bắt hoài mà trộm cướp vẫn còn hoài, bắt đám nầy xong, đám khác lại mọc ra. Một bữa kia, bọn trộm cướp hội họp với nhau, rình Dương Ngũ đi nơi chỗ vắng, ùa ra đâm chết. Tuân Lâm Phủ lo lắng thành bịnh, hối hận không nghe lời Dương Thiệt Chức, ít lâu sao cũng chết.
Vua Tấn dùng Dương Thiệt Chức thế ngôi tướng quốc của Tuân Lâm Phủ. Dương Thiệt Chức một mặt lo giáo hóa dân chúng, một mặt đưa ra những biện pháp, giúp đỡ những phương tiện cho dân chúng làm ăn. Từ đó, nạn trộm, cướp giảm dần và dứt hẳn.
Dẫn dắt dân chúng mà không bằng đường lối ngay thẳng, buộc dân chúng vào trong trật tự mà hình phạt lại áp dụng một cách thiên vị, thì xã hội làm sao mà không loạn ly, dân tình làm sao mà không xáo trộn. Nghiên cứu lý do đã khiến cho nhà Tần bị sụp đổ tan tành vì những cuộc nổi dậy khắp nơi của dân chúng, Tư Mã Từ Trường đời nhà Hớn có ghi lại rằng:
- Pháp lịnh là một thứ khí cụ để trị nước chớ đâu phải là ngụ ngôn trong hay đục của một chế độ chánh trị tốt hay xấu. Màn lưới pháp luật nhà Tần xưa rất là nghiêm mật, vậy mà những việc gian phi xảy ra càng ngày càng nhiều. Trên thì giấu giếm dưới, dưới thì che đậy trên, chánh sự thành ra mỗi ngày thêm hỏng. Bấy giờ lề lối của bọn quan lại trị dân như thể ở vào trong tình trạng: cứu hỏa, hỏa càng bốc; khuấy nước, nước càng sôi...
Cuối đời Đông Hán, bọn hoạn quan Thập Thường Thị làm loạn trong trào, bọn giặc Khăn Vàng làm loạn ngoài chúa quận. Dân tình khốn khổ, điêu linh. Anh hùng khắp nơi nhứt tề nổi lên dẹp loạn. Loạn vừa tạm yên, kế tới là Thái Sư Đổng Trác chuyên quyền, làm nhiều điều càn dở, ác độc, phế vua Thiếu Đế, lập Trần Lưu Vương lên ngôi, tức là Hiến Đế.
Anh hùng hào kiệt các lộ lại một phen kết hợp, bầu Viên Thiệu, tự Bổn Sơ làm bá chủ chư hầu, để cùng nhau trừ Đổng Trác, diệt đứa con giặc, tôi loàn. Tào Tháo, tự là Mạnh Đức, cũng là một trong số Chư Hầu. Một hôm, gặp Viên Thiệu để bàn việc tấn binh, Viên Thiệu hỏi rằng:
- Nếu trào đình không êm thì nên giữ mặt nào?
Tào Tháo không trả lời thẳng vô câu hỏi, mà hỏi ngược lại:
- Thế, ý của túc hạ thế nào?
Viên Thiệu nói:
- Mặt nam, tôi sẽ ngăn lấy Hoàng Hà. Mặt bắc, chận lấy các xứ Yên, Đại bao gồm cả dân cùng sa mạc, rồi ngoảnh mặt về nam để tranh giành thiên hạ. Liệu việc có nên chăng?
Tào Tháo nói rằng:
- Tôi thì chủ trương dùng người trí lực trong thiên hạ, lấy đạo mà khu xử, muốn ở chỗ nào cũng được.
Quả nhiên, sau nầy Viên Thiệu chiếm lấy phía bắc sông Hoàng Hà, gồm Ký Châu, U Châu, Thinh Châu và Tinh Châu làm cứ địa, để ngoảnh mặt xuống phương nam mà tranh thiên hạ. Giữ được bốn châu lớn nhứt, đất rộng dân đông, nhơn tài rộn rịp chung quanh nhưng không dùng những người trí lự, mà chỉ nghe bọn xiểm nịnh, khiến cho dân thì ta thán, mà mưu sĩ thì chia bè kết đảng thành nhiều phe. Bởi vậy, một trận ra quân tấn công Quan Độ, mong tiến chiếm Hứa Đô, Viên Thiệu bị Tào Tháo đánh cho tan hoang, tới nỗi thân chết, nghiệp mất.