Xác chết ngoài trời


Con người sống trên đời, dù giàu sang hay nghèo đói, dù già hay trẻ, dù khỏe mạnh hay ốm đau, khi đã đến lúc hết thọ mệnh thì mới chợt nhận ra, cả đời này không mang theo được điều gì…Đời người dài hay ngắn cũng chỉ có trăm năm. Có người nói “chết là hết”, lại có người cho rằng chết là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới. Với người dân Tây Tạng, cái chết đơn giản là linh hồn đã rời khỏi thể xác, những gì còn lại nơi thế gian chỉ là một thân xác trống rỗng, vô hồn.
Đây chính là kiếp người. Dẫu họ là ai, giàu có hay nghèo khổ, cao sang hay hèn mọn, dẫu một đời đã trải qua chuyện gì, những điều tốt đẹp, những mộng ảo hư vinh, những nỗi buồn đau khổ, cũng không kể thân phận, giới tính, hay tuổi tác, thì đến lúc nhắm mắt xuôi tay, tất cả đều cùng chung một kết cục như thân xác người nằm ngoài trời bị đàn kền kền vỗ cánh thăng thiên, gió thổi, cát bay, bụi mịt mờ, xác thịt hòa tan vào hư vô.
Tấm thân xác mà ta yêu quý, gương mặt kiều diễm ta đã từng say đắm, chấp trước cả một đời này, tranh tranh đấu đấu, giận giận hờn hờn, đến cuối cùng sẽ chẳng còn lại gì.
Điều ấy cũng giống như đứa trẻ thơ chưa từng nhìn thấy hổ cho rằng con hổ đáng yêu như một chú mèo con. Nhưng khi thật sự nhìn thấy hổ rồi, bao nhiêu ảo tưởng lập tức vụt tan biến.
Khi nhìn một thân xác ngoài trời (thiên táng) chúng ta mới nhận ra rằng: Một đời người mà chúng ta đã thấy, từ đàn ông cho đến phụ nữ, từ giàu sang cho đến nghèo hèn, từ em bé sơ sinh cho đến bậc lão niên tóc bạc da mồi, kết cục đều là như nhau.
Bạn yêu say đắm một chàng trai hoặc một cô gái, khi nhìn thấy cảnh tượng này sẽ thấy, tình yêu kia thật nhạt nhẽo và đáng cười biết bao. Bởi vì không kể họ là đẹp hay xấu, thân phận tôn quý hay bần tiện, cuối cùng đều phải trút bỏ hết đặt ở đó.
Đời người chẳng qua chỉ như vậy mà thôi, bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu ước vọng, bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu truy cầu… đều như gió cát bay đi.
Chứng kiến khoảnh khắc tan biến của một kiếp người, hết thảy đều là những tấm thân trần trụi, nên chẳng có gì đáng để ảo tưởng. Hết thảy đều trực tiếp đặt ở trước mắt như vậy, đây chính là kết quả của một kiếp sống này.
Thật ra, tu Phật không nhất định là phải đi vào trong núi sâu rừng già, cũng không nhất định phải ngày ngày trì chú niệm kinh. Xét đến cùng thì chỉ có một trạng thái “thanh tịnh”, mang theo chánh tri kiến trong từng lời nói và hành động thì mới là tu Phật thật sự. Những lúc đối diện với các tình huống ngoại cảnh khác nhau, nếu có thể bảo trì được trạng thái hòa ái từ bi, giữ vững sự thanh tịnh trong tâm, không bị hoàn cảnh bên ngoài tác động, thì đó chính là tu hành.
Vui vẻ với nghiệp cũ, không tạo thêm nghiệp mới, đây là điều chúng ta cần làm. Tất cả đều nằm ở chuyển biến quan niệm. Giống như lời một vị sư từng nói: “Nếu như chuyện thế gian bạn cũng không thể xử lý tốt, thì nói gì đến con đường giải thoát đây?”. Ngàn lời khuyên nhủ, cuối cùng vẫn là câu nói đó: Vui vẻ với nghiệp cũ, chớ tạo thêm nghiệp mới, mọi chuyện là giải thoát, giải thoát trong kiếp này. Ý nghĩa câu trên vốn không phải là “một người có hai bộ mặt”, mà là nhân quả luân hồi: không bi luỵ vì bạn, cũng không hận bạn, càng không oán trách bạn. Chúng ta đến thế gian là cô độc một mình, khi chết cũng là một mình rời đi, cửa ải sinh tử, đều là tự thân một mình chúng ta. Thế gian này vốn không có đúng và sai, mà chỉ có nhân và quả.
Là bản thân chúng ta đã sai, bởi tâm chúng ta không thanh tịnh, bởi chúng ta không có được trí huệ, đã bị những vọng niệm điên đảo che lấp mất bản tính thuần thiện ban sơ.